Wednesday, March 18, 2015

Nguyễn Đức Chung liệu có vẫn là Nguyễn Đức Nhanh? (J.B Nguyễn Hữu Vinh)





Wed, 03/18/2015 - 06:47 — nguyenhuuvinh

Theo dõi những diễn biến sau cuộc tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma ngày 14/3 vừa qua tại bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, người ta thấy có những điều mới lạ.

Đó là việc ông Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội tuyên bố rằng, đám mặc áo đỏ phá phách buổi tưởng niệm, xấc xược với tiền nhân, hỗn láo cả với những người lớn tuổi bằng cờ búa liềm và hát rống lên "Như có bác hồ trong ngày vui đại thắng" đó " không phải do tổ chức của công an thành phố, cũng không phải của Thành ủy hay Ban tuyên giáo Thành ủy..." và CATPHN đang xác minh. Thậm chí, ông còn xác nhận rằng, những người đến đặt hoa tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma đó là những người dân yêu nước.
Những lời này của Giám đốc Công an TP Hà Nội lần nữa lại làm dậy sóng cư dân mạng, nhất là các mạng xã hội.

Sở dĩ như vậy, bởi vì nó "lạ".

Cần phải nói ngay rằng, có lẽ lần này ông Nguyễn Đức Chung đã đến tận nơi cuộc gặp mặt tưởng niệm, nên cách xử sự của Công an Hà Nội có nhiều điểm khác nhau vào đoạn cuối. Trong bài viết tường thuật cuộc tưởng niệm, tôi đã cho rằng đó là "một kết thúc có hậu".
Phải chăng, có được điều đó, bắt nguồn tự sự có mặt của ông Nguyễn Đức Chung tại chỗ chứ không ngồi nghe qua các báo cáo của đám an ninh rằng thì là đây là bọn phản động, chống phá, gây rối hoặc thậm chí là "nhận tiền nước ngoài" như Đài PT-THHN và nhiều báo chí đã vu cáo họ?

Phải chăng, lời một viên an ninh nói với tôi rằng: "Nhận thức là một quá trình" là có cơ sở và ông Nguyễn Đức Chung đã nhìn nhận lại vấn đề theo cách thực tế hơn?

Chúng là ai?

Trước hết, cần phải nói ngay rằng đám thanh niên cuồng ngông đó không phải mới xuất hiện gần đây hay một vài lần. Đã có một quá trình quậy phá, đánh người, cướp giật, hô hào dùng mắm tôm và vật bẩn, gây sự, khiêu khích những người yêu nước trong các cuộc biểu tình chống ngoại xâm, trong các cuộc tưởng niệm đến các hương hồn đã hy sinh vì Tổ Quốc. (Ảnh: "Như có bác hồ trong ngày vui đại thắng").

Người ta không lạ gì một Trần Nhật Quang biệt hiệu "Quang lùn", một "quái nhân dị dạng" gần 60 tuổi không vợ con, với những lời lẽ ngây ngô như con vẹt và nhận thức thảm hại đến mức hài hước. Chỉ cần nghe một đoạn lão nói về Bắc Triều tiên thì đủ biết nhận thức của lão đến đâu: Rằng thì là Bắc Triều tiên là một xã hội không có người bóc lột người, không có cách biệt giàu nghèo - Chắc lão muốn nói là tất cả đều nghèo đói như nhau? Rằng đó là xã hội không có thất học, không có thất nghiệp - chắc lão muốn nói rằng chỉ có nhiều người dài hạn chưa có việc làm mà thôi? Rằng thì là xã hội đó không có vô gia cư, không có người chờ chết vì không có tiền chữa bệnh - Chắc lão muốn nói rằng không phải như ở Việt Nam hiện nay chăng?

Lão vô tư nói như một đứa ngáo đá với những lời lẽ, nhận thức của những năm 60 thế kỷ trước. Lão tụ tập những sinh viên, thanh niên không chịu nhận thức về cuộc sống thực tế, mở miệng chỉ nói những lời ngông cuồng và nhất là ảo tưởng, huyễn hoặc coi thường bất cứ ai. (Ảnh: Trần Nhật Quang trong một lần phá đám cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược)

Đó là những đứa con gái sớm có con ngoài giá thú bởi ăn chơi quá đà, nay phải nương nhờ vào cờ đỏ để sống nuôi con. Đó là những đứa hành động với tiền lương mỗi tháng "3 củ" sẵn sàng đánh đập người yêu nước, vẩy mắm tôm, đẩy xuống hồ. Chúng kêu gọi bạo lực xã hội hết sức công khai.

Đám ấy, không kể người già, trẻ, lớn, bé... từ vị giáo sư cho đến ông Tiến sĩ, từ những người bằng tuổi ông, tuổi cụ chúng vẫn cứ xưng hô bằng những hỗn danh mất dạy. Chúng đánh, cướp với bất cứ ai khi chúng muốn dù đó là người lớn tuổi hơn cả bố mẹ, ông bà... chúng cũng sẵn sàng làm băng hoại đạo đức xã hội.

Và đám ấy ngang nhiên hành động bất chấp luật pháp dưới sự bảo kê của đám quân của ông Nguyễn Đức Chung. Có thể khẳng định điều này, bởi không ai lạ gì những nhân viên an ninh chỉ đạo chúng một cách công khai, ngay trong cuộc tưởng niệm vừa qua. Bao che cho chúng hành động để lấy cớ đàn áp bắt giữ người yêu nước ngay trong khi đông đúc.

Chúng thuộc về ai?

Ai cũng thừa biết rằng: Nếu không có đám an ninh, công an bảo kê, thì bố bảo, chúng cũng không dám có những hành động cướp phá mất dạy như vậy trước một cộng đồng những người yêu nước mà họ biết rất rõ rằng họ được luật pháp bảo vệ quyền tự vệ chính đáng.
Và điều này, thì chắc ông Nguyễn Đức Chung rất rõ ngay trong cuộc tưởng niệm hôm vừa rồi. Thiết nghĩ đám đó là ai, chắc ông không còn lạ. Thậm chí, nghe nói mới đây ông Chung còn thưởng cho một trong những đứa thuộc đám ấy nữa kia mà.

Thế nhưng, giờ thì ông Chung vẫn chưa biết và cần điều tra, xác minh.

Vậy thì, khi buộc phải xác minh, điều tra, ông Chung cần phải điều tra rõ: Đám ấy lấy tiền của ai để trả lương cho nhau "tháng 3 củ" - 3 triệu - một cách công khai. Thậm chí còn ngang nhiên thành lập hội hè với cái tên "Cộng đồng 3 củ". Vậy có quyết định thành lập nào từ các cơ quan chức năng hay cũng là "tự phát" được công nhận? Hẳn nhiên là tiền thì không thể tự phát được, phải có nguồn.

Trên báo chí nhà nước, TV thường lên án việc "nhận tiền nước ngoài" coi như một hành động phạm tội. Vậy thì ở đây, đám này thường xuyên xuất hiện, thậm thụt với đám Việt kiểu giả cầy từ Mỹ về như Nguyễn Phương Hùng, Nguyễn Ngọc Lập - là những kẻ mà cộng đồng "khúc ruột ngàn dặm của đảng" đã tẩy chay vì thói phản trắc. Mà trên đời này, không điều gì đáng ghê tởm và cảnh giác hơn là thói phản trắc. Người ta thấy Nguyễn Ngọc Lập vừa khóc mếu máo lên án tội ác cộng sản hôm qua, thì hôm nay lại thấy hắn ta nước mắt nước mũi giàn dụa vì "tại sao bây giờ mới về quê hương" tại sao giờ mới hợp tác với cộng sản.

Theo lẽ đời, đó là những hành động đáng tởm và nhân cách của những người có hành động như vậy là đáng khinh. Biết đâu ngay ngày mai, "thế lực thù địch" cho ăn ngon hơn, chúng lại phản, lại trở cờ.

Và cũng biết đâu, những hành động cố tình đưa cờ đảng búa liềm, gào lên "như có bác hồ trong ngày vui đại thắng" để tưởng niệm các liệt sĩ bị giết và đất nước mất biển đảo nhằm trát cứt vào mặt đảng, lại có ý nghĩa riêng với chúng hoặc nằm trong một ý đồ đạo diễn nào đó? (Ảnh: Nguyễn Ngọc Lập, cựu thiếu úy VNCH lại đang mếu máo, khóc lóc ăn năn với những giọt nước mắt của kịch sĩ)

Vết xe cũ hay hy vọng mới?

Nghe ông Nguyễn Đức Chung gọi những người đến tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma là những người yêu nước, tôi rưng rưng xúc động. Có lẽ đây là những lần hiếm hoi được quan chức nhà nước, nhất là lại ngành công an gọi họ đúng với cái tên ấy.

Nhưng, chợt giật mình nhớ lại. Trước đây, sau khi ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội gọi những người biểu tình là người yêu nước, thì ngay sau đó, người yêu nước bị đàn áp không thương tiếc. Họ bị đánh đập, bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, bị theo dõi, ngăn chặn... Hóa ra, hoặc là ông Nhanh nói đểu, hoặc ông ấy quyết tâm đàn áp người yêu nước. Đến bây giờ vẫn chưa phân biệt được là vế nào đúng.

Cũng giật mình nhớ lại,  khi những người biểu tình được báo chí nhà nước ưu tiên gán cho đủ mọi thứ biệt danh xấu xa như là gây rối, phản động chống  phá... đến khi nhà nước bật đèn xanh cho một cuộc biểu tình xảy ra ngày11/5/2014 sau khi Tàu đưa giàn khoan khủng vào thềm nhà mình để khoan, thì cũng những gương mặt ấy được lên báo chí với tên là "nhân dân yêu nước". Rồi chỉ mấy ngày sau, những người yêu nước đó bị đám quân của ông Chung đàn áp, ngăn chặn tất, không cho đứa nào yêu nước nữa.

Và nói đâu xa xôi, ngay cuộc tưởng niệm 14/3 vừa qua, những người yêu nước đó đã được báo chí Việt Nam đưa lên là "chống phá".

Chẳng biết đường nào mà lần, chỗ nào mà đi, người nào mà tin. Thế nên, ngoài đời, người dân có câu ngạn ngữ: "miệng lưỡi cộng sản" thì chắc cũng không ngoa lắm.

Kể từ khi ông Nguyễn Đức Chung lên thay Nguyễn Đức Nhanh làm Giám đốc Công an Hà Nội, người ta thấy có những điểm khác biệt. Đó là Nguyễn Đức Chung có vẻ lăn lộn hơn, chịu đi để nhìn hơn. Tôi thấy ông có mặt ở nhiều nơi như đám tang ông Tùng bị công an đánh chết, ở vụ xử 8 nạn nhân là giáo dân Thái Hà... Thậm chí nghe đâu cách xử lý vấn đề cũng mềm mại hơn và dễ chịu hơn.

Đấy cũng chỉ là tin đồn. (Ảnh: Một nhân viên an ninh đang trao đổi với đám phá bỉnh tưởng niệm Gạc Ma)

Thực tế, thì vẫn chưa thấy xã hội nói chung và Hà Nội thay đổi được là bao. Những tiếng kêu về các vấn nạn ngay trong ngành công an của ông cũng chưa được cải thiện là mấy. Cảnh sát giao thông vẫn cứ chặn đường và người dân kêu ca trên các diễn đàn là bị trấn lột.
Những đội 141, tàn dư của thời Nguyễn Đức Nhanh để lại vẫn lộng hành chặn xe, lục soát người bất kể quy định pháp luật ra sao... Tất cả vẫn chưa biến chuyển.

Những điều đó có quá khó để ông Chung thể hiện sự khác biệt, nghiêm minh của mình hay không? Chắc là không quá khó nếu biết tin và dựa vào dân.
Nhưng, tiếc rằng tin và dựa vào dân là điều khó nhất đối với ngành công an nhìn đâu cũng thấy tội phạm và đầy rẫy sự nghi ngờ.

Do vậy, ở trường hợp đám cô hồn này, liệu Nguyễn Đức Chung có lại là một Nguyễn Đức Nhanh?

Thời gian sẽ trả lời câu hỏi đó nhanh thôi.

Hà Nội, ngày 18/3/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh









No comments: