Tú Anh - RFI
Thứ ba 27 Tháng Ba 2012
Trong một phiên xử không có luật sư biện hộ hôm qua 26/03/2012 tại Gia Lai, mục sư Nguyễn Công Chính, 43 tuổi, nguyên là bộ đội, bị quy tội « phá hoại đoàn kết dân tộc, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, gây bất ổn an ninh… ». Đây là bản án đầu tiên đối với một tín đồ tôn giáo từ khi Hà Nội bổ nhiệm tướng công an Phạm Dũng làm trưởng Ban tôn giáo chính phủ.
Theo AFP và AP, trích dẫn truyền thông Nhà nước Việt Nam, hôm qua, trong một phiên xử ngắn ngũi không có luật sư biện hộ, tòa án Gia Lai, vùng Tây nguyên đã kết án nặng nề mục sư Nguyễn Công Chính. Mục sư Nguyễn Công Chính, 43 tuổi, bị bắt từ ngày 28/04/2011, tức là cách nay gần một năm.
Bản cáo trạng quy cho ông một loạt tội danh : « cấu kết với các tổ chức phản động chống phá Nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân đối với nhà nước….qua vỏ bọc mục sư ». Tòa án khẳng định là mục sư Chính đã « bóp méo tình hình trong nước, nói xấu chính phủ, Nhà nước và quân đội », qua các cuộc phỏng vấn dành cho truyền thông quốc tế.
Giới bảo vệ nhân quyền quốc tế phủ nhận các lời cáo buộc này và chỉ trích chính quyền Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo.
Human Rights Watch, trong bản thông cáo phổ biến sau phiên tòa, xác định là mục sư Nguyễn Công Chính thuộc Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam, một giáo hội mà chính quyền không công nhận và thường xuyên sách nhiễu, đe dọa. Bản án này, theo Human Rights Watch, là một bằng chứng mới cho thấy chính quyền Việt Nam, tuy cam kết tôn trọng tự do tôn giáo, nhưng hành động ngược lại trên thực tế.
Tình trạng các giáo hội Tin lành tại Việt Nam cũng là hồ sơ đang được Hiệp Hội Quốc Tế Nhân Quyền cơ sở tại Đức theo dõi từ nhiều năm nay. Trả lời RFI từ Frankfurt, Tổng thư ký Vũ Quốc Dụng nhận định :
Nghe (03:52) : Ông Vũ Quốc Dụng
" Trước hết Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (ISHR) cực lực phản đối bản án đối với Ms Chính. Nó cho thấy chính quyền cộng sản tại Việt Nam hiện đang siết chặt trở lại việc quản lý các tôn giáo nhất, là Tin Lành. Tôi nghĩ việc làm này đang củng cố cho cuộc vận động đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (các quốc gia đáng quan tâm về mặt vi phạm quyền tự do tôn giáo) của Hoa Kỳ.
Bản án đối với Ms Chính vi phạm quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận của Ms Chính, là hai quyền được thừa nhận trong điều 18 và 19 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, công ước mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982. Vì thế chúng tôi xem việc bắt và giam ông là tùy tiện, độc đoán và trái với luật quốc tế. Tôi thấy cần phải nói thêm rằng phiên xử sơ thẩm Ms Chính ngày hôm qua thực chất là một phiên xử kín và vi phạm nặng nề các nguyên tắc về xét xử công bằng của LHQ.
Ms Chính đã không có luật sư biện hộ cũng như ông đã bị biệt giam, không cho tiếp xúc với gia đình và luật sư từ khi bị bắt từ tháng Tư 2011 đến nay. Nếu gia đình ông không có phương tiện để mướn luật sư thì ít nhất chính quyền cũng phải cử luật sư để bảo đảm quyền lợi cho ông, nhất là khi đã cáo buộc Ms Chính về tội xâm phạm an ninh quốc gia. Cả vợ ông cũng phải đấu tranh mãi thì mới được vào tòa án, nhưng bị kẹp giữa hai người công an trong phòng xử.
Nhiều người còn nhớ vụ công an đến ủi xập nhà ở của gia đình Ms Chính và cũng là nhà nguyện cho những người Thượng theo Tin Lành ở Kontum vào năm 2004. Trong một báo cáo hồi năm 2008, ông cho biết rằng trong 20 năm qua ông đã sống không có hộ khẩu và CMND, bị thẩm vấn 186 lần, bị hành hung 19 lần, bị bắt giữ 6 lần, bị trục xuất khỏi nhà 56 lần. Nhà ông đã bị phá nát 2 lần. Công an đã tịch thu của ông 2 xe gắn máy, 4 điện thoại di động và 259 cuốn Thánh kinh. Thời đó 3 đứa con của ông sinh ra mà không có hộ khẩu và giấy khai sinh (bây giờ là 4 đứa ở trong tình trạng này). Đó là thực trạng của một mục sư hoạt động trong các hội thánh Tin Lành tại gia ở Tây nguyên.
Ms Chính là một người luôn có ý muốn tập hợp các mục sư và hội thánh Tin Lành của người thiểu số ở Tây Nguyên, để họ bảo vệ cho nhau trước chính sách đàn áp của chính quyền. Ông phụ trách việc này khi ông làm việc trong giáo hội Tin Lành Mennonite, sau đó ông đứng ra thành lập Hiệp hội thông công tin lành các sắc tộc Việt Nam. Ms Chính thường viết các báo cáo tố cáo việc đàn áp và giam giữ các tìn hữu Tin Lành và gửi chúng đến các cơ quan truyền thông.
Chúng ta biết rằng đạo Tin lành đặc biệt bị hạn chế ở tại Tây Nguyên và khu vực Tây Bắc, vì chính quyền CSVN sợ ảnh hưởng của đạo Tin Lành đối với những người thiểu số. Ngay cả các giáo hội được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động chính thức như Tổng liên hội Hội thánh Tin Lành miền Nam và Tổng hội Hội thánh Tin Lành miền Bắc cũng chịu nhiều o ép và đàn áp tại các khu vực này, chứ không phải chỉ có các hội thánh tư gia mới bị.
Tuy nhiền điều khó hiểu là Ms Chính bị bắt vào lúc mà ông có ít hoạt động bề nổi nhất. Tất cả những cáo buộc đối với ông mà chúng tôi đọc được cũng chỉ liên quan đến những việc làm từ trên 2 năm trước của ông. Chúng tôi tự hỏi là nếu bị cho là phạm tội thì tại sao ông không bị bắt từ trước?
Cho nên Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (ISHR) cho rằng việc bắt và kết án ông đã bị thúc đẩy bởi các động cơ chính trị khó hiểu và đã không tuân theo nguyên tắc công bằng của Nhà nước pháp quyền. Do đó tổ chức chúng tôi xem Ms Chính là tù nhân tôn giáo và sẽ hết sức tranh đấu cho ông được trả tự do."
.
.
.
No comments:
Post a Comment