Wednesday, March 28, 2012

BẠC HY LAI & NHỮNG THAY ĐỔI SẮP ĐẾN Ở TRUNG QUỐC (Dan Blumenthal, Lara Crouch, Foreign Policy)


Dan Blumenthal, Lara Crouch

Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ

Trong mấy ngày vừa qua, giới truyền thông phương Tây tràn ngập những tin đồn có nguồn từ các trang mạng xã hội truyền thông Trung Quốc, các cơ quan thông tấn do Pháp Luân tài trợ và các nhà phân tích tại Hồng Kông về một mưu toan đảo chính ở Bắc Kinh. Điều duy nhất khiến người ta tin vào những tin đồn này là việc có thể hiện hữu một cuộc đấu tranh quyền lực dẫn đến việc sa thải Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Đây là cuộc loại trừ một quan chức chính phủ lớn nhất kể từ sau vụ Bí thư Đảng Thượng Hải Trần Lương Vũ bị sa thải trong quá trình điều tra tham nhũng vào năm 2006.

Các chuỗi biến cố gần đây đã được thực hiện cho tấn tuồng chính trị thú vị, nhưng ta hãy nhớ rằng chỉ có chín nhân vật ở Trung Quốc biết được những gì thực sự xảy ra. Điều này đúng trong trường hợp của Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân người phó của ông, cũng như tình trạng hiện tại của viên chỉ huy an ninh Chu Vĩnh Khang (một số tin đồn gần đây đã xoay quanh nhân vật này). Căn cứ vào môi trường chính trị không chắc chắn, chín nhân vật ấy chắc sẽ không tuyên bố gì sớm sủa.

Trong khi chúng ta không biết lý do tại sao Bạc và những phần khác của "Trung Nam Hải Học" (Zhongnanhailogy) đã bị loại bỏ, sự cố gần đây tiết lộ một số thông tin hữu ích về vai trò tương ứng của quyền lực và hệ tư tưởng ở Trung Quốc. Và đổi lại, những điều này cho thấy sự thay đổi đang đến với Trung Quốc, dù rằng chúng ta không biết những thay đổi này sẽ như thế nào.

Trước tiên là, sự việc Bạc Hy Lai bị lật đổ là vì vấn đề quyền lực chứ không phải là vì hệ tư tưởng. Từ những lời hoa mỹ của giới lãnh đạo trung ương, đặc biệt là báo cáo của Ôn Gia Bảo về sự cần thiết để tránh một cuộc Cách mạng Văn hóa, người ta sẽ nghĩ rằng sự thất sủng của Bạc chủ yếu có liên quan đến sự theo đuổi hình thức Chủ nghĩa Mao của ông. Thật vậy, đấy chính là một hình ảnh thuận tiện để các nhà lãnh đạo trung ương tô vẽ lên cho khán giả quốc tế thấy rằng họ lật đổ Bo để ngăn chặn Trung Quốc khỏi một "cú rẽ tả khuynh". Trong khi có thể là phần gốc của sự thật này, "những bài nhạc đỏ " là một phương tiện để kết thúc cho Bạc. Tương tự như vậy, "Ý thức hệ Đỏ" được gán cho là của Bạc đã cung cấp cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc một cái cớ tốt, giúp loại bỏ được một mối đe dọa đến quyền lực trung ương.

Bạc đã nhắm một vị trí trong Ủy ban Thường vụ để tăng thêm quyền lực của mình. Và theo như giới lãnh đạo, "tội ác" thực sự của ông ta không phải là những gì ông đã làm ở Trùng Khánh mà là ông đã làm như thế nào. Trong việc thực hiện hai chiến dịch "hát nhạc đỏ, diệt bọn đen"của mình, Bạc đã hình thành một trung tâm quyền lực riêng xung quanh mình mà không dựa vào sự lãnh đạo của trung ương. Bạc đã thành hình được căn cứ quyền lực của mình và kết quả là đã phần nào trở thành một cơn náo động trên cả nước (thậm chí một số công dân Trung Quốc còn viết bài hát về ông ta). Quyền lực của ông có được nhờ sự tự thănh tiến chứ không phải từ sự ủng hộ của giới lãnh đạo. Ông là một nhà dân túy chủ nghĩa, nhưng quan trọng hơn, ông là một nhà dân túy hoạt động như bộ mặt của đảng và chứng minh một cách cai trị khác với sự lãnh đạo ở trung ương.

Thứ hai, quyền lực là những gì thúc đẩy nền chính trị Trung Quốc trong thời gian chuyển đổi này. Trung Quốc hiện đang vận hành như một nhà nước mafia với hơn một chục gia đình quyền lực phụ trách. Bạc là một trong số họ. Quy luật của trò chơi là : "Nếu các anh bắt chúng tôi, thì sau này chúng tôi sẽ bắt các anh". Điều này có thể là một yếu tố góp phần vào sự sụp đổ của Bạc. Người phó của ông bị cáo buộc đã chứng minh chính gia đình Bạc tham nhũng, và Bạc phản ứng bằng cách can thiệp vào cuộc điều tra và cố gắng loại nhân vật một thời quyền lực của mình. Thật không may cho Bạc, cuộc đấu tranh quyền lực của mình với Vương không quan trọng bằng cuộc đấu tranh của Bắc Kinh với chính ông ta. Những dự trù từ lâu của giới lãnh đạo về phong cách chính trị của Bạc kết hợp với sự tổn thương bất ngờ của ông đã làm nên một lý do tuyệt vời để "bắt" ông ta.

Trong khi cậu chuyện của Bạc là về quyền lực, nó không che khuất được thực tế là có một cuộc đấu tranh ý thức hệ đang diễn ra bên trong Trung Quốc. Cuộc đấu tranh là một cuộc tỉ thí của các ý tưởng giữa những nhà cải cách Trung Quốc và bộ phận tư nhân "thực" của Trung Quốc chống lại doanh nghiệp quốc doanh rất mạnh mẽ và các nhà lãnh đạo đảng được hưởng lợi từ đó. Những nhà cải cách và giới tư nhân biết rằng mô hình tăng trưởng của Bắc Kinh sẽ đi đến chỗ kết thúc, trừ khi các cải cách tư bản chủ nghĩa nghiêm túc được thực hiện . Còn phe doanh nghiệp quốc doanh và lãnh đạo đảng biết rằng nếu những cải cách được thực hiện thì đảng sẽ không còn nữa.
Thậm chí còn hơn cả cuộc loại trừ Bạc và sự căng thẳng rõ ràng được tạo ra, sự tồn tại của một cuộc đấu tranh cho tương lai kinh tế của Trung Quốc thể hiện sự thiếu sự đồng thuận tại Trung Quốc cho dù có được một loại trí tuệ dở hơi về "mối Đồng thuận Bắc Kinh". Mốt trí tuệ này- một trận chiến giữa các mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo của Bắc Kinh và kinh tế kiểu tự do của Tây phương - là một sáng tạo của phương Tây. Nhưng cuộc chiến thực sự là ở bên trong Trung Quốc - liệu đất nước này sẽ trở thành tư bản hơn, phát triển hơn hoặc sẽ sẩy chân?

Thiếu sự đồng thuận này cho thấy rằng trong khi không thể dự đoán đưọc những gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc (rối loạn, sụp đổ, trì trệ), nhưng có một điều trở nên rõ ràng là - Trung Quốc sẽ thay đổi trong thập kỷ tới. Khi mô hình kinh tế ngày càng trở thành vấn đề, các vấn đề nội bộ khác sẽ là điều phải đến, bao gồm cả những chính sách tại hại về dân số, nạn tham nhũng tràn lan ở cấp cao nhất của chính phủ, và giới lãnh đạo chính trị trì trệ.

Khi theo dõi những sự kiện diễn ra, chúng nhắc nhớ chúng ta rằng một trong những lý do giới bên ngoài đang chú ý đến ý tưởng có thể có một cuộc đảo chính ở Trung Quốc rằng quân đội sẽ là tổ chức duy nhất có thể giữ được đất nước. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Trung Quốc có thể mở đường cho một Trung Quốc được Quân đội lãnh đạo. Bất kể như thế nào, sự sụp đổ của Bạc cho chúng ta biết rằng quá trình chuyển đổi ở Trung Quốc không êm thắm như nó có vẻ. Cuộc tranh giành quyền lực là có thực khi giới lãnh đạo đảng đang chiến đấu với một quy tắc vàng đảo ngược - ở Trung Quốc, ai tạo nên luật lệ là kẻ nắm được vàng bạc. Trong khi các trường hợp đặc thù của Bạc còn chưa chắc chắn, có hai điều đã trở nên rõ ràng: Các nhà lãnh đạo không còn hoàn toàn mạnh mẽ nữa và cải cách là rất cần thiết. Câu hỏi đặt ra là, liệu Trung Quốc sẽ thực hiện loại thay đổi mà khách quan cần đến hay đất nước này sẽ trở thành một đất nước trì trệ do Quân Đội Nhân dân lãnh đạo ?



-------------------------

Chris Buckley
Reuters/ National Post   23-03-2012

Người dịch: Trần Văn Minh
Posted by basamnews on 27/03/2012

BẮC KINH – Bạc Hy Lai đã nhận được tín hiệu về một cơn bão sẽ đánh đổ ông và làm rung chuyển đảng Cộng sản Trung Quốc dưới hình thức cảnh báo ngầm về thời tiết.
Họ Bạc từ Trùng Khánh, địa phương quyền lực của ông ở vùng tây nam, bay lên Bắc Kinh để tham dự hội nghị thường niên của quốc hội. Ông cố gắng giảm thiểu sự xôn xao về việc giám đốc công an của ông đã xin tỵ nạn ở lãnh sự quán Hoa Kỳ một ngày trước đây.
Nổi bật và đầy tự tin trong giới chính trị cấp cao giữa tập thể đông đảo những người hòa đồng trong thận trọng, Bạc Hy Lai đã là người gây tranh cãi về việc ông đẩy mạnh Trùng Khánh “đỏ” như là một mô hình táo bạo cho Trung Quốc.
Trò hề đầy kinh ngạc của người thân cận lâu năm, Phó Thị trưởng Vương Lập Quân, đe dọa làm hư hỏng bộ mặt thống nhất của quốc hội và nỗ lực chạy đua của Bạc vào trung tâm quyền lực của đảng.
Còi báo động xảy ra vào ngày 3 tháng 3 từ một nhà lãnh đạo trung ương lão thành đã khuyên Bạc và những viên chức khác của Trùng Khánh cẩn thận khi tham dự hội nghị quốc hội ở Bắc Kinh.
Vị viên chức kia, mà nhiều nguồn tin cho Reuters biết là Hà Quốc Cường, người đứng đầu Đảng về giữ kỷ luật và chống tham nhũng, nói: “Khí hậu Bắc Kinh rất khác với khí hậu Trùng Khánh. Vì thế tôi hy vọng mọi người sẽ ráng chống cơn lạnh, giữ mình ấm áp, và bảo trọng”.

Không phải tai nạn riêng lẻ
Luồng gió chính trị Bắc Kinh thực sự đã hướng tới Bạc một cách tàn nhẫn. Việc cách chức ông khỏi chức vị bí thư Trùng Khánh được loan báo tuần trước, chỉ dấu sự bất thường về tiến trình trao quyền vào cuối năm cho một thế hệ lãnh đạo mới trong Quốc Hội thứ 18 của Đảng Cộng sản.
Một sự tái lập của những biến cố dẫn đến cuộc trốn chạy của Vương Lập Quân và sự mất chức của Bạc tỏ rõ sự vận hành của Trung Quốc bao trùm xa khỏi căn cứ chính trị của hai ông ở Trùng Khánh, một tỉnh với 30 triệu dân bên bờ sông Hoàng Hà.
Cuộc trốn chạy của Vương Lập Quân vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Thành Đô (thuộc tỉnh Tứ Xuyên) không phải là tai nạn riêng lẻ như viên chức Trung Quốc diễn giải. Trong những cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh và Trùng Khánh, viên chức nhà nước, cán bộ về hưu, phóng viên và những nguồn tin khác thân cận nhà nước đã gọi đây là sự bùng phát từ những căng thẳng âm ỷ cả năm qua và dính líu tới giới lãnh đạo cao cấp Trung Quốc.
Câu chuyện bao gồm những tố cáo về tham nhũng và lạm dụng quyền hành của gia đình họ Bạc, ghi âm lén những lãnh đạo kỳ cựu, và sự bất đồng giữa Bạc và Vương.
Trên tất cả, sự lên xuống của Bạc, được coi là người hùng của phe tả, bộc lộ sự rạn nứt tư tưởng đe dọa xé toạc sự thống nhất trong đảng nếu giới lãnh đạo giải quyết sơ suất sự ra đi của ông.
Li Weidong, chủ bút và bình luận gia ở Bắc Kinh, người từng theo dõi sát cuộc biến động nói rằng, “Việc mất Bạc Hy Lai hàm nghĩa sự cân bằng của Quốc Hội thứ 18 tiếp nối đã bị xáo trộn. Việc tìm kiếm sự cân bằng đúng đắn sẽ khó khăn hơn”.
Vì hệ thống chính trị bí mật của Trung Quốc làm dân chúng không dám nói ra một cách thành thật về những tin tức nhạy cảm, đa số những người được phỏng vấn trong bài viết này đòi hỏi được dấu tên.

Giáng chức và hăm dọa
Cuộc trốn chạy của Vương Lập Quân vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ngày 6 tháng 2 đã không được kiểm chứng cho tới khi chính quyền Trung Quốc và Hoa Kỳ xác nhận. Nhưng hàng rào an ninh nghiêm ngặt chung quanh lãnh sự quán khơi động làn sóng suy diễn trên mạng đã làm cho lãnh đạo đảng không thể bưng bít biến cố này.
Li, nhà bình luận ở Bắc Kinh, nói rằng: “Việc này giống như chính trị ở cung đình. Chính trị đàng sau bức màn thì rất bí mật cho tới lúc cơn khủng hoảng xảy ra phô bày mọi nhân vật”.
Chỉ chừng vài ngày trước, Bạc cách chức Vương khỏi chức vụ giám đốc công an và bổ nhiệm ông làm phó thị trưởng về giáo dục, khoa học và văn hóa. Đây là một sự giáng chức đột ngột cho một sĩ quan cảnh sát chuyên ngành đã từng nỗ lực chống băng đảng tội phạm ở Trùng Khánh và đem lại cho ông và Bạc sự khen tặng trên toàn quốc năm 2009.
Sự bất đồng giữa hai người gia tăng dần, theo lời một cựu viên chức đã từng hay gặp Bạc và gia đình ông: “Mối liên hệ giữa Bạc và Vương thực sự bắt đầu suy thoái từ tháng 1, nhưng càng ngày càng trở nên trầm trọng”.
Vị cựu viên chức nói thêm, Bạc “đã bắt ép Vương rời khỏi chức vụ càng làm cho ông rơi sâu hơn trong thất vọng và hoảng hốt về tương lai. Ít nhất, điều này có vẻ độc tài và có chủ ý, làm mối quan hệ đã xấu càng xấu thêm”.
Hai cựu viên chức khác cho biết, những ngày trước việc giáng chức, Vương đã đối đầu với Bạc về cuộc điều tra liên quan đến gia đình của Bạc, bao gồm vợ ông là Cốc Khai Lai, và một ủy ban chuyên môn đã được thành lập để điều tra vụ này.
Vị cựu viên chức đầu tiên nói, “chính bởi nhóm đặc biệt này mà quan hệ cuối cùng đã bị gẫy đổ”.
Một viên chức thành phố cho biết, dư luận loan truyền giữa các viên chức Trùng Khánh về sự tranh cãi nẩy lửa giữa Bạc [Hy Lai] và Vương [Lập Quân], và ngay cả việc Bạc bạt tai người đồng hành lâu đời của mình.
Một chủ bút ở Bắc Kinh nghe được câu chuyện từ viên chức chính quyền trung ương nói: “Bạc cảm thấy Vương Lập Quân đang dùng vụ điều tra để bắt chẹt ông. Ông nổi giận và sau đó quyết định thay đổi chức vị của Vương để tự bảo vệ mình”.

Phá luật
Tự bảo vệ và tự phong chức đến với Bạc Hy Lai một cách dễ dàng.
Sự giáo dục như một “thái tử”, con của lãnh tụ cách mạng Bạc Nhất Ba, được xưng tụng là một trong “Bát Tiên”, đã cấy cho ông lòng tham vọng, tự tin và đôi khi sự thiếu kiên nhẫn bộc lộ với cấp dưới và ngay cả cấp trên, nhiều người giao tiếp với ông nói vậy.
Một cựu viên chức Trùng Khánh hiện đang là thương gia nói: “Thế hệ đỏ thứ hai cảm thấy rằng, họ hẳn nhiên xứng đáng ở trên đỉnh, và những nhà lãnh đạo hiện tại thì quá yếu đuối”.
Sau khi tới Trùng Khánh năm 2007, Bạc đã biến thành phố thành pháo đài của văn hóa cộng sản đỏ và sự phát triển bình đẳng, được sự chú ý toàn quốc về việc dẹp tan những tổ chức tội phạm bằng cách bỏ tù hoặc ngay cả tử hình những viên chức bị buộc tội bảo vệ những đầu sỏ tội ác.
Đây là một sự trở lại công khai của một chính trị gia chải chuốt mà sự bổ nhiệm về Trùng Khánh được xem là một cuộc đi đầy sau khi nắm giữ chức bộ trưởng thương mại từ năm 2003.
Cuộc vận động chống nạn tham nhũng đang lan rộng không thể đem một trong hai người tiền nhiệm ra ánh sáng là Uông Dương, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông và là ứng viên cho một vị trí hấp dẫn trong Ban Thường vụ Bộ Chính Trị; và Hạ Quốc Cường, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Cuộc cải cách kinh tế và xã hội quần chúng của Bạc và làm sạch tội phạm đã được nhiều người ủng hộ với hy vọng, ông có thể áp dụng chính sách này trên toàn quốc khi trở thành lãnh đạo trung ương của thế hệ kế tiếp của Đảng Cộng sản sẽ xuất hiện vào cuối năm 2012.
Tính tự cao không che đậy của ông và sự phục hồi tư tưởng Mao, vì thế, đã làm giới cấp tiến thiên thị trường khó chịu, cũng như việc ông lôi kéo giới trí thức cánh tả, là những người hoan hô “mô hình Trùng Khánh”.
Zhu Zhiyong, một cựu thương gia ở Trùng Khánh đã từng chỉ trích Bạc nói: “Bạc đã đánh một ván cờ lớn tại Trùng Khánh. Ông chơi một lá cờ có thể đặt ra hướng đi mới cho toàn quốc. Điều này đã phá vỡ luật chính trị”.

Nhắm vào Vương
Nhiều nguồn tin thân cận với giới chức lãnh đạo Trùng Khánh tiết lộ, cuộc tranh luận về Bạc có thể đoạt một ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cốt lõi quyền lực gồm chín thành viên, gia tăng hơn năm trước, và gây thêm căng thẳng, đã làm Bạc và Vương kình chống nhau.
Một cựu viên chức thường gặp Bạc và những lãnh đạo lão thành khác nói: “Một nhóm lãnh đạo trung ương đã quyết liệt chống lại sự gia nhập của Bạc, bởi vì ông bị xem là một người kẻ gây rối không tôn trọng luật lệ”.
Rất có khả năng là những nhân vật cao cấp không muốn Bạc vươn lên, nên họ nhắm vào Vương”.
Một cựu viên chức và nhiều nguồn tin khác nói, vị lãnh đạo trung ương giữ vai trò then chốt trong việc tiến hành việc kết tội Bạc và Vương là Hạ Quốc Cường.
Từ 1999 tới 2002, Hạ là Bí thư Đảng ủy ở Trùng Khánh, chứng kiến cảnh thuộc cấp của mình trong chính quyền bị gạt ra ngoài dưới sự vận động của Bạc. Khi giữ chức Trưởng ban Điều tra Kỷ luật Trung ương, ông hỗ trợ những cuộc điều tra tham nhũng có thể gây tổn hại cho Bạc. Năm trước, Hạ đã thấy đủ, và bắt đầu gây ra rạn nứt giữa Vương và Bạc.
Một viên chức Trùng Khánh cho biết, “Hạ Quốc Cường hỗ trợ cuộc điều tra về Vương Lập Quân để nhắm vào Bạc Hy Lạc”.
Theo nguồn tin này, bước đầu của ông tiến hành một cách hoàn hảo. Sự ngờ vực giữa hai liên minh vỡ ra “và sau đó Vương Lập Quân bắt đầu quay sang hăm dọa để bảo vệ lấy mình”, một viên chức Trùng Khánh nói.

Sự khen tặng từ Kissinger
Vào cuối tháng 1, Bạc vẫn còn chú tâm vào việc chiếm được một chỗ trong hàng lãnh đạo trung ương của Đảng Cộng sản. Chức vụ cao nhất, kế thừa Hồ Cẩm Đào, hầu như chắc chắn dành cho Phó Chủ tịch Tập Cận Bình. Bạc đã dẫn đầu nhóm những chủ tịch tỉnh với danh tiếng, tuổi tác và mối liên hệ có khả năng tranh những chức chung quanh Tập Cận Bình.
Ngày 9 tháng 1, Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính của Đảng, đã dành hàng tít đầu để nồng nàn khen ngợi những thành quả của Trùng Khánh.
Những nhà ngoại giao lão luyện, bao gồm cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Henry Kissinger, đã bay qua Trùng Khánh để gặp Bạc và cảm phục những tòa nhà thép và kiếng mọc lên dọc theo bờ dốc của sông Hoàng Hà.
Trùng Khánh tự nhận đã đạt được mức phát triển nhanh nhất Trung Quốc so với bất cứ vùng cấp tỉnh nào, 16,4%.
Thình lình, sự trốn chạy bất ngờ của Vương vào lãnh sự quán của địch thủ chính của Trung Quốc. Ông tiều tụy và run sợ và đã trải qua “cuộc điều trị kiểu nghỉ hè”, thành phố đã giải thích lúc khởi đầu.
Khi quốc hội nhóm họp, chính quyền trung ương cũng cố gắng che đậy sự kiện này, bằng cách khiển trách những cơ quan truyền thông dám thắc mắc về vấn đề này và khen ngợi những thành quả của Trùng Khánh.
Một viên chức trước kia của Trùng Khánh nói: “Đầu tiên, lãnh đạo trung ương muốn làm lắng dịu mọi chuyện trong lúc quốc hội nhóm họp, nhưng thất bại”.
Hiện thời, Vương bị giam giữ, nêu lên khả năng rằng những tin tức gây hại về Bạc có thể lộ ra. Có hai nguồn tin nói, trong nội bộ nhà nước đã loan tin rằng, Bạc và Vương bị tình nghi nghe lén địch thủ và ngay cả lãnh đạo trung ương.
Bạc đã nắm lấy cơ hội để tự giải thích vào buổi họp báo ngày 9 tháng 3 ở quốc hội, và ứng xử theo kiểu nghênh ngang cố hữu của ông.
Bạc phủ nhận những tường thuật “vô nghĩa”, loan tải trên mạng Trung Quốc và được sự ủng hộ của những trang nhà của các nhà ngoại giao, rằng con của ông, Bạc Qua Qua, phóng vòng quanh Bắc Kinh với chiếc xe Ferrari màu đỏ, và học bổng nhà nước trả tiền cho học vấn ở Oxford và Harvard.
Bạc nói với những kẻ phê phán ông: “Những người này là những nhóm tội phạm có quan hệ xã hội rộng lớn và khả năng định hướng dư luận. Thí dụ, có người đã đổ rác rưởi lên Trùng Khánh, lên tôi và gia đình tôi”.
Lãnh đạo trung ương thấy đã đủ. Họ bị chọc tức bởi hành động khinh bỉ như kẻ thù của Bạc, thay vì chứng tỏ sự hối lỗi. Họ đặc biệt khó chịu bởi câu nói của ông tin tưởng Hồ Cẩm Đào sẽ viếng thăm Trùng Khánh, ngầm ý chứng tỏ sự tin tưởng vào Chủ tịch Trung Quốc.

Trò chơi chấm dứt
Nhiều tiên đoán khác nhau về thời điểm lãnh đạo đảng sẽ quyết định cho Bạc ra đi, nhưng hầu hết nguồn tin cho rằng bức màn sẽ rơi trong vòng 72 tiếng sau cuộc họp báo hiếu chiến của ông.
Vào một buổi họp báo năm ngày sau cuộc họp báo của Bạc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo gợi ý Bạc có lỗi không những về sự trốn chạy của Vương mà còn khơi dậy sự luyến tiếc không đúng cách về thời đại Mao. Trung Quốc cần đổi mới chính trị, nếu không có thì “những thảm kịch lịch sử như Cách mạng Văn Hóa có thể lại xảy ra”, theo lời Ôn.
Một cựu viên chức Trùng Khánh cho biết: “Lời nói của Ôn biểu lộ sự rạn nứt. Điều này trở thành cuộc đấu tranh chấn chỉnh”.
Ngày hôm sau, chính quyền loan báo Bạc bị cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.
Những lãnh tụ Trung Quốc bây giờ dường như không biết làm sao giải quyết cuộc suy thoái của một chính trị gia được lòng dân.
Wang Wen, một ký giả Bắc Kinh đã từng gặp Bạc, nói: “Kết quả của Quốc Hội thứ 18 chưa được ổn định, và sự việc này gây thêm khó khăn, bởi vì Bạc Hy Lạc tiêu biểu cho nhiều tiếng nói tả khuynh ở Trung Quốc”.
Một tuần sau khi mất chức, Bạc trở nên vắng bóng, với sự phỏng đoán, ông vẫn còn ở Bắc Kinh và sẵn sàng trả lời câu hỏi. Sự ra đi đột ngột của ông đã nhen nhúm những tin đồn, bao gồm sẽ có cuộc đảo chánh trong tuần.
Cựu viên chức quen thuộc với Bạc nói: “Cuộc chơi chưa chấm dứt. Vẫn chưa thấy sự việc này chấm dứt hoàn toàn”.

Chú thích ảnh: Bạc Hy Lại, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, chụp hôm 14 tháng 3 năm 2012 trong dịp lễ bế mạc Đại Hội Quốc Hội Nhân Dân tại Đại Sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, là một vị lãnh đạo đảng có sức lôi cuốn nhưng gây nhiều tranh cãi, đã bị cách chức.  

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh
.
.
.

No comments: