Friday, March 30, 2012

THỂ CHẾ NÀO THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN (Trần Văn Tùng)



Trần Văn Tùng, Viện Nghiên cứu Châu Phi va Trung Đông
31-3-2012

Xét theo lôgic thông thường thì một thể chế tốt sẽ tạo ra nhiều thành tích, nhưng một thể chế không tốt cũng tạo ra thành tích (gọi là thành tích xã hội). Thực tế cũng cho thấy không ít nhà cầm quyền tìm cách tạo ra thành tích bằng mọi giá, bởi vì thành tích bảo trợ cho lực lượng kìm hãm cải cách thể chế. Nói khác đi là khi thể chế không có bước tiến mới thì thành tích sẽ che đậy sự bế tắc của thể chế. Chất lượng thể chế là một khái niệm được đo bởi bản chất của nền chính trị quốc gia, bao gồm các quyền tự do dân chủ, nó là nền tảng để cho xã hội chấp nhận hay không, nhà cầm quyền đương thời. Xã hội tiến bộ không thể lựa chọn các tập đoàn chính trị dựa vào thành tích chính trị mà phải dựa vào bản chất chính trị. Do đó, một thể chế tốt chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển, khuyến khích sự sáng suốt chính trị để tạo ra thành công trong quá trình lãnh đạo. Sự khác biệt giữa các nước có nền chính trị dân chủ và các nước không có nền chính trị dân chủ là ở khía cạnh sáng suốt về chính trị chứ không phải là thành tích nhất thời. Thiếu sự sáng suốt chính trị, nhà chính trị với tư cách là đề ra chiến lược phát triển sẽ đưa đất nước tới chỗ rủi ro không thể lường trước được.

1. Sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa thành tích

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao chủ nghĩa thành tích lại tồn tại dai dẳng đến vậy? Trước hết, là thành tích được ủng hộ bởi tâm lý khách quan, còn được gọi là động cơ thành tích. Tiếp theo, bởi nhà nước không có thành tích hiện tại để biện minh cho địa vị cầm quyền hợp pháp của mình, do đó phải dùng thành tích chính trị quá khứ. Vì lý do đó mà một số quốc gia không thể thoát khỏi vỏ bọc quá khứ của mình. Thực ra, thì thành tích chính trị của những người cầm quyền trong quá khứ không có quan hệ chặt chẽ với sự sáng suốt chính trị của những người cầm quyền hiện tại. Do đó, không thể lấy kinh nghiệm trong quá khứ để thay cho sự sáng suốt chính trị thời hiện tại và tương lai.

Những hậu quả của chủ nghĩa thành tích là không lường. Tại các nhà nước không có dân chủ, thành tích chính trị được hợp pháp hoá thay cho thể chế dẫn tới rủi ro được thể hiện bằng sự biến mất của yếu tố con người hoặc thoái hoá đời sống tinh thần. Đó là hậu quả thứ nhất của chủ nghĩa thành tích. Hậu quả thứ hai của chủ nghĩa thành tích là thúc ép phát triển bằng mọi giá. Có thể lấy Trung Quốc làm ví dụ, trước đây trong thời kỳ đại nhảy vọt đã làm cho nền kinh tế Trung Quốc kiệt quệ, hàng chục triệu người chết đói. Trong thời đại hiện nay, Trung Quốc là một quốc gia phát triển quá nóng, với tỷ lệ tăng trưởng cao. Nhiều nhà nghiên cứu cả phương Đông lẫn phương Tây đều cho rằng sự phát triển đó tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không hiệu quả và có cả các yếu tố phá hoại.

Phải khẳng định thể chế dân chủ là phương thức quản lý duy nhất có thể tạo ra tiến trình phát triển đúng đắn nhất. Một số người có thể đặt câu hỏi tại sao thể chế khác vẫn có khả năng tạo ra sự phát triển? Chắc rằng những người đó đã nhầm lẫn hai khái niệm tăng trưởng và phát triển. Tăng trưởng là khái niệm chỉ ra sự gia tăng vật chất, còn phát triển là sự hoàn thiện của cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhược điểm của các thể chế phi dân chủ là yếu tố con người không được tôn trọng, do đó nhiều nước đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao đang phải trả giá .Thể chế dân chủ, tự nó đã đủ chứng minh tính ưu việt của nó bằng sự phát triển của các nước phương Tây, đầu tiên là nước Anh và sau đó lan sang châu Âu, Bắc Mỹ, nơi đón nhận tư tưởng của Monstesquieu, Diderot và Voltaire về tự do, dân chủ. Sở dĩ nền dân chủ trở thành giá trị phổ quát của nhân loại bởi vì thứ nhất, nó là tiền đề xây dựng nên nhà nước pháp quyền, ở đó pháp luật được thượng tôn. Thứ hai, nó biến tiến trình phát triển thành đối tượng tiền định. Thứ ba, ở đó sự đấu tranh không dùng bạo lực mà bằng bầu cử phổ thông đầu phiếu và nếu có một chính thể sụp đổ, thì sự sụp đổ đó diễn ra trong bầu không khí hoà bình.

2. Nhà nước pháp quyền và thể chế dân chủ.

Có lẽ cần phải thống nhất cách hiểu thế nào là nhà nước pháp quyền. Một khái niệm về nhà nước pháp quyền được thừa nhận rộng rãi là mọi đối tượng đều được điều chỉnh bằng pháp luật. Tức là nhà nước được làm cái gì mà pháp luật cho phép, còn người dân được làm những cái gì mà pháp luật không cấm. Một xã hội được coi là lý tưởng khi
nó được điều hành bằng luật pháp. Thực tế cho thấy nhà nước dân chủ là nhà nước mà pháp luật được coi là kế ước xã hội, ở đó mọi người có quyền thảo luận một cách bình đẳng về các quy tắc điều phối cuộc sống và hành động của mình. Từ đó suy ra sự khác biệt của nhà nước dân chủ và phi dân chủ ở khía cạnh bảo vệ quyền lợi cho ai. Dễ dàng nhận thấy nhà nước dân chủ bảo vệ quyền của mọi con người, còn nhà nước phi dân chủ chỉ bảo vệ quyền của người đại diện. Khi nào quyền công dân được bảo đảm thì mới có xã hội dân sự và chỉ có quá trình dân chủ hoá mới tạo ra xã hội dân sự. Một xã hội mà con người có quyền sở hữu, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do, là xã hội dân chủ.

Thể chế dân chủ tạo môi trường thuận lợi cho việc thay đổi chính phủ một cách hoà bình. Ưu điểm nổi bật của thể chế dân chủ là nó khẳng định quyền lực của người dân. Nói khác đi, nó tạo cho người dân điều chỉnh xu hướng chính trị, chất lượng chính trị xã hội thông qua việc lựa chọn các đảng cầm quyền. Nếu người dân chọn sai lầm những người đại diện thì họ có thể tiến hành sự lựa chọn khác ở thời điểm khác. Điều đó có nghĩa là chính phủ thay đổi với cách thức hoà bình. Trong những trường hợp chính phủ rơi vào bế tắc, mất tín nhiệm, thể chế dân chủ tạo ra một quy trình thay thế và như vậy có thể ngăn chặn sai lầm. Một kịch bản thay thế chính phủ hòa bình chỉ có thể được thiết lập dựa trên tính đa dạng của đời sống phát triển.

Lịch sử phát triển của thế giới cho thấy nhiều quốc gia châu Á đều thừa nhận, tiếp thu văn hoá và tư tưởng dân chủ của phương Tây đã giúp cho kinh tế và nền chính trị của các quốc gia này phát triển nhanh chóng. Tiêu biểu nhất là tại các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và các khu vực khác như Hồng Kông, Đài Loan. Khi bàn về hệ tư tưởng, nhiều học giả vẫn còn phân biệt các trào lưu tư tưởng phương Đông, phương Tây. Theo tôi, trong thời đại toàn cầu hoá thì sự phân biệt thái quá là không còn chỗ đứng hợp lý và nếu tiếp tục duy trì những quan điểm đó thì các nước phương Đông khó có thể phát triển lành mạnh theo các giá trị của nền dân chủ. Do đó, Việt Nam nên thừa nhận các giá trị dân chủ phổ quát mà phương Tây đã phát triển, bởi vì nó tiêu biểu cho tự do, dân chủ và vì nó là giá trị của nhân loại tiến bộ. Phương Tây là những nước đi trước, dò tìm con đường phát triển họ đã phải trả giá đắt. Nếu không thừa nhận các giá trị dân chủ của phương Tây thì Việt Nam khó thoát khỏi sự lệ thuộc vào hệ tư tưởng của Trung Quốc. Cũng là cực đoan nếu như cho rằng thừa nhận giá trị phương Tây Việt Nam sẽ lệ thuộc vào phương Tây và trở thành một bản sao của phương Tây. Điều đó là không đúng, vì Nhật Bản, Hàn Quốc thừa nhận giá trị phương Tây nhưng họ vẫn là chính họ. Bởi vì còn có truyền thống văn hoá là chiếc van an toàn bảo đảm cho một xã hội không bị đồng hoá. Theo tôi đến một lúc nào đó, các giá trị dân chủ phương Đông, phương Tây sẽ hội tụ về cùng tiêu chuẩn. Kinh tế Việt Nam khởi sắc, tăng trưởng cao là do chuyển sang kinh tế thị trường chứ không phải do yếu tố định hướng XHCN quyết định.Nói khác đi là chấp nhận thể chế kinh tế thị trường của phương Tây.

3. Taị sao phải tiến hành cải cách thể chế một cách đồng bộ?

Từ xa xưa cho đến tạn ngày nay, nhiều quốc gia đã tiến hành bốn loại cải cách cơ bản, đó là cải cách kinh tế, cải cách chính trị, cải cách văn hoá và cải cách giáo dục. Các cuộc cải cách đều hướng đến tìm lời giải cho bài toán phát triển của xã hội với đối tượng chung là cuộc sống, nên chúng đều có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhiều nước đang phát triển đã tiến hành các cuộc cải cách nhưng kết quả không như mong muốn, nghĩa là không thoát khỏi tình trạng nghèo đói và lạc hậu.

Nhìn một cách khái quát, cải cách tại các nước thuộc thế giới thứ ba đều chịu sức ép bên ngoài, tức là sức ép của các cường quốc kinh tế, tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc. Chính vì vậy, các cuộc cải cách không có được sự đồng thuận xã hội, dẫn đến cuộc cải cách không triệt để và phải trả giá đắt. Thí dụ rõ ràng nhất là các cuộc cải cách của Indonexia, Thái Lan trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1997-1998. Cuộc khủng hoảng làm cho nền kinh tế của Indonexia sụp đổ, tiếp theo là các vụ bạo động làm cho chính phủ độc tài của tổng thống Suharto sụp đổ, một chính phủ đã tồn tại hơn 30 năm. Trong tình hình đó buộc nước này phải cải cách kinh tế theo các điều kiện áp đặt của IMF, nhưng không giúp cho kinh tế Indonexia và nền chính trị được cải thiện. Tâm lý chống phương Tây, chống toàn cầu hoá tăng lên tại nước này. Hậu quả là các lực lượng xã hội bị cưỡng bức tất yếu sẽ nảy sinh các phản ứng rất khác nhau đối với cuộc cải cách. Điều này đã từng xảy ra ở một số nước khác như Mehico, Argentina và Brazil, Hàn Quốc. Như vậy, bối cảnh của cải cách không thể hiện rõ về tầm quan trọng và tính tất yếu của cải cách theo xu hướng phát triển của thời đại.

Đối với các cuộc cải cách kinh tế, các nước này hầu như chỉ dừng lại ở cải cách các thủ tục hành chính, hoặc cải cách bộ phận nào đó của thể chế kinh tế bằng cách thay thế nó bằng một thể chế mới theo ý nghĩa chủ quan. Nhà nước chỉ cải cách bên trên, tức là xây dựng các thể chế kinh tế để đáp ứng các yêu cầu hội nhập, hoặc có lợi cho một số nhóm lợi ích nào đó. Cho nên, nó không phù hợp với nhận thức xã hội. Mặt khác, cải cách kinh tế không thể tách khỏi hoàn toàn với cải cách chính trị, nhưng trong thực tế các nhà cầm quyền luôn né tránh cải cách chính trị mà thường hô hào cải cách kinh tế với những khẩu hiệu mỹ dân mà thôi. Đấy chính là bản chất nửa vời của các cuộc cải cách kinh tế ở những nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam).

Nếu cho rằng, các nước thế giới thứ ba bao gồm cả Việt Nam không cải cách chính trị thì không công bằng. Cải cách chính trị được thực hiện dưới các hình thức cải cách hành chính, cải cách tư pháp đơn giản theo từng vụ việc, không có hệ thống và không có tầm nhìn dài hạn. Như thế, cải cách thể chế chính trị chỉ là cải cách cục bộ (một bộ phận) chưa bảo đảm tính trọn vẹn của cải cách chính trị hướng tới nên dân chủ thực sự (nền dân chủ phương Tây). Những cuộc cải cách do áp lực của IMF, Liên Hợp Quốc và một số cường quốc kinh tế chỉ tạo ra một số cơ chế hình thức, chứ không đụng chạm tới nhóm quyền lực điều hành thể chế đó. Tại một số nước, thường xuất hiện tình trạng thay đổi lực lượng điều hành thể chế là đảo chính, lật đổ chính quyền trong khi không hiểu rõ lực lượng đó là nhu nhược, kém cỏi hay là lực lượng tiên tiến, sáng suốt chính trị (thí dụ trường hợp Trung Đông và Bắc Phi). Cho nên, có thể thấy các cuộc cải cách tại các nước thế giới thứ ba là có tính nửa vời.

Tại sao lại phải tiến hành đồng bộ của các cuộc cải cách? Cải cách kinh tế trước hết giúp cho người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, cải thiện quyền dân chủ cho người dân. Theo Amatya Sen (2002), người nghèo đói không thể có bất cứ quyền gì. Cải cách kinh tế tạo quyền tự do kinh tế cho người dân, trên cơ sở đó người dân sẽ nhận thức được lợi ích của tự do chính trị, giá trị văn hoá và tinh thần. Nếu như cuộc cải cách kinh tế chỉ dừng lại ở cải cách thể chế kinh tế thì chưa đầy đủ. Bởi vì trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu thì năng lực cạnh tranh quốc gia, công ty là điều kiện tiên quyết cho sự thành công và thất bại. Như vậy, cải cách kinh tế sẽ bao gồm cải cách thể chế kinh tế và tạo lập môi trường tự do cho các lực lượng kinh tế kể cả tư nhân tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu. Muốn huy động các lực lượng tham gia cạnh tranh thì phải cải cách chính trị. Nhiều nhà lãnh đạo đã nhầm lẫn rằng có yếu tố chính trị trong cải cách kinh tế, nên họ thường né tránh cải cách chính trị. Do đó, nếu nỗ lực cải cách kinh tế, nhưng trì hoãn cải cách chính trị theo hướng dân chủ sẽ không thể tạo thêm sức mạnh cho cả hệ thống. Ngược lại, cải cách chính trị cũng hỗ trợ cho đời sống kinh tế, văn hoá tinh thần. Trong các yếu tố đó thì kinh tế là yếu tố chủ chốt, chính trị là yếu tố phục vụ, còn văn hoá là yếu tố xúc tác trong suốt quá trình phát triển. Yếu tố chính trị có thể đi sau yếu tố kinh tế nhưng lại phải bảo đảm tính định hướng cho sự phát triển kinh tế, văn hoá. Không cải cách chính trị thì mọi cuộc cải cách đều chỉ là giải pháp tình thế và xã hội không thể có con đường phát triển dài hạn, ổn định. Do đó, cải cách chính trị trở thành trọng tâm, bảo đảm cho cải cách kinh tế – xã hội tới thành công. Ngoài ra, cải cách chính trị nó còn góp phần nâng cao chất lượng của quá trình phát triển, nghĩa là tạo ra sự minh bạch,công khai, thừa nhận tính pháp lý, đa dang của đời sống chính trị.

Các nước đi sau không có năng lực đưa ra các tiêu chuẩn cải cách, nhưng cũng không nên áp dụng máy móc các tiêu chuẩn từ bên ngoài. Nếu như áp đặt các tiêu chuẩn bên ngoài để đánh giá thành công của một cuộc cải cách nào đó thì cuộc cải cách đó không phải là cải cách tự thân (dựa vào nội lực). Ngược lại, nếu một dân tộc đặt ra các tiêu chuẩn cải cách, đòi hỏi các tiêu chuẩn này phải được thể chế hoá thì dân tộc đó cùng với người lãnh đạo phải sáng suốt về chính trị. Phải thừa nhận rằng, để xây dựng được một thể chế kinh tế, chính trị hoàn chỉnh cần phải có kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế của quốc gia, nhưng có thể xây dựng theo cách tiếp cận từng bước vừa học hỏi vừa cải cách. Học hỏi các nước đi trước để xây dựng thể chế đối với các nước đi sau là điều cần làm, nhiều nước đã thành công, thí dụ Đông Á.

4. Sự đồng thuận xã hội

Cuối cùng để tạo ra sự đồng thuận xã hội, xác định tính đúng đắn của các tiêu chuẩn và nội dung cải cách thể chế, cần có các tổ chức cá nhân kiểm định. Ai là người kiểm định tính đúng dắn của một chương trình cải cách được một chính phủ đề ra? Một xã hội dân chủ thì tính đúng đắn của chương trình cải cách được kiểm định bởi lực lượng tiến bộ xã hội, tức là tầng lớp tri thức đích thực. Họ là những người luôn có các ý kiến độc lập, có khi là đối lập với ý kiến của nhà cầm quyền, hoặc luôn tìm thấy những khiếm khuyết trong chương trình cải cách của chính phủ. Do đó, cần mở rộng các hoạt động phản biện độc lập có thể thông qua các tổ chức, cá nhân. Một quốc gia chỉ dùng trí thức để minh hoạ chính sách của nhà nước hay chủ trương của đảng cầm quyền, ngăn chặn các ý kiến phản biện trái chiều mang tính xây dựng thì chính phủ đó chắc chắn không được người dân tín, đội ngũ tri thức chỉ làm đẹp chế độ mà thôi. Làm sao để có tầng lớp tri thức đích thực không phải có danh (bằng cấp, học hàm)? Theo tôi phải cải cách giáo dục theo lối khác, cách tốt nhất là cung cấp cho người học tri thức để cho họ nhận biết đúng sai, nhận biết được xu thế phát triển của thời đại, trên cơ sở đó có tư duy và tiếng nói độc lập phục vụ cho mục tiêu phát triển, chứ giáo dục không phải tạo ra các thế hệ nối tiếp nhau chấp nhận máy móc một ý thức hệ chính trị nào đó, để tiếp tục làm theo, nói theo.

5. Thiếu dân chủ là môi trường thuận lợi cho tham nhũng và lợi ích nhóm phat triển

Tham nhũng tại Việt Nam được xem là quốc nạn, tại sao hết cuộc vận động này đến cuộc vận động khác lại không thể dẹp bỏ được tình trạng này? Một nhà nước pháp quyền thì cần quản lý dựa vào hệ thống luật pháp (pháp trị) chứ không phải dựa vào cách quản lý theo kiểu nhân trị (phong kiến). Thiếu các thiết chế dân chủ, không công khai, không minh bạch, chế tài luật pháp không có hiệu lực, quyền của công dân không được coi trọng thì tham nhũng sẽ xảy ra tràn lan ở mọi cấp, lợi ích theo nhóm tiếp tục phát triển. Hình thức tham nhũng đã thay đổi, chuyển từ việc nhận hối lộ từ các công ty, cá nhân trong và ngoài nước sang cướp bóc tài sản của nhà nước, nhân dân. Tư bản của nông dân la ruộng đất. Dưới các chiêu bài xây dựng dự án chung cư, sân golf, trung tâm thương mại, họ lấy đất của nông dân đền bù với giá rẻ rồi bán đất, nhà với giá cao hưởng lợi trong khi nông dân lại mất đất và rơi vào cảnh khốn đốn. Họ là ai? Là những người có quyền lực chính trị ở các cấp cấu kết với các doanh nhân, những người có quyền lực kinh tế để chia xẻ lợi ích bất chính. Điều nguy hại nhất là họ đang bẻ lái các chính sách kinh tế có lợi cho họ. Một bộ phận quan chức năng lực yếu kém, đạo đức suy đồi, ít quan tâm tới ý thức hệ chính trị, họ được đảng cộng sản, chính phủ giao trọng trách rồi đứng trên pháp luật, hiến pháp chỉ tìm kiếm lợi ích cá nhân vẫn không bị loại bỏ thì làm sao lại không phát sinh các cuộc biểu tình, đơn thư khiếu kiện ở nhiều nơi. Do đó, cách giải thích của David Landes (1998), tại sao một số quốc gia lại giàu, một số quốc gia lại nghèo đến thế đã dựa vào hai tiêu chuẩn. Thứ nhất, là môi trường cho tư nhân phát triển kinh tế. Thứ hai, là cải cách thể chế và coi trọng chất lượng thể chế biểu hiện qua quyền tự do, dân chủ là có lý.

Chính sách tăng trưởng của Việt Nam đã nhiều năm chỉ chú trọng số lượng dựa vào vốn vật chất, nhân lực rẻ và khai thác tài nguyên( vốn đóng góp hơn 60%,lao động hơn 20%,năng suất chỉ khoảng 16%), chắc chắn tăng trưởng là không bền vững, sẽ làm nghèo đất nước, huỷ hoại môi trường và tạo ra sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng. Không có cơ quan thống kê nào đưa ra con số chính xác về mức chênh lệch về thu nhập. Nhưng có thể nhìn thấy đồng bào miền núi vẫn tiếp tục ăn mèn mén, uống nước lã, ngược lại con cái các quan chức giàu có vẫn vung tiền ăn chơi sa đoạ thâu đêm suốt sáng để thể hiện đẳng cấp vô nhân tính của mình. Chỉ có con đường tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, chính trị mới có thể huy động được mọi nguồn lực cải thiện chất lượng tăng trưởng và bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng trong tầm dài hạn.Trong xu thế hội nhập người lãnh đạo cần có chuyên môn,không được học hành tử tế lại có chúc vụ quá cao thường đưa ra các quyết định sai lầm có hại cho đất nước. Muốn vậy các vị lãnh đạo của Việt Nam cần có thái độ học hỏi nghiêm túc, từ bỏ lối tư duy theo nhiệm kỳ ,ngắn hạn, khoan dung và đối thoại với những ý kiến trái chiều có tính xây dựng, tiếp tục trào lưu đổi mới. Cần đối chứng và luôn so sánh các chính sách phát triển của Việt Nam với các nước đi trước những nước cùng điều kiện hoàn cảnh để tránh sai lầm. Không đẩy mạnh cải cách thể chế, Việt Nam khó thoát khỏi ngưỡng thu nhập trung bình thấp.

T. V. T.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hayek, F.A (editor) (1935). Collectivist Economic Planning – Critical Studies on the Possibilities of Socialism.London: G. Routledge,
2. Landes, David (1998). The Wealth and The Poor of Nations: Why Some Are So Rich and Some So Poor. New York: W. W. Norton & Company.
3. Sen, Amatya (2002). Phát triển là quyền tự do. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
4. Nguyễn Trọng Hậu, Trần Văn Tùng (2007). “Chất lượng thể chế và tăng trưởng”. Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 6.
5. Vũ Đức Thanh,Trần Văn Tùng (2011). Thể chế yếu tố quyết định tăng trưởng. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Nguyễn Trần Bạt (2007). Suy tưởng. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.


.
.
.

No comments: