Tuesday, March 3, 2015

CPAC 2015: Nơi gặp gỡ của những người có thể đứng 'phó' (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
Sunday, March 01, 2015 3:14:50 PM

Cuộc vui nào rồi cũng tàn, kể cả cuộc vui mang nặng mầu sắc chính trị quy tụ cả chục ngàn người mới kết thúc hôm Thứ Bảy vừa rồi ở thủ đô Washington D.C.

Sau 4 ngày thảo luận sôi nổi và lắng nghe các chính trị gia nổi bật nhất của đảng trình bày đường hướng sẽ thực hiện nếu được tín nhiệm để trở thành người cầm chìa khóa mở cánh cửa Tòa Bạch Ốc, Đại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa kết thúc trưa Thứ Bảy vừa qua với “cuộc bỏ phiếu thử” xem ai là người sẽ được thành phần cử tri nống cốt này tín nhiệm. Đúng với dự đoán được đưa ra từ những ngày tiền đại hội, nhân vật được khối cử tri bảo thủ Cộng Hòa hài lòng nhất vẫn là Thượng Nghị Sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky, người từ năm 2013 đến giờ luôn luôn được khối bảo thủ dành cho sự quý mến, trân trọng nhất. Về nhì của “straw poll” năm nay là ông Thống Đốc Scott Walker của tiểu bang Wisconsin, chính trị gia thuộc hạng “mới nổi” trong đảng, trong khi ông Cựu Thống Đốc Jeb Bush đang được cả nước Mỹ chú ý đến lại về hạng 5.

Mặc dù nghe cả thảy 17 ông bà nói chuyện xây dựng đất nước, nhưng có lẽ hầu hết các đại biểu dự Đại Hội 2015 cũng nghĩ đến chuyện ai sẽ là người hội đủ điều kiện để đứng phó cho liên danh Cộng Hòa 2016. “Điều đó cũng dễ hiểu thôi,” ông Charlie Gerow của Hội Đồng Đại Biểu CPAC nói, “ra tranh cử thì đông nhưng chỉ có 1 người được chọn, nên các đại biểu mới nghĩ xem nếu không được chọn đại diện cho đảng, trong những vị còn lại ai có thể được mời đứng phó và những ai sẵn sàng đứng phó nếu được mời.”

Mặc dù giới sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ vẫn nhớ chuyện hồi 2008 khi ứng cử viên Barack Obama đang lập danh sách những người ông phải cân nhắc để mời đứng chung liên danh, một trong những chính trị gia Dân Chủ được nhiều người nêu tên là Thượng Nghị Sĩ James Webb của tiểu bang Virginia đưa ra lời phát biểu, đại để cho hay ông không muốn đứng phó, không muốn “cả ngày chỉ ăn mặc đẹp để đi dự đám cưới hoặc đám ma,” nhưng theo nhà bình luận Steve McNabb, “đừng phó cho một liên danh tranh cử tổng thống chính là con đường tiến thân tốt nhất.” Ông McNabb nhắc lại những chính trị gia tên tuổi như Lyndon Johnson, Richard Nixon, George Bush... “đều từng có thời phải làm phó” trước ngày trở thành tổng thống. Cũng chính từng làm phó nên các ông như Walter Mondale, Al Gore ... “mới thật sự được cử tri biết đến, được đảng chọn để ra tranh cử” dù cuối cùng không thành công. Một nhân vật khác nữa cũng được ông đưa ra là trường hợp của bà Sarah Palin, “trước đây dù làm thống đốc Alaska nhưng hầu như chẳng ai biết bà ta là ai, nhưng sau ngày được ông John McCain mời đứng chung liên danh, bà Palin một sớm một chiều trở thành nhân vật của chính trường quốc gia.”

Lần này thì sao? Trong số 17 chính trị gia đã công khai nói trước đại hội là đang tính đến chuyện ra tranh cử tổng thống, có những người đầy kinh nghiệm điều hành vì đang làm thống đốc hay đã từng làm thống đốc, có những vị dân cử với nhiều năm kinh nghiệm trong chính trường, có cả những người thành công vượt bực trong lãnh vực thương mại. Về lập trường chính trị, có người đang là “con cưng” của cánh bảo thủ Tea Party, có người tiêu biểu cho những cộng đồng thiểu số đang nắm giữ vị trí quan trọng trong chính trường “dòng chính,” cũng có người được xem là có thể giúp lấy phiếu của cử tri những tiểu bang “chưa biết sẽ đi theo cánh Dân Chủ hay sẽ ngả theo Đảng Cộng Hòa” (swing-state). Điều làm hài lòng các đại biểu dự CPAC 2015: tất cả các ứng cử viên tương lai đó không chỉ hãnh diện cho biết họ là người bảo thủ mà còn cam kết sẽ đi theo lập trường bảo thủ.

Tin hành lang bên lề đại hội cho hay trong những phiên họp kín có sự tham dự của cả hàng trăm người hoặc trong những cuộc gặp mặt bỏ túi chỉ có chừng chục người, các đại biểu bảo thủ Cộng Hòa nghĩ rằng bà Carly Fiorina (cựu chủ tịch Điều Hành đại công ty Hewlett Packard) và ông Thống Đốc Bobby Jindal của tiểu bang Louisiana dẫn đầu danh sách có triển vọng được mời đứng phó và sẵn lòng đứng phó. Ngoài bà Fiorina còn có 2 bà Thống Đốc Susana Martinez của New Mexico và bà Thống Đốc Nikki Haley của South Carolina cũng được nhắc tới, cùng lúc với 2 ông Thống Đốc John Kasich (Ohio) và Rick Snyder (Michigan) đứng đầu bảng những chính trị gia có thể giúp lấy phiếu ở những tiểu bang “chưa biết sẽ ngả theo ai.” Khi được hỏi về danh sách này, một đại biểu của Virginia vừa cười vừa bảo “tụi tôi đồng ý với nhau là những người như bà Fiorina tự biết rất khó được đảng chọn, nhưng vẫn ra tranh cử để chiếm ghế số 2, hoặc ít nhất cũng được mời tham gia chính phủ” nếu Đảng Cộng Hòa chiếm được Tòa Bạch Ốc vào năm tới (tương tự như trường hợp bà Hillary Clinton không được ông Obama chọn đứng phó nhưng được mời giữ chức ngoại trưởng), trong khi “những ông như Rand Paul, Ted Cruz, Mike Huckabee hoặc ông Rick Santorum dù có được mời cũng khéo léo từ chối, không nhận lời.”

Đừng quên tất cả những điều nêu trên đều là phỏng đoán, vì vẫn còn ít nhất cả năm nữa mời biết ai là người sẽ được Đảng Cộng Hòa ủng hộ ra tranh cử, và người được chọn thấy người đứng phó cho liên danh sẽ giúp được những gì để có thể chiến thắng. Lịch sử bầu cử cho thấy từng có lúc người đứng phó “được chọn để cân bằng địa lý chính trị” (chẳng hạn như ông chánh quê ở miền Bắc, ông phó phải là người quê ở miền Nam hoặc Trung Tây), nhưng theo nhà quan sát Matt Connors, trong thời gian gần đây người đứng phó được chọn “để bổ sung vào những khoảng trống về hiểu biết của người dẫn liên danh.” Thí dụ như ông George W. Bush chọn ông Dick Cheney đứng cùng liên danh vì bị chê trách không biết nhiều về lãnh vực quốc phòng, ông Obama chọn ông Joseph Biden vì bị chê bai là người thiếu kinh nghiệm ngoại giao. Ông Mitt Romney cũng là một thí dụ nên nói tới: 2 năm trước đây ông Romney liên tục bị giới bảo thủ Cộng Hòa nêu thắc mắc về chuyện làm sao có thể cân bằng ngân sách, ông bèn chọn ông Ryan Paul là người chủ trương phải cắt giảm chi tiêu để giảm bớt nợ nần.

Lần này thì sao?






No comments: