Chuyện
Tù Cải Tạo Của Phó Tổng Thanh Tra Ngân Hàng Quốc Gia VNCH
Một bạn
thân ở Montréal Canada vừa gửi cho tôi cuốn Pháp Ngữ Souvenirs et Pensées, viết bởi Bà Bác Sỹ
Nguyễn Thị Đảnh và được Bác Sỹ Từ Uyên chuyển qua Việt Ngữ. Bạn lại khuyến
khích tôi nếu có thì giờ thì chuyển qua Anh Ngữ theo sự mong muốn của tác giả.
Sau khi đọc tôi thấy đặc biệt ở chỗ tù cải tạo này là một chuyên viên tài chính
ngân hàng, khác hẳn trường hợp thường thấy của các sỹ quan trong quân lực. Ông
Thảo bị đầy đọa sáu năm rưỡi trời để hy vọng moi các hiểu biết của
ông về tài sản Ngân Hàng Quốc Gia.
Bà Bác
Sỹ Đảnh nay định cư tại Oslo Na Uy là một phụ nữ miền Nam, Tây học. Phu quân Đỗ
Văn Thảo cũng là người Nam, sinh ngày 21 tháng 8 năm 1927 tại Gò Công. Sau khi
tốt nghiệp Đại Học tại Pháp ông Thảo đã về làm việc tại Ngân Hàng Quốc Gia Việt
Nam từ tháng Tư năm 1955. Ông đã giữ chức Giám Đốc Nha Ngoại Viện rồi Phó Tổng
Thanh Tra Ngân Hàng Quốc Gia cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975. Ông bị đi tù cải tạo tháng 6 năm
1975 rồi bị lưu đầy ra Bắc cho đến tháng 9 năm 1980. Đến tỵ nạn chính trị
tại Bergen, Na Uy tháng 12 năm 1981, ông tạ thế tháng Giêng năm 2001 tại Oslo,
Na Uy vì trụy tim.
Câu
chuyện Bà Bác Sỹ Đảnh kể lại về sự tù tội Việt Cộng của đức lang quân cho thấy
đặc biệt có ba khía cạnh. Là người Nam thuần túy, là chuyên viên được huấn luyện
công phu và chưa bao giờ liên quan đến quân đội. Nhưng Việt Cộng cưỡng chiếm miền
Nam đã hành xử như quân xâm lăng, cầm tù những chuyên viên rồi vơ vét của cải
đem về như Phát Xít Đức Quốc Xã khi tiến vào Paris. Sự thiển cận của họ đã đưa
đến sự kiệt quệ tột cùng cho đến bây giờ vẫn chưa ngóc đầu lên ngang hàng với
các nước lân bang. Nay mở miệng mời chào người Việt nước ngoài trở về đem chất
xám giúp nước thì thử hỏi có nghe được không?
Câu
chuyện do bà Đảnh kể lại trong thời kỳ gia đình bị kẹt vì lỡ chuyến ra đi của tầu
Việt Nam Thương Tín. Những ông tưởng chỉ được ông Thảo thỉnh thoảng nhắc đến vì
ông không muốn trải qua một lần nữa những hình ảnh dã man mà ông đã trải qua.
Bà hết sức căm nước Pháp đã hùa theo Việt Cộng chỉ vì thù Mỹ đã không giúp họ
xâm chiếm lại xứ Việt Nam trù phú sau khi Thế Chiến II chấm dứt. Bất hạnh cho
Việt Nam, trong khi cộng sản Nga Hoa chỉ ngầm giúp Hà Nội thì Mỹ ồn ào đổ quân
vào làm mất chính nghĩa của chúng ta đã bị nhóm thiên tả và CS cơ hội bóp méo
thành chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Bà viết
để vinh danh những ai đã trải qua địa ngục trần gian tù cải tạo Việt Cộng. Và cũng để nói lên lời an ủi tới những ai đã bị
phân tán ra bốn phương trời, làm cho không những mất gốc mà còn mất cả cá
tính nữa.
Bà cùng
gia đình bị kẹt lại trong cư xá sang trọng của Ngân Hàng nằm trên đường nhỏ hướng
ra cầu xa lộ mới. Bà thấy rõ sự chiến đấu dũng cảm của một Trung Đội Nhẩy Dù với
20 binh sĩ chỉ huy bởi một Thiếu Úy trẻ măng có vẻ mới ra trường. Nhìn các quân
nhân rắn chắc, nét mặt kiêu hùng và người chỉ huy Thiếu Úy trẻ nhưng chững chạc,
bà đã chia xẻ đồ ăn với họ và có cảm tưởng đã cùng họ chiến đấu. Cuối cùng tất
cả quân sỹ đã bị hy sinh một cách tức tưởi. Bà nói: “Ai dám bảo là quân
ta không chịu chiến đấu”? Trong khi ấy những phát súng lẻ tẻ của du
kích Mặt Trận Giải Phóng quấy rối giữa những tiếng nổ đại pháo. Ngoài đường một
sự hỗn loạn không tưởng tượng được khi bọn hôi của nhào vào các nhà vắng chủ và
du kích Việt Cộng ngày càng hung hăng tàn ác.
Rồi ông
Thảo phải ra trình diện theo lệnh của quân quản Sài Gòn. Ông thật
thà nghĩ rằng vì vợ chồng ông là các chuyên gia thuần túy nên chính thể mới sẽ
cần đến những bàn tay xây dựng lại quốc gia. Ông nói với vợ rằng, “Nếu họ không ưa chúng ta thì họ cũng không
thể xử tệ với chúng ta. Họ không thể giết hết tất cả”. Một Pol Pot đã làm
như vậy, nhưng họ đã thấy là không có lợi gì hết. Tuy nhiên Việt Cộng
đã làm những việc tệ hại hơn nhiều. “Chúng
tôi không hiểu rõ cái thực tế của cộng sản. Chúng tôi đã nuôi ảo tưởng rằng cộng
sản là một xác tín cao đẹp. Song đem cái xác tín ấy vào đời sống con người
bằng võ lực đã làm mất hào quang lý tưởng và thơ mộng. Và như vậy nó trở
nên tầm thường, bẩn thỉu,
ích kỷ và man rợ”.
Ngày 15
tháng Sáu năm 1975 bà Đảnh đã chở ông Thảo và các con trên chiếc xe VW Variant
đến một ngôi trường bỏ không gần Sở Thú. Ông gập một bạn cũ cùng đi trình diện
nên thấy đỡ cô đơn hơn. “Khi chia tay tôi
nhìn thấy trong ánh mắt anh ấy sự tiếc nuối, lo âu và tình yêu đằm thắm. Anh
chưa biết rằng sự chia tay này kéo giài cả hơn sáu năm rưỡi trời. Ánh mắt sâu thẳm ấy theo tôi mãi mãi ngày
đêm và không bao giờ tôi quên được. Hầu hết các gia đình đều chịu hoàn cảnh
như vậy, không cha, không chồng. Tôi may mắn thuộc thành phần không làm điều gì
sai quấy và được đồng sự mến, không phải loại có nợ máu lớn với nhân dân, nên
được gọi đi cải tạo trong một tuần lễ”.
Rồi
xẩy ra việc vơ vét toàn diện. Tại Bộ Giáo Dục cũ không một cái gì là bị bỏ sót,
cục tẩy, cái bút BIC, giấy, tập vở đều bị thu gom chở về Bắc trên các xe vận tải
nhà binh đầy ắp.
Những cán bộ miền Nam thấy bất bình, “Chúng ta bây giờ thống nhất vậy của cải
miền Nam phải được để lại miền Nam vì ở đây cũng cần các phương tiện để xây dựng
lại chớ”? Bà nói: “Khi tôi nghĩ dến những đứa con miền Nam đã gia nhập
MTGPMN tôi không khỏi khinh bỉ và tội nghiệp. Một số ít có thể là những người
yêu nước thật sự tuy nuôi một lý tưởng ngu đần để bị VC xập bẫy. Họ đã làm gì để
giúp đỡ quê cha đất tổ? Hay là giúp tay xa lìa sự trù phú, sự phồn thịnh và cả
tự do nữa”?
Các cán
bộ cộng sản thường vào tư gia mượn những thứ cần dùng. Họ được đối xử tử tế nhã
nhặn. Nhưng một hôm một cấp chỉ huy vào nhà. Bà lịch sự rót một cốc nước mát mời
thì ông ta túm lấy vai đứa con trai nhỏ bắt húp một ngụm trước. “Tôi đâu có ngu
gì mà đầu độc họ ngay tại nhà tôi? Họ ra vào nhiều lần và tôi cảm thấy họ muốn
cái gì, có lẽ muốn cái nhà của tôi? Ý tưởng đào thoát manh nha trong đầu tôi. Với
sự hiện diện của báo chí và những quan sát viên, nên VC còn tỏ ra dè dặt, không
dám ra mặt tham lam áp chế dân chúng. Cũng may là chẳng bao lâu sau cả đoàn
quân CS bị chuyển qua Cao Mên”.
Một
tháng sau khi trình diện học tập cải tạo không thấy một ai được về nhà. Cậu con
trai lớn luôn luôn đạp xe quanh ngôi trường mà cha cậu trình diện thì thấy vắng
tanh. Khi đem người trưởng gia đình đi thì tạo ra một không khí bất an và đạt
được hai mục đích, vô hiệu hóa người chồng người cha và cùng một lúc kiểm soát
được mọi người trong gia đình. Nhiều gia đình chỉ trông cậy vào đồng lương cha
chồng đem về hàng tháng thì bây giờ túng quẫn. Và sau hai lần đổi tiền, những
người giầu có nay thành nghèo và những ai đã nghèo nay lại càng xơ xác. Sau một
tháng quy định chẳng ai được trở về. Thỉnh thoảng có một vài người có lẽ thuộc
loại có móc nối hay không nợ máu thấy lẻ tẻ trở về. Một người quen cho biết là
chồng bà bị chuyển tới trại Long Thành.
Một loạt
xe vận tải nhà binh đến chở các tù nhân đi. Họ không biết là đi tới đâu. Trong
đêm tối đến một khu rừng mà họ không biết là Long Thành và bị lùa vào mấy gian
trại bằng tre lá và lèn chặt như cá hộp. Ngay sáng hôm sau tù phải bắt tay xây
cất các trại giam khác cho những người tới sau. Có cảm tưởng là Việt Cộng không
có kế hoạch gì cả, chỉ thực hiện theo nhu cầu xẩy đến và tù nhân phải dựng lấy
trại giam cho mình. Mục tiêu quan trọng lúc đó là gom lại và vô hiệu hóa các
thành viên của chế độ cũ. Mục đích thứ hai là cách ly quân đội với hành chính.
Các cấp hành chính do cán bộ canh giữ còn các quân nhân bị đặt dưới bộ đội và
các sỹ quan Việt Cộng canh chừng. Chỗ nào cũng là rừng nên không ai biết được
bao nhiêu trại tù rải rác ở đâu.
Mỗi nhà
giam có thể lèn chừng 50 tù, mỗi người có được chừng 80 phân để nằm ngủ ngay
trên mặt đất. Về đêm phải chịu hơi lạnh của núi rừng và khi mưa phải chịu ướt
át. Bà hỏi chồng có nhớ đến cái mùng mà anh cẩn thận gói theo.
Anh
nói, “Trong hoàn cảnh ấy mùng đâu có ích gì và một anh bạn khéo tay đã
giúp cắt ra may thành một áo trấn thủ dầy dặn với nhiều lớp vải mùng khiến cho
anh qua được cảnh rét mướt”! Mỗi đêm có điểm danh trước khi cho vào đi
ngủ sau khi cán bộ đã khóa chặt nhà tù.
Đồ ăn
thật đơn sơ nhưng còn có gạo nên không bị đói. Cơm được nấu trong các chảo to
nên có nhiều cháy là một món ngon mà đứa bé con cô cán bộ nhà bếp luôn luôn chầu
chực. “Nhà tôi sực nhớ đến đứa con nhỏ ở nhà mà lòng bồi hồi xúc động”! Vấn đề
nước khó khăn hơn vì chỉ có mỗi một cái giếng và khi lao động về phải sắp hàng
tắm rửa. Những người lớn tuổi chậm chân nên đến lượt mình thì đã tới giờ điểm
danh trở về phòng nên không bao giờ được dùng nước.
Tù phải
viết bản báo cáo mỗi ngày, nói rõ những gì bản thân họ đã phạm trước kia và những
gì cha hay thân nhân họ đã làm. Nay mới thấy sự ích lợi của các cây bút BIC.
Các bản báo cáo trở thành ác mộng của tù nhân. Viết ít chừng nào tốt chừng ấy
và phải nhớ những gì đã viết để có thể viết lại những báo cáo sau. Ý đồ của quản
trại là bắt tù từ bỏ niềm tin, chối bỏ lý tưởng và gia đình, khinh rẻ chế độ cũ
và chửi rủa các cấp lãnh đạo cũ. Thật là khó khăn cho những ai thẳng thắn với
những nguyên tắc có sẵn hay những người bản chất hiền hòa không biết chửi bậy.
Song viết ngắn quá cũng bị nghi ngờ là thiếu thành thật và tù bị gọi lên hạch hỏi
đủ điều, chữa đi chữa lại. Kết quả là tù phạm tội nặng hơn để rơi vào bẫy sửa
sai không ra thoát.
Có lệnh
cho đi thăm tù. Những người như bà Đảnh là công nhân viên phải có giấy phép của
cơ quan ghi rõ lý do nghỉ phép. Và chỉ được đem theo tối đa 5 kí thực phẩm và mỗi
gia đình chỉ có ba người được đi thăm. Với bốn đứa con, đem đứa nào đi, để đứa
nào lại? Trong khi thăm chồng phải ngồi hai bên bàn dài cùng những người khác,
có cán bộ đứng đầu bàn lắng nghe. Phải nói to, không được dùng ngoại ngữ. Vợ chồng
trao đổi những vấn đề sức khỏe và kinh tế gia đình, bán chác quần áo cho các bà
miền Bắc bây giờ ham chưng diện lắm. Khi hết giờ thăm, tù đứng dậy nhặt gói quà
trở về nhà giam. Có người còn bị mắng vì ôm hôn người thân hay căn dặn
thêm vài điều. Trong phòng những tiếng òa khóc nổi lên như sóng gió
trong cơn mưa bão. “Tôi cố nhịn khóc nhưng khi về đến nhà vào phòng tôi
bật khóc lệ tràn như suối”.
Từ
tháng 10/11, 1976 bà Đảnh không nhận được thư nào của chồng nữa và biết là chồng
không còn ở Long Thành. Từ nay gửi thư cho anh phải qua một địa chỉ mới tại hòm
thư A-40 khám Chí Hòa. Thư từ quà bánh tối đa 3-5 kí phải gửi qua một địa điểm ở
một ngôi trường không xử dụng nữa. Hai đứa con lớn phải đi thi hành các nghĩa vụ
công ích không lương, tối phải tạm trú tại những chỗ nào tạm che mưa nắng. Đã
có dấu hiệu chống đối ngầm trong giới trẻ. Nhưng chúng bị răn đe, phải cố gắng
theo chỉ thị thì cha anh mới được mau chóng tha về. Thật là xảo trá, lợi
dụng lòng thương xót cha anh để ép chúng phục vụ.
Một
ngày đen tối nhất của tháng 10 năm 1976, các tù được lệnh đổi trại giam. Đây là
lúc cán bộ lục lọi khám xét thủ tiêu mọi chuyện. “Chồng tôi ghi chép nhật
ký trong một cuốn sổ tay nhỏ hầu mong kể lại cho con những điều đã trải qua.
Anh đã vội vã thủ tiêu cuốn sổ”. Tù đươc chất trên các xe vận tải, tay xích
người nọ với người kia. Sau hàng giờ đi vòng vo họ bi lùa xuống hầm tầu thủy và
chân bắt đầu bị khóa.Tầu đi ngang qua một khu mà nhìn qua lỗ hổng hầm tầu
anh nhận ra cây cầu gần nhà, nơi đây vợ con đang ở, rất gần anh nhưng xa, xa lắm.
Nước mắt anh dâng trào, không biết đang đi về đâu, xa Sài Gòn vì đây là Tân Cảng.
Chừng 7
tháng sau cái địa chỉ kỳ quái Chí Hòa, có một người tới gập bà Đảnh nhưng không
dám vào nhà. Ngó trước ngó sau, phải trái, rồi anh vội nói, “Chồng chị
đang bị giam tại miền cực Bắc. Tôi cũng bị giam ở đó nhưng vì vợ tôi là người Đức
nên đã nhờ tòa Đại Sứ Tây Đức can thiệp”. Mắt tràn lệ, anh nói tiếp, “Chị
biết chúng bắt tôi và anh làm gì không? Ngày ngày gánh phân bón rau và đó là việc
nhẹ dành cho người yếu sức”! Bà bật khóc thảm thiết, ngồi bệt xuống vệ
đường rồi anh bạn bỏ đi thật nhanh để khỏi bị nhòm ngó.
“Chồng
tôi chẳng phải là một ông lớn tại miền Nam mà cũng không phải là các Tướng Lãnh
uy quyền. Nhưng anh thuộc loại có thể khai thác được. Họ muốn biết vàng, đô la
hay các kho tàng của miền Nam chôn giấu ở đâu. Họ hạch hỏi khai thác bắt làm việc
đều đều, nhưng cho là không thành khẩn khai báo nên đầy ra miền Bắc cộng sản”. Hầm tầu chật chội với
các chất thải vệ sinh của tù nên tạo ra một mùi hôi hám khủng khiếp không tả nổi.
Hành trình rất dài không ai nhớ rõ. Sau cùng cũng tới hình như Hải Phòng và
chuyển lên các xe tải, chân vẫn xiềng xích. Xe chạy qua một số làng
xóm, dân làng đua nhau la ó chửi bới và mọi người biết đây là đất địch. Có các
bà chửi, “Đồ Tàu Phù khốn kiếp”! Thì ra họ tưởng là tù binh Trung Quốc.
Cán bộ
la to, “Đây không phải là tù binh Trung Quốc”. Nhưng họ cũng không dám bảo là
tù miến Nam vì họ sợ phản ứng của dân quê thật thà, thương hại hay cùng chia xẻ
nỗi đau buồn. Đêm tới thì đến một ven rừng bát ngát. Tù được tháo cùm và lùa
sâu vào rừng rậm, đi bộ dăm bẩy cây số và đến một hàng rào bao quanh một số trại.
Các cán bộ vào trại, để mặc tù lo liệu chỗ ngủ qua đêm. Sáng hôm sau tù bỏ tay
vào xây cất lấy trại tù cho chính mình.
Đúng 31
tháng Chạp Dương Lịch các gia đình tù nhận được một món quà chính thức cuối
năm, một lá thư của thân nhân đang bị giam tại trại Bắc Thái. Ông Thảo không gập
lại những bạn tù Long Thành và phải bắt đầu làm quen với các bạn tù mới. Tù được
lệnh trao cho một cán bộ gái tất cả tài sản, đồng hồ, bút máy, nhẫn vòng tay,
dây chuyền và tiền mặt để được liệt vào một cuốn sổ ghi tên sở hữu. Ông
Thảo nhất định không đưa chiếc nhẫn cưới với lý do vì lâu ngày không kéo ra được. Sau
khi dùng xà bông mà cũng không xong thì họ văng tục và thôi không thử tháo nữa.
Ông nói dù họ có cố rút ra nhưng nếu ông cố ý giữ thì cũng vô hiệu vì ông nhất
định không rời cái nhẫn cưới mà ông coi là tượng trưng quý báu.
Ban quản
trại đều là người Bắc khắc nghiệt và khó tính. Tù thấy luôn luôn bị theo rõi
sát nút. Báo cáo hằng ngày bị phân tách kỹ lưỡng, thảo luận và bị phê bình. Các
cán bộ hung dữ và lộng quyền, không ngớt tỏ ra là người chiến thắng. Nhưng đừng
lầm tưởng họ thèm muốn những gì chúng ta có, họ thấy chúng ta giỏi hơn họ trên
mọi phương diện. Họ luôn khiêu khích, nói xiên nói xỏ, đả kích chê bai và phê
bình. Và đây là tình trạng khủng bố tinh thần kinh khủng.
Về
phương diện vật chất vì quá đông người nên trong phòng một tiếng động nhỏ cũng
vang âm. Một tiếng ho, một cái hắt xì cũng khiến một số tù nhân thức giấc. Nhiều
bạn tù trong cơn ác mộng đã rên la, gào khóc. Không ai quên được một bạn già cỡ
sáu chục, góa vợ với đứa con thơ dại nên đêm đêm nức nở khi đi ngủ thương xót đứa
con bỏ lại miền Nam không ai săn sóc. Giếng nước duy nhất rất gần trại nên phải
nấu sôi để uống. “Chồng tôi làm công tác hôi thối gánh phân nên cần tắm rửa mỗi
chiều tối. Nhưng nước lạnh cóng khi xối lên người thi da đỏ ửng. Anh còn đùa rằng,
“thật may là da và phổi còn tốt”.
Nhưng
cái đói thật là kinh khủng. Khi còn ở miền Nam thì nắm cơm còn thực là nắm cơm
đầy đủ gạo. Ở đây, cơm phải trộn những hạt bo bo vỏ thật cứng thường phải xay ra
để cho súc vật ăn. Một số lớn không muốn hy sinh bộ răng cấm nên phải ngồi nhặt
các hột bo bo ra để chỉ còn lại được một muỗng cơm trong bát cơm độn. Nhiều người
bị lủng củng tiêu hóa và bị tháo dạ. Cái đói thật khủng khiếp ngày đêm làm cho
con người bớt sáng suốt, dảm ý chí và mất óc phán đoán.
“May
mắn là cả bốn đội trưởng đều là bạn thân của em tôi. Nếu không nhờ các bạn đó
và các y sĩ đồng nghiệp của tôi giúp đỡ thì chắc gì anh đã sống đến ngày được
thả”!
“Tôi cố
tìm hiểu vì sao mà anh bị giam giữ lâu thế? Phải chăng anh được nhiều bạn tù cảm
mến nên anh bị giữ lâu? Anh luôn luôn được gọi lên yêu cầu hợp tác để giúp trại
sinh hoạt tốt. Nếu nhận lời thì sẽ được cấp phần ăn như cán bộ, được miễn lao động
và hưởng nhiều ưu đãi. Nhưng anh đã từ chối và bị giam giữ lâu hơn”.
Đầu
tháng 9 năm 1978 ông Thảo gửi thư về cho biết quản trại đã phổ biến tin cho
thân nhân đi thăm và tù được nhận thực phẩm. Ông cũng dặn nếu muốn ra Bắc thì
liên lạc với một bà gốc Bắc có chồng cùng bị giam giữ với ông. Bà này biết rành
Ha Nội và biết rõ manh mối chạy chọt giấy tờ di chuyển và cũng biết cách xoay xở
vé xe lửa khứ hồi. Và từ nay bà Thảo biết các mánh khóe luồn lọt thật mất thì
giờ, khó khăn và tế nhị. Tất cả các sự việc đều có thể mua bằng tiền,
chạy đúng chỗ và không để lộ ra vì hối lộ là một trọng tội. Đối với bà lại còn
khó khăn hơn vì trước kia đã phục vụ ngụy quyền và chồng đang bị tù cải tạo.
Mãi mới
xin được giấy phép nghỉ nhưng chưa biết cách nào đi. May thay có một ông bạn có
cô em trước làm tiếp viên phi hành cho Air Vietnam cũ và nay còn được lưu dụng
bởi hãng Vietnam Airlines mới chưa có ai đủ khả năng thay thế. Cô này rất tháo
vát và đã kiếm cho bà một vé máy bay vào tháng 11. Khi ra máy bay với xách đồ
ăn khô cô ta đã giới thiệu là dì ruột và đưa bà lên máy bay, căn dặn là đừng tỏ
ra sợ sệt quá. “Khi đã lên máy bay, không ai biết được là mình không có quyền xử
dụng máy bay và khi về thì đã có người cho phép đi nên không có ai dám cản trở
về”.
Khi đến
phi trường Gia Lâm nhỏ xíu bà lên xe quân sự chờ đón khách. Bà gọi một xe xích
lô đạp về nhà cán bộ giáo dục trẻ Sơn mà bà được bà thủ trưởng Sâm giới thiệu.
Cha mẹ Sơn đều là giáo sư Đại Học tiếp bà ân cần và thông cảm. Họ được ở ngôi
biệt thự cũ gần hồ Hoàn Kiếm tuy chỉ dược xử dụng có một căn phòng với một cầu
tiêu lối cổ. Ông đã cơi lên một gác xép làm chỗ ngủ cho ông và con trai. “Tối đến
họ dẹp bàn ghế vào tường và trải một chiếc chiếu rộng dưới sàn cho bà mẹ, cô chị
dâu, cháu gái nhỏ và tôi nằm. Trong khi tôi thao thức vì sắp gập chồng sau hơn
hai năm xa cách thì ai cũng ngủ ngon lành”.
Khi đợi
người hướng dẫn đến bằng xe lửa phải mất ba tuần lễ, bà Đảnh ra phố quan sát thấy
các nhóm người bán đồ lậu. Cái gì họ cũng có, phần nhiều là các gói nhỏ đường,
trà, cà phê, bao thuốc lá và các thỏi chocolat nhỏ đựng trong các túi xách. Bà
mua các gói kẹo chocolat vì mang từ Sài Gòn ra không tiện. Họ nói mua gì cũng
có trữ tại nhà vả trả tiền xong là hôm sau họ sẽ giao. Người hướng dẫn cho bà đến
nhập bọn ngủ dêm để sáng hôm sau ra ga lúc 5 giờ cho kịp chuyến xe lửa Đông Bắc.
Người đông như kiến, chen lấn lộn xộn và “tôi cùng bà chiếm được hai chỗ
trên bực ngoài toa cho đến sau khi qua nhiều ga xép mới mò vào được bên trong để
ngồi xệp xuống sàn tầu đầy rác, đỡ nạn bụi khói và mưa phùn giá lạnh”.
Từ trạm
xe lửa đi đến vùng Bắc Thái phải dùng xe bò. May thay bà hướng dẫn đã nhanh nhẩu
quá giang được một xe chở dầu nhà binh với tiền thù lao nhỏ 20 đồng. Đến ven rừng
phải thuê một xe bò tới trại giam qua một con đường gập ghềnh với giá 15 đ một
người. Tới cổng trại, một căn nhà lợp tranh thì cán bộ xét giấy và cho hai người
một vào ngồi đợi ở một cái bàn nhỏ chữ nhật. Hai mưoi phút sau thân
nhân được dẫn ra, yếu ớt, thân hình tiều tụy xác xơ trông thật đau
lòng. Cán bộ đứng ở đầu bàn và phải nói to cũng như không được dùng ngoại
ngữ. “Tôi không biết được gập anh bao lâu nhưng mục đích tôi là xin
phép anh đưa các con trốn khỏi nước. Tôi có bổn phận báo cho anh biết
là phải liều lĩnh như tự sát vì chừng 50% đến được bến tự do”.
Nhưng làm sao để không cho cán bộ biết?
“Tôi
nghĩ cách nói là mẹ con muốn đi vùng kinh tế mới”, thi anh xúc động hỏi
lại, “Bộ chúng không đủ ăn sao”? Bà chậm rãi trả lời, “Chúng
muốn làm lại cuộc đời mới và gập lại hai bà gì đã đến đó trước rồi”. Ông Thảo
suy nghĩ rồi chợt hiểu là chị và em tôi đã định cư ở Âu Châu từ lâu và dặn dò,
“Đừng để cho các con bơ vơ, em phải đi với các con còn quá nhỏ”! “Chúng tôi
chuyện trò đủ chuyện Sài Gòn trước đây, nhà cửa, tình trạng gia đình thân nhân
nội ngoại và anh không thổ lộ gì về hoàn cảnh của anh và số phận hiện tại”.
Sau một
giờ thì cán bộ thổi còi chấm dứt thăm nuôi. Các tù nhân đứng lên lượm gói quà
và sắp hàng về phòng giam. “Chồng tôi ôm tôi và thì thầm, em phải đi với
các con và như vậy trong tương lai có thể dễ tìm lại nhau”. Lần thăm nuôi
chỉ có bốn người đi thăm khốn khổ. Không một lời phản kháng hay thất vọng. Nước
mắt có chảy cũng trong thầm lặng. Nơi đây hy vọng còn ít hơn ở Long
Thành. “Rã rời tôi có cảm tưởng như sống những giây phút cuối cùng và
tôi không còn biết tôi là ai nữa. Nếu tôi ra đi cùng các con thì rồi đây ai săn
sóc anh, và biết có gặp lại nữa không”?
Chiều về
tới Hà Nội, tôi e họ sẽ không cho tôi ghi vé trở về. Cha anh Sơn chở tôi bằng
xe đạp ra trạm hàng không. Họ hỏi tôi đủ điều, lý do đi thăm, trú ngụ ở đâu, thấy
thủ đô ra sao và đã đi thăm lăng Hồ Chủ Tịch chưa? “Tôi phải vui vẻ tỏ
ra mãn nguyện và phải chấp nhận bất cứ cách giả dối nào để về với các con tôi.
Tôi đã thành công và được về trên chuyến bay hai ngày sau”. Còn hơn một
ngày tôi mướn một xe xích lô đi một vòng quanh Hồ Gươm. Hồ quá nhỏ, nước đen
ngòm mà mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Không thấy dấu hiệu hư hại vì oanh tạc
chỉ có cây cầu Doumer và đôi chút ở một bệnh viện mặc dầu họ tuyên truyền ầm ĩ
là bị phi cơ hủy hoại. Tôi đã nói dối ở trạm hàng không. Tôi đã không đi thăm
lăng chủ tịch mà chỉ đi xích lô phớt qua. Không có gì đặc sắc, chỉ là một kiến
trúc lạc loài bê tông cốt sắt với các cột lạnh lẽo như trong thời cổ. Nhưng nếu
tôi vào trong để nhìn thấy con người mà họ cho là thần thánh thì tôi
đã ớn lạnh về sự lọc lừa phản bội của ông ta đã đưa nước nhà
vào một cuộc chiến tàn khốc, tạo nên mối chia rẽ toàn dân và cả nước”!
Hà Nội
một thành phố cổ kính thì nay đã tiều tụy, không được coi như một bà già mà là
một đứa con nít thiếu dinh dưỡng lâu ngày, bụng ỏng, đít eo, chân tay khẳng
khiu mang chứng bệnh còm cõi và già nua sớm không phương cứu chữa. “Tôi không
muốn những ai đã rời Hà Nội năm 1954 trở lại để thấy sự điêu tàn khắc nghiệt vì
tiền của nhân lực đều xung vào chiến tranh. Cha mẹ Sơn cũng như người hướng dẫn
tôi đều hình như thổ lộ là họ đã sống qua ngày hướng về miền Nam. Nhưng nay miền
Nam đã xụp đổ, thế là hết cả. Cuôc viếng thăm rất có kết quả vì tôi
đã nói được với nhà tôi một điều cần thiết. Và tinh thần nhà tôi hình như đã vững
hơn, bắt đầu yêu đời hơn và thấy hy vọng”.
Bà Đảnh
đã đưa bốn đứa con vượt biển ngày 1 tháng 5 năm 1979 lợi dụng sơ hở vì mải liên
hoan ngày lễ. Cả gia đình lênh đênh trên biển cả thì gặp một chiếc tầu chờ dầu
Na Uy vớt. Vì vậy khi ông Thảo được thả về thì nhà đã mất và phải tạm trú nhà
bà chị. Ông bị các đè ép từ các cơ quan công an phường, quận. Không có hộ khẩu
nghĩa là không được phiếu mua thực phẩm và các đồ lặt vặt như thuốc đánh răng.
Phải luôn luôn trình diện và đẩy đi vùng kinh tế mới. Nhưng nếu xa Sài
Gòn thì làm sao có được tin tức nên ông đã chán nản nghĩ liều đi trốn. Bà
Đảnh phải nhắn về xin yên tâm đừng liều mạng vì đã có chương trình bảo lãnh và
Cao Ủy tị nạn đã đặt thêm một văn phòng ở Sài Gòn. Bà gửi về các giấy
tờ cho nhiều nơi để khỏi thất lạc.
Cuối
cùng, sau nhiều lần chạy chọt khó khăn và nhiêu khê, ông Thảo đã được giấy phép
xuất cảnh. Bà Đảnh nói, “Không chối cãi việc Việt Cộng đã trả lại người thân
cho chúng tôi. Nhưng họ đã ra sao khi được thả? Một số đông đã chết như anh đội
trưởng giúp đỡ tận tình bạn tù. Anh chết tức tưởi trong tuổi hoa niên của
cuộc đời. Qua hành hạ thể xác độc địa nhằm triệt tiêu nhân phẩm, Việt Cộng
không tàn phá nổi thể xác nhưng đã để lại trong tâm hồn tù nhân nhiều rạn nứt
in hằn. Lập trường chính trị, tín ngưỡng, lòng yêu nước không bao giờ xóa tẩy
được”. Bà Đảnh kết luận, “Tôi chấm dứt bằng một câu xúc tích của chồng tôi khi
anh đặt chân xuống đất Na Uy”: “Chúng tôi vẫn sống, hy vọng của chúng
tôi đã đạt được. Tôi đã có vợ con quanh tôi, hạnh phúc tôi tràn đầy. Từ nay các
con tôi được bảo đảm tương lai trên một đất nước cao đẹp, tự do như Na Uy mà
chúng tôi coi là miền đất hứa”.
Vài
cảm nghĩ
Cộng sản
Việt Nam sùng bái Hồ Chí Minh như thánh sống. Ai cũng biết là họ Hồ mạo danh
nhóm ái quốc ở Paris khi viết báo Le Paria đã dùng tên chung Nguyễn Ái Quốc
(Nguyen le Patriot). Hồ đã từng nộp đơn xin làm việc với Bộ Thuộc Địa rồi đi
theo cộng sản Nga để được huấn luyện thành cán bộ Đông Dương Cộng Sản. Khi qua
Tầu lại lấy danh tính một người chết để thành Hồ Chí Minh. Không có lấy cái bằng
sơ học, chỉ lặp lại những danh từ Sô Viết rồi Tầu Mao, lợi dụng khí thế
ái quốc chống Pháp để đổi Việt Minh thành đảng Lao Động Cộng Sản và hãm
hại các người yêu nước cũng như nhiều người trong vụ đấu tố.
Ông ta
đã học thuộc lòng câu “Hồng hơn Chuyên” của Mao nên cũng nói “Trí Thức là Cục
Phân” cho nên khi chiếm Sài Gòn chính trị bộ Hà Nội đã bỏ tù các chuyên
viên của miền Nam mà huấn luyện mất bao nhiêu thời gian và công của. Hệt như
“bước nhẩy vọt” của Tầu Mao trong kế hoạch sản xuất thép tiểu công trong các
làng xã phí phạm bao nhiêu nhân lực đưa đến phá sản kinh tế và môi trường. Cho
nên ta thấy các Y Khoa Bác Sỹ phải đi quét chợ và chuyên viên kinh tài như ông
Đỗ Văn Thảo bị giam cầm trong nhiều năm. Phí phạm chất xám như vậy để cho ba chục
năm thống nhất đất nước vẫn lạc hậu. Bây giờ kêu gọi trí thức và chất xám trở về
xây dựng lại nước thì thật khôi hài và có tin được chăng?
Trần
Đỗ Cung
No comments:
Post a Comment