Huỳnh Ngọc Chênh
Thứ năm, ngày 15 tháng ba năm 2012
Hơn ai hết, ông Ôn Gia Bảo, sau một thời gian khá dài nắm quyền điều hành đất nước, hiểu ra rằng chiếc áo chính trị cổ lỗ không còn phù hợp với phát triển kinh tế xã hội hiện nay của Trung Cộng. Ông nói: « Chúng ta cần phải thúc đẩy đồng thời cải cách cơ cấu kinh tế với chính trị, đặc biệt là cải cách hệ thống lãnh đạo Đảng và đất nước chúng ta ». Ông nói thêm: « Nếu cải cách chính trị không có kết quả thì cải cách kinh tế cũng sẽ không thể tiến hành tốt được » Rồi ông khẳng định đó là « nhiệm vụ cấp bách ».
Và đặc biệt, ông cảnh báo nếu không nhanh chóng cải cách thì « Một thảm họa lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể tái diễn »
Về tiến trình dân chủ hóa, ông nói: « Nếu nhân dân có khả năng quản lý một làng, thì họ cũng có thể quản lý công việc của một xã, một huyện. Vì thế chúng ta cần khích lệ nhân dân can đảm theo đuổi hướng đi đó ». Phát biểu này khiến người ta liên tưởng đến cuộc bầu cử dân chủ mới đây của dân làng Ô Khảm, sau khi họ nổi dậy chống lại hệ thống lãnh đạo tham nhũng.
Ông Ôn Gia Bảo, khi đề cập đến các cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả Rập, đã khẳng định đó là khát vọng dân chủ của người dân. Làn sóng Mùa xuân Ả Rập không hề bị thao túng bởi một thế lực nào và khát vọng đó phải được tôn trọng. Dù rằng làn sóng dân chủ hóa ấy đã gây ra không ít tổn thất kinh tế cho Trung Quốc vừa rồi.
Trong khi đó mới đây, ông Nguyễn Phú Trọng của VN còn cho rằng các cuộc cách mạng nhung, cách mạng màu, cách mạng đường phố đó là có bóng dáng của các thế lực thù địch, phản động.
Thật ra ý đồ muốn cải cách hệ thống chính trị cộng sản để tiến đến dân chủ hóa của ông Ôn không có gì mới và không đi trước Việt Nam. Cái khác là ông Ôn được nói nhiều lần, ở nhiều nơi và trên các diễn đàn công khai, kể cả trong cuộc họp báo rộng rãi mới đây ngay sau khi bế mạc cuộc họp Quốc Hội.
Trong khi đó, từ lâu, một số cán bộ cấp cao của Đảng CSVN cũng đã có những đề nghị cải cách chế độ chính trị, đó là các ông Nguyễn Hộ, Trần Độ, Trần Xuân Bách…và hầu như các ông ấy không những bị loại ra khỏi hệ thống mà còn bị quản thúc, cô lập nữa.
Gần đây nhất, ngay khi còn đang làm Thủ Tướng, ông Võ Văn Kiệt đã viết hẳn một đề án gởi cho TƯ Đảng nói về cải cách hệ thống chính trị. Đề án cải cách ấy chưa bao giờ được đưa ra công khai, những phát biểu của ông Kiệt về đề án ấy cũng không bao giờ được cho đăng lên báo chí. Bản sao của đề án ấy còn bị xem như là tài liệu phi pháp, từng là cái cớ để đưa người cất giữ nó là Tiến sĩ Hà Sỹ Phu vào ngồi tù!
Hồi trước, khi đổi mới đường lối kinh tế, đảng CSVN cũng rất e dè chậm chạp, để cho Trung Cộng đi trước hơn 10 năm rồi mới rụt rè bắt chước theo sau. Hậu quả là hiện nay, nền kinh tế VN phải chịu tụt hậu gần cả thế kỷ so với Trung Cộng.
Và bây giờ là yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị để tiến lên. Đảng CSVN dường như chưa có ý định gì, không biết vì lý do gì, chưa muốn thay đổi, dù cho hệ thống kinh tế đang tới hạn đối mặt với quá nhiều thách thức do phải bó hẹp trong hệ thống chính trị đã quá lỗi thời.
Dũng cảm lên các đồng chí Cộng Sản chân chính ơi! Chí ít thì cũng như ông Ôn Gia Bảo, dám nói lên công khai những điều mình suy nghĩ.
Bài liên quan :
.
.
.
No comments:
Post a Comment