Friday, March 30, 2012

KHAI MẠC DIỄN ĐÀN NHÂN DÂN CÁC NƯỚC ASEAN 2012 TẠI CAMPUCHIA (Quốc Việt, RFA)



Quốc Việt, Thông tín viên RFA, Phnom Penh
2012-03-30

Sáng ngày 29/3, tại thủ đô Phnom Penh đã khai mạc “Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2012”, trước là “Hội nghị tổ chức dân sự ASEAN”.
Chủ đề của Diễn đàn là “Đưa ASEAN trở thành một cộng đồng lấy con người làm trung tâm” do nhóm tổ chức dân sự Đông Nam Á phối hợp tổ chức, kéo dài từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 3.

Đại diện các nước ASEAN thắp đèn cầy khai mạc diễn đàn Nhân dân ASEAN 2012, ngày 29/3/2012.  Photo Quốc Việt RFA

Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF)

Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF), một sự kiện thường niên của các tổ chức xã hội khu vực Đông Nam Á, diễn ra trước thềm các Hội nghị cấp cao ASEAN, thu hút hơn 1.000 đại biểu đến từ các nước thành viên trong khu vực Đông Nam Á.

Mục đích của Diễn đàn nhằm tạo cơ hội cho cộng đồng nhân dân khu vực ASEAN thảo luận, phản ánh và nêu lên những vấn đề vướng mắc, từ đó xây dựng và thông qua các đề xuất gửi lên các lãnh đạo cấp cao trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần 20 sẽ diễn ra tại Phnom Penh, vào ngày 3-4/4.

Diễn đàn này là cơ hội chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ chức dân sự và phong trào xây dựng dân tộc, dân chủ, mở rộng mạng lưới trên các vấn đề trong khu vực, cùng nhau hành động chung để xây dựng một cộng đồng ASEAN.

Giám đốc điều hành diễn đàn các tổ chức phi chính phủ của Campuchia, kiêm Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn nhân dân ASEAN 2012 là ông Chhith Sam Ath cho biết diễn đàn này sẽ thảo luận 24 đề tài về các vấn đề như bảo vệ lao động di cư, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, dân chủ, bầu cử, quyền trẻ em, giảm nghèo, sức khỏe sinh sản, ổn định xã hội, tự do thông tin, quyền của các dân tộc thiểu số, tị nạn, biến đổi khí hậu và phát triển đập thủy điện…v.v.

Ông nhấn mạnh:

“Sau khi kết thúc Hội nghị, chúng tôi sẽ có tuyên bố chung gửi lên chính phủ các nước ASEAN. Các nhóm tổ chức dân sự cũng có thể kiến nghị lên chính phủ của mình nhằm thúc đẩy chính phủ có trách nhiệm hơn đối với sự lo ngại của dân. Đặc biệt, thúc đẩy chính phủ thực hiện đúng các Hiệp ước quốc tế mà chính phủ các nước ASEAN ký kết với Liên Hiệp Quốc, thực hiện đúng mọi cam kết, hướng tới việc thành lập một cộng đồng ASEAN vào năm 2015.”


Đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn gồm có 6 đại biểu là đại diện của các tổ chức nhân dân Việt Nam. Các đại biểu Việt Nam đã tham gia trình bày, thảo luận nhiều đề tài khác nhau.

Ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển nói với RFA rằng để đưa ASEAN trở thành một cộng đồng lấy con người làm trung tâm thì trước tiên mỗi một quốc gia đều cần thực hiện được việc lấy con người làm trung tâm, không kể quốc gia đó là Việt Nam, Campuchia hay bất kỳ một quốc gia nào khác trong khối ASEAN. Ông nhấn mạnh: thực thi ở cấp quốc gia trước mới mong đạt được kết quả ở cấp độ khu vực.

Ông Phạm Quang Tú chia sẻ với RFA về một số vấn đề bất cập ở Việt Nam:

“Chúng ta biết rằng ở Việt Nam chỉ có một Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong thời gian gần đây Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đã nhận diện ra được những bất cập trong xã hội Việt Nam và đặc biệt là bất cập, yếu kém trong nội bộ của Đảng. Đây là lý do tại sao tại Hội Nghị Trung Ương IV vừa rồi nói đến rất nhiều những yếu kém của các cá nhân trong Đảng, và vấn đề chỉnh sửa Đảng. Ít hay nhiều, trên hướng đi, chúng ta có thể nhận thấy sự tiến bộ, có sự cởi mở. Tuy nhiên, cả con người Việt Nam, xã hội Việt Nam và cộng đồng quốc tế vẫn đang theo dõi và xem thử những cam kết hoặc những gì đưa ra trong Nghị quyết của Đại hội, Nghị quyết của Hội nghị Trung Ương, sẽ biến thành sự thật như thế nào.

Về cơ chế, hiện nay Việt Nam đang có những cơ chế để người dân trình bày ý kiến cá nhân và đưa thông tin của họ đến với công luận cũng như nhà nước. Bên cạnh đó cũng có các cơ chế ràng buộc chính phủ hoặc người thực thi pháp luật phải lắng nghe ý kiến của dân và giải quyết các vấn đề dân thắc mắc. Tuy nhiên, đó vẫn là trên lý thuyết, trên thực tế, khoảng cách của việc người dân đưa ra tiếng nói của mình đến những người thực sự cần lắng nghe hoặc cần truyền tải thông điệp thì phải qua rất nhiều tầng lớp khác nhau. Đây có lẽ là do cơ chế cách thức điều hành, cấu trúc quản trị của Nhà nước.”

ASEAN: Một cộng đồng lấy con người làm trung tâm

Song song với Diễn đàn Nhân dân ASEAN do các tổ chức dân sự từ ASEAN tổ chức này, các tổ chức thân với Chính phủ Campuchia cũng tổ chức một Diễn đàn Nhân dân ASEAN khác tập trung thảo luận các vấn đề bao gồm: dân tộc thiểu số, giới và phát triển, các nhóm lao động dễ bị tổn thương, hòa bình và an ninh, dân chủ và nhân quyền…

Diễn đàn này được Phó Thủ tướng Campuchia Sok An chủ trì và cũng có hơn 1.000 đại biểu đại diện cho các tổ chức nhân dân ở các nước ASEAN.

Ông Chheang Vannarith, Giám đốc điều hành Viện hợp tác và hòa bình Campuchia là Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn vừa nói cho rằng các tổ chức ngoài chính phủ vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, tranh luận khó thể giải quyết. Các tổ chức tham gia với ông đều là những tổ chức gần gũi với chính phủ, hợp tác tốt với chính phủ trong việc thay đổi chính trị, tôn trọng nhân quyền.

Ông cho biết thêm:

“Diễn đàn này có sự chủ trì của Phó thủ tướng Sok An. Chúng tôi đã thảo luận trên 12 đề tài. Đặc biệt là các đề tài liên quan hòa bình và an ninh, nhân quyền, sinh kế và an ninh lương thực, quan hệ giữa nhà nước và các tổ chức xã hội. Diễn đàn này sẽ đưa ra những khuyến nghị lên Hội nghị cấp cao ASEAN, khi đại diện của diễn đàn tiếp kiến với các nhà lãnh đạo ASEAN.”

Mặc dù chính phủ Campuchia chỉ tham dự và ủng hộ Diễn đàn do các tổ chức dân sự thân với chính phủ tổ chức, thừa nhận kết quả gửi lên các nhà lãnh đạo ASEAN, nhưng các tổ chức dân sự độc lập không coi đó là vấn đề quan trọng vì đó là mong muốn của chính phủ Campuchia, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Tuy nhiên các tổ chức độc lập cho rằng Diễn đàn thứ nhất là tiếng nói của người dân ASEAN. Như vậy chính phủ thừa nhận hay không là quyền của chính phủ, còn người dân vẫn có quyền nói ra những mong muốn của họ.

Phó viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Phạm Quang Tú bày tỏ quan điểm:

“Cho dù chính phủ Campuchia giúp các tổ chức bên kia đưa thông điệp của họ lên và không đưa thông điệp bên này thì Ban tổ chức ở bên này cũng sẽ có những cách thức khác nhau để truyền tải thông điệp của mình đến với ASEAN và lãnh đạo các quốc gia; ví dụ như thông qua báo chí truyền thông để truyền tải thông điệp. Nhân đây, thông qua Á Châu Tự Do, mình mong rằng các quốc gia ASEAN, tất nhiên mỗi quốc gia khác nhau về mặt thể chế và mặt cấu trúc nhưng nếu ASEAN lấy con người làm trung tâm, để hướng tới được ASEAN là một cộng đồng lấy con người làm trung tâm thì trước tiên phải thực hành rằng việc mỗi quốc gia lấy con người làm trung tâm. Nếu lấy con người làm trung tâm thì hãy tôn trọng quyền của họ, hãy công nhận công việc của họ làm và hãy thừa nhận những nguyện vọng của họ.

Việc chính phủ không thừa nhận tiến trình bên này nhưng thừa nhận tiến trình bên kia không phải là cách nên làm. Bởi vì tiến trình này hay tiến trình kia đều là tiến trình của người dân và có đại diện của người dân. Người dân đó, cho dù ai đi nữa thì họ vẫn là công dân của quốc gia đó và là những công dân của ASEAN nên cần phải lắng nghe”


Các nước tới tham dự Hội nghị tổ chức dân sự (ACSC), diễn đàn Nhân dân ASEAN 2012 (APF) do các tổ chức dân sự độc lập tổ chức gồm có tất cả 10 quốc gia ASEAN: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra còn có các tổ chức ngoài chính phủ đến từ Trung Quốc, Úc, Canada, Nhật Bản, Mỹ, Anh và nhiều nước khác trên thế giới.

Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF) là một cuộc tập hợp do nhóm tổ chức dân sự ASEAN phối hợp tổ chức. Hoạt động này được khởi xướng từ năm 2005 tại Malaysia khi nước này làm Chủ tịch ASEAN; sau đó là Philippines trong năm 2006 và 2007; Singapore năm 2008; Thái Lan năm 2009, Việt Nam năm 2010 và Indonesia năm 2011.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: