Monday, January 26, 2015

Saudi Arabia, một vương quốc đặc biệt (Hà Tường Cát)





Hà Tường Cát
Thứ Hai, ngày 26 tháng 1 năm 2015

Nhật báo The Guardian ở London hôm Thứ Sáu viết: “Sự kiện Tây Phương ca ngợi quốc vương Abdullah chứng tỏ rằng Saudi Arabia là một biệt lệ xét theo lập trường nhân quyền”.

Dân chúng đứng cầu nguyện quanh ngôi mộ của quốc vương Abdullah ở nghĩa trang Al-Oud, thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, hôm Thứ Sáu. (Hình: Mohammed Mashhur/AFP/Getty Images)

Các nhà lãnh đạo quốc tế từ Tổng Thống Obama, Ngoại Trưởng John Kerry, Thủ Tướng Anh David Cameron, cho đến bà Christian Lagarde – chủ tịch Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF – đều lên tiếng ca tụng vị quốc vương vừa qua đời hôm Thứ Năm. Quốc kỳ Anh treo rũ ngày Thứ Sáu trên các cơ quan chính quyền ở London. Quốc vương Abdullah được coi là nhà lãnh đạo chính trực, dũng cảm, kiên quyết đóng góp cho hòa bình và chống lại mọi hình thức quá khích khủng bố.


Nhưng bên cạnh tất cả những biểu hiện này, người ta vẫn nhớ rằng Saudi Arabia là một chế độ quân chủ chuyên chế, là quốc gia đã dập tắt “Mùa Xuân Á Rập”, phong trào tranh đấu tự do dân chủ ở Trung Đông. Tiếng nói đối lập bị trấn áp như mới đây blogger Raif Badawi lãnh án phạt đánh 1,000 roi. Trong năm 2014 hơn 80 tử tội bị hành quyết, hầu hết bằng hình thức dùng gươm chém đầu. Mặc dầu đứng trong liên minh chống Nhà Nước Hồi Giáo IS và công khai tố cáo hành động tàn sát tín đồ các tôn giáo khác tín ngưỡng với họ, nhưng ngay tại Saudi Arabia không có tự do tín ngưỡng. Người Thiên Chúa Giáo không được phép công khai hành đạo và không đâu có nhà thờ để cho khoảng 1 triệu giáo dân Công Giáo – đa số là lao động nước ngoài – đến dự lễ ngày Chủ Nhật.

Theo tổ chức nhân quyền Human Right Watch: “Triều đại của quốc vương Abdullah đã thực hiện được một số tiến bộ bên lề về nữ quyền, nhưng hãy còn thiếu bảo đảm những quyền căn bản cho công dân họ, như tự do ngôn luận, hội họp và tín ngưỡng”.

Quốc Vương Abdullah ibn Abdulaziz Al Saud lên ngôi ngày 1 tháng năm 2005 và băng hà ngày 22 tháng 1 năm 2015, thọ 90 tuổi. Ông sinh ngày 1 tháng 8 năm 1924, là một trong 45 người con vừa trai vừa gái từ ít nhất là 24 bà vợ của Abdul Aziz (1876-1953), người đã thống nhất nhiều lãnh thổ trên bán đảo Á Rập để thành lập nên vương quốc Saudi Arabia năm 1932. Abdul Aziz làm quốc vương từ 1932 đến 1953, thế giới quen gọi là vua Ibn Saud. 

Sáu trong số các người con của Ibn Saud liên tiếp làm quốc vương Saudi Arabia cho đến nay và Abdullah là thứ năm. Kế nghiệp Abdullah là tân vương Salman, 79 tuổi, tuyên bố duy trì chính sách hiện hữu của Abdullah và tấn phong người em gần 70 tuổi, hoàng thân Muqrin, làm thái tử. Một người con của Salman, hoàng tử Mohammed bin Salman, giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Các bộ trưởng ngoại giao, tài chính, dầu lửa không thay đổi.

Theo tín ngưỡng truyền thống Wahhabism, phái Hồi Giáo Sunni cực kỳ bảo thủ, sống chết đều chỉ có nghĩa là tuân hành ý Thượng Đế. Quốc vương Abdullah sẽ được an táng ngay sau lễ cầu nguyện hàng tuần ngày Thứ Sáu, trong một ngôi mộ không có dựng bia. Saudi Arabia không có hình thức quốc tang, các cơ quan chính quyền mở cửa hoạt động bình thường và cờ vẫn kéo lên cao tới ngọn cột không được treo rũ.

Hầu hết dân chúng Saudi Arabia coi vị vua quá cố Abdullah là một minh quân. Ông có 8 con trai 10 con gái, con của 6 bà vợ chính thức và ít nhất 7 bà khác nữa. 

Mặc dầu chỉ ngồi trên ngai vàng 10 năm, nhưng Abdullah nắm thực quyền trong hai thập niên. Khi lên ngôi năm 1982, quốc vương Fadh (nhà vua thứ tư con Ibn Saud) phong Abdullah làm hoàng thái tử. Tới 1995, Fadh bị một cơn kích xúc nặng, sống sót nhưng không còn làm việc được, và Abdullah trong thực tế là hoàng thân nhiếp chính giữ tất cả quyền hành.

Từ 1963, Abdullah đã củng cố thêm được quyền lực với chức vụ Tư Lệnh Vệ Binh Quốc Gia, một lực lượng quân sự trang bị hiện đại. Năm 1975, ông được chỉ định làm đệ nhị Phó Thủ Tướng. Ông đẩy mạnh nỗ lực tiết giảm chi tiêu của chính quyền và phát triển kinh tế, đưa Saudi Arabia gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO.

Đầu thế kỷ 21 khi al-Qaeda hoạt động mạnh, đe dọa an ninh và ổn định của vương quốc, hoàng thái tử Abdullah tập trung nỗ lực vào vấn đề chính trị, nới rộng hoạt động cho các giáo phái và ngăn chặn những thành phần tôn giáo cực đoan.

Năm 2005, quốc vương Fadh băng hà, sau khi chính thức lên ngôi Abdullah cho tiến hành một số cải cách chính trị và xã hội, đồng thời với những chiến dịch mạnh mẽ trấn áp khủng bố . Nhà nước Saudi Arabia cấp học bổng cho hơn 70,000 sinh viên học sinh nam nữ du học ở 25 quốc gia trên thế giới, nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Anh Quốc, Australia.

Khi phong trào đấu tranh dân chủ “Mùa Xuân Á Rập” nổi lên ở Trung Đông, quốc vương Abdullah cho thực hiện dự án tốn kém $37 tỷ để đáp ứng với tình thế. Các kế hoạch dân sinh, trợ cấp gia cư, thất nghiệp, xóa nợ giảm nghèo được tiến hành trong khuôn khổ những chương trình cải tiến xã hội, y tế, giáo dục. Phụ nữ sẽ được quyền đi bầu kể từ 2015. Năm 2012 Saudi Arabia loan báo lần đầu tiên sẽ có phái đoàn nữ vận động viên trong các phái đoàn tham gia Thế Vận Hội.

Đầu năm 2013, quốc vương Abdullah chỉ định 30 phụ nữ vào “hội đồng shura”, một cơ chế tham vấn thay thế cho quốc hội trong chế độ quân chủ chuyên chế, và quy định hội đồng 150 thành viên này phải có tối thiểu 20% phụ nữ.

Cho tới đầu thế kỷ 20, bán đảo Á Rập là nơi ít được thế giới chú ý với đất đai hầu hết là sa mạc, dân cư thưa thớt đa số là các bộ tộc du mục. Dầu lửa được tìm thấy năm 1938 trong triều đại Ibn Saud đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của đất nước này và vai trò của Saudi Arabia trên thế giới.

Hoàng gia Saudi Arabia, được thụ hưởng sự giầu có nhờ dầu lửa và tạp chí Forbes đã từng xếp hạng quốc vương trong những tỷ phú hàng đầu trên thế giới. Cho đến những năm gần đây 75% thu nhập ngân sách là từ dầu lửa và chiếm 90% trị giá xuất cảng của Saudi Arabia. 

Tuy nhiên không đơn giản như nhiều người có thể hiểu, trong sự giầu có của Saudi Arabia còn nhiều vấn đề phải giải quyết trong hiện tại và tương lai.

Quốc vương Abdullah nổi tiếng là người biết quân bình đối phó với tình thế biến chuyển trên thế giới và sự phát triển ở quốc nội bằng cách giữ giá dầu cao vừa đủ để đáp ứng nhu cầu thu nhập nhưng thấp vừa đủ để bảo đảm thị phần trong thị trường quốc tế.

Một trong những dự án đáng chú ý được tiến hành trong triều đại của nhà vua là sắc lệnh năm 2010 thành lập “Thành Phố Abdullah” cho sự phát triển năng lượng nguyên tử và năng lượng tái tạo, gọi bằng tên tắt là Ka-Care, và viện đại học khoa học kỹ thuật Abdullah.

Về mặt chiến lược, Saudi Arabia hiểu rằng trữ lượng dầu khí khổng lồ khoảng 260 tỷ thùng dầu thô, khoảng 1/5 toàn thế giới, cũng sẽ có lúc cạn, chưa kể trước đó những biến chuyển khác khiến không thể tiếp tục là bảo đảm chắc chắn cho thu nhập quốc gia. 

Nhưng Ka-Care cũng là một tính toán chiến thuật vì dân số Saudi Arabia tăng nhanh và mức tiêu thụ năng lượng tại quốc nội ngày càng lớn, đặc biệt là cho các nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt rất thiếu ở vùng sa mạc này. Năm 1960 Saudi Arabia chỉ có 4 triệu dân, bây giờ dân số lên tới gần 30 triệu và là nước có mức tiêu thụ năng lượng tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Một bản báo cáo của Chatham House, cơ quan nghiên cứu quốc tế trụ sở tại London, cho biết Saudi Arabia hiện nay tiêu thụ 2.8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, ¼ sản lượng, và dự đoán tới năm 2038 sẽ phải nhập cảng dầu lửa. 

Chưa thể biết các dự án của Abdullah sẽ như thế nào vì ngay lúc ông còn sống đã gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện. Một vấn đề khác đáng quan tâm là liên hệ giữa Saudi Arabia và Iran, hai quốc gia Hồi Giáo Sunni và Shiite thù nghịch từ nhiều năm. Trong thời chiến tranh Iran – Iraq hồi thập niên 1980 Saudi Arabia đã viện trợ cho Iraq $25 tỷ. Đường lối hòa giải và thương thuyết với Iran của chính quyền Obama và tình hình dầu lửa mất giá khiến cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Saudi Arabia, nước đồng minh tin cậy nhất ở Trung Đông, đang trải qua một giai đoạn phức tạp. Người ta chờ đợi đường lối của tân vương Salman trong các vấn đề nội bộ và quan hệ quốc tế . (HC)




No comments: