Wednesday, January 21, 2015

Về đề nghị của phía TQ dùng nhân dân tệ trong thanh toán ở nội địa Việt Nam (Vũ Quang Việt - Diễn Đàn)





Vũ Quang Việt  - Diễn Đàn
20-1-2015

Lời nói đầu:

Ngày đầu năm nay, theo báo Hải quan, “Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc vừa có kiến nghị gửi một số cơ quan chức năng ở Việt Nam đề nghị cho phép mở rộng phạm vi giao dịch đồng Nhân dân tệ”. Thông tin này đã được báo chí (cả chính thống và “ngoài lề”) đăng lại, và bình luận (cả về các khía cạnh kinh tế và chính trị) – như trong bài này của TS Lê Đăng Doanh. Do phản ứng chống đối gần như nhất trí của báo chí Việt Nam mà phía Trung Quốc đã rút lại đề nghị, hay thực ra thông tin của báo Hải quan không chính xác, nên sau vài ngày “nóng” thì sự việc có vẻ như đã chìm xuống. Chìm nhưng có thật là không có gì đằng sau? Chúng tôi nhận được bài dưới đây của TS Vũ Quang Việt, với vài “lời nói đầu” như sau:

Tác giả nghe tin không chính thức là phía TQ không nói với phía VN như báo đã đăng. Nội dung kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp TQ với VN như thế nào vẫn chưa được công bố và báo chí VN đưa tin về kiến nghị của phía TQ vẫn chưa cải chính. Vì thế việc đăng bài này vẫn không phải là thừa.

Không hồ nghi gì về mức độ thâm hiểm của anh hàng xóm khổng lồ này và đồng ý với nhận định của tác giả, Diễn Đàn xin trân trọng giới thiệu bài viết với bạn đọc.

Có vài câu hỏi đặt ra cần trả lời:

1. Có nên cho phép dùng nhân dân tệ (NDT) trong các thanh toán giữa các đối tác trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam?

Câu trả lời phải là không.

Không một nước nào muốn có một nền kinh tế độc lập, lại muốn xóa bỏ khả năng điều hành chính sách tiền tệ của mình bằng cách cho phép sử dụng rộng rãi vàng hay ngoại tệ trong thanh toán nội địa, dù nó là đồng NDT hay USD. Sử dụng ngoại tệ một cách rộng rãi chứng tỏ rằng người dân không còn tin nội tệ và muốn giữ nó, đưa đến việc nội tệ mất giá.

Tuy vậy phải nói có nhiều mức độ mà ngoại tệ được dùng trong nền kinh tế.

Mức độ thứ nhất là cho phép dùng ngoại tệ trong trao đổi một cách có kiểm soát. Cách này thì VN, TQ trước đây đã dùng và Cuba hiện nay vẫn đang làm. Cách này chỉ có thể áp dụng với các nền kinh tế bị phong tỏa, thiếu ngoại tệ.

Mức độ thứ hai là việc xóa bỏ toàn bộ nội tệ để dùng một ngoại tệ như đồng Euro trong khối các nước EU, hay như việc một vài đảo quốc nhỏ bé ở vùng Caribean sống nhờ vào du khách Mỹ nên đã quyết định dùng USD làm nội tệ. Các quốc gia này hoàn toàn mất khả năng điều động chính sách tiền tệ. Không thể phá giá đồng bạc để làm hàng hóa rẻ đi, tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu, giúp tăng khả năng trả nợ. Họ chỉ có thể đuổi việc, giảm lương nhanh chóng để nâng cao tính cạnh tranh. Nhưng điều này về mặt chính trị là không thể, nên phải để thị trường tự điều chỉnh bằng khủng hoảng kinh tế kéo dài. Đó là trường hợp của Hy Lạp hiện nay. Tất nhiên TQ không dám đề nghị đến mức độ này với VN trừ khi VN chịu làm thành viên trong một liên bang cầm đầu bởi TQ trong đó chỉ có một đồng bạc được sử dụng là NDT.

Mức độ thứ ba mà hình như TQ đề nghị VN cho phép dùng cả hai đồng tiền như đã đề cập ở đoạn trên, điều này sẽ đưa đến mất khả năng kiểm soát tiền tệ của chínhh phủ VN. Đồng “tốt” NDT vì sức mạnh kinh tế của TQ sẽ đuổi đồng “xấu” VN ra khỏi thị trường. Cái gọi là tình trạng vàng hóa và đô la hóa ở VN đã đưa đến lượng “phương tiện thanh toán” thoát khỏi hoặc xâm nhập vào thị trường nội địa tùy theo tình hình đầu cơ, sẽ làm Ngân hàng Trung ương mất khả năng theo dõi và kiểm soát lượng tiền tệ trong nền kinh tế. Nên nhớ rằng tiền tệ là bất cứ vật thể gì đáng tin cậy, có thể dùng rộng rãi làm phương tiện thanh toán.

Sự mất tin tưởng vào nội tệ có thể tạo ra tình trạng capital flight (rút chạy của ngoại tệ) ra nước ngoài, làm quốc gia mất khả năng trả nợ, mất khả năng nhập khẩu, đẩy hối suất lên cao và gây lạm phát. Tình trạng ngoại tệ tháo chạy (bằng cách chuyển nội tệ sang ngoại tệ), qua việc bán tháo cổ phiếu, địa ốc năm 1997 đã đưa đến việc mất khả năng chi trả nợ nước ngoài, làm suy sụp chính quyền Suharto; còn Mã Lai đã phải đối phó bằng các biện pháp hạn chế chuyển ngoại tệ để ngăn chặn việc tháo chạy của ngoại tệ.

Ngược lại với tình trạng trên là chính sách đẩy mạnh phát triển chủ yếu dựa vào tín dụng và vay mượn nước ngoài, đưa đến tình trạng đầu cơ thu hút ngoại tệ, qua thị trường cổ phiếu, FDI, địa ốc tạo ra lượng cung tiền tệ lớn hơn nhiều so với mức tăng sản xuất; nền kinh tế trở nên quá nóng đưa lạm phát lên cao cùng với mức tăng phi lý của giá trị tài sản, kinh tế tất nhiên sẽ mất ổn định và sự suy sụp của giá tài sản sau đó là điều không tránh khỏi. Đây là tình trạnh xảy ra những năm sau năm 2006 ở VIệt Nam.

Khả năng kiểm soát tiền tệ chính là điều kiện để một nước có khả năng đối phó với tình trạng tháo chạy của tư bản hay tình trạnh quá nóng của nền kinh tế. Ngay những nước này gặp vấn đề này, lúc đó, cũng không ai cho phép chi trả thanh toán trong nội địa bằng ngoại tệ.

2. Các phương pháp thanh toán trong buôn bán quốc tế và ảnh hưởng của chúng ra sao?

Trước khi đi vào cụ thể hơn, ta cũng nên biết qua về cách thanh toán trong buôn bán quốc tế.

Hợp đồng hay biên lai buôn bán hàng hóa trên thị trường quốc tế có thể viết trên cơ sở bất cứ đồng bạc nào dựa vào sự đồng ý giữa hai bên có trao đổi. VN có thể mua hàng của TQ và trả bằng USD, NDT hay đồng VN. Đây là đồng bạc ghi trong biên lai mua bán. Khi chi trả, cần thông qua ngân hàng để giải quyết bằng đồng tiền ghi trong biên lai, nhưng người nhận hay người chi trong nước chỉ nhận và chi bằng nội tệ. VN nếu phải trả bằng USD thì ra ngân hàng thương mại mua USD bằng đồng VN để thanh toán. Còn nếu thanh toán bằng NDT, thì phải mua NDT bằng đồng VN ở ngân hàng để thanh toán. Ngược lại, nếu bán hàng nhận NDT thì ra ngân hàng thương mại đổi ra tiền Việt. Qua cách làm như vậy, Ngân hàng Trung ương có thể kiểm soát được lưu lượng tiền tệ. Như vậy, một nước muốn kiểm soát được tiền tệ và giá cả thì phải theo nguyên tắc không cho phép mở tài khoản bằng ngoại tệ.

Nhưng vì NDT không phải là đồng tiền chuyển đổi tự do nên VN sẽ gặp khó khăn nếu chấp nhận chi trả bằng NDT.
Không có nước nào có lệnh ép buộc phải ghi biên lai bằng 1 đồng tiền nào đó, nhưng vì đồng USD đang được sử dụng rộng rãi nên nó tự nhiên trở thành đồng tiền ghi biên lai.

2.1 NDT có thể dùng làm dự trữ ngoại tệ không?

Nếu ý đồ của TQ là kêu gọi VN dùng NDT làm dự trữ ngoại tệ thì đó là việc bản thân Ngân hàng nhà nước VN sẽ phải quyết định, dựa trên lợi ích có thể có nếu dùng chúng vào việc đó như dùng USD, EU hay đồng Yen.

Bất lợi cho Việt Nam
Có thể nhận định là đồng NDT hiện nay không được chuyển đổi tự do và khi được phép chuyển đổi, giá NDT cũng chưa do thị trường quyết định. Ở TQ hiện nay vẫn phải xin phép và chỉ với lý do được coi là chính đáng mới có thể đổi đồng NDT sang đồng tiền khác và chuyển ra nước ngoài. Trong tình hình này, dù các nhà sản xuất VN có đồng NDT họ cũng không thể tự do chuyển sang đồng ngoại tệ khác để đưa về nước hoặc dùng chúng để mua hàng hóa nước khác. Tình hình như hiện nay thì Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt thòi sau:

a) NDT thu được chỉ có thể dùng để mua hàng Trung Quốc.

b) Trong trường hợp được phép thì VN phải chịu hai thiệt thòi: i) trả chi phí chuyển đổi, ii) chịu rủi ro trong thay đổi hối suất khi NDT mất giá.

Lợi cho Trung Quốc
TQ bán và mua hàng bằng NDT, nên hoàn toàn không phải chịu phí chuyển đổi và cũng không chịu rủi ro thay đổi hối suất. TQ có thể dễ thu hút người mua có dự trữ NDT.

2.2 Có nên để Ngân hàng TQ được quyền cấp tín dụng bằng NDT trên thị trường VN?

Câu trả lời cũng là không.

Một quốc gia có thể thu hút tư bản nước ngoài (tức là ngoại tệ) bằng nhiều biện pháp để phát triển kinh tế:

a) Thu hút vốn tự có qua đầu tư trực tiếp (FDI) hay phát hành cổ phiếu ra nước ngoài để có ngoại tệ nhập máy móc và cho các chi phí cần ngoại tệ;

b) Vay mượn qua vay ngân hàng nước ngoài hay bán trái phiếu cho nước ngoài.

Tất cả ngoại tệ thu được đều phải chuyển qua ngân hàng thương mại, đổi thành nội tệ nếu được chuyển về trong nước. Chỉ trong trường hợp hãn hữu (có tính phi nguyên tắc và nếu được áp dụng rộng rãi sẽ có hại cho chính sách tiền tệ, và không nên khuyến khích) là các khoản vốn này được gửi vào tài khoản bằng ngoại tệ.

Việc xử lý NDT cũng phải thực hiện trên cơ sở được bàn ở trên. Không có lý do gì cho phép một ngân hàng TQ được mở ở Việt Nam nhằm cấp tín dụng bằng NDT trên thị trường Việt Nam vì như thế đồng nghĩa với việc cho phép TQ tham gia vào việc phát hành tiền tệ trên thị trường Việt Nam.

Không rõ điều Hiệp hội doanh nghiệp TQ và Ngân hàng Công thương TQ kiến nghị1 cụ thể thế nào, nhưng tin trên báo VN cho biết như sau:

Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng nếu thị trường thanh toán NDT từ biên giới được mở rộng đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể quản lý nguồn vốn này hiệu quả, tăng cường thu thuế và công tác phòng chống rửa tiền.

Doanh nhân TQ đã lý luận rằng VN đã cho phép thanh toán bằng đồng NDT lên tới 15 tỷ USD ở vùng biên giới, và cho rằng do việc mang tiền qua biên giới bị kiểm soát chặt nên mới có yêu cầu cho tự do hơn này và họ than phiền như sau:

Tuy nhiên, sau khi thanh toán, các thương nhân muốn mang VND và CNY qua cửa khẩu biên giới phải tuân theo quy định chặt chẽ về mang ngoại tệ tiền mặt cũng như mang VND tiền mặt khi xuất nhập cảnh. Hơn nữa, các giao dịch thanh toán tại biên giới Việt Nam phải thực hiện thông qua một ngân hàng được phép của Việt Nam ở khu vực biên giới.

Chính thông tin trên cho thấy chính quyền VN đang tự cho phép mình mất chủ quyền về tiền tệ ở vùng biên giới, biến các tỉnh này thành vùng đầu tầu giúp TQ tiến công xâm nhập vào thị trường VN bằng quyền sử dụng NDT. Việc tự đánh mất chủ quyền thể hiện rõ qua chính sách của chính quyền VN hiện nay là cho phép mỗi người dân ở biên giới nhập hàng TQ về 2 triệu VNĐ/ngày. Chính sách kiểu này là cho phép hợp pháp hóa buôn lậu của nhóm lợi ích. Chính sách này cần chấm dứt.

Phải chăng đây cũng là lý do tại sao VN không còn kiểm soát được nhập khẩu từ TQ và chất lượng hàng nhập khẩu từ TQ? Cũng nên nói qua là tổng nhập siêu từ TQ ngày càng tăng và năm 2013 lên đến gần 24 tỉ US so với xuất siêu sang Mỹ là 18 tỷ. Và hàng nhập từ TQ chủ yếu là máy móc, nguyên liệu để gia công. Mở rộng thêm theo đề nghị của phía TQ là mở rộng khả năng NDT đuổi đồng nội tệ ra khỏi thị trường VN và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành nền kinh tế VN và chính trị ở VN. Đây cũng chính là lúc chính quyền VN nên xem xét lại chính sách tiền tệ và thương mại với TQ ở khu vực biên giới. Một chính sách phù hợp là thực hiện mậu dịch qua ngân hàng bằng đồng tiền chuyển đổi được trên thị trường thế giới, còn nếu không thì dựa trên việc thành lập qua ngân hàng một quĩ chuyển đổi giữa đồng VN và nhân dân tệ, bên VN có thể mua hàng bằng đồng Việt và bên TQ có thể mua hàng bằng nhân dân tệ, phần còn lại được giải quyết bằng đồng chuyển đổi. Đây cũng là cách hai bên hợp tác nhằm có biện pháp phù hợp cân bằng thương mại giữa hai nước.

Vũ Quang Việt




No comments: