Monday, March 16, 2015

Nước mắt da màu (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
11/03/2015

Nước mắt tuôn tràn là hình ảnh khổ đau, nhưng nước mắt nuốt vào còn chồng thêm uất hận lên niềm đau khổ. Giọt nước mắt trên khuôn mặt khiếp sợ của những đứa trẻ Syria không đủ sức chống lại tai ách chiến tranh làm mủi lòng người; xúc động đó gia tăng lên nhiều lần trước gắng gượng nuốt nước mắt của người đàn ông quyền lực nhất thế giới -tổng thống Barack Obama; ông khóc thầm vì chính ông cũng không đủ sức chống lại tai ách kỳ thị chủng tộc kéo dài đã 50 năm, tính từ ngày mục sư Martin Luther King hướng dẫn đoàn biểu tình vượt cầu Edmund Pettus Bridge, đến ngày mùng 7 tháng Ba 2015 - ngày ông đi đầu cuộc diễn hành cũng vượt qua cây cầu này, tại thị trấn Selma, Alabama.

Ông khóc vì niềm uất hận da mầu, và vì quyền lực tổng thống cũng không đủ mạnh để giúp ông ngăn chặn việc những người cảnh sát da trắng tiếp tục giết người da mầu.

Giọt nước mắt trên khuôn mặt khiếp sợ của những đứa trẻ không đủ sức chống lại tai ách chiến tranh ...

Trong cuộc tuần hành hôm mùng 7 tháng Ba năm nay, để nhắc lại lịch sử cuộc đấu tranh cho Nhân Quyền tại Hoa Kỳ, ông ôm dân biểu John Lewis vào vòng tay, ôm mối uất hận da mầu dài 50 năm vào cho riêng ông; rồi ông nghẹn ngào nói, “Không cần đọc, chúng ta vẫn biết bản tường trình Ferguson là không đúng; chúng ta chỉ cần chống mắt, lắng tai và mở rộng xúc cảm là đủ để nhận thức được nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn đè nặng trên dân tộc chúng ta; và để hiểu cuộc tuần hành 50 năm trước vẫn chưa chấm dứt, cuộc đấu tranh đòi bình đẳng sắc tộc vẫn chưa thắng lợi.”

Tổng thống Obama nhìn nhận sự thật đau lòng đó, rồi dẫn đầu đoàn 40,000 người tuần hành -đa số là người Mỹ Đen - vượt cầu để tưởng niệm “Ngày Chủ Nhật Tắm Máu” 50 năm trước. Đi bên ông là dân biểu John Lewis, người đã bị cảnh sát da trắng đánh trọng thương trong cuộc tuần hành ngày Chúa Nhật mùng 7 tháng Ba 1965, do mục sư Martin Luther King, Jr. tổ chức.

Ngoại trừ dân biểu Lewis, và những người trên 60 tuổi, đa số người biểu tình không nhớ đến mục sư James Reeb, và anh Jimmie Lee Jackson, 2 người bị cảnh sát bắn chết trong cuộc diễn hành 1965, mà chỉ nhớ đến anh thanh niên da đen Michael Brown vừa bị anh cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết tại Ferguson.

Một thanh niên Ferguson -anh Dontey Carter- đến Alabama để tham dự cuộc tuần hành Selma; anh tâm sự với mọi người, “tôi thấy phải tham dự cuộc tuần hành quan trọng này. Nhiều người Mỹ Đen khác ở gần hơn hay xa hơn Ferguson cũng đổ về Selma. Nhiều người có mặt bên lề đường từ mờ sáng để giữ chỗ đi đầu trong cuộc tuần hành hồi niệm.

Gia đình tổng thống Obama và dân biểu Lewis dẫn đầu cuộc diễn hành; cảnh sát không dàn chào, không dùng gậy và súng đàn áp người diễn hành như 50 năm trước; nhưng cuộc diễn hành không đổ máu năm nay sẽ không đạt được kết quả như cuộc diễn hành tắm máu 50 năm trước, vì năm đó chỉ 10 ngày sau cuộc diễn hành Selma, 2 nghị sĩ Mike Mansfield và Everett Dirksen đệ nạp dự luật ấn định quyền bầu cử (Voting Rights Act of 1965) cho phép người Mỹ Đen được đi bầu như người Mỹ Trắng, và 5 tháng sau tổng thống Lyndon B. Johnson ký sắc lệnh ban hành đạo luật này.

Lần này chỉ một ngày sau cuộc diễn hành cảnh sát viên Matt Kenny, 45 tuổi, với 12 năm thâm niên công vụ tại Madison, tiểu bang Wisconsin đã lại nổ súng bắn chết anh Mỹ Đen Tony Robinson; chuyện xẩy ra hôm 3/8, người Mỹ Đen lại xuống đường với biểu ngữ “Mạng Sống Người Da Đen Cũng Đáng Quý”.

Cảnh sát trưởng Madison -ông Mike Koval- xác nhận chính Kenny là người bắn chết Robinson; ông còn cho biết năm 2007, Kenny cũng đã bắn chết một người khác nhưng không bị truy tố.

Thái độ kỳ thị chủng tộc không chỉ giới hạn trong những liên hệ giữa cảnh sát và người Mỹ Đen, mà đang lan rộng qua sinh hoạt đại học.

Hôm Chúa Nhật 3/8 một đoạn video ngắn được post lên mạng YouTube chiếu cảnh một nhóm sinh viên Mỹ Trắng của trường University of Oklahoma cùng hợp ca bài hát nhi đồng “If you're happy and you know it, clap your hands.” (Nếu em hạnh phúc, và biết mình đang hạnh phúc, thì vỗ tay nào), nhưng bài hát được đổi lời lại là “There will never be a nigger SAE. There will never be a nigger SAE . You can hang him from a tree, but he will never sign with me. There will never be a nigger SAE.” (Sẽ không thằng đen nào được là hội viên của tổ chức SAE (Sigma Alpha Epsilon). Sẽ không thằng đen nào được là hội viên của tổ chức SAE. Đem treo cổ nó lên cây, đừng cho nó ký chung hội với tôi. Sẽ không thằng đen nào được là hội viên của tổ chức SAE).

University of Oklahoma (UO) đã phản ứng rất mạnh; chủ tịch viện đại học này, ông David Boren, ra lệnh giải tán tổ chức SAE, và kỳ hạn cho mọi người phải thu dọn đồ đạc riêng tư trước nửa đêm thứ Hai 3/9. Ban giám đốc viện đại học đang cân nhắc những biện pháp kỷ luật cần thiết để trừng phạt những sinh viên đóng, quay phim, và phổ biến clip video này trên mạng, vì tính chất của băng video kỳ thị này là để phản ứng lại cuộc diễn hành Selma, kỷ niệm 50 năm cuộc đấu tranh Nhân Quyền.

Ngày thứ Ba 3/10 UO đuổi họ 2 sinh viên, trong lúc gia đình 1 sinh viên khác -ông bà Brody và Susan Pettit- viết thư xin lỗi vì con họ, sinh viên Levi Pettit đã liên hệ đến cuốn video kỳ thị người Mỹ Đen.

Chống vị tổng thống Mỹ Đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ còn là thái độ được 47 nghị sĩ Cộng Hòa viết thành thư ngỏ, gửi chính phủ Iran.

Tác giả lá thư ngỏ là nghị sĩ Cộng Hòa Tom Cotton, bang Arkansas, lá thư mang chữ ký của ông và 46 nghị sĩ Cộng Hòa khác nữa cảnh cáo chính phủ Iran là dù họ có ký thỏa ước với chính phủ Obama thì thỏa ước cũng gặp nhiều khó khăn tại Thượng Viện, và sẽ bị hủy bỏ vào đầu năm 2017, khi tổng thống Obama mãn nhiệm kỳ.

Trả lời truyền thông về lá thư ngỏ, ông Obama nói, “Chuyện nực cười là quý vị nghị sĩ này có cùng một thái độ chống đối thỏa ước như các chính khách cực đoan bên Iran đang chống; việc đồng quan điểm đó là việc ít khi xẩy ra. Tuy nhiên câu hỏi quan trọng trong giai đoạn hiện tại là liệu Hoa Kỳ có ký thỏa ước giới hạn nguyên tử với Iran được không; nếu ký được, tôi sẽ trình bày ngọn ngành với công chúng Hoa Kỳ, và tôi tin là Hành Pháp có khả năng thực hiện thỏa ước.”

Nữ phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, bà Jen Psaki, nhận định lá thư ngỏ chỉ khoa trương những quyền lực không nằm trong thẩm quyền của Quốc Hội, vì thỏa ước ký với Iran -nếu có - cũng không phải là một hiệp ước cần được Quốc Hội phê chuẩn.

Giáo sư luật Larry Sabato, viện đại học University of Virginia, nhận định lá thư ngỏ của 47 nghị sĩ Cộng Hòa là rất kỳ lạ và chưa bao giờ thấy trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông nói, “Họ không ý thức được đảng viên Cộng Hòa mới chỉ là đa số, chứ chưa đạt đến mức đa số tuyệt đối để kiểm soát bất cứ viện nào trong 2 viện Quốc Hội. Dĩ nhiên họ có quyền viết lá thư ngỏ đó, nhưng vấn đề là lá thư có gì hay ho không."

Tổng thống Obama trách cứ thái đô kỳ thị Trắng Đen, và thái độ chống đối giữa 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ làm giảm hiệu năng mọi nỗ lực của chính phủ để phục vụ quần chúng. Hôm thứ Ba mùng 10 tháng Ba ông ký sắc lệnh giảm nợ cho sinh viên tốt nghiệp vay tiền của chính phủ trong thời gian đại học.

Ông nói 40 triệu sinh viên Mỹ hiện còn theo học hay đã tốt nghiệp sẽ được nhẹ bớt chút đỉnh trong gánh nợ học, vì quyền hạn của ông chỉ đến đó thôi; nếu ông trình qua Quốc Hội để sắc lệnh của ông trở thành luật, thì mức giảm nợ sẽ lớn hơn, lâu dài hơn. Nhưng ông không trình vì biết là Quốc Hội sẽ bác bỏ.

Những va chạm trắng, đen, và Cộng Hòa-Dân Chủ đã khua động đủ mạnh để đánh thức cử tri da đen, da mầu và cử tri nghèo hay chưa? Nếu chưa thì kế hoạch của anh em nhà tỉ phú Koch thu tóm toàn thể 2 ngành Hành Pháp và Lập Pháp vào tay đảng Cộng Hòa sẽ thành hình, vì họ Koch nhận trả giá đến 900 triệu mỹ kim để thắng trong cuộc bầu cử 2016.

Nguyễn đạt Thịnh





No comments: