Sunday, March 11, 2012

TÌNH CẢNH CỦA MỘT GIA ĐÌNH TẬN CÙNG NGHÈO KHỔ TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY (Vietnamnet)



Lê Diệu – Duy Quang  (Vietnamnet)
Cập nhật 10/03/2012 06:00:00 AM (GMT+7)

Vốn mang kiếp nghèo đói, giờ đây lại đến lượt bệnh tật hành hạ, dường như đã vắt kiệt hết sức lực của gia đình họ. Gia đình anh Phan Duy Chung (SN 1975, xóm Bùi Xá, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) nhiều năm nay đánh lộn với hai chữ "mưu sinh" ngày càng trở nên tơi tả.

Long đong một gánh cơ hàn

Với sự giới thiệu của độc giả chúng tôi tìm về gia đình anh để được nghe và chứng kiến. Ghé thăm nhà mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy trước mắt là căn lều ọp ẹp, xập xệ, không may tôi lại đi giày cao gót làm lở cái nền nhà vốn đã lở từng mảng loang lổ nay lại thêm nát ra.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cuộc sống vất vả quanh năm, nhà có 3 anh em, anh Chung là con cả nên phải đảm đương mọi công việc trong gia đình. Vì bố mẹ đau ốm thường xuyên nên anh không được ăn học đến nơi đến chốn, quanh quẩn mãi ở nhà không đủ miếng ăn anh quyết định vào miền nam bươn chải khắp nơi đi làm thuê để kiếm sống và giúp đỡ gia đình.

Chị Việt đang nấu ăn trong gian bếp đã ọp ẹp
Năm 1995, trở về quê, anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Việt (SN 1971), quê ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang cũng là một cô gái có gia cảnh nghèo khó chẳng khác gì mình. Ra ở riêng, 2 bên nội ngoại chẳng có gì cho, anh chị phải vất vả chắt góp từng đồng để mua lại căn nhà đã cũ nát của người trong xóm. Sau 3 năm, anh chị sinh được cháu gái đầu lòng tên là Phan Thị Linh, tiếp đó là một cháu trai kháu khỉnh tên là Phan Duy Nhật.

Năm 2000, thương các con, vợ chồng anh quyết định chuyển vào Đắc Lắc làm ăn. Vay vốn của người thân để mua rẫy trồng cà phê, anh chị dồn hết sức lực và học hỏi kinh nghiệm làm vườn của người dân nơi đây. Những ngày đầu với bao nhiêu hi vọng vào mùa thu hoạch, nào ngờ niềm vui chưa được trọn vẹn thì năm đó giá cà phê lại trượt giá liên tục nên gia đình anh làm ăn bị thua lỗ. Năm 2007, mất hết vốn, nợ nần chồng chất, không biết bấu víu vào đâu, vợ chồng anh đành phải bán hết nương rẫy trả nợ, tay trắng quay trở về quê.

Cái nghèo, cái đói cứ đeo bám lấy gia đình anh mãi. Do bị bệnh tật, ốm đau nên nhìn anh chị gầy gò, xanh xao như một tàu lá chuối. Giờ đây anh chị đã có 4 mặt con, tiền ăn, tiền học tất cả chỉ chờ vào mấy sào ruộng. Hai vợ chồng bươn chải suốt năm cũng không đủ tiền để mua thuốc chữa bệnh hàng ngày chứ chưa nói đến chuyện đóng tiền học cho con.

Anh Chung kể: "Thương cho hoàn cảnh của gia đình tôi nên mấy người bà con ở trong miền Nam nhận nuôi cháu Linh, cháu Nhật rồi cho ăn học, đổi lại các cháu phải giúp việc nhà và trông con, cháu cho họ. Khi nào con cháu họ không cần trông nữa chúng tôi lại phải chuyển cháu về ngoài này học, cứ thế hàng năm, lúc nào ai cần nhờ thì vợ chồng tôi lại xin chuyển trường cho con…".

Với cái tuổi 13, đáng lẽ cháu Linh phải được cắp sách đến trường với các bạn, nhưng vì không đủ điều kiện đến lớp 6, anh chị đành phải cho cháu nghỉ học giữa chừng phần là để ở nhà giúp bố mẹ việc đồng áng, phần là để nhường cho các em được ăn học. Hàng ngày, cháu phải đi giữ trâu thuê, làm giúp việc nhà cho ông bà trong xóm, hễ ai ở trong xóm nhờ việc gì là em đều đi làm hết.

Khó khăn chồng lên khó khăn

Năm 2011, người con trai duy nhất của anh chị, cháu Phan Duy Nhật (SN 1999), đi học về tự nhiên cháu kêu đau nhức cả 2 chân, sau 1 lần đưa em đi khám gia đình mới biết em bị bệnh viêm cơ nặng. Để có tiền đưa con đi khám và điều trị cho con, anh chị đã vay mượn và bán đi tất cả những gì có thể. Giờ trong ngôi nhà của vợ chồng anh chẳng có gì đáng giá ngoài mấy vật dụng thiết yếu. Không có tiền đưa con đi chữa trị, cứ những lúc trái gió trở trời cháu Nhật lại lên cơn đau nhức, nhìn xót thương trong lòng, mong sao có tiền để cứu chữa cho đứa con trai duy nhất.
14 năm nhưng ngôi nhà anh chung chẳng sửa thêm được gì mà ngày càng xập xệ đi

Cả gia đình đều trông cậy vào mấy sào ruộng khoán, không đủ ăn vợ chồng anh tranh thủ đi mượn đất làm thêm. Hễ rảnh rỗi và may mắn hôm nào khỏe là anh lại theo mấy người trong xóm đi phụ hồ. Do anh thường bị dị ứng với chất xi măng, bữa làm bữa nghỉ nên thu nhập chẳng đáng là bao, nợ hàng xóm mấy trăm ngàn nhưng chẳng biết lấy đâu ra để trả cho người ta chứ nói đến chuyện mua thuốc uống hàng ngày cho 2 vợ chồng thì khó quá.

"Tội lắm o ạ! Chúng tôi đau ốm răng cũng chịu đựng được nhưng nhìn thấy con đi chân cao chân thấp, chân phải ngày càng bị teo lại, vợ chồng tui không cam lòng. Bây giờ cháu đang học lớp 6 nhưng cũng không được học 2 buổi như các bạn, vì không có tiền nên tui viết đơn xin rút học thêm ở trường…", chị Việt tâm sự.

Lo 6 miệng ăn trong gia đình chưa đủ, anh còn phải chăm lo chạy chữa thuốc thang cho mẹ, mẹ anh bị bệnh tim gần giai đoạn cuối thêm vào đó bà còn bị bệnh não. Hàng tháng phải mất vài triệu tiền thuốc chữa trị. Bố mất sớm, những hôm mẹ lên cơn đau tim đột ngột anh lại một phen lao đao, nhờ cả hàng xóm nữa đưa bà đi bệnh viện cấp cứu.

Chị Việt chia sẻ những khó khăn với chúng tôi: "Mọi năm các cháu được miễn giảm 1 nửa tiền học phí, nhưng năm ni không có cháu nào được miễn giảm cả nên cơ cực lắm. Đến dừ mà vợ chồng tui chưa đóng đủ tiền học cho các cháu, mỗi lần cô giáo nhắc các cháu nộp là ư như các cháu về xoay lấy tui.

Thương nhất là đứa út đang học mẫu giáo nhỡ, tuần mô không có tiền cho con ăn bán trú, tui lại phải xin phép cho cháu nghỉ ở nhà. Mỗi tuần thấy cháu đi học được 1, 2 buổi cô giáo lại nhắc nhở nghỉ nhiều sẽ không được lên lớp, cũng lo lắm nhưng biết răng được o…".

Hiện nay, bệnh của cháu Nhật ngày càng nặng, nếu như không được phẫu thuật kịp thời cháu sẽ có khả năng bị teo 2 chân vĩnh viễn, gia đình cháu rất cần sự giúp của các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân.

Lê Diệu – Duy Quang

TIN BÀI KHÁC:

.
.
.

No comments: