Monday, March 12, 2012

PHỎNG VẤN VỀ CHIẾN DỊCH THỈNH NGUYỆN THƯ WE THE PEOPLE (Trà Mi, VOA)


Phỏng vấn về chiến dịch thỉnh nguyện thư We the People
Trà Mi-VOA | Washington DC
Thứ Hai, 12 tháng 3 2012

Một bức thỉnh nguyện thư đã khiến Tòa Bạch Ốc phải tổ chức buổi tiếp xúc với trên 100 người Việt hải ngoại bàn về tình hình nhân quyền Việt Nam. Một chiến dịch vận động đã tập trung cả ngàn người Việt từ khắp nơi đổ xô về trung tâm thủ đô Washington của Mỹ để kêu gọi giới hành pháp-lập pháp Hoa Kỳ thúc đẩy chính quyền Hà Nội cải thiện nhân quyền trong hai ngày 5 và 6 tháng 3.

Cuộc biểu dương trước Tòa Bạch Ốc ngày 5/3 ủng hộ chiến dịch Thỉnh nguyện thư We the People kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam

Cuộc vận động đang gây chú ý công luận và chính quyền Mỹ xuất phát từ thỉnh nguyện thư trên trang web We the People của Tòa Bạch Ốc với số chữ ký kỷ lục cao hơn 5 lần so với quy định để được Tòa Bạch Ốc phản hồi chính thức, do những người Việt trẻ tại Mỹ khởi xướng đứng đầu là nhạc sĩ Trúc Hồ, Giám đốc đài truyền hình SBTN của cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Diễn tiến và kết quả buổi tiếp xúc với giới chức Tòa Bạch Ốc bên trong tòa nhà hành pháp Eisenhower ngày 5/3 ra sao và kế hoạch sắp tới sau thỉnh nguyện thư này là gì? Tạp chí Thanh Niên có cuộc trao đổi với luật sư Đỗ Phủ, Phó giám đốc đài truyền hình SBTN, một trong những thành viên chủ chốt trong ban tổ chức chiến dịch thỉnh nguyện thư We the People.

Trà Mi: Với tư cách là người tham gia trực tiếp, anh có thể cho biết diễn tiến và kết quả buổi làm việc với giới chức hành pháp Hoa Kỳ hôm 5/3 thế nào?
Luật sư Đỗ Phủ: Đây là trường hợp ngoại lệ, chưa tới ngày hết hạn 8/3, nghĩa là trong lúc mọi người vẫn còn ký tên vào bức thỉnh nguyện thư, Tòa Bạch Ốc đã mời người Việt tới để có buổi đối thoại, trao đổi để tìm hiểu xem vì sao thỉnh nguyện thư này được đông người ký như vậy. Đó là lý do họ mời mình tới để thứ nhất là nghe phát biểu của những người trong chiến dịch thỉnh nguyện thư. Đây là chiến dịch của người Mỹ gốc Việt lần đầu tiên, không phải là tiếng nói của những người lãnh đạo đấu tranh, mà là tiếng nói của những người dân rất bình thường. Sau đó là phần trao đổi quan điểm của phía chính phủ Hoa Kỳ. Họ nói chính sách của Mỹ đối với Việt Nam lúc nào cũng có vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền. Kế tới là họ ghi nhận. Phần quan trọng nhất là phần vấn đáp. Bốn năm chục người lên tiếng hỏi và Tòa Bạch Ốc ghi nhận. Trong số các giới chức tiếp chúng tôi có Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách nhân quyền, Michael Posner.

Trà Mi: Anh cho biết trong buổi gặp có 2 phần, trình bày và trao đổi. Xin hỏi trong phần trình bày, phía phái đoàn Việt Nam có bao nhiêu người được tham luận chính thức và những điểm chính đã được nêu ra?
Luật sư Đỗ Phủ: Chúng tôi có 3 người trẻ trình bày chính về tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam, nêu lên các trường hợp như blogger Điếu Cày, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, linh mục Nguyễn Văn Lý, Thượng tọa Thích Quảng Độ và nhiều người khác nữa hiện đang bị đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Thứ hai, chúng tôi trình bày rằng sau khi Tổng thống Bush bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách CPC (những nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo) thì tình hình đàn áp tại Việt Nam càng dữ dội hơn. Ngọn đuốc của anh Việt Khang đã khiến người Việt khắp nơi đều nao nức mong đợi chính phủ đương nhiệm của Mỹ qua mậu dịch với Việt Nam chế tài cộng sản Việt Nam trong vấn đề vận động nhân quyền.

Trà Mi: Sang phần trao đổi, các vấn đề phía người Việt đưa ra, phía hành pháp Mỹ tiếp nhận thế nào, hồi đáp ra sao, thưa anh?
Luật sư Đỗ Phủ: Phải đợi 1, 2 tháng nữa Tòa Bạch Ốc mới có hồi đáp chính thức vì chưa hết hạn đóng sổ thỉnh nguyện thư. Trên website Tòa Bạch Ốc nói rõ là trong vòng 1, 2 tháng họ sẽ đưa kiến nghị của mình qua các cơ quan trong nội các của Tổng thống Obama để họ nghiên cứu xem đòi hỏi của mình thực thi được hay không và được tới mức nào.

Trà Mi: Một từ vắn tắt để mô tả về chiến dịch này, anh sẽ mô tả thế nào?
Luật sư Đỗ Phủ: Thành công. Nó nói lên thành công lớn của người Việt vì trước giờ chưa có cuộc vận động quy mô nào mà chưa hết hạn Tòa Bạch Ốc đã mời vào tiếp xúc để đối thoại và yêu cầu giải thích thêm lý do có thỉnh nguyện thư này. Chúng ta đã gây được sự chú ý của Tòa Bạch Ốc. Họ đã nghe được tiếng nói của chúng ta.

Trà Mi: Nói tới một thỉnh nguyện thư có ba yếu tố chính là đánh động, huy động, và hành động. Ngoài mức độ thành công về mặt đánh động như anh nói, về mặt huy động sự quan tâm của công luận ngoài người Việt cũng như mức độ thành công về mặt hành động từ phía chính phủ Hoa Kỳ và từ phía những người Việt quan tâm đến nhân quyền Việt Nam, tới mức nào?
Luật sư Đỗ Phủ: Chúng ta đang có 2 yếu tố đầu như cô nói vì quy tụ được ‘lửa’, công sức, và trái tim của nhiều người chứ không đơn thuần thuộc đoàn thể, tôn giáo, hay đảng phái nào.

Trà Mi: Còn mức độ thành công ở điểm hành động, anh nghĩ thế nào?
Luật sư Đỗ Phủ: Tôi nói chuyện với nhiều đồng bào từ khắp nơi về thủ đô DC dịp này và biết rằng đây có lẽ là lần tụ họp người Việt lớn nhất từ năm 1982 tới nay mà khí thế sôi động như vậy. Đây là chiến dịch thành công nhất trong việc quy tụ và đoàn kết người Việt ở khắp mọi nơi và tạo ra phong trào không chỉ ở Mỹ mà các nước khác cũng bắt đầu làm theo. Người Mỹ gốc Việt đã nêu gương cho người Trung Quốc. Dân Trung Quốc bị đàn áp rất nhiều ở bản xứ mà dân họ chưa đứng ra làm thỉnh nguyện thư như thế này dù họ đông hơn mình. Tôi nghĩ đây là bước tiên khởi. Người Mỹ gốc Việt hãnh diện đi tiên phong trong phong trào này.

Trà Mi: Nhưng anh có dự kiến là sau chiến dịch này hành động kế tiếp từ phía chính phủ Hoa Kỳ như thế nào và hành động kế tiếp của phía người Việt quan tâm đến nhân quyền Việt Nam như thế nào chăng?
Luật sư Đỗ Phủ: Hôm nói chuyện với giới hành pháp Mỹ họ khẳng định họ luôn quan tâm đến nhân quyền Việt Nam. Cái chúng tôi thấy thiếu trong chính sách Hoa Kỳ đối với Việt Nam giữa bối cảnh Mỹ muốn tách rời Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc cho nên vấn đề nhân quyền đối với Hoa Kỳ và Việt Nam là một chuyện rất nhạy cảm. Người Việt muốn Mỹ đẩy mạnh hơn về vấn đề nhân quyền, phải có những biện pháp chế tài trên nguyên tắc đối tác phải có những nhiệm vụ ràng buộc với nhau. Khi ngồi vào bàn đối tác, phải có những luật chơi chung. Nếu vi phạm luật chơi thì sẽ bị phạt.

Trà Mi: Chiến dịch này thành công vượt quá mong đợi về phương diện sự ủng hộ của người Việt cùng bắt tay lên tiếng cho nhân quyền Việt Nam. Về phương diện cách lĩnh hội và hồi đáp của chính phủ Mỹ đối với thỉnh nguyện này đã đáp ứng được sự mong đợi của người Việt hay chưa, có điểm nào hài lòng hay chưa thỏa đáng chăng?
Luật sư Đỗ Phủ: Chúng ta phải đợi 2 tháng nữa mới biết hồi đáp chính thức của chính phủ Mỹ thế nào. Trong bản đối tác xuyên Thái Bình Dương, Tổng thống Obama có kêu gọi Việt Nam giải thể những công ty quốc doanh trước khi được những đặc chế về thuế khóa nhưng trong đó không đặt những vấn đề về nhân quyền làm then chốt để thưởng hoặc phạt Việt Nam. Chúng tôi muốn chính quyền Mỹ cho biết hoặc ít nhất là có mở cuộc đối thoại với người Mỹ gốc Việt để chúng ta có thể đưa ra những kiến nghị trong đó. Hiện giờ chúng ta chưa được họ trả lời. Đợi 2 tháng nữa xem sau khi Tòa Bạch Ốc nghiên cứu họ có đặt những điều kiện vô đó hay không. Lúc đó mình mới nói được là chiến dịch này thành công hay chỉ gây tiếng vang thôi. Hiện giờ mình gây được tiếng vang và Tòa Bạch Ốc chú ý tới đó là thành công rất lớn.

Trà Mi: Nếu mong đợi anh vừa nói không được thành tựu như ý, đề nghị của người Việt không được đáp ứng hoàn toàn, ban tổ chức chiến dịch thỉnh nguyện thư này có kế hoạch sắp tới ra sao?
Luật sư Đỗ Phủ: Kế hoạch thật sự mình đã có rồi. Chúng tôi biết bên hành pháp Mỹ có những vấn đề ràng buộc về pháp lý và quân sự, nhất là trong mối quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc nên có thể bên hành pháp có đặt vấn đề nhân quyền nhưng không đặt những biện pháp chế tài. Cho nên, chúng tôi qua cả lập pháp. Đó là lý do vì sao hôm 6/3 đông đảo người Việt đã kéo qua bên lập pháp để vận động sao cho vấn đề nhân quyền Việt Nam này ràng buộc vào tất cả các đời Tổng thống kế nhiệm tới. Thành công bên lập pháp là thành công lâu dài hơn bên hành pháp vốn chỉ được 4 hay 8 năm (theo nhiệm kỳ Tổng thống). Nếu thành công bên lập pháp, đó sẽ có tính cách vĩnh viễn. Chúng tôi có hơn 6, 7 chục phái đoàn chia nhau ra vào các dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ để cổ động các dự luật nhân quyền Việt Nam như 484, hay 1410, trong đó có tiếp xúc với hai thượng nghị sĩ mà chúng ta gặp trở ngại nhiều nhất trong vấn đề nhân quyền Việt Nam là John McCain và John Kerry.

Trà Mi: Xin cảm ơn luật sư Đỗ Phủ đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Mời quý vị vào trang chính của đài VOA trong mục Video và kênh Youtube của đài ở địa chỉ http://www.youtube.com/user/VOATiengVietVideo
 để xem video cuộc phỏng vấn này.
Các bạn muốn góp ý hoặc cùng bình luận với các độc giả khác về những chủ đề trên Tạp chí Thanh Niên, xin truy cập vào trang voatiengviet.com Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần Chuyên mục đặc biệt trên trang chính. Để trực tiếp góp tiếng trong giờ phát thanh Tạp chí, xin quý vị gửi số phone về địa chỉ vietnamese@voanews.com, Trà Mi sẽ liên lạc mời quý vị tham gia. Trà Mi xin cảm ơn quý vị và các bạn và thân bạn nghe đài đón nghe Tạp chí Thanh Niên vào giờ này, tuần sau, trong buổi phát thanh lúc 10 giờ tối của Ban Việt ngữ đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA.


.
.
.

No comments: