Saturday, March 7, 2015

Nạn đói nhân tạo ở Ukraine và tội ác diệt chủng của Stalin (Nguyễn Thị Từ Huy)





Fri, 03/06/2015 - 23:37 — nguyenthituhuy

Vào thời điểm Stalin chết, ở Việt Nam có vô số sáng tác khóc thương và xiển dương nhân vật này do các văn nhân thi sĩ cộng sản chủ nghĩa viết, trong số đó nhiều câu đã trở thành “bất hủ”, vì chúng điển hình cho loại hình văn học nô dịch, điển hình cho mức độ tụng ca và dối trá thượng thặng, đặc sản của chế độ toàn trị, một hình thái chính trị chưa từng có trong lịch sử trước thế kỷ XX. Người ta vẫn sẽ còn nhắc đến những câu như: “Yêu biết mấy nghe con tập nói / Tiếng đầu lòng con gọi Stalin” (Tố Hữu). “Đồng chí Stalin đã mất / Thế giới không cha nặng tiếng thở dài” (Chế Lan Viên)

Tôi muốn dùng đoạn thơ dưới đây của Xuân Diệu trong bài “Thương tiếc Đại nguyên soái Stalin”, câu thơ in đậm là do tôi nhấn mạnh, để dẫn vào một chủ đề mà tôi sẽ trình bày trong bài này:

Từ bao lâu yêu Người tận tủy xương
Tiếng khóc đây là tất cả can trường

Thấy Người thật là bát cơm miếng bánh
Người gắn với chúng con trong vận mệnh (Xuân Diệu)

Mấy chữ “bát cơm miếng bánh”, mà Xuân Diệu sử dụng như một thủ pháp để nhằm ca ngợi Stalin đem lại cuộc sống no ấm cho người dân, mới thật là một sự mỉa mai đối với sự thật: Stalin bị nhân loại kết án phạm tội diệt chủng, là kẻ đã gây ra cái chết của mấy triệu người dân Ukraine trong một nạn đói được gọi là “nạn đói nhân tạo”, nạn đói được tổ chức, nghĩa là nạn đói do Stalin cố tình tạo ra, trong khoảng thời gian 1932-1933. Theo ước tính của các sử gia, có khoảng từ 2.6 đến 5 triệu người đã bị buộc phải chết trong cuộc đại thảm sát đó, họ bị buộc phải chết đói.

Vì thế, cho dù khái niệm “toàn trị” gây tranh cãi trong giới nghiên cứu khoa học xã hội, nhưng về cơ bản người ta thống nhất trong nhận định rằng Stalin và Hitler là hai lãnh tụ toàn trị, hai kẻ gây nên tội ác diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, và những tội ác của hai lãnh tụ toàn trị này được thực hiện gần như trong cùng một thời điểm, thời điểm đại chiến thế giới lần thứ hai.

Hai tác giả Borys Martchenko và Okexa Woropay, trong cuốn Nạn đói – Nạn diệt chủng ở Ukraine 1932-1933 (La famine – Génocide en Ukraine 1932-1933, Publications de l’Est européen, Paris, 1983), đã mô tả cách thức tổ chức nạn đói. Họ cho biết rằng từ năm 1930, Stalin đã hoàn tất việc tập thể hóa toàn bộ tài sản nông nghiệp của nông dân ở Ukraine, toàn bộ nền xuất bản độc lập bị hủy bỏ, nhiều triệu người bị bắt trên khắp Ukraine.

Đầu 1932, chính phủ Stalin đề ra mức khổng lồ về lương thực phải giao nộp cho chính phủ, vượt quá mức thu hoạch của nông dân trong thực tế. Mùa đông 1931-1932, chính phủ trưng thu toàn bộ ngũ cốc cũng như những sản phẩm khác. Và như vậy, dĩ nhiên, người dân không còn gì để ăn. Từ mùa xuân năm 1932, nạn đói bắt đầu lan rộng, và đến hè số người chết càng ngày càng tăng lên.

Mùa thu năm đó, chính phủ ra một đạo luật nhằm cấm những người dân đói không được sử dụng ngũ cốc. Nghĩa là nạn đói được luật hóa một cách chính thức, người dân sẽ phải chết cho đúng luật. Tôi trích một đoạn trong cuốn sách của Borys Martchenko và Okexa Woropay:

“Một cuốn sách xuất bản chính thức viết về đạo luật này như sau: “Luật về bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, ban hành ngày 7 tháng 8 năm 1932, đã góp phần rất lớn trong việc củng cố chế độ nông trường tập thể. Theo quy định của luật này, các tài sản của nông trường tập thể được xếp vào hàng tài sản của Nhà nước. Tài sản của nông trường tập thể, cũng như tài sản của Nhà nước, không ai được phép xâm phạm’”( La famine – Génocide en Ukraine 1932-1933, tr.27)

Và để bảo vệ “tài sản nhà nước”, những đội quân canh gác có trang bị vũ khí được thành lập, họ bắn chết không thương xót bất kỳ ai dám “ăn trộm” lương thực do mình làm ra nhưng mình lại không có quyền sở hữu. Nếu trẻ con ăn trộm thì bố mẹ sẽ bị kết tội. Quả là luật pháp của Stalin không để một kẽ hở nào cho người dân Ukraine được sống. Stalin đã giết người “theo quy định của luật pháp”.

Các tác giả của cuốn sách cho biết, chính phủ Stalin biết rằng cả nông dân lẫn chính quyền địa phương sẽ không giao nộp lương thực trong khi mà nhân dân đang chết đói, vì thế đã sử dụng biện pháp trưng thu cưỡng chế để thực hiện theo đúng chỉ tiêu kế hoạch mà nhà nước đề ra. Bất chấp việc lãnh đạo địa phương yêu cầu Moscou giảm kế hoạch, những đội trưng thu cưỡng chế được Nhà nước cử đến vét sạch tất cả.

“Một nhân chứng của vụ án Kravtchenko kể lại: “Năm 1932, chế độ Xô-viết ra lệnh cho tất cả các nông dân phải giao nộp đến tận hạt lúa mì cuối cùng [ở đây có cái gì giống với khẩu hiệu của Đức quốc xã về việc tiêu diệt dân Do Thái cho đến tận người cuối cùng, về cơ bản đấy đều là những cách thức hủy diệt con người –NTTH]. Sau khi nông dân đã giao hết lúa mì, những người cộng sản và bọn kẻ trộm vào trong làng, lấy đi tất cả những gì còn lại, dưa bắp cải, mỡ lá, và tiêu hủy hết. Họ đã tạo ra một nạn đói nhân tạo trong những năm 1932-1933” (La famine – Génocide en Ukraine 1932-1933, tr.27)

Dĩ nhiên, những người nông dân tìm cách trốn khỏi Ukraine để tự cứu mình. Nhưng chính phủ cho dựng các rào chắn khắp nơi và đuổi nông dân quay trở lại làng, nơi họ không còn gì để ăn. Những làng đói hoàn toàn bị cô lập, không y tế, không giáo dục, trẻ em không có trường học, người ốm không được chăm sóc. Hàng triệu người đã bị bỏ đói cho đến chết.
Tôi chỉ giới thiệu lại một vài chi tiết về việc Stalin đã giết người, giết hàng loạt, bằng cách bỏ đói.

Và giết nông dân chỉ là một giai đoạn trong tiến trình xây dựng quyền lực toàn trị của Stalin. Ông ta còn tiến hành nhiều cuộc thanh trừng với số lượng lớn, giết công nhân, viên chức, một nửa số nhân viên hành chính trong các lĩnh vực khác nhau bị giết, 50% đảng viên của đảng cộng sản bị thanh trừng.

Stalin, con người với tội ác chồng chất khiến cả nhân loại phải kinh hoàng, lại được ca tụng hết lời và được yêu thương tột bậc bởi các thi sĩ mà chế độ Việt Nam đương thời xếp hàng đầu:

Từ bao lâu yêu Người tận tủy xương
Tiếng khóc đây là tất cả can trường
Thấy Người thật là bát cơm miếng bánh
Người gắn với chúng con trong vận mệnh
(Xuân Diệu)

Chữ nghĩa là gì, đối với những người làm văn chương và những người viết nói chung?

Paris, 7/3/2015
Nguyễn Thị Từ Huy








No comments: