Friday, January 30, 2015

Ai là người có sáng kiến thực hiện Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ ? (PHẠM XUÂN HƯƠNG - VRNs)





PHẠM XUÂN HƯƠNG  -  VRNs
Đăng ngày: 30.01.2015

VRNs (30.01.2015) – Sài Gòn – Có nhiều tài liệu kể về các Lá Cờ được dùng như biểu tượng hay là Quốc Kỳ của nước Việt Nam từ xưa tới nay. Nhưng đặc biệt Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, được dùng làm Quốc Kỳ của Quốc Gia Việt Nam (Quốc Trưởng Bảo Đại) và của hai nển Đệ Nhất và Đệ Nhị Công Hòa thì có tài liệu nói rõ, kể tên người có sáng kiến thực hiện và tên người họa sĩ đầu tiên đã thực hiện vẽ mẩu của lá cờ đó.

Hình bìa sách “Câu Chuyện của Những Cây Đại Thụ”

Trong tập sách “Câu Chuyện của Những Cây Đại Thụ: Hồi ức của các Linh Mục Giuse Vũ Ngọc Bích, Giuse Trần Hữu Thanh, thuộcDòng Chúa Cứu Thế Việt Nam” (Lưu hành nội bộ 2003)

Người ghi chép những hồi ức này là tác giả Vũ Sinh Hiên, một cựu đệ tử DCCT. Nơi trang 82-83 của tập sách, tác giả VSH đã ghi lại lời kể cùa LM Trần Hữu Thanh về sự “ra đời” của Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ như sau:

“Cựu Hoàng Bảo Đại về chấp chánh trong lúc quân Pháp đã chiếm trọn Nam Kỳ và biến thành một quốc gia riêng với Thủ Tướng là Nguyễn Văn Xuân, có quốc kỳ riêng màu đỏ ở giữa là màu xanh, tượng trưng cho sông Cửu Long chảy giữa miền phù sa. Ở Bắc Việt, quân Pháp thành lập Ủy ban hành Chánh Bắc Bộ đứng đầu là Nguyễn Hữu Trí. Còn ở Trung phần, ông Trần Văn Lý làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Trung Bộ. Mục đích của thực dân Pháp là “chia để trị” và sẽ không có miền nào đủ mạnh để đương đầu với Pháp. Khi đó ông Trần Điền làm Trưởng Ban Thông Tin Trung Việt. Ông muốn vẽ một bức tranh cổ động chào mừng ngày về của Cựu Hoàng ở đầu cầu Trường Tiền, trước cửa khách sạn Morin, cao 2m dài 4m.

Lúc đó ông Tôn Thất Sa, giáo sư hội họa dạy ở đệ tử đang tá túc ở nhà Accueil còn các ông Trần văn Lý và Trần Điền lại tá túc ở trường Thiên Hựu do quân Pháp chiếm đóng. Ông Sa vẽ một người đi đầu đoàn biểu tình hồ hởi cầm một lá cờ, theo sau là hàng hàng lớp lớp quần chúng. Khi vẽ lá cờ, ông hỏi vẽ cờ gì đây? Không lẽ vẽ cờ Long Tinh cùa Khải Định hoặc cờ quẻ ly dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim? Quẻ Ly chỉ hướng Nam và lá cờ là nền vàng hai sọc đỏ liền hai bên và một sọc đỏ đứt đoạn ở giữa. Các ông hỏi ý kiến tôi, tôi bảo để sáng hôm sau tôi trả lời.

Tôi đưa ra lá cờ vàng ba sọc đỏ liền, ở giữa là một con rồng nối liền ba sọc đỏ này. Tôi muốn giải thích là một nòi giống da vàng, ba dòng máu đỏ Bắc Trung Nam được liên kết bằng một con rồng. Tôi hoàn toàn không nghĩ gì về Chúa Trời ba Ngôi cả. Khi đem ý kiến của tôi ra thảo luận, có nhiều ý kiến như của ông Trương Văn Huế đòi bỏ con rồng với lý do là quốc kỳ để toàn thể quốc dân tôn thờ, mà người Công Giáo thì không thể thờ con rồng được. Hơn nữa quốc kỳ phải đơn giản để dễ may. Tất cả đều đồng ý bỏ con rồng.


Tôi đưa bản vẽ mẩu lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ cho Hoàng Hậu Nam Phương xem, rồi ông Trần Văn Lý cầm đầu phái đoàn sang Hong Kong thỉnh ý kiến Cựu Hoàng Bảo Đại. Ông chấp nhận và đó là lá cờ Quốc Gia. Tóm lại, lá cờ vàng ba sọc đỏ được ông bảo Đại chấp thuận, ông Tôn Thất Sa vẽ còn ý kiến là của tôi. Hôm sau đi cùng một anh bạn, tôi hỏi anh nghĩ sao về lá cờ này, anh buông một câu: “Ôi dào! Cờ ba que!” Ý anh muốn nói ba que xỏ lá, tôi im luôn, không nhận là tác phẩm của mình nữa”.

Một người bạn của tôi, anh UĐB có hỏi tôi về Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ như sau :
Tôi cũng có điều thắc mắc này: Không biết cha THT (Trần Hữu Thanh) nói rằng ngài có ý  và ông TTS (Tôn Thất Sa) có công vẽ ra lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ cho TQ (Tổ Quốc)  từ thời Vua Bảo Đại thì có chắc chắn không. Bởi vì tôi đọc được ở đâu đó là lá cờ này có từ thời Vua Thành Thái. Anh thử check lại xem sao nhé.

Tôi xin tóm tắt một vài ý chính trong bài viết có liên quan đến Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ  để chúng ta tiện theo dõi: Những dòng đậm nghiên là bài viết của Tiến Sĩ Nguyển Đình Sài, còn lại là của tôi.

Cảm thông tâm trạng bất mãn của nhân dân thể hiện qua những tiếp xúc với các sĩ phu ngoài hoàng thành, vua Thành Thái đã không những không thỏa mãn các đòi hỏi của chính quyền bảo hộ, mà còn trọng dụng nhiều nhân tài thanh liêm và đức độ như các ông Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, với hy vọng khôi phục và canh tân đất nước. Năm 1890, nhà vua xuống chiếu thay đổi quốc kỳ chữ Hán bằng quốc kỳ mới. Lá cờ nền Vàng Ba Sọc Đỏ lần đầu tiên được cấu tạo và được dùng làm quốc kỳ.
Có thể nói Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ – gọi tắt là “Cờ Vàng” – là lá “quốc kỳ” đúng nghĩa đầu tiên của dân tộc Việt, vì nó hàm chứa nguyện vọng độc lập và thống nhất của lãnh thổ Việt.
…. Lá cờ Quốc Gia đã được tồn tại suốt triều vua Thành Thái. Năm 1907, …
….. Ghi chú: Dữ kiện là Cờ Vàng hiện hữu từ 1890-1920 được tìm thấy trên website của World Statemen. Chủ website này là Ben Cahoonmột chuyên gia Mỹ, tốt nghiệp đại học University of Connecticut. Muốn biết thêm về ông, xin vào đây: http://www.worldstatesmen.org/AUTHOR.html. World Statemen là một website khổng lồ, chứa các lịch sử chính trị của hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có VN. Tài liệu trong website này vô cùng phong phú, khá chính xác về các phần khác của VN, như các triều vua, các đời quan toàn quyền Pháp, v.v.., với sự đóng góp của nhiều giáo sư danh tiếng. …
…. Sau khi đối chiếu với các sử sách, bằng vào trí thức và sự chân thành của Ben Cahoon, người viết không nghĩ tác giả website đã bịa đặt ra sự kiện Cờ Vàng đã hiện hữu năm 1890-1920, cũng như Cờ Đại Nam bằng chữ Hán xoay 90 độ nghịch chiều. Hiển nhiên Cahoon đã tìm thấy trong hàng đống tài liệu hay thư khố Pháp và Mỹ hoặc các đại học, nhưng lại không trích dẫn rõ ràng tài liệu nào. Riêng cờ chữ Hán “Đại Nam” thì ông cũng không trích dẫn xuất xứ và diễn tả là gì (có lẽ vì không hiểu chữ Hán), nên lúc nhìn qua không ai hiểu được là gì. Về sau, loay hoay xoay chuyển các chữ Đại và Nam, người viết mới khám phá ra cái thâm ý của tiền nhân triều Nguyễn. Trong tinh thần tôn trọng các sách sử và các bài viết của các bậc trưởng thượng, mới đầu người viết cũng có sự nghi hoặc về dữ kiện Cờ Vàng hiện hữu từ 1890, vì không thấy sách Việt sử nào ghi lại chi tiết này. …
Trên đây là sự đối chiếu và chọn lọc của người viết để đi đến kết luận là tài liệu của World Statesmen có tính xác thực và khả tínTuy nhiên, nếu độc giả không thỏa mãn với tài liệu của World Statesmen thì nên trích dẫn tài liệu phản bác lại.  

Tóm lại: Tác giả Nguyễn Đình Sài tìm thấy trong Website World Statemen của Ben Cahoon lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ được sử dụng làm Đại Nam Quốc Kỳ (1890-1920) dưới thời Vua Thành Thái. Nhưng tác giả NĐS cũng nói rõ là Ben Cahoon không trích dẩn rõ ràng tài liệu nào cho biết lá Cờ đó được sử dụng vào thời kỳ đó. Và tác giả cũng xác nhận không thấy sách Việt sử nào ghi lại chi tiết này. … Nhưng bằng những phân tích lý luận của mình tg NĐS vẩn kết luận “Trên đây là sự đối chiếu và chọn lọc của người viết để đi đến kết luận là tài liệu của World Statesmen có tính xác thực và khả tín.”

Phần tiếp theo của bài viết tác gỉa NĐS kể đến các lá cờ được dùng làm Quốc Kỳ của Việt Nam qua các thời kỳ sau Vua Thành Thái.


Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của “Việt Nam Quốc” và “Việt Nam Cộng Hòa” 

Tại Hà Nội, sau khi Việt Minh rút vào bưng kháng chiến chống Pháp, thì nền hành chánh của miền Bắc và Trung tạm thời rơi vào tay người Pháp. Kế đó, cựu hoàng Bảo Đại được các đảng phái cách mạng cũng như người Pháp mời ra điều khiển đất nước với tư cách “Quốc Trưởng”. Ông đòi hỏi Pháp phải công nhận cho Việt Nam được quyền độc lập và thống nhất ba miền, rồi thành lập “Chính Phủ Trung Ương Lâm Thời Việt Nam”, cử tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng để điều hành đất nước và thương thảo với Pháp. Tiếp theo, Hội Đồng Đại Biểu Chính Phủ Nam Việt Nam của “Nam Kỳ Cộng Hoà Quốc” gởi kiến nghị tán thành chính phủ trung ương, chấp nhận sự độc lập và thống nhất thật sự của ba miền. Vì thế ngày 2 tháng 6, 1948, chính phủ Nguyễn Văn Xuân công bố Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam trong liên hiệp Pháp, áp dụng cho cả ba miền Nam, Trung và Bắc Kỳ. Lá Quốc Kỳ mới cũng có nền vàng với ba sọc đỏ giống hệt như Đại Nam Quốc Kỳ trong thời khoảng 1890-1920. Nhưng đây là lần đầu tiên, Cờ Vàng được chính thức dùng cho “Quốc Gia Việt Nam”, một chế độ không còn thuộc Đế Chế của Triều Nguyễn. Bàn về xuất xứ của lá Cờ Vàng của chế độ mới, cố GS Nguyễn Ngọc Huy cho biết lá cờ này đã “do một họa sĩ nổi tiếng thời Đệ Nhị Thế Chiến là Lê Văn Đệ vẽ và đã được Cựu Hoàng Bảo Đại chọn trong nhiều mẫu cờ khác nhau được trình cho ông trong một phiên họp ở Hongkong năm 1948″. Tuy nhiên, một số tài liệu khác cho thấy không phải ngẫu nhiên mà Bảo Đại chọn lá cờ ấy, cũng không phải chỉ vì lá Cờ Vàng “đẹp và ý nghĩa”. Nguyên do chính là vì họa sĩ họ Lê đã vẽ lại một lá quốc kỳ từng hiện hữu trên quê hương từ 50 năm về trước, suốt trong thời kỳ hai vị vua ái quốc Thành Thái và Duy Tân còn tại vị. Điều này đã được giải thích tường tận ở mục “3- Quốc kỳ Nền Vàng Ba Sọc Đỏ dưới hai triều đại Kháng Pháp 1890 –1920″

Theo bài viết của TS NĐS thì Thũ Tướng Nguyển Văn Xuân 2/6/1948 đã công bố Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp.
Và Quốc kỳ này cũng có nền vàng với ba sọc đỏ giống hệt như Đại Nam Quốc Kỳ trong thời khoảng 1890-1920.
Và tiếp theo Ô NĐS còn cho biết cố GS Nguyễn Ngọc Huy cho biết lá cờ này đã “do một họa sĩ nổi tiếng thời Đệ Nhị Thế Chiến là Lê Văn Đệ vẽ và đã được Cựu Hoàng Bảo Đại chọn trong nhiều mẫu cờ khác nhau được trình cho ông trong một phiên họp ở Hongkong năm 1948″

Dựa vào bài viết của TS NĐS và hồi ức của LM Trần Hữu Thanh, cá nhân tôi có thể kết luận như thế này :

  1. Việc tg NĐS nói rằng Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đã được sử dụng từ thời vua Thành Thái, theo World Statemen của Ben Cohoon không có gì “khả tín” vì không có tài liệu xuất xứ chứng minh ví dụ Chiếu Chỉ của vua Thành Thái: “Năm 1890, nhà vua xuống chiếu thay đổi quốc kỳ chữ Hán bằng quốc kỳ mới”.
  2. Hồi ức của Cha THT nói về việc có sáng kiến về Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là vào cuối năm 1945 khi Chính Phủ Việt Minh đã thành lập, và đã vào Huế (Bộ đội VM đóng ở cung An Định, phía sau DCCT Huế) trong khi quân Pháp đã trở lại VN, và ở Huế thì chiếm đóng Trường Thiên Hựu.
  3. Thời gian này ờ Nam Kỳ vẩn là Nam Kỳ Quốc do Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân lãnh đạo. Và Cưu Hoàng Bảo Đại vẫn còn lánh nạn ở Hong Kong.
  4. Như vậy Ông Tôn Thất Sa là họa sĩ đầu tiên vẻ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ theo ý kiến của Cha THT, trên bức tranh cổ động dựng ở cầu Trường Tiền, trước KS Morin để chào mừng ngày Cựu Hoàng trở về VN là điều “khả tín” theo trí nhớ của Cha Thanh.
  5. Có thể khi Quốc Gia Việt Nam trong LH Pháp được hình thành với Quốc Trưởng Bảo Đại và Thủ Tướng NVX thì mẫu Quốc Kỳ (Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ) đã được Họa sĩ Lê Văn Đệ “vẽ lại” rồi đệ trình cho QT Bảo Đại (theo Cố GS Nguyễn Ngọc Huy cho biết) chăng?
  6. Tôi “tin” vào “sự thật” của trí nhớ Cha THT.

Tôi xin nói thêm về “Sáng kiến thực hiện Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ”:
- Theo bài viết của TS Nguyễn Đình Sài thì Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đã được sử dụng trong thời Vua Thành Thái (1890 – 1920).
- LM THT sinh năm 1915, chịu chức LM năm 1942, và năm 1945 là giáo sư dạy tại Đệ Tử Viện DCCT Huế.. Như vậy trong suốt thời kỳ từ 1920 (lúc đó cậu THT đã 5 tuổi) đến 1945 (30 tuổi) thì ít nhất cũng đã được nghe nói đến hay là đã được nhìn thấy là cờ Vàng Ba Sọc Đỏ (đời Vua Thành Thái) rồi. Hơn nữa qua đoạn “Hồi ức” bên trên, Cha Thanh đã mô tả rất kỹ về cờ Long Tinh của vua Khải Định (kế vị vua Thành Thái) và thời vua Bảo Đại (trước 1945).
- Vậy khi nêu ý kiến về mẫu cờ Vàng Ba Sọc Đỏ cho họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ (sau CMT8 1945) sao ngài không nêu ý kiến là “dùng lại” lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thời vua Thành Thái (?)
- Hơn nữa các nhân vật đương thời với ngài lúc ấy như các ông Trần Văn Lý (Thủ Hiến Trung Kỳ), Trần Điền (TNS thời Đệ Nhị Cộng Hòa), Trương Văn Huế, Tôn Thất Sa, đều là những người có học thức cao, đã lớn tuổi ít ra bằng hoặc hơn cha Thanh mà cũng không biết rằng Cờ vàng Ba Sọc Đỏ đã có từ thời vua Thành Thái sao? Mà các ông lại đi thảo luận cùng cha Thanh để đồng ý mẫu cờ do cha Thanh đề nghị để họa sĩ TTS vẽ.
- TS Nguyễn Đình Sài có viết là không tìm thấy trong sách Lịch Sử VN nào nói về Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đã được dùng trong thời vua Thành Thái, nhưng ông tin vào uy tín và sự chân thật của ông Ben Cahoon, chủ của website World Statemen – trong đó Ben Cahoon cho rằng lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đã là Quốc Kỳ Việt Nam từ 1890-1920 (?) – để kết luận rằng điều này “khả tín”.
- TS Nguyễn Đình Sài cũng có nêu là:  “Tuy nhiên, nếu độc giả không thỏa mãn với tài liệu của World Statesmen thì nên trích dẫn tài liệu phản bác lại”.
- Vì cuốn Câu Chuyện của Những Cây Đại Thụ” là sách in giới hạn, lưu hành nội bộ trong DCCT.VN, nên không được nhiều độc giã biết.
- Quý Vị có cách nào giúp tôi chuyển bài viết này đến cho TS Nguyễn Đình Sài như là một “tài liệu phản bác lại” được không?

PHẠM XUÂN HƯƠNG




No comments: