Monday, March 9, 2015

Cư Dân Gốc Việt Tại Dorchester Dẫn Đầu Dự Án Lịch Sử Người Việt Qua Lời Kể (Người Việt Boston)





Người Việt Boston
March 5, 2015 12:31 PM

Đối với Vũ Ngọc Trân, đó là chuyện cá nhân.

Năm 1992, Vũ Ngọc Trân, 26 tuổi xuất thân từ một trong những trường đại học danh tiếng, tự mô tả mình là một người tị nạn gốc Việt, rời Việt Nam với sáu người trong gia đình và di cư đến Mỹ. Cha cô là một trung úy thuộc quân đội miền Nam Việt Nam bị tù cải tạo tám năm trong một trại giam của chính quyền Cộng sản.

Tuổi trẻ của Trân liên kết giữa Southie và Dorchester, theo trung học tại trường Winsor gần Fenway và theo đại học tại Brown, ở Providence.

Hiện tại, cô Trân đang thu thập kinh nghiệm của những người nhập cư như của gia đình mình trong một dự án đầu tiên đặc biệt nhằm tập trung vào một nhóm người tị nạn lớn nhất và ít được chú ý nhất tại khu vực Boston. Cô đang nổ lực việc thu âm lại lịch sử được kể của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, và cả của các cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, để tạo ra một lịch sử được kể lại bằng lời cuộc hành trình của đời họ, và sẽ được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội.

Công việc nầy của cô là một phần chương trình của đài truyền hình công mang tên “American Experience”, nẩy sinh từ phim “Những ngày cuối ở Việt Nam”, được đề cử giải Oscar về phim tài liệu, mô tả diễn tiến sự sụp đổ của thành phố Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam, đạo diễn bởi Rory Kennedy, con gái út của thượng nghị sĩ Bobby Kennedy.

Cô Trân đã là một điều phối viên cho dự án bộ phim nầy kể từ tháng Chín năm ngoái; chương trình cần một người có kinh nghiệm tiếp cận các tổ chức cộng đồng trong tập thể người Việt ở Hoa kỳ. Và cô Trân phù hợp trong vai trò đó. WGBH dự trù sẽ chiếu phim “Những ngày cuối tại Việt Nam” vào cuối tháng Tư, và theo đó dự án lịch sử được kể lại bằng lời cũng sẽ hoàn thành.

Cô Trân sẽ đi nhiều nơi để thực hiện dự án – khởi đầu được tài trợ bởi chiến dịch Indiegogo và được đặt tên là dự án “Câu chuyện những ngày mới đến” – đến sáu thành phố có cộng đồng người Việt khá lớn: Seattle, Washington; San Jose, Westminster, California; Falls Church, Virginia; Houston, Texas và tại khu phố Dorchester của cô, nơi cô sẽ tổ chức các cuộc phỏng vấn vào giữa tháng Ba. Vùng Dorchester có trên 20,000 người Việt, chiếm khoảng một phần ba cư dân gốc Việt tại Massachusetts.

Cô nói: “Khi dự án này được đề ra tôi nghĩ rằng đây là một cách tuyệt vời để kết nối những tiếng nói từng bị hiểu lầm hoặc bị bỏ qua”. “Đối với nhiều người, thật là khó cởi mở. Vì bất cứ một người tị nạn nào cũng bị rào cản ngôn ngữ, văn hóa cách ly, và nhất là chấn thương chiến tranh”.

Cô cho biết, chương trình này, sẽ có hai người – có thể là trong những người Việt tị nạn hoặc những người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam – nói chuyện với nhau về cuộc sống trong khoảng 40 phút. Các cuộc phỏng vấn được sắp xếp qua lời mời miệng và tiếp xúc với cộng đồng. Ví dụ, trong những ngày gần đây tại San Jose, 19 cặp đã nói chuyện với nhau về kinh nghiệm Việt Nam của họ.

Các cuộc phỏng vấn diễn ra tại trung tâm cộng đồng hoặc tại các đài phát thanh địa phương. Có các câu hỏi hướng dẫn nếu các cuộc thảo luận bế tắc – Bạn rời Việt Nam bằng cách nào? Bạn đã trở lại chưa? Ít nhất một điều gì bạn muốn gia đình biết về kinh nghiệm đã trải qua?

Tại San Jose, đã có một người cha bật khóc khi ông được giải thích kinh nghiệm tị nạn cho cô con gái 12 tuổi. Có một bà dì đã nói với cô cháu gái rằng bà đã cố vượt thoát Việt Nam đến bảy lần. Trong lần cuối cùng bà thành công, nhưng lại bị lênh đênh giữa biển trên một chiếc thuyền cả hơn một tuần không có thức ăn.

Cô nói: “Chiến tranh Việt Nam đã để lại dấu ấn trên tất cả lịch sử tập thể của chúng tôi”.
Cô Trân, trước khi tham gia American Experience đã có nhiều kinh nghiệm chuyên nghiệp trong tổ chức cộng đồng, dự kiến một số cuộc phỏng vấn có thể phát sóng trên NPR Morning Edition. Âm thanh thâu cho các cuộc phỏng vấn cũng sẽ có trang web riêng.

Dự án nầy là một sự hợp tác giữa American Experience và StoryCorps, một tổ chức phi lợi nhuận cố gắng để “cung cấp cho mọi người thuộc mọi tầng lớp và niềm tin có cơ hội ghi lại, chia sẻ và lưu giữ những câu chuyện về cuộc sống của chúng ta”.

Cô nói rằng cộng đồng người Việt tị nạn cho đến nay khá kín đáo và cô hy vọng dự án sẽ giúp kể lại được những câu chuyện quan trọng luôn xứng đáng được ghi chép.

Cô nói thêm: “Thật là khó khăn hơn dự kiến khi tiếp cận các cộng đồng, việc nầy đã làm cho tôi cảm thấy rằng dự án này là rất quan trọng nhằm giúp mở đầu các cuộc đối thoại”. “Mời mọi người nói ra, thật khó khăn hơn tôi mong đợi, nhưng tôi lạc quan về ý nghĩa của dự án này đối với từng cá nhân, gia đình, cộng đồng và các thế hệ tương lai”.

Cô Trân cho biết, cô không biết toàn bộ chuyện kể tị nạn của gia đình cô. Cô hy vọng sẽ kết được cha cô cùng nói chuyện với một giáo sư già người Việt của ông khi dự án thực hiện ở Boston.

“Khi lớn lên, tôi nghe lỏm bỏm từng mẩu chuyện đây đó” Cô nói. “Nhưng tôi biết có một số khá tang thương và tôi biết nhiều chuyện không kể với tôi. Tôi chưa được nghe toàn bộ câu chuyện. “

Phỏng dịch theo www.metro.us ngày 29/1/2015.


* * *

Vào tối thứ Tư ngày 17/12/2014, chương trình VATV tại Boston đã có cuộc nói chuyện với cô Vũ Ngọc Trân, Điều phối viên của đài WGBH Boston về Dự án “Chuyện Những Ngày Đầu Mới Đến” trong chương trình American Experience.








No comments: