Song Chi
Thu, 03/29/2012 - 19:36
Cái tựa của bài này là từ cái tựa bài viết trên báo Tuổi Trẻ: “Khi người trẻ quỳ xuống và hôn ghế…”.
Bài viết trên báo Tuổi Trẻ có đoạn:
“Hôm qua 10g có chạy chương trình mà chú Bi Rain gì đó (không biết gõ đúng không nhỉ) và bậu xậu của chú ta sang diễn. Bi ngồi cùng cậu nữa ghế A12, A14 trong Nhà hát lớn. Một số cô cậu nhòm thấy. Tối biểu diễn, nhiều quý nữ có vé mời vào rất sớm, xúm nhau cúi xuống ngửi, hôn cái ghế Bi ngồi”...
…có thể yêu quý và hâm mộ, có thể nhịn ăn xếp hàng mua vé, có thể chen lấn xin chữ ký, có thể làm mình làm mẩy với cha mẹ để xin được tiền mua chiếc vé cắt cổ, có thể nhuộm tóc xanh, tô môi tím và mặc áo khoác giữa mùa hè nhiệt đới cho giống thần tượng...
Nhưng đến mức - dù là chỉ vài người trẻ - xúm xít vào hôn cái ghế Bi ngồi thì...”
Đọc xong, tôi không còn biết phải nói gì. Vì “sốc”. Không phải tôi không biết một bộ phận giới trẻ VN từ lâu nay rất mê phim Hàn quốc, mê K-Pop, mê các ngôi sao ca nhạc, diễn viên Hàn, từ đó mê thời trang, nghệ thuật trang điểm, hàng hóa Hàn, bắt chước cách ăn mặc, trang điểm của các thần tượng trong giới showbiz Hàn…
Thật ra không chỉ riêng VN, trong vòng hai, ba thập niên qua, một số quốc gia châu Á khác cũng từng bị cơn lốc phim Hàn, nhạc Hàn làm cho chao đảo. Nói cho chính xác, khu vực Đông Á chịu ảnh hưởng rõ hơn các quốc gia thuộc khu vực Nam Á như Ấn độ, Pakistan, Nepal…hay vùng Trung Đông, bởi vì văn hóa của các khu vực này khác hẳn. Cơn lốc văn hóa Hàn gần đây còn lan rộng cả đến Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh, châu Âu và cả Bắc Phi.
Đối với riêng từng quốc gia, sự say mê đó lan tỏa rộng hay hẹp, lâu hay mau, mức độ “cuồng si” như thế nào…trong giới trẻ, cũng rất khác nhau, tùy theo nhiều yếu tố: giáo dục, gia đình và xã hội.
Với những quốc gia có một nền giáo dục tốt ngay từ bậc phổ thông, học sinh sẽ có được một kiến thức khá rộng, cả về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có được một gu thưởng thức thẩm mỹ tốt, phong phú. Từ đó giới trẻ sẽ có nhiều xu hướng đam mê hơn là đa số chỉ lao vào say mê một dòng phim, một dòng nhạc nào đó. Chẳng hạn như giới trẻ các nước Âu- Mỹ, ngay từ khi đang học tiểu học cho đến những năm tháng của bậc trung học phổ thông, các em đã được nghe nhạc giao hưởng, nhạc cổ điển cho đến các thể loại âm nhạc khác nhau; các em đã được học về lịch sử hội họa thế giới, được đi xem bảo tàng, xem những cuộc triển lãm hội họa cổ điển và hiện đại, kể cả những buổi trình diễn nghệ thuật sắp đặt, performing art…; được đọc đủ loại văn học cổ điển vả hiện đại của những tác giả lừng danh trên thế giới, đi xem nhạc kịch opera, múa ballet; còn phim ảnh thì ngay trên truyền hình hàng ngày đã có đủ loại phim của các nước để lựa chọn. Từ đó các em sớm có kiến thức, trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật khá vững, và có nhiều sự lựa chọn tùy theo ý thích. Tin rằng trong những quốc gia như vậy, con số giới trẻ mê phim Hàn nhạc Hàn sẽ không phải là quá nhiều và nếu có, cũng không quá “cuồng si” bởi các em có đủ kiến thức để nhận ra cái dở bên cạnh cái hay của phim Hàn, nhạc Hàn.
Thứ hai, yếu tố xã hội cũng rất quan trọng. Muốn ngăn chặn ảnh hưởng về văn hóa của nước khác xâm nhập vào nước mình, không phải bằng cách đóng cửa từ chối mọi luồng văn hóa từ bên ngoài, mà cái chính là phải tạo ra cái của mình. Muốn cho giới trẻ không mê đắm từ thần tượng diễn viên, ca nhạc cho đến thời trang, mỹ phẩm, hàng hóa của nước khác, thì phải có thần tượng, xu hướng thời trang, sản phẩm hàng hóa của nước mình. Ví dụ như giới trẻ Nhật Bản cũng có những bạn thích phim Hàn, nhạc Hàn, nhưng bên cạnh đó, họ có những cái của họ-phim, nhạc, thời trang cho đến các mặt hàng xa xỉ phẩm, đồ chơi, hàng tiêu dùng…dành cho lứa tuổi teen của Nhật cực kỳ phong phú, đa dạng. Có thể nói, về độ phong phú, sáng tạo, quái lạ…còn hơn Hàn Quốc. Thế thì đâu có sợ gì chuyện đa số giới trẻ Nhật sẽ mê đắm phim, nhạc, thần tượng hay hàng hóa của Hàn Quốc?
Ngoài yếu tố giáo dục, nhà trường, xã hội…nếu trong gia đình có những cách định hướng tốt, cho con được xem/nghe/đọc nhiều dòng văn hóa nghệ thuật khác nhau từ nhỏ để có một kiến thức, trình độ, gu thưởng thức văn hóa tốt, phong phú; giáo dục cho con có những mục đích sống và niềm say mê khác hơn là chỉ mê phim Hàn nhạc Hàn; giáo dục cho con có lòng tự trọng vào bản thân…thì những hành vi mê cuồng quá lố đối với những thần tượng showbiz như khóc lóc làm mình làm mẩy dọa bỏ học, bỏ nhà ra đi, thậm chí dọa tự tử nếu bố mẹ không kiếm được cho cái vé xem một chương trình biểu diễn của một ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc, hoặc cúi xuống ngửi, hôn cái ghế thần tượng ngồi v.v…chắc chắn khó có thể xảy ra.
Không thể trách một bộ phận giới trẻ VN điên cuồng với phim Hàn, nhạc Hàn. Đó chỉ là hệ quả của một nền giáo dục mà các em đã được hấp thụ, một xã hội mà các em đang phải sống. Một nền giáo dục lạc hậu, thiếu hụt trầm trọng về mặt kiến thức văn hóa nghệ thuật ngay từ bậc phổ thông. Suốt những năm học phổ thông và kể cả đại học, các em nào có được học/xem/nghe gì bao nhiêu về âm nhạc, hội họa, kiến trúc, văn học…cổ điển và hiện đại của các nước? Hay chỉ được học/xem/nghe chủ yếu về âm nhạc, hội họa, kiến trúc, văn học…Việt Nam, mà phần chính là từ thời…cách mạng? Nếu em nào không tự mình tìm tòi hoặc may mắn được gia đình có hiểu biết hướng dẫn, thì sẽ là cả một lỗ hổng lớn về mặt kiến thức. Không hiếm trường hợp đã là sinh viên nhưng nếu hỏi đến các loại nhạc yêu thích, nếu không nhạc Hàn thì cũng chỉ là nhạc trẻ VN, hỏi đến các loại sách hay đọc, vẫn chỉ đọc truyện tranh, hoặc những loại sách dễ đọc kiểu như Twilight, những cuốn tiểu thuyết của Marc Levy…
Giáo dục đã thiếu hụt, đến môi trường sống xung quanh nếu muốn đi xem một bảo tàng triển lãm tranh có giá trị, một buổi trình diễn hội họa đương đại, nhạc kịch opera, hay nhạc giao hưởng…cũng khó kiếm. Truyền thông VN cũng cũng góp phần làm lệch thêm cái sự lệch lạc, thiếu hụt này khi mở TV ra thì chỉ rặt phim Tàu, phim Hàn, nhiều tờ báo mạng lá cải tối ngày đưa tin, hình ảnh về các ngôi sao Trung Quốc, Hàn Quốc cho đến cách ăn mặc, trang điểm…Các em đã không được thụ hưởng một nền giáo dục đầy đủ để có thể có được một trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật tốt, một bản lĩnh văn hóa vững vàng, mà môi trường xã hội cho đến truyền thông hàng ngày đập vào mắt các em lại bày ra quá ít sự lựa chọn như thế, thì việc các em mê phim Hàn, nhạc Hàn cũng là điều dễ hiểu. Nhất là khi phim Việt, nhạc Việt, thời trang Việt, hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm Việt…chưa đủ sức hút để lôi kéo các em.
Đó là chưa nói đến sự quan tâm định hướng từ gia đình. Mà cha mẹ muốn định hướng tốt cho con thì trước hết bản thân mình cũng phải có sự hiểu biết nhất định về văn hóa nghệ thuật.
Cho nên, khi nào giáo dục, xã hội cho đến truyền thông Việt vẫn còn như hiện nay, thì chuyện có những cô cậu trẻ tuổi làm đủ trò điên khùng, mất lòng tự trọng vì một ngôi sao diễn viên, ca nhạc từ một dòng phim, dòng nhạc mang đậm tính giải trí nào đó, sẽ vẫn còn tiếp tục.
.
.
.
No comments:
Post a Comment