Tuesday, March 20, 2012

VINH QUANG ÂM NHẠC & THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ (Hoàng Ngọc Tuấn)




Đọc bài phỏng vấn Ivo Pogorelich, “Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt” (Nguyễn Đình Đăng dịch từ tiếng Nga), do Victor Licht thực hiện, tôi bị ám ảnh suốt cả ngày hôm nay vì một sự thật ghê gớm về cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ X, năm 1980, tại Warsaw.

Trong cuộc thi đó, nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn của Việt Nam đã được trao giải nhất. Đây là điều mà có lẽ người Việt Nam nào cũng đều biết, và đều cảm thấy tự hào. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, trong chính cuộc thi đó, nghệ sĩ piano Ivo Pogorelich của Croatia đã bị loại khỏi vòng chung kết một cách vô cùng bất công.

Việc Ivo Pogorelich bị loại khỏi vòng chung kết đã khiến Martha Argerich (người đã đoạt giải Chopin năm 1965), ủy viên hội đồng giám khảo, nổi cơn thịnh nộ, công khai tuyên bố rằng Ivo Pogorelich là thiên tài, và ngay sau đó bà rút tên ra khỏi hội đồng giám khảo. Không chỉ một mình Martha Argerich nổi cơn thịnh nộ, mà một số người khác trong hội đồng giám khảo cũng cảm thấy bất bình vì Ivo Pogorelich đã bị cho điểm một cách hết sức vô lý.

Ivo Pogorelich kể:
“Cuộc thi đã bị gián đoạn 48 tiếng đồng hồ. Chỉ sau khi có sự can thiệp của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ba Lan, người ta mới thuyết phục được các ủy viên giám khảo ở lại, những người trước đó đã tuyên bố bỏ Warsaw ra về. Riêng Argerich là vẫn không chịu khuất phục.”

Ivo Pogorelich đã bị cho điểm một cách tồi tệ như thế nào?

Trong cuộc phỏng vấn vào năm 2010, Victor Licht hỏi:
“Cách đây 2 năm, ông đã đòi ban lãnh đạo cuộc thi Chopin phải công bố biên bản các cuộc họp của hội đồng giám khảo năm 1980. Đó là cái gì vậy, một sự báo thù muộn màng chăng?”

Ivo Pogorelich trả lời:
“Họ mời tôi làm giám khảo. Và tôi yêu cầu họ công bố điểm số của cuộc thi năm 1980. Tại cuộc thi đó đại diện của Liên Xô đã cho tôi 0 điểm. 0 điểm! Như thể tôi không hề chơi đàn tí gì!...”

Đại diện của Liên Xô lúc ấy là Sergei Dorensky, giáo sư, trưởng khoa piano nhạc viện Tchaikovsky, phó chủ tịch hội Fryderyk Chopin và hội Sergei Rachmaninov của Nga.

Nên nhớ rằng điểm được cho theo thang từ 1 đến 25 điểm. Khi Sergei Dorensky hạ bút ghi 0 điểm cho Ivo Pogorelich một cách tàn nhẫn như thế thì chắc chắn rằng ông ta quyết tâm loại bỏ dứt khoát Ivo Pogorelich ra khỏi vòng chung kết.

Động cơ nào đã khiến Sergei Dorensky xử sự tàn nhẫn như vậy?

Ivo Pogorelich mô tả tính cách của Sergei Dorensky như sau:
“... tại Nhạc viện Moscow, Sergei Dorensky có thời đã nhận thí sinh không cần thi tuyển từ những đối tượng mà cha mẹ họ có khả năng hối lộ ông ta một viên kim cương ít nhất 4 carat.”

Không chỉ có một mình Sergei Dorensky chuyên ăn hối lộ. Ivo Pogorelich nói thêm: “Và Vera Gornostaeva cũng đã làm như vậy, thêm vào đó, còn làm việc cho KGB...” Nghĩa là song song với hành vi tham nhũng, các giám khảo của Liên Xô còn có thể xử sự tàn nhẫn để phục vụ cho những thủ đoạn chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Riêng về động cơ tham những, thì nếu đã ăn hối lộ, tất nhiên Sergei Dorensky phải thiên vị cho “con gà” của mình.

Trong phần chú giải của bài “Cái chết của thiên tài”, Nguyễn Đình Đăng viết:

Có ý kiến (chưa được kiểm chứng) cho rằng một trong những tác nhân gây nên chia rẽ là do Sergei Dorensky - phó chủ tịch hội Frederic Chopin của Nga đồng thời là trưởng khoa piano nhạc viện Tchaikovsky - muốn “lobby” cho pianist người Nga sinh viên nhạc viện Tchaikovsky Tatyana Shebanova đoạt giải nhất, và vì thế tìm cách gây áp lực để loại Ivo Pogorelich (cũng là sinh viên nhạc viện Tchaikovsky, nhưng là người Nam Tư). Kết quả năm đó thật bất ngờ với giải nhất về tay Đặng Thái Sơn (Việt Nam). Tatyana Shebanova đoạt giải nhì.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, nếu chỉ vì động cơ tham nhũng, thì không đến nỗi Sergei Dorensky phải tàn nhẫn đến mức triệt hạ tuyệt đối Ivo Pogorelich bằng điểm 0. Chẳng hạn, ông ta chỉ cần ghi 25 điểm cho “con gà” của ông ta, và ghi 12.5 điểm cho đối thủ đáng ngại, thế là “con gà” của ông ta cũng khá bảo đảm cơ hội thắng rồi!
Tôi cho rằng chỉ có động cơ chính trị, tức là phải thực hành chỉ thị của Đảng, mới khiến Sergei Dorensky hành xử tàn nhẫn đến thế, trơ tráo đến thế, đê hèn đến thế.

Trong bài “Có thế nào chơi như thế”, Ivo Pogorelich kể:
“Tôi đã từng sống nhiều năm tại Moscow, dưới chế độ cộng sản. [...] Nhiều tháng trước khi cuộc thi này diễn ra, chúng tôi đã biết rằng Đảng Cộng sản đã quyết định trao giải nhất của cuộc thi cho một nghệ sĩ piano Việt Nam (Đặng Thái Sơn). Vì thế tôi không ngạc nhiên.”
Và để thực hiện cái quyết định đó, Sergei Dorensky đã ghi điểm zéro để bảo đảm tuyệt đối triệt hạ Ivo Pogorelich!

Giải thưởng Chopin là một trong những giải thưởng lớn nhất cho sự nghiệp của một nghệ sĩ piano. Bị triệt hạ một cách bất công ra khỏi cuộc thi ấy, dẫu sao, Ivo Pogorelich cũng đã được thế giới đền bù xứng đáng. Ông nói:
“Tôi đã nhận được quá nhiều từ vụ này. Về sự nghiệp, tôi đã đạt được nhiều thứ từ cuộc thi đó, hơn bất kỳ người thắng cuộc nào từng đạt được.”

Viết đến đây, tôi cảm thấy băn khoăn với vài câu hỏi chợt nảy ra:

Nếu nghệ sĩ Ivo Pogorelich được cho điểm công bình, thì liệu nghệ sĩ Đặng Thái Sơn có thể đoạt giải nhất trong cuộc thi piano Chopin năm 1980 hay không? Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn có bao giờ tự hỏi về điều này?
.
.
.

No comments: