Friday, March 6, 2015

Khi Hoa Kỳ Tăng Lãi Suất (Việt Long & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA)





Việt Long & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2015-03-04

Trong 34 nền kinh tế giàu nhất thế giới của nhóm OECD, Hoa Kỳ dẫn đầu với đà tăng trưởng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Do đó, lãi suất ngắn hạn tại Mỹ do Ngân hàng Trung ương quyết định không thể nằm mãi gần số không kể từ năm 2008. Nội năm nay, lãi suất đó sẽ tăng và khi ấy, điều gì sẽ xảy ra cho các nền kinh tế khác? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vụ này với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Hậu quả cho các nền kinh tế khác?

Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ vụ Tổng suy trầm vào hai năm 2008-2009, Hoa Kỳ đã hạ lãi suất tới gần số không và bơm ra mấy ngàn tỷ đô la để kích thích kinh tế. Bây giờ, kinh tế của Mỹ đã hồi phục, với thất nghiệp giảm tới 5,7% cùng đà tăng trưởng mấp mé 3%, là thuộc loại khả quan nhất trong khối công nghiệp hóa. Vào Tháng Năm năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ thời đó là Giáo sư Ben Bernanke đã thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ giảm dần để chấm dứt biện pháp bơm tiền và sẽ có lúc điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Lời phát biểu ấy đã gây chấn động cho các thị trường tài chính thế giới vì ảnh hưởng rất lớn của kinh tế Hoa Kỳ. Gần hai năm sau là ngày nay, người ta chờ đợi việc Hoa Kỳ có thể tăng lãi suất. Nếu điều ấy xảy ra, hậu quả sẽ là gì cho các nền kinh tế khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như mọi khi, tôi xin khởi đầu bằng cách nhắc lại bối cảnh của vấn đề.

- Thứ nhất, vì nhiều sai lầm về chính sách gia cư khi giải tỏa điều kiện mua nhà cho dễ dàng hơn, Hoa Kỳ đã gây ra nạn bong bóng đầu cơ trên thị trường địa ốc làm giá nhà tăng vọt. Khi bóng bể vào năm 2007 thì nhiều doanh nghiệp đầu tư tài chính vỡ nợ và gây hốt hoảng cho thị trường giữa chu kỳ suy trầm kinh tế khởi sự từ cuối năm 2007. Sau đó, biện pháp ứng phó thông thường là tăng chi đi cùng giảm thuế vẫn không kích thích được sản xuất vì phản ứng hốt hoảng dẫn tới hàng loạt quyết định kiểm soát tài chính và hành chính. Trong hoàn cảnh đó, giải pháp sau cùng vẫn thuộc về Ngân hàng Trung ương qua biện pháp cắt lãi suất tới sàn và bơm tiền từ phương pháp gọi là "quantitative easing" với một khối lượng khổng lồ là gần bốn ngàn tỷ bạc.

- Sau đó, kinh tế Mỹ ra khỏi nạn suy trầm từ Tháng Bảy năm 2009 mà chưa hồi phục và mất sáu sáu năm vất vả mới dần dần vững mạnh. Suốt sáu năm đó, lãi suất quá rẻ và tiền quá nhiều tại Hoa Kỳ đã chảy qua xứ khác để kiếm lời với đồng đô la bị mất giá. Khi kinh tế Mỹ tạm ổn định giữa khung cảnh suy yếu của các nền kinh tế công nghiệp hóa khác thì Mỹ kim bắt đầu tăng giá và tăng mạnh hơn trong năm qua. Bây giờ, với viễn ảnh gọi là "bình thường hóa", Hoa Kỳ có thể nâng lãi suất lên khỏi số không thì các nước trên thế giới đều lo ngại.

Việt Long: Câu hỏi kế tiếp của chúng tôi là ai sẽ quyết định tăng lãi suất tại Hoa Kỳ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có hai loại lãi suất. Lãi suất cho vay dài hạn thì được thả nổi cho thị trường quyết định theo các tiêu chuẩn cung cầu, phân lời trái phiếu và mức an toàn tức là khả năng đổi giấy nợ thành tiền mặt. Lãi suất ngắn hạn thì do Hội đồng Dự trữ Liên bang tức là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ quyết định. Đây là lãi suất nền hay cơ bản, là cơ sở để các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính tính cho thân chủ của mình. Khi tăng hay hạ lãi suất ấy, Ngân hàng Trung ương gián tiếp tác động vào sự tính toán về tiêu thụ hay đầu tư sản xuất tại Hoa Kỳ. Nhưng vì hoàn cảnh toàn cầu hóa của kinh tế thế giới, quyết định về lãi suất tại Mỹ cũng trực tiếp ảnh hưởng đến xứ khác.

- Chuyện thứ hai cần nói là Ngân hàng Trung ương này là định chế độc lập, có quyền quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng theo hai tiêu chuẩn là bảo đảm sự ổn định giá cả và tạo điều kiện tăng trưởng để tránh thất nghiệp. Bên trong định chế này, một Ủy ban gọi tắt là FOMC do Thống đốc cầm đầu gồm luân phiên 12 trong 17 nhân vật có nhiều kinh nghiệm kinh tế tài chính, thường họp sáu tuần một lần để quyết định về chính sách tiền tệ và lãi suất căn cứ trên thực tế. Nhiệm vụ của họ là tìm giải pháp tốt đẹp cho kinh tế Mỹ, dù hậu quả có thể là tốt hay xấu cho các nền kinh tế khác. Các thị trường đều theo dõi lời phát biểu của các nhân vật có thẩm quyền ấy và đối chiếu với tình hình thực tế để dự đoán chiều hướng sắp tới của lãi suất cơ bản, thường được gọi là "fed funds rate", và từ đó tính ra chuyện làm ăn của mình.

- Chi tiết thứ ba cũng đáng chú ý là tuần qua, tập đoàn bán lẻ Wal Mart tại Hoa Kỳ đã quyết định tăng mức lương tối thiểu vào năm nay và năm tới. Đây là doanh nghiệp có nhiều nhân công nhất thế giới và họ dự đoán tình hình tương lai sẽ cải thiện nên đã quyết định tăng lương nhân viên để giữ lại những người có khả năng. Đấy cũng là một tín hiệu của thị trường.

Việt Long: Sau phần bối cảnh, bây giờ ta trở lại chủ điểm của câu chuyện là bao giờ Hoa Kỳ có thể tăng lãi suất và hậu quả sẽ là gì cho các nền kinh tế khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì Ngân hàng Trung ương Mỹ trực tiếp tác động vào các thị trường nên giới hữu trách đều thận trọng trong lời phát biểu và biên bản các phiên họp của Ủy ban Tiền tệ FOMC chỉ được công bố cả tháng sau đó nên thị trường rất khó đoán trước và đoán trúng chiều hướng quyết định về lãi suất. Nói chung thì giới nghiên cứu chính sách và phát biểu của Ngân hàng Trung ương có một đồng thuận là trong năm nay Hoa Kỳ sẽ tăng lãi suất rất nhẹ, sớm là vào Tháng Sáu và trễ là vào Tháng Chín, với xác suất cao hơn cho kịch bản Tháng Chín.

- Nói về hậu quả hay hiệu ứng với thế giới thì ta cần nhìn vào hai chuyện. Thứ nhất là lãi suất tăng sẽ làm hối suất hay tỷ giá đồng đô la cũng tăng so với các ngoại tệ mạnh khác và điều ấy trực tiếp ảnh hưởng đến ngoại thương của các nước. Lý do là Mỹ kim lên giá sẽ làm hàng của Mỹ đắt hơn và khó cạnh tranh hơn và làm cho hàng nhập khẩu vào Mỹ trở thành rẻ và dễ bán hơn cho các nước xuất khẩu vào Mỹ. Chuyện thứ hai còn quan trọng hơn vậy. Khi lãi suất tại Mỹ tăng thì các khoản vay mượn bằng tiền Mỹ sẽ thành đắt hơn và gây vấn đề cho các nước đã vay quá nhiều tiền Mỹ khi đồng đô là còn rẻ và lãi suất tại Mỹ còn hạ.

Thủy triều rút về Hoa Kỳ

Việt Long: Thưa ông, từ những nguyên tắc kể trên mà đi vào thực tế thì tình hình sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi chú ý đến một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Bank for International Settlements, thường được coi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Theo ngân hàng BIS này, từ khi bùng nổ vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến Mỹ hạ lãi suất thì tổng số nợ của các doanh nghiệp và chính quyền ngoài Hoa Kỳ đã tăng gấp rưỡi, là 50%, để lên tới chín ngàn tỷ đô la. Người ta sở dĩ đi vay nhiều như vậy là vì tiền Mỹ quá rẻ và lãi suất tại Mỹ quá hạ nên tìm tiền Mỹ để đầu tư vào các thị trường có lãi suất cao hơn hầu kiếm lời nhờ sự sai biệt về lãi suất. Trong số này, dẫn đầu về đi vay là Trung Quốc với cả nghìn tỷ đô la.

- Ngày nay, nếu lãi suất tại Mỹ tăng, dù chỉ là 25 điểm cơ bản lúc ban đầu, tức là 0,25%, thì cũng khiến khách nợ là các doanh nghiệp hay nhà nước khác phải trả chi phí đi vay cao hơn chưa kể là trả với đồng đô la cao giá và hiếm hơn. Nếu các quốc gia này mà sẵn gặp khó khăn tài chính bên trong thì sẽ bị nguy nhất, với ảnh hưởng còn lan rộng qua xứ khác.

Việt Long: Bây giờ có lẽ thính giả của chúng ta thấy ra vì sao từ cuối năm ngoái ông cảnh báo trên diễn đàn này về nguy cơ Mỹ kim lên giá. Một cách cụ thể thì tình hình sẽ như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mặc dù nhiều người cứ nói cho vui là vụ khủng hoảng 2008 báo hiệu sự suy tàn của chủ nghĩa tư bản hay Hoa Kỳ, thực tế thì kinh tế Mỹ vẫn là thị trường ngoại thương lớn nhất cho giới xuất nhập khẩu và thị trường tài chính sâu rộng nhất cho giới đầu tư. Vì vậy, lãi suất và hối suất tại Mỹ mà tăng thì gần xa gì cũng bị ảnh hưởng. Gần thì như thị trường gia cư tại Canada, xa thì như thị trường tư bản tại Brazil, Hong Kong hay Trung Quốc. Điều chắc là hiệu ứng lan rộng, sự khác biệt nếu có là nặng hay nhẹ tùy hoàn cảnh từng nơi.

- Một cách cụ thể thì Âu Châu và Nhật Bản, là hai nền kinh tế trong nhóm công nghiệp hoá, có lợi thế khi Mỹ kim lên giá vì đồng bạc của họ, đồng Euro hay đồng Yen, sẽ thành rẻ hơn và hàng hóa dễ xuất khẩu hơn. Nhờ vậy, biện pháp tăng lãi suất tại Hoa Kỳ có hiệu ứng gọi là tích cực hay tốt đẹp hơn. Yếu tố chuyển lực từ Mỹ qua Âu qua Nhật chính là hối suất và ngoại thương.

- Ngược lại, các nền kinh tế gọi là đang lên thì sẽ khốn đốn. Theo báo cáo rất chuyên môn của Ngân hàng BIS thì xứ nào càng có sai biệt lãi suất của mình với lãi suất của Mỹ thì càng có xu hướng đi vay bằng tiền Mỹ thay vì bằng đồng nội tệ của mình để khôn ngoan kiếm lời.

Việt Long: Hồi nãy, ông có nói rằng dẫn đầu trong các nước gọi là khôn ngoan này chính là Trung Quốc với hơn một nghìn tỷ nợ bằng đô la. Bây giờ tình hình sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi lãi suất tăng tại Hoa Kỳ làm Mỹ kim thêm giá thì khách nợ sẽ tốn nhiều tiền hơn để mua đô la về thanh toán một khoản nợ cao giá hơn. Đấy là quy luật.

- Áp dụng vào trường hợp Trung Quốc - và trong chừng mực nhất định dù thấp hơn là Việt Nam - thì sự thể sẽ như thế này: Các nền kinh tế ấy đều e sợ suy trầm và giảm phát nên cố kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất của mình. Tuần qua, Trung Quốc lại hạ lãi suất, lần thứ ba trong có ba tháng. Chuyện thứ hai là nhiều bất trắc về chính trị ở tại chỗ khiến những ai có tiền đều tìm cách chuyển ngân ra ngoài, là hiện tượng ta gọi là "tẩu tán tài sản" cho dễ hiểu. Kết quả là Mỹ chưa nhúc nhích gì thì giới đầu tư ở các nơi đó đã bán các khoản nợ bằng nội tệ để mua đô la và càng gây thêm biến động cho thị trường khi họ muốn đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu của Mỹ.

- Nói vắn tắt là lượng tư bản yết giá bằng đô la trên thế giới hiện đang giảm dần và trở thành đắt hơn so với trước đây. Nếu Mỹ tăng lãi suất thì xu hướng gọi là thủy triều rút về Hoa Kỳ sẽ có đà gia tốc mạnh hơn và gây nguy cơ suy trầm kinh tế cho các nước đã đi vay quá nhiều mà vay bằng tiền Mỹ. Chúng ta rất nên theo dõi sự chuyển động đáng ngại ấy trong mấy tháng tới.

Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lời cảnh báo đã nhiều lần được đưa ra trên diễn đàn này.










No comments: