Nhân đọc bài “Thua đau TQ về giáo dục chủ quyền biển đảo”:
Dương Danh Dy
gửi riêng NXD- blog
Thứ bảy, ngày 31 tháng ba năm 2012
Tôi không muốn “công khai” mấy mẩu chuyện dưới đây, bởi vì xét cho cùng nếu nói ra thì cũng là chuyện “con dại cái mang”, “xấu chàng hổ ai”…, thế nhưng sau khi đọc xong bài viết nói trên, đã thấy rằng không thể im lặng được nữa, và thấy cần phải nói ra:
- Từ ngày 12 đến ngày 20 tháng 2 năm 2012, đoàn cán bộ cấp cao do một UV BCT Đảng Cộng Sản Việt Nam dẫn đầu đã thăm chính thức Trung Quốc.
-Tối ngày 16 tháng 2 năm 2012, đại sứ mới của TQ tại Việt Nam đến chào một vị lãnh đạo Quốc hội Việt Nam và được vị này mời cơm thân mật.
- Đại sứ mới của TQ tại Việt Nam xin đến chào lãnh đạo một Viện Nghiên cứu của Việt Nam vào sáng ngày 17 tháng 2 năm 2012.
Tôi không rõ sau khi đọc 3 mẩu tin trên, có bao nhiêu người thấy được vấn đề, bao nhiêu người không thấy hoặc có thấy nhưng nhắm mắt làm ngơ, không dám nói ra hay không tiện nói ra…Để đỡ mất thời gian của bạn đọc, xin nói ngay rằng:
- Đoàn cán bộ do UVBCT ĐCSVN dẫn đầu đã thăm TQ đúng vào dịp họ chuẩn bị rồi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17/2/1979,
- Buổi mời cơm thân mật của vị lãnh đạo quôc hội Việt Nam với đại sứ TQ tại Việt Nam diễn ra đúng ngay vào đêm trước ngày họ xâm lược chúng ta,
- Ngày mà vị đại sứ TQ tại Việt Nam định đến chào một Viện nghiên cứu của Việt Nam đúng là ngày họ trở mặt đem mấy chục vạn quân đội bất ngờ tấn công 6 tỉnh biên giới nước ta (nhưng ý đồ này không thực hiện được vì ngưòi lãnh đạo Viện này biết rõ dụng ý nên đã khôn khéo từ chối, hẹn tiếp vào ngày khác)
Đánh giá 3 sự kiện trên như thế nào, nên để những người trong cuộc tự suy ngẫm và tự phán xét. Ở đây chỉ xin phép thưa rằng, nếu các nhà sử học, những ngưòi có trách nhiệm của chúng ta (cũng như nhiều ngưòi dân Việt Nam khác)… cứ im thin thít, cứ e sợ, cứ hèn nhát…đối với sự kiện ngày 17/2 này như vừa qua thì đâu chỉ có chuyện nữ sinh Việt Nam đuối lý trong tranh cãi với bạn TQ ở cùng nhà về chủ quyền của ta tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như bài báo đã đưa mà chắc rằng từ nay trở đi sẽ còn không ít những tai to mặt lớn của ta bị họ tiếp tục “giắt mũi” vào những chuyện “quốc sỉ” hơn nữa.
Có vài vị vốn được xếp vào hàng “chức sắc” của ta, nói sau lưng tôi-nhưng tôi được ngưòi có trách nhiệm nói lại: tại sao cái ông này cứ nói mãi cái chuyện “làm mất, gây tổn hại tới tình đoàn kết với người láng giềng hữu nghị lớn” của chúng ta như vậy nhỉ? Tôi đã không thèm trả lời họ. Nhưng nay nhân câu chuyện này, xin phép thưa với bạn đọc và trả lời lại: tôi vốn không phải là ngưòi “thù dai”, hay “không biết coi trọng nghĩa lớn” v. v.
Nhưng ở đây có một vấn đề nguyên tắc: một khi vấn đề quan hệ tới danh dự quốc gia, tới tôn nghiêm dân tộc chưa được làm rõ thì mọi ngưòi Việt Nam yêu nuớc đều không có quyền làm ngơ. Cuộc chiến tranh biên giới ngày 17 tháng 2 năm 1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra, đã và vẫn đang còn thuộc về vấn đề chưa được giải quyết rõ ràng.
Trong lịch sử, cha ông chúng ta đã giải quyết rất thoả đáng các vấn đề tương tự. Có thể nêu nhiều ví dụ chứng minh. Ở đây xin nêu một vài. Chỉ cần nói tới “Gò Đống Đa” là muôn triệu ngưòi Việt Nam và cả phía bên kia đều nhớ tới, hình dung ra ngay trận đánh tan hơn 20 vạn quân Tôn Sĩ Nghị đời Thanh của hoàng đế Quang Trung. Chỉ cần nói tới “ Sông Bạch Đằng” là ai cũng biết đó là nơi có những trận đánh chôn vùi bao nhiêu vạn quân xâm lược đời Ngô Quyền và nhất là đời Trần…Phải nói rằng khi gặp phải những “đại danh từ” đó( hay “Bình Ngô đại cáo”, “Hịch tướng sĩ”, hay câu thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”...), các con cháu nhiều đời của bọn xâm lược đã đỡ được một phần xấu hổ. Thế nhưng đó chỉ là bề ngoài. Tôi xin phép nêu một câu hỏi: đã có khi nào một đoàn đại biểu chính thức (to cũng như nhỏ) của nước họ tới thăm Gò Đống Đa, sông Bạch Đằng… hay chưa?
Một sự kiện lớn đầy đau thương, mất mát, căm hờn như ngày 17 tháng 2 mà “một số ngưòi lớn” còn không nhớ nổi thì việc em nữ sinh nói trên có đáng trách lắm không?
Có đáng trách, nhưng tôi nghĩ ngưòi đáng thi hành kỷ luật, đáng bị lên án nghiêm khắc không phải là em? Mà là ai, chắc bạn đọc tự thấy!
Ngày cuối tháng 3 năm 2012
.
.
.
No comments:
Post a Comment