Sunday, March 15, 2015

Bình luận cáo trạng vụ anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (Người Buôn Gió)





Thứ Bảy, ngày 14 tháng 3 năm 2015

Bản cáo trạng do Viện Kiểm Sát tối cao viết ra, nhưng lại uỷ quyền cho viện kiểm sát Hà Nội giữ quyền công tố trong phiên sơ thẩm. Vậy theo trình tự phúc thẩm thì  đối tượng việc khiếu nai, kêu oan của bị can sẽ chính là Viện Kiểm Sát Tối Cao. Dù phiên toà chưa xử đã thấy bất lợi cho các bị cáo. Vì nếu có sai ở vụ án này sẽ là lỗi của VKSTC, cấp trên của VKSNT thành phố Hà Nội là cơ quan ra cáo trạng.

Nói nôm na theo kiểu dân đen, thằng con đánh người, người ta mách bố nó, liệu có hy vọng gì chính bố nó là người ra lệnh cho thằng con đánh. Như vậy vụ án này đã thể hiện ý chí vùi dập các bị cáo ngay từ ban đầu, không cho các bị cáo hy vọng gì thái độ công bằng của cơ quan pháp luật.

Nguyên nhân của việc VKSTC viết cáo trạng là bắt đầu từ Cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công An khởi tố vụ việc, theo luật thì VKS đồng cấp sẽ thụ lý vụ án theo.

Với tội danh vi phạm khoản 2 điều 258, là tội phạm nghiêm trọng, việc diễn ra trên địa bàn Hà Nội, đối tượng vi phạm chỉ hai người, đều sinh sống làm việc tại Hà Nội. Lẽ ra cơ quan an ninh Công an TPHN thụ lý việc này, nhưng An ninh điều tra BCA đã nhảy vào cuộc ngay từ đầu. Thông thường thì việc Bộ Công An trong quá trình điều tra, thấy vụ án vào mục như trên sẽ trả hồ sơ cho công an thành phố thụ lý điều tra. Nhưng ở vụ án này, ANĐT BCA đã quyết tâm thụ lý bằng được, thậm chí sự cay cú hằn học còn thể hiện ở thời hạn điều tra.
Trong khung hình phạt tù từ 2 đến 7 năm, thời hạn điều tra được quy định trong điều 119 của BLTTHS như sau.

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;

Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thuý bị bắt khẩn cấp theo lệnh của Bộ Công An vào ngày 5/5/2014. Bản kết luận điều tra cuối cùng theo quy định được cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ra ngày 26 tháng 1 năm 2015. Quyết định khởi tố ra ngày 13/5/2014. Tính theo ngày bắt thì bản kết luận điều tra này vi phạm 21 ngày, tính theo quyết định khởi tố vụ án vi phạm 8 ngày.

Vậy năng lực của cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An kém hay có điều gì khuất tất trong vụ án, mà chỉ một vụ án khung hình phạt từ 2 đến 7 năm thôi, thuộc khoản B điều 119 BLTTHS, cơ quan an ninh điều tra của BCA phải sử dụng tối đa thời hạn điều tra của luật tố tụng hình sự quy định. Đến lúc quá thời hạn quy định rồi dư luân lên án , lúc đó mới ra bản kết luận điều tra cuối cùng.

Thực thi pháp luật kiểu ấy liệu có khiến người ta tin tưởng vào năng lực và sự công bằng hay không.? Liệu có phải đây là một vụ án đầy đủ chứng cứ hay là một vụ án khiên cưỡng, gò ép phải đưa ra xét xử bằng được. Nếu chứng cứ đầy đủ, vụ án thế này không cần để ANĐT BCA xài triệt để thời hạn điều tra như vây, thậm chí còn quá hạn quy định của BLTTHS.

Đọc bán cáo trạng cũng như kết luận điều tra, thấy nêu tên ông tướng Hoàng Kông Tư là nạn nhân của các bị cáo. Ông Tư chính là thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An.
Thử hỏi có vụ án nào người bị hại lại là người ra lệnh bắt giữ, khám xét và điều tra bị cáo.?
Phải chăng ông Tư đã lạm dụng quyền hạn của mình, để trả thù các bị cáo. Nên ông đã dùng cơ quan an ninh điều tra BCA mà ông là lãnh đạo để thụ lý vụ án, một vụ án lẽ ra để  công an thành phố Hà Nội thụ lý giải quyết cũng được vì tính chất như đã nói, bị cáo chỉ có hai người, hành vi , nơi sinh sống diễn ra tại Hà Nội, khung hình phạt trong mức mà các cấp như VKS, CA, Toà Án thành phố thụ lý.

Trong 12 bài viết được gọi là bằng chứng phạm tội mà các bị cáo đăng tải trên trang Dân Quyền, bài xa nhất là bài Tham Nhũng, Chống Tham Nhũng và Thể Chế được đăng ngày 17 tháng 1 năm 2014. Bài cuối cùng là bài đăng ngày 30 tháng 4 năm 2014, bài đó có tên là.

- Ông trời con Hoàng Kông Tư vs BBC Việt Ngữ

Đây là bài đăng cuối cùng trên trong 12 bài viết đăng trên trang Dân Quyền, các bị cáo bị bắt vài ngày sau đó vào ngày 5 tháng 5 năm 2014.

Đến đây thì có thể kết luận, vụ án này do trung tướng Hoàng Kông Tư báo thù cá nhân. Nếu các bị cáo phạm tội thực sự, cơ quan an ninh điều tra BCA làm việc đúng pháp luật. Các bị cáo phải bị bắt từ lâu rồi, chứ không phải đến bài viết về ông Tư mới bắt.

Bản cáo trạng gồm 8 trang. 3 trang đầu miêu tả việc các đối tượng lập blog, lập trang mạng, đây là việc quá bình thường trong một đất nước đang có hàng chục triệu ngươi sử dụng mạng internet. Việc liệt kê quá trình lập blog, bảo mật, đăng ký sử dụng mạng, lập thư điện tử….bất kỳ ai lên mạng đều làm như vậy. Có gì mà phải vẽ ra đến 3 trang như ly kỳ, âm mưu toan tính, hiểm hóc ?

2 trang chỉ liệt kê tên của các bài viết, chỉ liệt kê đúng cái tiêu đề.
2 trang nêu lý lịch bị cáo.
1/2 trang kết luận.
 1/ 4 trang của bản cáo trạng liệt kê lượng người đọc , còm men.

Chỉ có 1/4 trang trong 8 trang cáo trạng có vẻ đúng nghĩa bản cáo trạng, nhưng đó là kết luận giám định của bộ thông tin và truyền thông khẳng định các bài viết mà hai bị cáo đưa lên là xuyên tạc đường lối của Đảng, bôi nhọ cá nhân, xâm phạm lợi ích cá nhân tổ chức….còn xâm phạm thế nào, thiệt hại ra sao, cá nhân nào bị thiệt hại…không thấy nói đến.

 Cả cái bản cáo trạng lẫn kết luận hồ sơ của Bộ Công An, Viện Kiểm Sát tối cao mà chỉ kể lể dài dòng chuyện lý lịch, việc đăng ký sử dụng mạng, lập hòm thư rồi nêu tên các bài viết. Sau đó ngắn gọn nói rằng giám định Bộ Thông Tin Truyền Thông nói là có tội, thế là thành có tội mang ra xử. Không thấy phân tích chứng cứ, lập luận khoa học kết tội. Rặt áp đặt chủ quan, cảm tính. Một bản cáo trạng và kết luận hồ sơ như vậy thì cần gì hai cơ quan tố tụng lớn nhất đất nước phải dùng sạch bách thậm chí quá hạn điều tra mới viết ra được.

Và tại sao Bộ Công An có cơ quan an ninh văn hoá không giám định các bài viết mà để cho một cơ quan dân sự, không liên quan gì đến việc tố tụng đứng ra giám định và kết luận việc có tội hay không có tội.

Xét về mạnh cạnh tranh độc giả, thì chính các bị cáo là đối thủ cạnh tranh với bộ Thông Tin Truyền Thông trong việc chiếm lĩnh thị trường thông tin.

Vậy vụ án này thật khôi hài và bỉ ổi. Kẻ được nêu tên là bị hại thì chính là kẻ khởi tố, điều tra vụ án. Đối thủ cạnh tranh thị trường lại được mời làm giám định thiệt hại, kết luận có tội. Một vụ án được những kẻ tham gia tố tụng như vậy trông mong gì minh bạch.
Điều đặc biệt nhất trong bản cáo trạng này là bản cáo trạng vi phạm điều 100 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự.

Điều 100 BLTTHS quy định như sau:

Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:
1. Tố giác của công dân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;
5. Người phạm tội tự thú.

Bản cáo trạng chỉ nói ngày 5 tháng 5 năm 2014 cơ quan an ninh điều tra tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Minh Thuý, sau đó Bộ Công An phát hiện thấy hai đối tượng đang mở trang website Dân Quyền, Chép Sử Việt.

Chắc sắp tới, điều 100 của Bộ luật TTHS nước CHXHCN Việt Nam phải thêm một khoản 6 nữa trong căn cứ xác định dấu hiệu pham tội, đó là cứ khám xét khẩn cấp nhà riêng, nơi làm việc mà phát hiện có gì thì khởi tố sau. Điều luật này có thể khi chung chung để cơ quan an ninh áp dụng thoải mái, hãy đặt tên điều luật đó là luật Hoàng Kông Tư.

Từ những căn cứ vi phạm các dấu hiệu vi phạm luật TTTHS như căn cứ khởi tố vụ án ở điều 100 bộ luật tố tụng hình sự, điều 119  BLTTHS về thời hạn điều tra, điều 42 BLTTHS về người tham gia tố tụng có thân thích với bị hại ( thân thích với bị hại còn không được, huống chi là bị hại như ông Tư và bị thiệt hại về cạnh tranh bạn đọc như cơ quan giám định Bộ Thông Tin Truyền Thông ) hay thẩm quyền của cơ quan thụ lý vụ án.

Đề nghị huỷ toàn bộ hồ sơ cáo trang, kết luận điều tra, thay đổi cơ quan điều tra và cơ quan công tố cũng như cơ quan giám định. Giao vụ án này cho công an TP Hà Nội, Viện Kiểm Sát Hà Nội, cơ quan giám định văn hoá của BCA thụ lý ..thực hiện. Đảm bảo công bằng cho bị cáo. Đề nghị triệu tập những cơ quan, tổ chức bị haị , những cá nhân bị hại như ông trung tướng công an, thủ trướng cơ quan an ninh điều tra BCA Hoàng  Kông Tư, ông thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Viẹt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Thanh Nghị phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư ĐCSVN để làm rõ mức độ thiêtj hại cũng như yêu cầu , ý kiến của các ông này đối với vụ án. Đề nghị triệu tập các tác giả trong những bài viết mà các đối tượng đăng tải lại. Triệu tập các nhân chứng liên quan…

Nếu bất chấp các vi phạm luật TTHS trên mà vẫn đem ra xét xử, rõ ràng đây là một vụ án tư thù cá nhân, những kẻ có quyền lực tố tụng đã bẻ cong pháp luật một cách trắng trợn, tuỳ tiện để thoả mãn động cơ cá nhân của mình.

Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 03:36






No comments: