Wednesday, March 28, 2012

CỰU CHIẾN BINH MỸ GIÚP PHỤ NỮ QUẢNG NGÃI THOÁT NGHÈO (Minh Anh, VOA)



Minh Anh  (VOA)
Thứ Tư, 21 tháng 3 2012

Đã gần hai chục năm nay, một cựu chiến binh Mỹ vẫn tận tụy dồn nhiều tâm huyết của mình để giúp hàng ngàn phụ nữ nghèo tại tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam với chương trình tín dụng vi mô. Bằng những đồng vốn vay dù rất nhỏ của tổ chức do ông sáng lập ở Việt Nam, có những người phụ nữ đã trút bỏ được gánh nặng kinh tế và tìm được lại nụ cười sau những mất mát đau thương mà họ đã từng trải qua trong cuộc chiến tranh.

Trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau cuộc chiến tranh vào năm 1992 với 11 cựu chiến binh khác trong khuôn khổ Dự án Cựu chiến binh Mỹ Tái thiết Việt Nam (Veteran’s Vietnam Restoration Project), gọi tắt là VVRP, cảm giác ban đầu của ông Mike Boehm là e sợ rằng ông sẽ phải đối mặt với sự hận thù của người dân ở đó.

Ông nhớ lại: “Chúng tôi không biết chúng tôi sẽ được đón nhận ra sao, chúng tôi sẽ được đối xử như thế nào, bởi vì họ đều biết chúng tôi là những cựu chiến binh, nhưng chúng tôi đã được đối xử một cách tôn trọng hơn cả những gì chúng tôi trông đợi. Trong suốt 20 năm tôi làm việc ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ chứng kiến sự hận thù, tôi chưa bao giờ chứng kiến sự tức giận, mặc dù tôi biết điều đó có tồn tại.”

Trong thời gian làm việc với VVRP để xây dựng các phòng khám ở Việt Nam, ông đã được nghe kể những câu chuyện đau thương về cuộc chiến từ cả các cựu chiến binh Mỹ cũng như từ những người Việt Nam để khi quay về Hoa Kỳ có một điều gì đó luôn thôi thúc ông phải trở lại mảnh đất ấy. Và như định mệnh, ước muốn của ông đã thành hiện thực khi ông được biết Hội phụ nữ Quảng Ngãi đang cần một dự án tài chính vi mô để hỗ trợ phụ nữ nghèo.

Sau khi chấp nhận đề xuất của Hội phụ nữ Quảng Ngãi, ông Mike Boehm đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên Madison Quakers ở Việt Nam vào năm 1994. Dựa theo mô hình của Ngân hàng Grameen Bank, tổ chức của ông tài trợ những khoản vay cho phụ nữ nghèo, nhiều người trong số họ là góa phụ, để khởi sự những doanh nghiệp nhỏ. Bằng những khoản vay nhỏ, thường trong thời hạn từ hai đến ba năm với lãi suất rất thấp, những phụ nữ này có thể kinh doanh hay nuôi gia súc, gia cầm để kiếm thu nhập. Sau mỗi chu kỳ hai đến ba năm, số vốn vay đó lại được quay vòng cho một nhóm phụ nữ khác để có nhiều phụ nữ hơn được hưởng lợi từ dự án.

Trong số những người phụ nữ được vay vốn, có một người phụ nữ mà câu chuyện cảm động của bà làm ông nhớ mãi, và là một nguồn khích lệ vô cùng to lớn đối với ông Boehm. Đó là câu chuyện của bà Phạm Thị Hương, người đã sống tại ngôi làng từng xảy ra vụ thảm sát của binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Boehm nói kể:

“Lần đầu tiên khi chúng tôi gặp bà, bà ấy sống trong một ngôi nhà vách đất, bà đưa chúng tôi đến chuồng bò và chỉ cho chúng tôi xem con bò cái mà bà đã mua được nhờ vốn đi vay từ dự án và nói rằng con bò đã được thụ tinh nhân tạo và khi nó đẻ thì bà có thể bán những chú bê để trả nợ và sẽ tiếp tục chu trình nuôi bò như vậy.

Sau đó bà kể cho chúng tôi nghe về vụ thảm sát, và bỗng nhiên bà ấy ngừng lại và khóc. Bà kể (qua người thông dịch) bà đã sống sót sau vụ thảm sát vào năm 1969 nhưng hai người con của bà đã bị giết chết. Bà nói rằng bà không thể nào quên được mùi thi thể đã bị phân hủy của các con mình, và bà lại tiếp tục khóc và không nói thêm được lời nào.

Khi đó tôi nghĩ, bà ấy hẳn đã cảm thấy mình như đã chết khi mất con, nhưng tôi đã lầm, vì 2 năm sau khi chúng tôi quay lại, bà đã thay đổi thành một người mới, bà ấy cười nói rất vui vẻ. Sau khi hỏi thăm láng giềng về sự thay đổi đó, chúng tôi được biết khi bà bắt đầu kiếm được thu nhập từ việc bán những con bò, thì bà như trút được gánh nặng về sự nghèo đói bấy lâu nay vẫn đeo bám bà, đó là lúc bà ấy bắt đầu có thể bắt đầu hàn gắn phần nào vết đau của chiến tranh.”

Ngoài dự án tín dụng vi mô, tổ chức Madison Quakers, Inc. còn có các hoạt động thiện nguyện khác như xây nhà cho người nghèo, xây trường tiểu học cho trẻ em, đào giếng nước sạch cho người dân ở miền núi v..v.

Để thực hiện được những hoạt động này, gần hai mươi năm qua, ông Mike Boehm đã đi đi, về về giữa Mỹ và Việt Nam để vận động gây quĩ và thậm chí gần đây ông cũng đi thuyết trình cả ở Nhật Bản để vận động các nhà hảo tâm ở đó.

Nhận xét về vị cựu chiến binh Mỹ có tấm lòng nhân hậu này, ông Phan Văn Đỗ, đại diện của tổ chức Madison Quakers, Inc. ở Việt Nam nói:

“Anh Mike là một người rất đáng trân trọng ở chỗ là anh Mike đã hy sinh những điều thông thường trong cuộc sống như là gia đình, vợ con không có, rồi nhà cửa không có mà ở nhà trọ, ông đã hy sinh hết lợi ích cá nhân mà dành hết tâm huyết để đi vận động để giúp đỡ cho người nghèo của Việt Nam và nạn nhân của chiến tranh bất kể là ai. Tôi thấy ông có lòng chân thành và nhiệt tình muốn làm bạn và giúp đỡ nhân dân Việt Nam.”

Ông Đỗ cũng cho biết ban đầu các chị em phụ nữ tham gia dự án còn e ngại khi tiếp xúc với ông, nhưng sau một thời gian làm việc cùng ông họ đã trở nên cởi mở hơn và họ coi ông như một công dân Việt Nam. Bản thân ông Mike Boehm cũng đã học tiếng Việt để có thể giao tiếp với người Việt, nhưng ông khiêm tốn cho rằng tiếng Việt của ông không được tốt: “Tôi học tiếng Việt cách đây 7 năm, nhưng tôi học tai này ra tai kia.”

Với những hoạt động tích cực giúp đỡ phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi, vào năm 2002 ông Mike Boehm đã được Hội phụ nữ tỉnh trao thẻ hội viên danh dự đầu tiên dành cho một người đàn ông.

Một trong những khó khăn đối với các tổ chức thiện nguyện là việc gây quĩ để tiếp tục hoạt động, và tổ chức của ông Mike Boehm cũng không phải là ngoại lệ, tuy nhiên một thách thức nữa mà cả ông Đỗ và ông Boehm cho là khó khăn lớn của Madison Quakers là vấn đề thủ tục hành chính ở Việt Nam.

Ông Đỗ nói: “Người ta chú trọng rất nhiều về thủ tục giấy tờ, kể cả chữ nghĩa, rồi ngày tháng, rồi có đúng qui định của trung ương đưa ra hay không, nếu không đủ thì phải về làm lại cho đúng qui định, đúng thủ tục của trung ương đưa ra mặc dù người ta không chú trọng đến nội dung công việc. Ví dụ như có một tổ chức muốn mang tiền đến sẵn sàng giúp cho một địa phương nọ nếu họ sẵn sàng tiếp nhận khoản viện trợ này, nhưng phía Việt Nam lại yêu cầu tổ chức đó phải tiến hành thủ tục này, thủ tục nọ, phải thông qua từ trung ương cho đến địa phương, phải có giấy phép hoạt động v..v. Nói chung là rất rắc rối, cho nên nhiều tổ chức nước ngoài người ta cảm thấy nản, người ta quay đi và không trở lại giúp đỡ người dân Việt Nam.”

Gần hai mươi năm qua, vượt qua tất cả những khó khăn đó, tổ chức của ông Mike Boehm đã cung cấp các khoản vay nhỏ cho hơn 3.000 phụ nữ nghèo, xây dựng nhiều trường tiểu học ở Mỹ Lai và xây dựng hơn 100 ngôi nhà cho người nghèo, nạn nhân của hóa chất da cam hay cựu chiến binh Việt Nam. Ông Mike Boehm nói rằng nếu điều kiện tài chính cho phép, ông còn muốn mở rộng hơn nữa các dự án của tổ chức.

.
.
.

No comments: