Friday, March 6, 2015

Chuyển Đổi và Củng Cố Dân Chủ ở Đài Loan (Shelley Rigger)





Shelley Rigger
Nguyễn Quang A dịch
06/03/2015

Bài báo chuẩn bị cho Hội thảo Tương lai của Đài Loan trong Thế kỷ Á châu: Tiến tới một Nền dân chủ Mạnh, Thịnh vượng và Lâu bền (Taiwan’s Future in the Asian Century: Toward a Strong, Prosperous and Enduring Democracy)
American Enterprise Institute, Washington, DC November 10, 2011

Shelley Rigger (shrigger@davidson.edu) là giáo sư Brown và giáo sư khoa học chính trị tại Trường Davidson và tác giả của Why Taiwan Matters: Small Island, Global Powerhouse (Rowman and Littlefield, 2011).

Tóm tắt

Chuyển đổi dân chủ của Đài Loan đã bắt đầu với những cải cách chập chững trong cuối các năm 1970, được tăng tốc suốt các năm 1980, và đạt đỉnh điểm với cuộc bầu cử trực tiếp tổng thống trong năm 1996. Trong mười sáu năm kể từ sự kiện bước ngoặt đó, nền dân chủ Đài Loan đã chuyển theo hướng củng cố, nhưng nhịp độ của sự tiến lên của nó đã chậm lại. Mặc dù Đài Loan không cho thấy dấu hiệu nào của sự quay lại chế độ độc đoán của quá khứ, việc thể chế hóa những lợi lộc đạt được trong thời gian chuyển đổi đã không luôn luôn dễ. Và nếu sự trượt ngược chắc là không có, không phải không thể hình dung được rằng Đài Loan có thể bị lôi kéo vào một hình thức mới của hoạt động chính trị phi dân chủ được Bắc Kinh áp đặt. Đài Loan và bạn bè của nó phải tiếp tục hăng hái bảo vệ hệ thống chính trị của nó để Đài Loan đừng mất khả năng chống lại những áp lực đe dọa nền dân chủ của nó.

Dân chủ hóa và sự Củng cố

Các nhà khoa học chính trị nghiên cứu dân chủ hóa thường phân biệt hai pha trong quá trình dân chủ hóa: chuyển đổi và củng cố. Một chuyển đổi dân chủ xảy ra khi một nước thay các định chế độc đoán bằng các định chế dân chủ. Không luôn dễ để xác định một cách không mơ hồ khi nào vượt qua ngưỡng đó, nhưng lễ nhậm chức của một chính phủ mà trong đó, như Samuel P. Huntington diễn đạt, “các nhà ra quyết định tập thể mạnh mẽ nhất được lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử công bằng, trung thực, và định kỳ mà trong đó các ứng viên cạnh tranh tự do vì phiếu bầu và hầu như toàn bộ dân cư đến tuổi trưởng thành có quyền bỏ phiếu” là một tiêu chuẩn tương đối rõ và dứt khoát được nhiều nhà khoa học chính trị tán thành.1 Như thế, thí dụ, trong khi nhiều chuyên gia có thể bất đồng về liệu Đài Loan đã có là một nền dân chủ hay không trong năm 1991, khi hầu hết nhưng không phải tất cả các nhà ra quyết định được lựa chọn trong các cuộc bầu cử đa đảng, thì không có nghi ngờ gì rằng nó đã là một nền dân chủ vào năm 1996, khi vị trí không được bầu cuối cùng – chức tổng thống – đã được dân trực tiếp bầu lần đầu tiên.

Khái niệm củng cố – ý tưởng rằng một nền dân chủ không còn đang trở thành dân chủ nữa mà đang là dân chủ – còn bị tranh cãi hơn dân chủ hóa. Là khó để định nghĩa – nhiều định nghĩa bao gồm sự mập mờ “tôi biết nó khi tôi thấy nó” – và còn khó hơn để đo lường. Một số nhà khoa học chính trị thậm chí còn nghi ngờ tính hữu dụng của sự củng cố dân chủ với tư cách một khái niệm bởi vì họ cho rằng nó coi nền dân chủ như một đích đến hơn là một quá trình. Theo quan điểm của nhà phê bình, sự củng cố ngụ ý, đối với một số nước, rằng dân chủ là một tình trạng vĩnh cửu không thể thay đổi, trong khi đối với những nước khác nơi vẫn chưa được củng cố thì nó là một đặc điểm tạm thời. Họ cảnh báo rằng dân chủ có thể thất bại ngay cả trong các nền dân chủ đã đứng vững, và sự đàm luận về củng cố có thể tạo ra một sự tin tưởng sai làm mờ các cuộc đấu tranh chung của tất cả các nhà nước dân chủ, non trẻ và lâu đời.

Với sự báo trước đó, tôi cho rằng củng cố là một phạm trù giải tích hữu ích bởi vì lịch sử gợi ý các nền dân chủ là dễ vỡ nhất khi chúng là mới. Củng cố mô tả quá trình trong đó chúng xây dựng sức bật và tính bền theo thời gian. Cuộc bầu cử thành lập chuyển một quốc gia từ phạm trù phi dân chủ sang dân chủ hầu như không là sự kết thúc quá trình. Nếu nền dân chủ sống được đến cuộc bầu cử tiếp theo, các định chế cần được củng cố, và công chúng và các chính trị gia cần chấp nhận rằng họ có thể bảo vệ và thăng tiến các lợi ích của họ tốt nhất bằng cách tham gia vào cạnh tranh công bằng – ngược với việc tìm cách quay lại một quá trình chính trị cho phép họ áp đặt ý chí của mình lên những người khác.

Theo tóm tắt dễ nhớ của Juan Linz, để đạt được sự củng cố, “dân chủ phải được xem là ‘cuộc chơi duy nhất trong phố’.”2 Huntington đề nghị một định nghĩa máy móc hơn: “luân chuyển thứ hai,” một cuộc bầu cử trong đó sự chuyển giao quyền lực chính trị lần thứ hai xảy ra. Trong cuốn sách của mình Developing Democracy: Toward Consolidation, Larry Diamond đưa ra một định nghĩa đủ dày để thâu tóm sự sáng suốt của Linz nhưng đủ kỹ thuật để có thể đo được. Ông viết, “Dân chủ có thể được củng cố chỉ khi không diễn viên tập thể quan trọng nào thách thức tính chính đáng của các định chế dân chủ hoặc thường xuyên vi phạm các chuẩn mực, các thủ tục và các luật hiến định của nó. Nền dân chủ nào cũng sẽ có những kẻ lập dị, những người cực đoan, và những người bác bỏ của nó… Nếu dân chủ muốn được củng cố, tuy vậy, những người chống dân chủ này phải thực sự ở bên lề. Không được có các đảng hay các tổ chức chống hệ thống (không trung thành) ‘đáng kể về mặt chính trị’ nào.”3 Diamond phát triển thêm các chỉ số về củng cố ngang theo ba mức – các elite, các tổ chức, và quảng đại quần chúng – và hai chiều – các chuẩn mực, niềm tin và ứng xử. Chỉ khi các diễn viên ở cả ba mức chấp nhận và hành động phù hợp với các chuẩn mực dân chủ thì một nước mới được cho là đã đạt sự củng cố.

Sự thay thế khả dĩ cho củng cố thường được cho là một sự quay trở lại chủ nghĩa độc đoán – một hiện tượng Huntington mô tả đặc trưng như một “làn sóng ngược,” Chúng ta thường nói về “sự trượt ngược” – một sự trượt quay lại quá khứ độc đoán trước dân chủ. Sự trượt ngược chắc chắn là một mối nguy cho nhiều nền dân chủ non trẻ, nhưng không phải là mối nguy duy nhất. Một hình thức mới, chưa từng có của chủ nghĩa độc đoán cũng có thể được chấp nhận hay bị áp đặt từ bên trong hay bên ngoài một nhà nước.

Sứ mệnh đã Hoàn thành? Dân chủ hóa và Củng cố ở Đài Loan

Gốc rễ của hệ thống dân chủ đương thời của Đài Loan nằm trong đầu thế kỷ thứ hai mươi khi các nhà hoạt động ở Trung Hoa đại lục và Đài Loan, lúc đó là một thuộc đại của Nhật Bản, bắt đầu hình dung một tương lại dân chủ cho các lãnh thổ tương ứng của họ. Hiện thân thể chế của tương lai đó được hình thành khi Cộng hòa Trung Hoa (CHTH) được thành lập ở đại lục. Hiến pháp của CHTH được dùng để cai quản Đài Loan sau khi người Nhật giao lại thuộc địa của nó cho CHTH năm 1945 đã là hiến pháp dân chủ, cho dù chế độ nắm quyền năm đó đã không phải là chế độ dân chủ. Hiến pháp đó đã đảm bảo các quyền dân sự và các quyền tự do và đã quy định các chính quyền được bầu ở mọi mức, nhưng chế độ đã treo nhiều quy định của nó trong các thập niên chiến tranh làm khổ Trung Hoa suốt đầu thế kỷ thứ hai mươi. Phong cách cai trị độc đoán do CHTH phát triển ở đại lục được chuyển sang Đài Loan đã là một sự xa rời các giá trị và cấu trúc của chính nó; các nhà lãnh đạo của nó đã biện minh mâu thuẫn đó vì lý do tình trạng khẩn cấp quốc gia. Nói cách khác, trong khi CHTH đã cần hàng thập kỷ để thực hiện lời hứa dân chủ của nó, lời hứa đó đã được cấy vào ý thức hệ và các định chế của nó.

Trong các năm 1950, một ít trí thức xuất chúng di chuyển cùng với chính phủ CHTH do Quốc Dân Đảng (QDĐ) lãnh đạo sang Đài Loan khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chiếm đại lục đã bắt đầu kích động, thậm chí tạo thành sự nghiệp chung với các chính trị gia sinh ở Đài Loan tán thành cương lĩnh của họ. Các nỗ lực cải cách ban đầu của họ đã bị đè bẹp, nhưng họ đã tập trung sự chú ý được nhắc lại về lời hứa dân chủ của CHTH. Vào đầu các năm 1970, vị thế quốc tế của chính phủ CHTH đã xấu đi một cách đáng kể, làm yếu đòi hỏi của chế độ do QDĐ lãnh đạo đối với tính chính đáng. Cùng với xu hướng đó, phần của những người Đài Loan chấp nhận lý do căn bản của đảng cai trị cho chủ nghĩa độc đoán – lòng tin rằng sự giật phăng đại lục khỏi những người Cộng sản đã là một sứ mệnh thiêng liêng – đã sụt xuống đột ngột. Một phong trào cải cách mới đã bắt đầu kết lại, đã gom các trí thức ủng hộ dân chủ lại với các chính trị gia địa phương tìm cách mở rộng lĩnh vực ảnh hưởng của họ vượt khỏi mức cơ sở.

Vào đầu các năm 1980 phong trào dân chủ của Đài Loan đã có được đà mạnh. Khi chính phủ sử dụng việc khởi tố chính trị để đàn áp phong trào trong năm 1979, kết quả đã là sự ủng hộ dân chúng còn mạnh hơn cho các nhà hoạt động dân chủ. Năm 1986, phe đối lập đã thành lập Đảng Dân chủ Tiến bộ (Đảng Dân Tiến-ĐDT), và tuy các quy định quân luật có hiệu lực từ các năm 1940 đã làm cho hành động đó bất hợp pháp, họ đã không bị trừng trị. Trong vòng một năm chế độ đã bãi bỏ quân luật. Trong thập niên tiếp theo, các hạn chế lên sự cai quan dân chủ được hứa trong hiến pháp CHTH đã tan biến đi từng cái một. Cuối cùng, bản thân hiến pháp đã trở thành đối tượng cải cách: những người Đài Loan đã sửa nó nhiều lần trong các năm 1990 để nâng cao nền dân chủ của Đài Loan, nổi bật nhất bằng việc cho phép bầu trực tiếp tổng thống.

Trong khi chuyển đổi dân chủ Đài Loan đã kết thúc mười sáu năm trước, sự củng cố dân chủ của nó vẫn đang thực hiện. Nó đã vượt qua thử thách luân chuyển thứ hai của Huntington trong năm 2008, và thành tích của nó cũng phù hợp với số đo của Diamond nữa: không có bằng chứng nào rằng có bất cứ khối cử tri đáng kể nào ở Đài Loan mong muốn quay lại quá khứ phi dân chủ. Tuy nhiên, các định chế chính trị của nó tiếp tục tiến hóa nhằm làm sâu sắc và duy trì hoạt động chính trị dân chủ, gợi ý rằng sự củng cố vẫn đang thực hiện.

Tình trạng của quá trình củng cố của nó gợi ý rằng Đài Loan chắc không trượt ngược về chủ nghĩa độc đoán, nhưng không phải mọi tin tức đều tốt. Ít nhất hai xu hướng gây lo lắng đòi hỏi sự chú ý của chúng ta. Thứ nhất, nhịp độ hướng tới làm sâu sắc dân chủ đã chậm lại, cả theo ý nghĩa thể chế lẫn trong quan điểm phổ biến về dân chủ. Thứ hai, nền dân chủ Đài Loan đối mặt với một sự đe dọa bên ngoài đáng kể: quyết tâm của Bắc Kinh để hợp nhất Đài Loan vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH). Nguy cơ sau cùng này làm tăng khả năng rằng cho dù Đài Loan không trong nguy cơ bị trượt ngược theo hướng quá khứ độc đoán của nó, nó có thể trượt (hay bị lôi kéo) vào một hình thức mới của chế độ độc đoán trong tương lai. Khả năng đó là xa, nhưng không phải là không thể tưởng tượng được.

Sự tiến bộ Tiếp tục của Đài Loan đến Củng cố

Một cách để nhận ra sự trượt ngược trong dân chủ của Đài Loan là đi tìm các dấu hiệu về các tập quán độc đoán đặc trưng cho thời kỳ trước cải cách đang quay lại. Các đặc điểm quan trọng nhất của hệ thống độc đoán của Đài Loan đã bao gồm sự áp đảo cạnh tranh chính trị bởi một đảng duy nhất, các định chế chính trị không có trách nhiệm giải trình với công chúng, quân đội và tư pháp bị chính trị hóa, và các quyền tự do dân sự và các quyền dân sự đã không chắc chắn hoặc được bảo vệ. Chúng ta có thể kiểm tra các chỉ số này để tìm bằng chứng liệu nền dân chủ của Đài Loan có đang hụt hơi hay không.

Chính trị Độc Đảng
Trước 1986, Đài Loan đã chỉ có một đảng chính trị có khả năng ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ, QDĐ hay Đảng Dân tộc chủ nghĩa. QDĐ đã cho phép hai đảng nhỏ, Đảng Thanh niên Trung Hoa và Đảng Dân chủ Xã hội Trung Hoa, nhưng chức năng duy nhất của chúng đã là để chứng minh điều hư cấu rằng CHTH đã có một hệ thống đa đảng. Trong năm 1986, ĐDT đã được thành lập và nhanh chóng trở thành đảng được ưa thích của khoảng 40 phần trăm cử tri Đài Loan. Các mục tiêu sáng lập của ĐDT đã là để dẫn đến dân chủ hóa Đài Loan và giành được sự tham gia chính trị đầy đủ cho đa số dân của hòn đảo, những người Đài Loan bản địa đã ở trên hòn đảo này hàng thế hệ nhưng đã bị che mờ về mặt chính trị bởi số nhỏ hơn rất nhiều của những người đại lục đã đến sau khi sự thực dân hóa Nhật chấm dứt.

Trong năm 1991, ĐDT đã đưa thêm một đòi hỏi gây tranh cãi hơn vào cương lĩnh của nó khi nó đòi độc lập cho Đài Loan. Trong khi một số người trong ĐDT đã cam kết cho độc lập như một vấn đề ý thức hệ, đối với nhiều người, độc lập là đáng mong muốn bởi vì nó sẽ cắt bớt sự khăng khăng của QDĐ về sự thống nhất như một sứ mạng quốc gia. Không có mệnh lệnh thống nhất, sẽ không có lý do nào để chào mời những người đại lục – các đại diện của “phần còn lại của Trung Hoa” – các đặc quyền đặc biệt và sự tiếp cận bất cân xứng đến quyền lực chính trị. Nói cách khác, độc lập đã là một công cụ cho các mục đích chủ yếu của ĐDT: dân chủ và sự bình đẳng sắc tộc.

Các nhà lãnh đạo ĐDT đã nhanh chóng nhận ra rằng trong khi dân chủ hóa và công bằng sắc tộc đã là các sự nghiệp phổ biến có thể xây dựng sự ủng hộ trong toàn bộ cử tri, còn độc lập đã là cây cầu quá xa cho hầu hết cử tri. Khi các ứng viên đã gắn mạnh mẽ với sự độc lập – nhất là trong 1991 và 1996 – tỷ lệ phiếu bầu cho đảng đã giảm sút. Sau kết quả đặc biệt kém trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên, ĐDT đã bỏ cương lĩnh độc lập của nó. Thay vào đó các lãnh đạo ĐDT ngày càng nhấn mạnh một cách tiếp cận đã được trình bày rõ lần đầu tiên trong năm 1993: Đài Loan không cần tuyên bố độc lập bởi vì nó đã độc lập rồi, mặc dù dưới tên Cộng hòa Trung Hoa. Trong năm 1999, đảng đã thông qua một nghị quyết biến cách trình bày này thành lập trường chính thức của nó. Để đáp lại, những người ủng hộ độc lập tận tâm nhất đã tuyệt giao với đảng để thành lập Đảng Đài Loan Độc lập.
QDĐ cũng đã chia rẽ trong đầu các năm 1990. Dân chủ hóa đã làm cho thành công bầu cử ngày càng là nguồn của sự chính đáng và quyền lực cho đảng cầm quyền. Để đảm bảo tính đại chúng của nó, thủ lĩnh QDĐ Lý Đăng Huy đã làm mềm lập trường của đảng ông về thống nhất. Ông đã cổ vũ những người theo QDĐ tham gia vào phong trào bản sắc Đài Loan đang hưng thịnh, thậm chí đến mức đặt ra cụm từ “những người Đài Loan mới” để mô tả những người đại lục mà sự cư trú lâu của họ trên hòn đảo đã thay đổi sự trung thành của họ từ Trung Hoa đại lục sang quê hương đảo của họ. Nhưng sự chuyển dịch hẳn của ông khỏi thuyết chính thống đã gây tranh cãi, và trong năm 1993 cánh bảo thủ của đảng đã tách ra để thành lập Đảng Trung Hoa Mới.

Liền ngay sau thất bại của ứng viên QDĐ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, đảng lại tách ra lần nữa. Những người hâm mộ của chính trị gia James Soong (Tống Sở Du) đã thành lập Đảng Thân Dân (ĐTD), trong khi những người ủng hộ Lý Đăng Huy kiên định đã thành lập Liên hiệp Đoàn kết Đài Loan sau khi người anh hùng của họ bỏ QDĐ.

Tóm lại, thời đại dân chủ của Đài Loan đã thấy sự sinh ra của nhiều đảng chính trị quan trọng. Các đảng này đã không luôn luôn hoạt động tốt – Đảng Đài Loan Độc lập, Liên hiệp Đoàn kết Đài Loan, và Đảng Trung Hoa Mới đã chẳng bao giờ được hơn một ít ghế lập pháp – nhưng ĐDT và ĐTD, đôi khi đã hoạt động như những sự kiềm chế đáng kể lên quyền lực của QDĐ, và từ 2000 đến 2008 ĐDT đã giữ chức tổng thống. Sự tăng nhanh của các đảng chứng tỏ rằng hệ thống chính trị của Đài Loan là mở cho những quan điểm khác nhau, nhưng sự bất ổn định trong hệ thống đảng là một nguồn lo ngại cho một số nhà quan sát. Nguồn lo ngại chính là, QDĐ – mà đã qúa cảnh một cách trơn tru từ một đảng cai trị không bị thách thức sang một người chơi dẫn đầu trong một hệ thống đa đảng – có thể lấy lại vị trí áp đảo của nó bằng cách hoặc áp đảo hẳn đối lập hay làm nó vỡ ra từng mảnh.

Lịch sử nước này với tư cách một nền dân chủ giả, độc đảng khiến cho các nhà phân tích nhanh chóng báo động về một sự quay lại của sự áp đảo một đảng. Sau những thất bại tai hại của QDĐ trong năm 2000 và 2001, nhiều nhà qua sát đã sợ nó sắp nổ tung vào trong. Rồi sau đó khi ĐDT giành được vừa đủ một phần tư số ghế lập pháp và chỉ 42 phần trăm phiếu bầu tổng thống trong năm 2008, người ta la lên rằng nó sắp sụp đổ. Tuy vậy, trong cả hai trường hợp các đảng đã tự chỉnh đốn lại. QDĐ đã có khả năng để xây dựng lại đa số lập pháp của nó và đã kết thúc việc thu hút lại nhiều đảng viên chống đối đã tham gia ĐTD. Năm 2008, ứng viên tổng thống của nó đã giành được tỷ lệ lớn khác thường, 58 phần trăm phiếu bầu. Về phần mình, ĐDT đã có tiến bộ đều đặn để lấy lại vị trí nó bị mất trong năm 2008, thắng một số cuộc bầu cử phụ và lấy lại vị thế của nó trong các cuộc thăm dò dư luận. Bất chấp việc bà đã thua Tổng thống Mã (Anh Cửu), ứng viên của ĐDT, bà Tsai Ing-wen (Sái Anh Văn), đã đưa ra một cuộc đấu tranh mạnh trong thời gian dẫn tới cuộc bầu cử tháng Giêng 2012.

Một con đường khả dĩ khác quay về sự cai trị của đảng áp đảo sẽ là một phe đối lập quá bị phân mảnh để thách thức một đảng lớn còn lại (có khả năng nhất là QDĐ). Đảng Dân chủ Tự do của Nhật Bản đã duy trì một đa số lập pháp trong hàng thập kỷ chính bằng việc dùng chiến lược này. Trong hàng thập niên, Đài Loan và Nhật Bản đã sử dụng hệ thống bỏ phiếu nhiều thành viên cho phép các ứng viên với sự ủng hộ hạn chế, nhưng nhiệt tình, có được ghế. Hệ thống đã cổ vũ Đảng Trung Hoa Mới, Đảng Thân Dân, Đảng Đài Loan Độc lập, Liên hiệp Đoàn kết Đài Loan, và các đảng nhỏ khác tách khỏi QDĐ và ĐDT và tự mình hoạt động.
Trong năm 2005, hai đảng chính đã thúc đẩy thành công các cải cách bầu cử làm cho gần như không thể đối với các đảng thứ ba để có được ghế trong lập pháp quốc gia. Các quy tắc mới kết hợp với các cuộc bầu cử đa số (plurality) với một số ghế it hơn được lấp đầy bởi sự đại diện tỷ lệ. Các cuộc bầu cử lập pháp năm 2008 đã sử dụng hệ thống mới, với kết quả là chỉ QDĐ và ĐDT (và một ít ứng viên độc lập) đã giành được ghế. Các quy tắc mới làm hại ĐDT (mà trong quá khứ đã có thể có được ghế bằng việc đứng thứ hai hay thứ ba trong nhiều quận), nhưng chúng làm hại các đảng nhỏ còn nhiều hơn. Các quy tắc mới đã củng cố hệ thống hai đảng và trao cho những người bỏ phiếu hai lựa chọn khả dĩ được phân biệt rõ ràng – một tình trạng đã thường không phải thế dưới các quy tắc cũ. Nói tóm lại, các cải cách đã làm cho hoạt động chính trị độc đảng hết sức không chắc xảy ra.

Trách nhiệm Giải trình Chính phủ
Khả năng bị truất khỏi chức vụ, chí ít về lý thuyết, là sine qua non (tuyệt đối cần) với trách nhiệm giải trình dân chủ. Trong thời kỳ độc đoán các cử tri Đài Loan đã có ít lực đòn bẩy để bắt các quan chức quốc gia phải có trách nhiệm giải trình cho các hoạt động của họ. Các tổng thống được chọn bởi một Quốc hội không được bầu; bốn tổng thống sau chiến tranh đầu tiên của Đài Loan tất cả đã được chọn bởi các lãnh tụ chóp bu của QDĐ và được Quốc hội ngoan ngoãn (đóng dấu cao su) thông qua. Việc bầu trực tiếp cơ quan lập pháp của Đài Loan đã chỉ bắt đầu từ 1992. Từ khi chuyển đổi dân chủ, những người đương chức và các lãnh tụ đảng đã buộc phải xem xét thế đứng của họ với công chúng, vì các cuộc bầu cử đã hết sức cạnh tranh cho hầu hết các chức vụ. Thế nhưng, những sửa đổi hiến pháp CHTH được thông qua trong các năm 1990 đã tạo ra những trở ngại đáng kể đối với trách nhiệm giải trình. Khởi đầu, hiến pháp CHTH đã áp dụng một thiết kế nghị viện trao quyền hạn về chính sách đối nội cho một thủ tướng do lập pháp bầu ra. Nhưng những sự bóp méo của thời đại độc đoán đã tập trung ngày càng nhiều quyền lực vào tay tổng thống; trao cho chức tổng thống sự ủy thác nhân dân của việc bầu cử trực tiếp đã làm tăng thêm quyền hạn của nó còn nhiều hơn.

Những tu chính hiến pháp chuyển quyền lực sang cho chức tổng thống đã làm thay đổi rất ít vai trò của lập pháp, làm yếu đi các cơ chế trách nhiệm giải trình rất quan trọng đối với sự vận hành dân chủ. Khi một đảng kiểm soát cả chức tổng thống lẫn cơ quan lập pháp, đảng đó có được quyền lực không bị kiềm chế. Sử dụng việc bỏ phiếu bất tín nhiệm để hạ bệ một chính phủ không được lòng dân là một vũ khí hão ở Đài Loan bởi vì tổng thống có nghiệm kỳ cố định. Tình hình còn tồi hơn trong các thời kỳ chính phủ chia rẽ. Lập pháp có thể đuổi một thủ tướng trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng không thể cách chức tổng thống (địa điểm thực của quyền lực) và không có quyền để bác bỏ việc tổng thống lựa chọn một thủ tướng mới. Nói cách khác, việc bỏ phiếu bất tín nhiệm trừng phạt cách nhà lập pháp nhưng làm ít để kiềm chế tổng thống. Như Trần Thủy Biển diễn đạt vào đầu nhiệm kỳ hai của ông, “thiết kế hiến pháp hiện hành đầy rẫy mâu thuẫn và sự không tương thích, [và] việc thực hiện thực sự của nó cũng không hiệu quả một cách bệnh hoạn.”4

Những hạn chế này có thể thấy được đối với công chúng như một sự luân phiên giữa quyền lực không bị kiềm chế và sự tắc nghẽn cực kỳ khó chịu. Trong thời gian chính quyền Trần Thủy Biển – khi chức tổng thống do ĐDT nắm và cơ quan lập pháp do QDĐ kiểm soát – những người bỏ phiếu đã có thể miễn thứ cho sự ngạc nhiên liệu chính phủ của họ đã có khả năng hoàn thành bất cứ thứ gì. Sự tê liệt đã khá gây tức tối căn cứ vào tầm quan trọng của các vấn đề Đài Loan đối mặt lúc đó. Dưới thời người kế vị của Trần, Mã Anh Cửu, thường nghe thấy lời than phiền ngược lại: những sự kiềm chế lên quyền lực của đảng cầm quyền ở đâu? Đảng của ông Mã nắm giữ vừa đúng dưới ba phần tư số ghế lập pháp. Lý thú là, cơ quan lập pháp đã không còn là con dấu cao su (ngoan ngoãn) đối với các ý tưởng của Mã như các số đó gợi ý; thay vào đó tổng thống đã đối mặt với sự kháng cự đáng kể đối với nhiều chính sách của ông bên trong đảng của chính ông. Sự thực đáng ngạc nhiên đó đã đã làm dịu bớt những lo ngại về trách nhiệm giải trình ở mức độ nào đó, vì nó gợi ý rằng các nhà lập pháp nhận ra rằng việc thỏa mãn các cử tri của họ là quan trọng hơn việc đi theo đường lối của đảng theo đúng câu chữ. Ngay cả như vậy, các vấn đề hiến pháp cơ bản sẽ vẫn nổi lên khi những người bỏ phiếu tiếp sau bàu một chính phủ bị chia rẽ.

Phi Chính trị hóa Quân đội
Dưới chủ nghĩa độc đoán độc đảng của QDĐ, các lực lượng vũ trang CHTH đã theo đảng và bị chính trị hóa, cả ở đại lục và sau sự rút lui sang Đài Loan. Một hệ thống chính ủy đã cho phép QDĐ độc quyền hóa việc giáo dục chính trị của những người đến tuổi đi lính và các tân binh, và việc cất nhắc lên các cấp cao hơn được dành cho những người trung thành với đảng. Ngoài ra, quân đội đã đóng một vai trò lớn trong an ninh nội địa và thực thi pháp luật. Phi chính trị hóa quân đội đã là một mục tiêu quan trọng của chuyển đổi và củng cố dân chủ của Đài Loan – một mục tiêu không quyến rũ hay dễ thấy như các cuộc bầu cử trực tiếp tổng thống hoặc chủ nghĩa tích cực lập pháp, nhưng quan trọng ngang thế.

Phi chính trị hóa quân đội (hoặc như những người Đài Loan diễn đạt, quốc gia hóa quân đội) đã bắt đầu dưới thời Lý Đăng Huy. Từ cuối các năm 1980, các nhà chức trách dân sự đã tăng đều đặn quyền tối cao của họ đối với quân đội.5 Nhờ những cải cách đó, toàn bộ nhân viên quân đội tại ngũ không còn giữ các chức vụ chính quyền nữa, các quan chức quân đội cao nhất (Tổng Tham mưu trưởng) không còn báo cáo trực tiếp cho tổng thống nữa, các chính ủy không còn giáo huấn các sinh viên Đài Loan nữa, và quân đội không còn tham gia vào thực thi pháp luật nữa Trong năm 2000, Lập pháp Viện của Đài Loan đã thông qua Luật Bảo vệ Quốc gia mà đã củng cố sự giám sát của cơ quan lập pháp đối với quân đội, đảm bảo sự kiểm soát dân chủ đối với các lực lượng vũ trang.

Nhiệm kỳ tổng thống của Trần Thủy Biển đã kiểm thử các cải cách đó. Trong hàng thập kỷ, quân đội CHTH đã được cung cấp cán bộ một cách không cân xứng bởi những người đại lục và những người trung thành của QDĐ ủng hộ thống nhất. Khi Trần, một người được nhận diện là người Đài Loan bản địa, kẻ xúi giục ĐDT chống thống nhất, được bầu, thì các nhà quan sát ở Đài Loan và Hoa Kỳ đã suy đoán rằng có thể khó cho ông để kiểm soát quân đội. Như đã hóa ra, các quan hệ dân sự-quân đội đã thay đổi rất ít từ nhiệm kỳ tổng thống Lý sang chính quyền Trần. Các cải cách thể chế hóa quyền hạn dân sự chắc chắn đã đóng vai trò, như đối với luân chuyển thế hệ trong hàng ngũ sĩ quan, nhưng cách tiếp cận của Trần để quản lý các vấn đề quân đội cũng đã có ý nghĩa. Mặc dù trong những ngày còn là một nhà lập pháp ông Trần đã thường xuyên phê phán quân đội, một khi trở thành tổng thống ông đã chấp nhận một cách tiếp cận không tham dự vào, can thiệp vào quân đội ít hơn người tiền nhiệm của ông rất nhiều. Cuối cùng, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trần đã cho một bằng chứng làm yên lòng rằng sự phi chính trị hóa quân đội đã là thực và lâu bền.
Tính Độc lập Tư pháp và các Quyền Chính trị

Trong thời kỳ độc đoán, tư pháp của CHTH đã cộng tác với các định chế chính phủ khác để bảo vệ và duy trì độc quyền của QDĐ về quyền lực. Thiết kể từ trên xuống của hệ thống tư pháp đã làm dễ việc trừng phạt các quan chức tòa án không sử dụng quyền hạn của họ “một cách thích hợp.” 6

Trong thời gian chuyển đổi dân chủ, hệ thống tư pháp đã được cải cách để trao cho các thẩm phán nhiều sự độc lập hơn với các cấp trên của họ. Các tòa án đã hấp thu một dòng đều đặn của các cải cách, cả về cấu trúc lẫn học thuyết, từ cuối các năm 1980. Một đề xuất đang được xem xét sẽ phi tập trung hóa quyền hạn tư pháp còn thêm nữa bằng việc đưa ra một hệ thống bồi thẩm đoàn một phần.

Những cố gắng này để xây dựng một ngành tư pháp công bằng, độc lập, tôn trọng và bảo vệ các quyền của công dân, theo quan điểm của nhiều nhà quan sát, đã bị thiếu. Đầu năm nay, lập pháp Đài Loan đã bàn đến một dự luật để làm dễ dàng việc cách chức các thẩm phán cư xử không thích hợp. Trong khi một số nhà quan sát quốc tế đã thấy biện pháp này như một bước lùi đối với tính độc lập tư pháp, nhiều người Đài Loan tin rằng là đúng lúc để ngự trị các thẩm phán và các công tố viên. Trong những năm gần đây, những cáo buộc về sự khởi tố có động cơ chính trị và hành vi khởi tố sai trái đã tăng nhanh. Trong khi hồ sơ của chính quyền Trần Thủy Biển về mặt này còn xa mới hoàn hảo (quyết định của các công tố viên buộc tội ứng viên tổng thống Mã Anh Cửu về tham nhũng chỉ mấy tháng trước bầu cử đã làm nhiều người chau lông mày), chính quyền Mã Anh Cửu còn bị chỉ trích mạnh hơn vì việc nó đối xử thế nào với Trần Thủy Biển và những người khác với cáo buộc tham nhũng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Một loạt thứ ngỏ từ các học giả và nhà báo nước ngoài gửi đến Mã nêu chi tiết những phê phán. Lá thư đầu tiên trong số này, được công bố tháng Mười Một 2008, đã ngụ ý ông Trần và các đồng minh của ông đã bị xử lý khắc nghiệt khác thường bởi vì họ đã là các đối thủ chính trị của tổng thống. Một thư ngỏ khác, được công bố trên Taipei Times (Thời Báo Đài Loan) ngày 11-4-2011, đã bảo vệ các cá nhân thời ông Trần đang bị điều tra vì sự quản lý tồi các tài liệu. Theo những người ký thư ngỏ, “Hiển nhiên, trong một nền dân chủ cần duy trì luật pháp, nhưng việc này cần được tiến hành một cách công bằng và vô tư, mà không có bất cứ dấu hiệu lờ mờ nào về lạm dụng quyền lực. Theo quan điểm của chúng tôi, nước đi này của chính phủ các ngài là thiếu nghiêm trọng về cả hai điểm đó. Nó có vẻ là một cố gắng để sử dụng Viện Kiểm soát và hệ thống tư pháp cho các mục đích chính trị, trong một nỗ lực để có vẻ “hợp pháp” và tránh sự phê phán bởi các chính phủ nước ngoài và các nhóm quyền con người.”

Ngay cả bạn và thầy của Mã, giáo sư luật học Đại học New York Jerome Cohen, đã nghi ngờ hồ sơ của người được che chở của ông về các quyền dân sự. Cohen đã công bố một số bài báo kêu gọi chú ý đến các vấn đề trong các vụ kiện tham nhũng gắn với Trần và khuyến khích Mã mạnh tay chống lại hành vi sai trái của tư pháp. Viết về các hành động cảnh sát để kiểm soát những người biểu tình trong dịp viếng thăm của quan chức cấp chóp bu của Bác Kinh phụ trách chính sách Đài Loan trong năm 2008, Cohen đã mô tả đặc trưng của một số hành động cảnh sát là “tàn bạo.” Ông cũng đã nói các nỗ lực để bao che quan chức Trung Quốc khỏi sự phát biểu chính trị mà đã có thể làm ông ta khó chịu – như việc trương cờ CHTH và Tây Tạng dọc đường đoàn xe hộ tống ông ta và tại các sự kiện công cộng – “đã vượt quá các giới hạn của một xã hội tự do.” Trong khi ông đã cẩn trọng không phán xét các hành động của các công tố viên vì không có đầy đủ thông tin, ông đã thúc giục Mã làm tốt hơn công việc cách ly hệ thống tư pháp khỏi chính trị và bảo vệ tính liêm chính và uy tín của nó.7

Cảm nhận dân chúng về nền Dân chủ Đài Loan

Làn sóng dân chủ của Đài Loan đã lên đỉnh trong năm 2000 khi đảng đối lập đã thâu tóm được chức tổng thống. Kể từ đó, đà thay đổi đã chậm lại, và trong một số khía cạnh, làn sóng thậm chí đã rút xuống. Các cải cách nhắm tới hợp lý hóa sự phân chia quyền lực giữa các chức năng lập pháp và hành pháp là cần thiết, nhưng có ít sự nhiệt tình ở Đài Loan cho công việc gian khổ của sự sửa đổi hiến pháp – đặc biệt hiện nay, khi chính phủ được thống nhất che giấu độ sâu của vấn đề. Những sự lạm dụng tồi tệ nhất của một nền tư pháp bị chính trị hóa đã được loại trừ, nhưng không phải tất cả các quan chức tư pháp đã tiếp thu các tiêu chuẩn đạo đức cần thiết cho sự củng cố dân chủ. Các cải cách bầu cử năm 2008 củng cố một hệ thống hai đảng mà sẽ cải thiện tính hiệu quả của chính phủ và cho những người bỏ phiếu các lựa chọn thay thế rõ về ý thức hệ và chính sách, nhưng việc đó cũng sẽ làm giảm sự đại diện của các quan điểm thiểu số. Về mặt kinh tế, Đài Loan đã đạt một sự bình ổn. Nó không còn là một “con hổ con” nữa, mà đã trưởng thành hoàn toàn, với toàn bộ các thách thức đối mặt với các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến của thế giới. Các cuộc suy thoái trong 2001 và 2008 đã giáng nặng xuống Đài Loan, nhưng nó đã phục hồi nhanh hơn và mạnh hơn các đối thủ cạnh tranh của nó, nhờ phần lớn vào các mối quan hệ bắt đầu nảy nở với các láng giềng tăng trưởng nhanh của nó. Nhưng diễn tiến chính trị cũng quan trọng cả ở đây nữa: những người Đài Loan đang tính đến chính phủ của họ để tạo ra không chỉ sự tăng trưởng tổng hợp, mà cả các hình mẫu phân phối những lợi ích của tăng trưởng một cách đồng đều trong xã hội. Các định chế có phản ứng nhanh nhạy là cần thiết để biến các sở thích của những người bỏ phiếu thành các chính sách hiệu quả.

Nói tóm lại, sự củng cố dân chủ của Đài Loan đang tiến lên, nhưng còn xa mới hoàn hảo. Khi những sự lạm dụng tồi tệ nhất của thời đại độc đoán biến dần vào quá khứ, những cải cách thêm trở nên khó hơn, cả bởi vì sự mệt nhọc cải cách cho phép các công dân và các chính trị gia cho rằng “nó không hỏng, nên đừng có chữa” lẫn bởi vì các nhóm lợi ích ăn sâu ngày càng biết bảo vệ các con bò đực của họ khỏi bị húc. Các cuộc thăm dò gợi ý rằng các công dân Đài Loan quen với cả sự hứa hẹn lẫn những thiếu sót của nền dân chủ của họ – với những kết quả gây lo lắng. Các bảng 1 và 2 gợi ý rằng nhiều người Đài Loan lo lắng sâu sắc về sự phát triển dân chủ của đất nước, Trong khi hầu như chẳng ai nghĩ Đài Loan không phải là một nền dân chủ, hơn 40 phần trăm tin rằng nó là một nền dân chủ với những vấn đề lớn. Gần nửa không thỏa mãn với cách nền dân chủ của họ hoạt động.

Bảng 1. Đài Loan ngày nay là một nền dân chủ đến mức nào?
Một nền dân chủ đầy đủ
7,2%
Một nền dân chủ với những vấn đề nhỏ
37,4%
Một nền dân chủ với những vấn đề lớn
41,2%
Không phải một nền dân chủ
3,9%
Lưu ý: các số phần trăm cộng lại không bằng 100 bởi vì các trả lời “Không biết” và “Từ chối trả lời” không được bao gồm.
Nguồn: TEDS 2008. N=1.238.

Bảng 2. Nhìn tổng thể, bạn thỏa mãn thế nào với cách nền dân chủ hoạt động ở Đài Loan hiện nay?
Rất thỏa mãn
3,4%
Khá thỏa mãn
34,8%
Không thực sự thỏa mãn
42,4%
Không thỏa mãn chút nào
6,9%
Lưu ý: các số phần trăm cộng lại không bằng 100 bởi vì các trả lời “Không biết” và “Từ chối trả lời” không được bao gồm.
Nguồn: TEDS 2008. N=1.238.

Các nhà khoa học chính trị thường làm dịu đi những khám phá thuộc loại này với suy nghĩ an ủi rằng các công dân có thể rất bất mãn với nền dân chủ cá biệt của họ trong khi vẫn coi trọng bản thân nền dân chủ. Sự bất mãn với thành tích của chính quyền dân chủ của mình đã có thể biểu lộ sự mong muốn một nền dân chủ tốt hơn, chứ không phải một sự trượt ngược về chủ nghĩa độc đoán. Về mặt này, bảng 3 cho chỉ một sự an lòng khiêm tốn. Một nửa – chỉ một nửa – những người Đài Loan tin dân chủ là đáng ưa thích hơn bất kỳ loại chính quyền nào khác. Gần hai mươi phần trăm tin rằng một hệ thống độc đoán có thể tốt hơn dưới hoàn cảnh nào đó. Nếu thành tích của chính quyền không được cải thiện, sự ủng hộ dân chủ về nguyên tắc có thể xấu đi thêm nữa. Tuy nhiên, nhiều chỉ số gợi ý các giá trị dân chủ là mạnh ở Đài Loan. Tỷ lệ tham gia bầu cử thường vượt quá 75 phần trăm những người có quyền đi bầu; tỷ lệ của những người Đài Loan ủng hộ một đảng chính trị cũng đang tăng.

Bảng 3. Tính đáng mong mỏi của Dân chủ
Dân chủ được ưa thích hơn bất kể loại chính phủ nào khác
50,5%
Trong một số hoàn cảnh, một chế độ độc đoán – một chế độ độc tài – có thể được ưa thích hơn một hệ thống dân chủ
18,0%
Đối với người như tôi, không quan trọng là chúng ta có loại chính phủ nào
18,7%
Lưu ý: các số phần trăm cộng lại không bằng 100 bởi vì các trả lời “Không biết” và “Từ chối trả lời” không được bao gồm.
Nguồn: TEDS 2008. Câu hỏi là, “tuyên bố nào trong ba tuyên bố này gần nhất với ý kiến riêng của bạn” N=1.238.

Trượt tới vào Chủ nghĩa Độc đoán

Bất chấp bức tranh hỗn tạp này, Đài Loan khó có vẻ sắp trượt ngược vào các tập quán độc đoán quá khứ của nó. Tuy vậy, có một khả năng gây lo ngại khác sắp xảy ra: nền dân chủ Đài Loan có thể bị thách thức từ bên ngoài, cụ thể từ CHNDTH. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố lặp đi lặp lại rằng họ sẽ không thỏa mãn cho đến khi Đài Loan được thống nhất một cách có ý nghĩa với CHNDTH. Họ cũng đã hứa hẹn rằng Đài Loan có thể giữ “sự tự trị thực tế” sau thống nhất. Một số nhà phân tích diễn giải lời hứa sau có nghĩa rằng sự thống nhất sẽ không tác động đến nền dân chủ của Đài Loan. Những người khác ngờ vực hơn. Là khó để hình dung làm thế nào CHNDTH có thể hợp nhất Đài Loan về mặt chính trị mà không đòi hỏi những sự thay đổi lớn đối với hệ thống của nó. ĐCSTQ đang đối mặt rồi với những đòi hỏi dân chủ hóa từ chính các công dân của nó; sự tồn tại của một thực thể dân chủ hoàn toàn bên trong CHNDTH chắc chắn sẽ tăng cường áp lực không được hoan nghênh đó.

Công thức “một nước hai chế độ” mà dưới đó Hong Kong đã được hợp nhất vào CHNDTH đã được thiết kế như một mô hình cho Đài Loan. Gần mười lăm năm trong thí nghiệm Hong Kong, những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của các nhà dân chủ vẫn chưa được xác nhận.* Các cư dân của cựu thuộc địa Anh vẫn được hưởng nhiều quyền chính trị, kinh tế và dân sự hơn các công dân khác của CHNDTH rất nhiều. Nhưng nền dân chủ rất hạn chế mà người Anh vội vã đưa vào trước khi họ ra đi đã không trưởng thành tốt. Các nhóm lợi ích kinh doanh thân Bắc Kinh đã được đại diện quá một cách có hệ thống trong hội đồng lập pháp, và Bắc Kinh đóng vai trò then chốt trong lựa chọn các lãnh đạo chóp bu của Hong Kong. Như một bài báo của Wall Street Journal diễn đạt, “những người có quyền đi bầu của Hong Kong sẽ không có tiếng nói nào trong kết cục của cuộc bầu cử tiếp, vì lãnh đạo của thành phố được lựa chọn bởi một ủy ban có 1.200-thành viên gồm chủ yếu những người được chính quyền Trung Quốc ở Bắc Kinh hậu thuẫn. Cấu tạo hiện thời ít nhiều bảo đảm rằng kẻ thắng sẽ được phước lành của Bắc Kinh.”8 Căn cứ vào hồ sơ của ĐCSTQ ở Hong Kong (và phần còn lại của Trung Quốc), là dễ hiểu vì sao nhiều người Đài Loan ngờ vực lời hứa tự trị của Trung Quốc.
Một số nhà quan sát lo ngại rằng Đài Loan sẽ tự nguyện bước vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Họ thấy các dấu hiệu rằng đảo quốc đang trôi theo hướng thống nhất. Những hạn chế về ngôn luận trong thời gian viếng thăm của các quan chức của CHNDTH trông giống như Đài Loan có thể đang đổi các quyền dân sự lấy thiện ý của Trung Quốc. Các quy tắc tự do hóa đi lại giữa hai bên có thể làm tăng tác dụng đòn bẩy của CHNDTH đối với hòn đảo. Các quyết định tư nhân để dùng nhiều thời gian hơn ở, và đầu tư nhiều tiền hơn vào đại lục có thể giúp một số người Đài Loan trở nên dễ chấp nhận hơn chủ nghĩa độc đoán kiểu CHNDTH. Quân đội CHTH cũng bị phê phán vì thiếu một ý định rõ ràng để tránh thống nhất. Các vụ tai tiếng gián điệp dính líu đến nhân viên quân đội tại ngũ và tình báo, các sĩ quan quân đội chuyển sang đại lục sau khi nghỉ hưu, sự giảm chi tiêu quân sự, và các cuộc tranh luận đảng phái về ngân sách quân sự làm tăng khả năng rằng Đài Loan đã mất ý chí của nó để kháng cự đại lục và ý thức của nó về ai là kẻ thù (diwo yishi - địch ngã ý thức - ý thức địch ta). Kết hợp với sự tin tưởng teo đi vào nền dân chủ của Đài Loan, các xu hướng này là đáng lo ngại.
Tuy nhiên, sự phản đối áp đảo đối với thống nhất được bày tỏ trong mỗi thăm dò dư luận được tiến hành trong hai mươi năm qua gợi ý rằng cho dù người Đài Loan vui vẻ hợp tác với nhân dân đại lục vì lợi ích kinh tế chung của họ, sự thống nhất tự nguyện còn là con đường dài trong tương lai. Về ngắn hạn, thách thức lớn nhất cho nền dân chủ Đài Loan là một quyết định bởi CHNDTH để tăng tốc quá trình thống nhất, thậm chí đến điểm quay sang bạo lực. Nếu sự thống nhất bị ép buộc, duy trì nền dân chủ của Đài Loan sẽ cực kỳ khó khăn, vì bản thân quá trình thống nhất sẽ vi phạm tinh thần và các định chế dân chủ của Đài Loan. Là khó để hình dung làm sao nền dân chủ có thể được khôi phục từ một sự kiện như vậy. Cuối cùng, các đe dọa bên trong với nền dân chủ của Đài Loan là thực, nhưng có thể quản lý được. Chính đe dọa từ bên ngoài – sự đe dọa của sự thống nhất bị ép buộc – là cái gây ra nguy cơ lớn nhất và đòi hỏi sự kháng cự quyết tâm nhất. Để cho nền dân chủ tiếp tục thịnh vượng và củng cố, người Đài Loan cần sự ủng hộ và cổ vũ để sửa chữa các vấn đề nội bộ làm điêu đứng nền dân chủ của họ. Họ cũng cần sự giúp đỡ chống lại các áp lực bên ngoài đe dọa các thành tựu dân chủ của họ.

Lời cảm ơn

Dữ liệu được phân tích trong bài báo này là từ Taiwan Election and Democratization Studies [TEDS]’ 2008 Legislative and Presidential surveys (Khảo sát Lập pháp và Tổng thống 2008 của TEDS-Nghiên cứu Bầu cử và Dân chủ hóa Đài Loan). Người điều phối dự án TEDS nhiều lớp là Giáo sư Chi Huang của National Chengchi University. Các nhà nghiên cứu chính của các khảo sát năm 2008 đã là các Giáo sư Chu Yun-han và Yu Ching-hsin. Nhiều thông tin hơn có sẵn trên website của TEDS (www.tedsnet.org). Tác giả cảm ơn TEDS, cũng như các Giáo sư Chi, Chu, và Yu vì đã cung cấp dữ liệu. Tác giả chịu trách nhiệm về quan điểm được bày tỏ ở đây.

S.R.

Dịch giả gửi BVN


Chú thích :

1 Samuel P. Huntington, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Norman, OK: University of Oklahoma Press, 1991).
2 Juan J. Linz, “Transitions to Democracy,” Washington Quarterly 13 (Summer 1990): 143–64.
3 Larry Diamond, Developing Democracy: Toward Consolidation (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1999), 67.
4 Chen Shui-bian, “Address at the Opening Ceremony of the International Conference on Constitutional Reengineering in New Democracies,” October 28, 2005, http://english.president.gov.tw/Default.aspx?tabid=491&itemid=18350&rmid=2355.
5 M. Taylor Fravel, “Towards Civilian Supremacy: Civil-Military Relations in Taiwan’s Democratization,” Armed Forces and Society 29, no. 1 (Fall 2002): 57–84; and David Kuehn, “Democratization and Civilian Control of the Military in Taiwan,” Democratization 15, no. 5 (December 2008): 870–90.
6 Chin-shou Wang. 2010. “The Movement Strategy in Taiwan’s Judicial Independence Reform.” Journal of Current Chinese Affairs 39:3, 130.
7 Jerome Cohen, “Ties That Bind,” South China Morning Post, November 13, 2008.
8 Chester Yung and Jeffrey Ng, “Hong Kong’s Tang Resigns from Government Post,” Wall Street Journal, September 28, 2011.


* Lưu ý tác giả viết bài này năm 2012, hai năm trước quyết định của Bắc Kinh về bầu lãnh đạo đặc khu Hong Kong, gây ra các sự kiện nóng bỏng bắt đầu vào năm 2014 và còn tiếp diễn.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 03:14










No comments: