Friday, March 16, 2012

CUỘC SỐNG KHÓ KHĂN THẾ NÀY, LÀM THẾ NÀO MÀ CHÚNG TÔI SỐNG NỖI ! (Nguyệt Cầm, Danlambao)



17-03-2012

Cứ thế này thì chúng tôi biết phải tìm đường sống ra sao đây? Các con tôi sẽ sống như thế nào trong cái xã hội của đồng tiền mất giá này? Cho dù con tôi bị coi rẻ vì mẹ nó chỉ là một bà bán đậu, bố nó chỉ là ông lái xe ôm, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm nhưng cho dù có thế nào thì tôi vẫn cảm thấy, chúng tôi sống nghèo đói, lương thiện còn đáng tự hào, tôn trọng hơn những kẻ đang sống trên đồng tiền của chúng tôi mà tham nhũng, mà vơ vét của dân nghèo. Tôi nói với các con tôi chúng không bao giờ phải xấu hổ vì bố mẹ chúng nó nghèo, vì nghèo khó không phải là điều đáng xấu hổ, nhưng xấu hổ vì nó thì đáng đấy. Chỉ có những kẻ giàu sang không bằng chính sức lao động của mình mới là những kẻ đáng coi thường...

*

Đã mấy năm nay, gia đình tôi không có nổi thịt cá đầy đặn để mà ăn rồi.

Tôi rớt nước mắt khi các con tôi hỏi mẹ nó:

“Mẹ ơi, sao các bạn có sữa uống, có bim bim ăn còn bọn con chỉ được uống nước đậu?”;

“Nhà bạn Lan bự lắm mẹ ạ, to gấp mười lần nhà mình luôn, bố bạn ý làm công an đấy, oai lắm, bạn ý khoe, bố bạn ý còn có súng nữa mẹ ạ”;

“Còn nhà bạn Hà còn có cả cái vườn to đùng, mẹ bạn ấy là giám đốc cơ”;

“Con nghe các bạn ấy kể thôi, các bạn không cho con về nhà chơi, các bạn ấy bảo mày là con bà bán đậu phụ, nghèo lắm, bố mẹ tao dặn không được chơi với bọn mày”.


Bữa cơm nào của chúng tôi cũng chỉ là rau muống với đậu, bữa thì đậu rán, bữa thì đậu luộc, bữa lại đậu kho.

Chúng tôi lao đầu vào kiếm tiền nhưng dường như cuộc sống vẫn chẳng thể nào khá lên nổi.

Tôi ngày xưa cũng được bố mẹ cho ăn học đầy đủ, nào có kém ai, nhưng cuộc sống không được như ý muốn. Học hết lớp 12 thì bố tôi mất, bỏ lại 3 mẹ con tôi bơ vơ. Tôi đành phải nghỉ học, phụ mẹ bán đậu ngoài chợ, rồi từ đó, cái nghề bán đậu nó đã theo tôi đến tận bây giờ.

Tôi lấy anh lúc 22 tuổi, anh cũng chẳng giàu có gì. Số phận cũng nghiệt ngã, gia đình anh vốn là gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, vậy mà bị người ta cướp hết ruộng đất, nhà cửa, rồi ném 2 mẹ con anh ra ngoài đường. May là còn giữ được một cái mảnh đất vỏn vẹn 14m2 vốn là cái chuồng lợn cũ của ông ngoại anh để lại, nên giờ mới có chỗ ăn ở.

Hai vợ chồng cố gắng làm ăn, tôi bán đậu còn anh làm xe ôm, những tưởng chỉ cần cố gắng là cuộc sống sẽ tốt hơn. Nhưng càng ngày tôi càng thấy cuộc sống này khốn khó quá.

Hai vợ chồng lấy nhau được một năm thì tôi sinh cháu đầu lòng, làm được bao nhiêu thì trang trải cho cuộc sống hết, không để ra nổi đồng nào. Hai năm sau thì chúng tôi sinh đứa thứ hai. Tôi cũng đâu có muốn đẻ nhiều làm gì, đẻ ra rồi có nuôi nổi đâu mà đẻ cho tội với các con. Nhưng chồng tôi nói “thôi, cố mà đẻ cho chúng nó có anh có em, một đứa rồi sau có gì thì xót xa lắm. Hai vợ chồng có nhịn đói thì cũng cố, cho các con được lớn thành người rồi sau nó trả nghĩa mẹ cha”.


Đẻ con ra tiền cho một cái tã cũng phải tính toán cho kĩ, chúng nó tè nhiều tốn tã thì xót của. Mà quấn xô thì tội lắm. Chúng tôi làm sao mà đủ tiền mua sữa ngoài cho chúng ăn, chỉ có dòng sữa mẹ nuôi con từng ngày. Có những đêm không đủ sữa cho con, tiếng khóc chúng khiến tôi xé từng khúc ruột. Tôi nhớ, lúc tôi sinh đứa thứ hai, chồng tôi mang về một hộp sữa, mặt hớn hở lắm, hạnh phúc vô cùng “Mình ơi, hôm nay anh gặp được một ông khách sộp, ông ý nghe hoàn cảnh, nên cho anh thêm tiền, anh thêm vào một ít, mua hộp sữa cho hai mẹ con bồi dưỡng”.

Dường như bao lo toan, vất vả đều qua nhanh khi chứng kiến những đứa con mình lớn thêm từng ngày.

Một đợt dạo, làm ăn được, chúng tôi sắm được nhiều thứ lắm, chồng tôi đổi được cái xe waze mới, waze Hàn hẳn hoi, cái Waze Tàu cũ quá rồi không đi được nữa. Chồng tôi còn động viên, dồn tiền cho tôi mua cái máy tính cũ ở tiệm internet gần nhà thanh lý, cái giá 3 triệu khiến tôi tiếc của bao nhiêu ngày trời. Anh ấy biết tôi là con người ham học hỏi, ngày còn đi học, tôi cũng ước ao trở thành bác sĩ, giáo viên, làm ông này bà nọ nên đã để ra mà mua cho vợ. Mới đầu tôi cứ đòi bán đi, có máy mà không nối mạng thì có để làm gì đâu, nhưng sau cũng đành phải nghe vì chồng mình kiên quyết quá. Chiều vợ, anh đã sang xin với bà chủ tiệm bên cạnh cho nối mạng nhờ. Rồi cũng từ đó, lúc nào rảnh rảnh là tôi lại lên mạng đọc thông tin với mong muốn đọc được những tin tốt lành cho người lao động nghèo khó.

Những tưởng cuộc sống khấm khá dần lên, có thể mở mày mở mặt ra. Các con được ăn uống ngon hơn, không phải khoai, phải đậu, lạc rang nữa mà là thịt, là cá, là cua. Thế nhưng rồi, mấy năm trở lại đây, cuộc sống lại càng lao đao, khốn nhọc hơn.

Các con cũng đến tuổi đi học, đứa lớn vào lớp 2, đứa nhỏ đi nhà trẻ. Quần áo chúng nó mặc thì không lo, vì tôi đi xin lại đồ cũ của mấy đứa trẻ hàng xóm cũng được, nhưng tiền học thì thật là một con số đáng sợ với vợ chồng tôi. Tiền học của trẻ con giờ sao mà nhiều thế. Học ở nhà trường đã nặng rồi, mới có lớp 2 mà còn phải lo cho cháu đi học thêm nhà cô. Không cho đi học thì bị điểm kém “Bạn nào đi học ở nhà cô thì được điểm cao, con không đi học nên cô bảo cho con 2 điểm mẹ ạ, không phải con không viết được, con viết được hết mà, mẹ cho con đi học nhà cô đi”. Có chạy vạy thì cũng thôi đành phải cố chứ biết sao bây giờ.

Lý lẽ của người nghèo thường không được nghe thấy. Dù cố gắng chắt chiu bao nhiêu thì cũng không đủ trang trải nổi cuộc sống ngày một leo thang, giá cả lạm phát. Một mớ rau mà cũng cả mấy ngàn, chứ nói gì đến cá với thịt. Đến vợ của ông Bộ trưởng còn kêu chứ huống hồ gì dân nghèo lam lũ như chúng tôi. Bữa nào hai cháu thèm lắm, thèm lắm thì tôi mới dám bỏ tiền ra để mua một ít thịt nạc về làm ruốc cho chúng nó ăn. Rang lên thì sợ thịt ngót, không được nhiều, luộc thì sợ chúng nó ăn nhoằng một cái là hết sạch trơn, bữa sau không có để ăn.

Kiếm tiền đã khó, nay giữ tiền còn khó hơn.

Gía nước tăng, giá điện tăng, xăng tăng giá, giá gas cũng tăng, gánh nặng dường như đổ dồn hết lên vai người dân nghèo chúng tôi. Một m2 nước mà đến mấy chục ngàn bạc, làm chúng tôi tắm rửa thôi cũng phải cân đo đong đếm từng giọt nước quý. Mùa đông thì còn đỡ, chứ mùa hè mà không đủ nước tắm thì làm sao chịu nổi. Nhưng mà giờ tiền nước tăng là tăng chung, chúng tôi có kêu thì kêu ai? Có trách thì trách mình nghèo.

Cái bếp gas cũ đứa em nó cho mấy tháng nay cũng đành phải vứt trong xó nhà. Lúc có chút thì nghĩ dùng bếp gas cho các con đỡ độc hại khói bếp than nhưng giờ tiền gas như thế thì có cho bếp mới tôi cũng chẳng dám dùng. Cứ mấy ngày 1 bận, xếp than vào mà dùng.

Có phải đóng nhiều tiền điện trong khi mức sử dụng còn ít hơn xưa thì cũng phải chấp nhận, để hai đứa con có đủ ánh sáng nhìn đời, để cháu có ngọn đèn mà học hành soi chữ. Giờ không đóng tiền điện kịp thì họ cắt điện ngay. Các cháu lấy ánh sáng đâu mà học hành, mà sinh hoạt. Gía đắt cũng phải chịu, biết làm sao được, tội là tội thấp cổ bé họng.

Cái giá xăng tăng càng khiến gia đình tôi nao núng, đã vất vả còn lo nghĩ nhiều hơn. Thời đại bây giờ đâu còn giống xã hội xưa, ai cũng đều có xe đi, phương tiện đủ loại. Cái nghề xe ôm đã không còn kiếm được như trước. Vậy mà xăng còn tăng giá, đổ một lít xăng mà đi chở khách thì nhanh lắm, hết ngay thôi. Lấy khách đắt thì không ai đi, lấy giá rẻ thì coi như chở khách không công. Chưa kể mỗi khi xe hỏng hóc, lại phải bỏ tiền ra sửa chữa bơm vá lại cho lành lặn rồi mới dám sử dụng. Chứ bây giờ ra đường hơn ra chiến trường, tai nạn cứ gọi là nham nhảm, rồi nhiều xe cứ thi nhau bốc cháy giữa đường, mình không tự bảo vệ mình cho tốt thì nguy hiểm lắm. Có đôi lúc chồng tôi chán nản "Hay anh bỏ nghề, ở nhà còn hơn, chứ xăng đắt thế này, lại chả có khách đi, đi làm không công, còn bán mặt cả ngày ngoài đường cả ngày". Tôi lại cố gắng an ủi khuyên anh cố chịu đựng, đi làm nuôi con, giờ bỏ việc thì làm cái gì để sống, xăng tăng giá thì bớt thu xuống một ít, nhưng vẫn cố phải đi.


Vậy mà giờ, đọc cái tin sét đánh ngang tai, từ 1/6 này nhà nước lại thu thêm phí lưu hành đường bộ với oto, xe máy. Thú thật là tôi bị sốc, với người dân lao động chúng tôi, những khoản phí nối đuôi nhau là những trận đòn nặng nề mà không cần đến vũ khí. Chúng tôi cứ chết từ từ với những thứ thuế, những chi phí không tên hay có tên đang ngày một nhiều hơn. Trong khi cơ sở vật chất, đường phố, cuộc sống, môi trường xung quanh vẫn chẳng có gì khả quan hay bảo đảm hơn, thậm chí là ngày càng xấu đi, nhưng chúng tôi vẫn phải chịu những điều đó.

Gia đình chúng tôi cả hai vợ chồng gọi là vẫn còn có sức làm được, nhưng tôi biết còn có những gia đình xung quanh có hoàn cảnh đáng thương, đau khổ hơn nhiều.

Cứ thế này thì chúng tôi biết phải tìm đường sống ra sao đây? Các con tôi sẽ sống như thế nào trong cái xã hội của đồng tiền mất giá này? Cho dù con tôi bị coi rẻ vì mẹ nó chỉ là một bà bán đậu, bố nó chỉ là ông lái xe ôm, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm nhưng cho dù có thế nào thì tôi vẫn cảm thấy, chúng tôi sống nghèo đói, lương thiện còn đáng tự hào, tôn trọng hơn những kẻ đang sống trên đồng tiền của chúng tôi mà tham nhũng, mà vơ vét của dân nghèo. Tôi nói với các con tôi chúng không bao giờ phải xấu hổ vì bố mẹ chúng nó nghèo, vì nghèo khó không phải là điều đáng xấu hổ, nhưng xấu hổ vì nó thì đáng đấy. Chỉ có những kẻ giàu sang không bằng chính sức lao động của mình mới là những kẻ đáng coi thường.


.
.
.

No comments: