Saturday, January 31, 2015

Chuyến công du nhiều ý nghĩa của Tổng Thống Obama (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Tuesday, January 27, 2015 7:14:30 PM

Chuyến đi Á Châu của Tổng Thống Obama ở Ấn Độ và Saudi Arabia chỉ ngắn ngủi trong vòng bốn ngày nhưng có nhiều ý nghĩa đặc biệt và tầm quan trọng rộng lớn.

Tại New Delhi, Tổng Thống Obama vượt quy định an ninh khi ông ngồi ngoài trời trên hai tiếng đồng hồ dự khán cuộc diễn hành vĩ đại và huy hoàng theo truyền thống Ấn Độ, kỷ niệm ngày Lễ Độc Lập lần thứ 66.

Theo thủ tục của cơ quan đặc vụ bảo vệ an ninh (Secret Service),  Tổng Thống không được ở ngoài nơi công cộng lâu quá 45 phút. Dù các biện pháp an ninh đã được Ấn Độ chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và các nhà lãnh đạo ngồi trên khán đài có kính chắn đạn bao quanh, Tổng Thống Obama từ trước đến nay chưa khi nào hiện diện trong một buổi lễ ngoài trời trên 40 phút.

Qua 65 năm, ông Obama là vị Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên được mời với tư cách thượng khách tới dự lễ Độc Lập của Ấn Độ. Những nguyên thủ quốc gia trước đây đã từng được mời đến Ấn Độ trong dịp này là Liên Xô 2 lần, Nam Tư 2 lần, Trung Quốc 1 lần vào thời kỳ Ấn Độ còn là nước lãnh đạo khối phi liên kết và thân thiện với các nước Cộng Sản, sau đó tới Pháp 3 lần, Anh 2 lần , Nga 1 lần,

Qua bài nói chuyện tại Siri Fort Auditorium trước một số cử tọa chọn lọc, có phần đặt câu hỏi tiếp theo, Tổng Thống Obama tóm tắt được tình hình tổng quát trong mối quan hệ Mỹ – Ấn hơn nửa thế kỷ vừa qua, và kỳ vọng về tương lai. Ông nói: “Chúng tôi tin tưởng sự hứa hẹn của Ấn Độ, chúng tôi tin tưởng nhân dân Ấn Độ. Chúng tôi tự hào là đối tác của quý vị trong sự xây dựng quốc gia như quý vị mong ước. Chúng ta không phải là những quốc gia hoàn hảo nhất, đã từng trải qua thảm kịch cũng như thắng lợi, đã đương đầu với rất nhiều thách đố. nhưng chúng ta có yếu tố then chốt để tiến bộ, đó là Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể cùng nhau xây dựng tương lai”.

Trong nhiều năm, thảm kịch Bhopal, tai nạn kỹ nghệ kinh hoàng nhất từ trước đến nay, là một trong những vướng mắc của quan hệ Mỹ – Ấn. Đêm 3 tháng 12 năm 1984, ống dẫn hơi methyl isocyanate ở nhà máy hóa chất của công ty Mỹ Union Carbide Corp.  rò rỉ làm hơn 500,000 người dân thành phố Bhopal bị ngộ độc, Nhà cầm quyền tiểu bang Madhya Pradesh cho biết có 3,787 người chết, khoảng 40,000 người tàn phế vĩnh viễn. Union Carbide thương lượng bồi thường $470 triệu năm 1989 nhưng Hoa Kỳ từ chối không chấp thuận cho dẫn độ Warren M. Anderson, chủ tịch tổng giám đốc công ty  lúc đó, vì cho rằng không đủ bằng cớ về trách nhiệm. Anderson vừa qua đời tháng 9 năm ngoái ở tuổi 93.

Tổng Thống vạch ra rất nhiều cơ hội họp tác phát triển của hai quốc gia trên nhiều lãnh vực từ kinh tế, mậu dịch tới quân sự và tiến bộ khoa học. Ấn Độ có dân số đứng hàng thứ nhì thế giới, 1.2 tỷ, là một quốc gia đang phát triển, đa số dân chúng còn nghèo, GDP tính trên đầu người chỉ đứng hàng thứ 165 trên thế giới nghĩa là còn thua Việt Nam. Tuy nhiên Ấn Độ có giá trị chiến lược đặc biệt trong vùng Nam Á – Ấn Độ Dương và được xem là đối trọng duy nhất có tiềm năng với Trung Quốc.

Trong ngày Lễ Độc Lập Ấn Độ, bao giờ cũng có một cuộc trình diễn bao gồm cả diễn hành quần chúng nhiều màu sắc và diễn binh, theo kiểu cách mà người ta cho rằng Thủ Tướng Jawaharlal Nehru trước kia đã chịu ảnh hưởng từ các nước xã hội chủ nghĩa. Tổng Thống Obama ngồi cạnh Thủ Tướng Narendra Modi trên khán đài 125,000 ghế theo dõi cuộc diễn hành cùng với hàng triệu dân chúng đứng hai bên đường trong thời tiết giá lạnh và mưa.
Các phóng viên cho biết Tổng Thống Obama đặc biệt chú ý đến Lực Lượng Bảo Vệ An Ninh Biên Giới với các đội xe motorcycle trên đó những binh sĩ biểu diễn nhiều thế giữ thăng bằng trong khi di chuyển, và ông đã ra dấu 'thumbs-up'. Những đơn vị hải lục không quân Ấn Độ đi ngang khán đài bao gồm cả các đội hoàn toàn là nữ quân nhân.

Tổng Thống cũng chứng kiến cuộc diễn hành của những loại vũ khí nặng, từ trọng pháo tới hỏa tiễn và chiến xa T-90, trong khi các máy bay chiến đấu MiG-29, Su-30 phi diễn trên không phận qua khán đài. Điều này thể hiện Ấn Đô là khách hàng lớn nhất thế giới mua vũ khí của Nga.

Tổng Thống Obama và phái đoàn Hoa Kỳ  xác định sẵn sàng bán vũ khí cho Ấn Độ, hợp tác kỹ thuật về hàng không mẫu hạm và động cơ máy bay phản lực. Cũng đã có đồng ý về hợp tác sản xuất máy bay không người lái cỡ nhỏ. Sẽ không dễ dàng để Nga lùi bước, nhượng lại cho kỹ nghệ quốc phòng Mỹ khách hàng cỡ lớn này. Tuy nhiên các quan sát viên nhận xét rằng quan hệ quân sự Mỹ – Ấn Độ bây giờ sẽ không còn bị trở ngại do Hoa Kỳ đã phần nào thay đổi thái độ với Pakistan.

Trong hơn hai ngày ở Ấn Độ, Tổng Thống Obama đã gặp gỡ và thảo luận với Thủ Tướng Narendra Modi cả thảy 6 lần. Sự thân mật giữa hai nhà lãnh đạo sau cuộc thăm viếng Hoa Kỳ của Thủ Tướng Modi hồi tháng 9 năm ngoái làm nhiều người ngạc nhiên. Trong hàng chục năm Modi thuộc diện bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ vì tình nghi có vai trò trong vụ tàn sát 2,000 dân Hồi Giáo khi ông làm Thống Đốc tiểu bang Gujarat miền Tây Ấn Độ năm 2002. Tổng Thống Obama bãi bỏ lệnh cấm năm ngoái khi ông Modi trở thành Thủ Tướng Ấn Độ.
Người ta tin rằng những vướng mắc trong vấn đề nguyên tử phục vụ hòa bình ở Ấn Độ sẽ được giải quyết và các công ty Mỹ có thể sẽ cung cấp trang thiết bị kỹ thuật cho các nhà máy điện nguyên tử Ấn Độ. Trong hội nghị bàn tròn cùng với Thủ Tướng Modi và các chủ tịch công ty xí nghiệp, Tổng Thống Obama hứa hẹn $4 tỷ đầu tư và tín dụng nhắm tới các lãnh vực nhiều tiềm năng chưa được khai thác ở Án Độ. Tổng Thống cũng hứa hẹn ủng hộ Ấn Độ trong việc xin làm một hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, hiện nay mới chỉ có 5 nước.

Tổng Thống Obama rút ngắn một ngày ở Ấn Độ và không tới thăm ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng là một trong những kỳ quan của thế giới để qua Saudi Arabia viếng cựu hoàng Abdullah vừa từ trần. Đứng ở cửa máy bay Air Force One chuẩn bị cất cánh từ căn cứ không quân Palam ở New Delhi, Tổng Thống và Đệ Nhất Phu Nhân Michelle đã chắp tay vái chào những người ra tiễn theo kiểu 'Namaste' của dân Ấn Độ.

Đến Saudi Arabia ngoài chương trình dự định là nhằm bầy tỏ thái độ cần thiết về sự gắn bó với vương quốc này, một đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở vùng Trung Đông. Gần đây quan hệ giữa hai nước đã có một vài trục trặc vì vấn đề Hoa Kỳ muốn thương thuyết với Iran, do dầu lửa rớt giá một phần vì sản lượng nội địa của Hoa Kỳ gia tăng bằng sự khai thác dầu đá phiến (shale oil). Saudi Arabia còn là một quốc gia Hồi Giáo cương quyết chống khủng bố và những thành phần cực đoan quá khích như Nhà Nước Hồi Giáo IS.





No comments: