Monday, March 12, 2012

CHIẾN DỊCH THỈNH NGUYỆN THƯ : MỘT CUỘC VẬN ĐỘNG CÓ TÍNH ĐỘT PHÁ (Hoài Hương, VOA)



Hoài Hương – VOA
Thứ Hai, 12 tháng 3 2012

Trong chiến dịch thỉnh nguyện thư do nhạc sĩ Trúc Hồ và đài SBTN khởi xướng để vận động nhân quyền cho Việt Nam và đòi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang và các tù nhân lương tâm khác, hôm thứ Ba 6 tháng Ba vừa rồi, hơn 500 người Mỹ gốc Việt từ hầu hết các tiểu bang đã tới Quốc Hội Hoa Kỳ để vận động các vị dân biểu đại diện cho họ ủng hộ thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ liên kết các nỗ lực phát triển giao thương với Việt Nam với những cải thiện về nhân quyền ở trong nước.

Hoài Hương xin dành Câu chuyện Việt Nam tuần này để tường trình ý kiến của một số quan sát viên và thỉnh nguyện viên tham gia chiến dịch vận động có một không hai này.

Quý vị đang nghe kinh cầu nguyện của một nhóm người Việt cho nhân quyền Việt Nam trước tiền đình Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 6 tháng Ba. Nhóm người là do Hòa Thượng Thích Giác Lượng và Thích Nguyên Trí thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hướng dẫn.

Hòa Thượng Thích Giác Lượng đề cập tới trách nhiệm của một vị lãnh đạo tôn giáo trong chiến dịch vận động chung của cộng đồng:

“Là một lãnh đạo tinh thần, Phật giáo, chúng tôi đã đi rất nhiều nơi để tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam thì không lẽ chúng tôi lại im hơi lặng tiếng vào thời điểm này, là lúc tạo nên sức mạnh cho cộng đồng Việt Nam.”

Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, Viện trưởng Chùa Bát Nhã, là Chủ tịch Phong trào Yểm trợ Tự do Tôn giáo và Nhân quyền ở Việt Nam:

“Chúng tôi là những người lãnh đạo tôn giáo, cũng góp một lời cầu nguyện hồn thiêng sông núi với ông bà tổ tiên, và nhất là những chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn vì hai chữ Tự Do. Mong rằng chúng ta nên cố gắng siết chặt tay để làm cái gì đó cho quê hương Việt Nam của chúng ta.”

Sau khi cầu nguyện, nhị vị Hòa Thượng đã từ giã để đến gặp ông Scott Flipse, Chủ tịch Ủy ban Tự Do Tôn giáo Quốc Tế, để nạp kiến nghị ủng hộ cho tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam.

Ông Lý văn Hợp thuộc nhóm 9 người đến từ bang Arizona, được xếp vào toán 5 người đã gặp Thượng nghị sĩ John McCain vào chiều hôm trước, thứ Hai 5 tháng Ba. Ông cho biết một số chi tiết về cuộc tiếp xúc này:

“Chúng tôi được ông John McCain tiếp rất nồng hậu. Ông nói chuyện trong một tiếng đồng hồ. Nói chuyện xong, chúng tôi trao một hồ sơ về mấy dự luật mà Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã đưa cho chúng tôi. Ông McCain hứa sẽ cứu xét các vấn đề đó. Trong khi nói chuyện, ông tỏ ra rất cởi mở, chân tình. Ông nói rằng ông rất hiểu cộng sản Việt Nam vì ông cũng từng là nạn nhân trong cuộc chiến tranh thì đã biết sự tàn ác của cộng sản rồi. Tuy nhiên bây giờ trên cương vị một Thượng nghị sĩ Mỹ, ông làm việc theo đường lối của Hoa Kỳ thì ông cho biết là bây giờ chính sách của chính phủ Hoa Kỳ là muốn làm sao giữ được để Việt Nam đừng ngả theo Trung Quốc.”

Cũng trước tòa nhà lập pháp Hoa Kỳ, chúng tôi gặp gia đình ông Phạm Hồng Thanh đến từ bang Georgia:

“Chúng tôi là ông bà Phạm Hồng Thanh và con cháu ở Atlanta, Georgia, tới đây. Ngày hôm qua, chúng tôi đã đến trước Tòa Bạch Ốc rồi, chúng tôi rất hoan nghênh cái chiến dịch vận động chữ ký, yểm trợ cho Việt Khang và tất cả những người tranh đấu ở trong nước Việt Nam đang còn bị cộng sản cầm tù.”

Bà Phạm Hồng Thanh: “Ngày hôm nay các con tôi cũng cổ động để đi tranh đấu để cứu những người đang còn bị bách hại.”

Thế chiến dịch thỉnh nguyện thư phá kỷ lục đó được đánh giá như thế nào?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Tổng thư ký SBTN, một người trong ban tổ chức cho biết:

“Mấy chục năm rồi chúng ta mới có cơ hội để tất cả đồng lòng cùng làm một chuyện, bất kể đảng phái, hội đoàn. Những người tới DC chúng ta thấy phần lớn là với tính cách cá nhân, và trong 50 người mà chúng tôi lựa chọn chính là những người đã ký vào thỉnh nguyện thư. Họ là những cá nhân, những người tiêu biểu cho gần 50 tiểu bang trên mọi miền, cùng nói lên tiếng nói chung. Đây mới chỉ là bước đầu thôi. Chúng ta còn phải làm việc nhiều lắm. Sẽ có những hoạt động phối hợp tất cả các anh em- có thể nói là người Việt trong nước Mỹ, các hội đoàn cũng như người Việt khắp 5 châu, kể cả những người trong nước, họ cũng rất là phấn khởi khi thấy sự tranh đấu của chúng ta ở ngoài này.”

Bên ngoài các tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, nhiều toán người Việt đến từ nhiều bang khác nhau đã lấy hẹn để tiếp xúc với các nghị sĩ hoặc dân biểu đại diện cho địa phương của họ, nhằm vận động các giới chức này ủng hộ một số dự luật về nhân quyền cho Việt Nam, kể cả “Dự luật Chế tài Vi Phạm Nhân quyền”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trang giải thích một số chi tiết của dự luật này:

“Dự luật chế tài về vi phạm nhân quyền do Thượng nghị sĩ John Cornyn từ Texas đệ nạp từ tháng Năm năm 2011. Dự luật này có hai điều khoản quan trọng. Thứ nhất là các biện pháp chế tài đối với các nhân vật chính quyền Việt Nam nào vi phạm nhân quyền và tội ác chống nhân loại. Thứ hai, biện pháp đó cấm không cho những người liên hệ và thân nhân của họ được vào nước Mỹ. Nếu những người đó có tài sản, hoặc trương mục ở ngân hàng tại Hoa Kỳ thì cũng sẽ bị khóa, không cho hoạt động. Biện pháp khác nữa đòi hỏi Hành Pháp phải đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, tức là danh sách các nước đáng quan tâm về tự do tôn giáo”.

Ông Đỗ Thông Minh, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam được nhiều người biết tiếng tại Nhật bản, miêu tả chiến dịch thỉnh nguyện thư do nhạc sĩ Trúc Hồ khởi xướng là một “biến cố lịch sử”. Ông cho rằng một yếu tố đưa đến thành công đáng kể là sự tham gia của giới trẻ.

“Chúng tôi thấy rằng giới trẻ đã tham gia rất nhiều và đó là một động cơ thúc đẩy chiến dịch thành công vượt dự tưởng. Chúng ta cũng biết chương trình thỉnh nguyện thư của Tòa Bạch Ốc đã có từ khoảng một năm nay, và hiện tại có tất cả 60 thỉnh nguyện thư, cái cao nhất chỉ được có 40 mấy ngàn chữ ký, mà chúng ta trong vòng 1 tháng, ngày hôm nay 6 tháng Ba, đã lên tới 135 ngàn chữ ký. Có lẽ tới hôm khóa sổ mồng 8, có thể sẽ có từ 140 đến 150 ngàn chữ ký. Chúng tôi nghĩ đó là một thành tích mà chúng ta có thể dùng cho những chiến dịch vận động kế tiếp.”

Giáo sư Nguyễn Thanh Trang cho rằng thành công này có tính đột phá bởi vì đây là lần đầu tiên cộng đồng Việt Nam tận dụng khai thác khả năng truyền thông.

“Chúng ta đã đạt được một số thành quả rất đáng khích lệ, rất đáng mừng. Trước hết, đây là lần đầu tiên mà cộng đồng người Việt đã biết khai thác, sử dụng khả năng truyền thông do sáng kiến của nhạc sĩ Trúc Hồ, với sự tiếp tay của rất nhiều người, đặc biệt là của Tiến sĩ Nguyễn đình Thắng, Giám đốc Ủy ban Cứu Người Vượt Biển- BPSOS. Và cộng đồng người Việt khắp nơi đã hưởng ứng, chứng tỏ cho thế giới thấy, nhất là Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ, thấy rằng người Việt hải ngoại, người Việt ở Hoa Kỳ, rất quan tâm về các hành động vi phạm nhân quyền càng ngày càng tồi tệ tại Việt Nam.”

Về ý kiến của một số người tỏ ý thất vọng về cách đáp ứng của các giới chức chính phủ Mỹ trước chiến dịch thỉnh nguyện thư của người Mỹ gốc Việt, học giả Đỗ Thông Minh nói:

“Chúng tôi nghĩ rằng là ở đây chúng ta đừng có đặt kỳ vọng quá cao bởi vì kỳ vọng quá cao thì có khi chúng ta thất vọng. Nhưng đây là một bước đầu, khai phá một con đường mới bởi vì trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay có nhiều cách, một trong những cách ấy là chúng ta mượn những phương tiện truyền thông tối tân mà nhà cầm quyền không thể ngăn cản được, cộng với chính nghĩa của chúng ta thì chúng tôi tin đó là cái sức mạnh, đồng hương từ từ làm quen rồi chúng ta sẽ có nhiều vận động kế tiếp nữa.”

Đó cũng là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Nghị hội Toàn quốc Người Việt tại Hoa Kỳ, trong câu chuyện với Hoài Hương sau đây:

“Vâng, chiến dịch thỉnh nguyện thư đã mang lại sự công nhận của Tòa Bạch Ốc là có sự hiện hữu rất là mạnh của cộng đồng Việt Nam, nhất là trong vấn đề nhân quyền với dân chủ hóa đất nước. Vì thế nên mới có cuộc gặp gỡ với Tòa Bạch Ốc hôm qua, còn hôm nay thì gần một nghìn người Việt Nam mà lên Quốc hội đi hầu hết các văn phòng của dân biểu và nghị sĩ thì tôi cho nó cũng là một hình ảnh vô cùng là đẹp mà có lẽ chưa bao giờ họ thấy có một nhóm dân tộc nào mà làm việc một cách đoàn kết, tay trong tay như thế. Thành tôi chắc chắn là sẽ có cái ảnh hưởng rất tốt, ít nhất đối với bên Lập pháp.”

VOA: Thưa Giáo sư, có lẽ nhiều người vì đặt kỳ vọng quá cao thành ra họ có vẻ thất vọng là không đạt được kết quả ngay, thì thưa, xin Giáo sư giải thích tiến trình chính trị nó đòi hỏi sự kiên nhẫn như thế nào?

GS Nguyễn Ngọc Bích:
“Vâng, thực sự thì chính Tòa Bạch Ốc họ cũng nói rồi, đây nó chỉ là cuộc gặp gỡ đầu tiên, không thể nào mình có thể giải quyết tất cả các vấn đề trong một buổi họp được, và họ chỉ mong nó là bước đầu tiên để dẫn đến những sự làm việc gần gũi hơn trong tương lai. Về mặt đó, nếu mình công nhận cái sự dánh giá của họ là như vậy đó, thì tôi cho nó là một sự thành công chứ, thế nhưng mà cũng có người thì muốn rằng là người ta phải có tất cả những giải pháp cho mình rồi, thì đương nhiên là họ chưa sẵn sàng.”

VOA: Thưa giáo sư, có rất nhiều thành phần tham gia chiến dịch này, nhất là giới trẻ. Gần như đây là lần đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy là có đông người trẻ thuộc thành phần có trình độ tham gia một chiến dịch như thế này thì xin GS cho một nhận định về yếu tố này?

GS Nguyễn Ngọc Bích: “Dạ vâng, tôi cho là cái đáng nói nhất chính là cái điểm đó, là tuổi trẻ Việt Nam bây giờ đã đứng lên nắm lấy trách nhiệm của mình, nói hộ cho cộng đồng Việt Nam, mà tôi cho rằng cộng đồng Việt Nam có quyền rất là hãnh diện vì tuổi trẻ đã làm được một cuộc vận động không tiền khoáng hậu như là cuộc vận động cho chiến dịch thỉnh nguyện thư.”

Chiến dịch này do nhạc sĩ Trúc Hồ và đài truyền hình SBTN khởi xướng với sự tiếp tay của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng của BPSOS đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo người Việt, không những chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn gây được tiếng vang tại nhiều nước khác như Pháp, Úc, Canada, Nhật bản, và ngay cả bên trong Việt Nam. Vì sao chiến dịch này lại tạo sự đồng cảm nơi nhiều thành phần trong cộng đồng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, ranh giới quốc gia?

Học giả Đỗ Thông Minh cho rằng dư luận trong nước và ngoài nước từ lâu đã phẫn uất về chiến dịch đàn áp tại Việt Nam, và trường hợp nhạc sĩ Việt Khang là “giọt nước làm tràn ly”:

“Hình ảnh của Việt Khang là một hiện tượng, là giọt nước làm tràn ly. Với cái tuổi 34 mà nói lên cái lòng yêu nước nhiệt thành mà cũng không ngại ngùng lên án chế độ. Khi nhà cầm quyền bắt Việt Khang thì hai bài hát “Anh là Ai”và “Quê hương tôi đâu”, đã làm nức lòng người ở trong nước, nhất là những người trẻ, những người đồng cảm, những người cùng tuổi tác với anh Việt Khang, là những người không có quan hệ tới chiến tranh trong quá khứ, mà chỉ vì nói lên tấm lòng yêu nước.”

Nguyên do nào khiến một số người Việt bỏ công ăn việc làm, tự bỏ tiền ra mua vé máy bay đến Washington để góp mặt trong chiến dịch thỉnh nguyện thư? Ông Nguyễn Văn Vễ, bang Lousiana cho biết:

“Chúng tôi đứng ra tranh đấu không có nghĩa là biểu ai oánh ai hết trọi, nhưng mà là tranh đấu cho nhân quyền, nhân quyền cho người dân được ăn được nói, được hội được họp, chứ không bị bịt miệng”

Ông Lý văn Hợp:
“Chúng tôi ở hải ngoại lúc nào cũng nghĩ tới anh chị em ở trong nước. Anh chị em cứ vững tâm. Chúng tôi ở đây nghĩ tới đồng bào trong nước mình, tới ngày nào đồng bào trong nước có tự do nhân quyền. Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu, đời mình chưa được thì tới đời con đời cháu mình, Việt Nam mình sẽ có tự do, có nhân quyền.”

Số chữ ký trên thỉnh nguyện thư vận động cho nhân quyền Việt Nam, tính cho tới ngày 8 tháng Ba, ngày chiến dịch kết thúc, là 148.933 chữ ký.

‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, mời quý vị đón nghe chương trình này, được phát thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy tuần sau. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, xem phóng sự video, và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý thính giả và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.


.
.
.

No comments: