Nguyễn Thông
Thứ bảy, ngày 03 tháng ba năm 2012
Coi tấm ảnh chụp cái cậu Sân phó chánh văn phòng ủy ban “nhân dân” huyện Tiên Lãng trừng mắt, há mồm, vung tay chỉ mặt đe dọa anh nhà báo, tôi nghĩ ngay đến thế hệ cường hào ác bá mới.
Hồi xa xưa, bọn trẻ con nông thôn như tôi đã được bộ máy tuyên truyền của nhà nước (trong đó có văn chương) trang bị cho nhiều từ ngữ “đầy tính giai cấp” để xác định đúng, để căm ghét, xa lánh… kẻ thù. Cụm từ hay được dùng nhất là “cường hào ác bá”.
Lật giở cuốn từ điển tiếng Việt khá bề thế của Viện Ngôn ngữ học (2003, giáo sư Hoàng Phê chủ biên) thấy ghi như sau: “Cường hào: Kẻ có quyền thế ở làng xã, chuyên áp bức nông dân”, “Ác bá: Địa chủ hoặc cường hào có nhiều tội ác với nông dân”.
Theo cách hiểu thông thường, dưới chế độ cũ, cường hào là những kẻ nằm trong bộ máy cai trị của nhà nước ở nông thôn, chẳng hạn tiên chỉ, chánh tổng, lý trưởng, phó lý, trương tuần…, bao gồm cả chức dịch và kỳ mục. Số này đại diện cho chính quyền chứ không đại diện dân, không do dân bầu. Chính sách cai trị ở làng xã được thực hiện thông qua chúng. Chúng hống hách, coi người như rác, động tí là đánh là trói, muốn vu cho ai thì vu, muốn cướp ruộng của ai là cướp. Dân hận ngút trời, chỉ chờ dịp vằm xương chúng nó.
Phụ vào “công tích” tội ác của bọn cường hào là những thằng ác bá. Bọn này không có chức quyền nhưng nhiều ruộng nhiều tiền, thường gọi là địa chủ. Chúng không có triện nhưng có thể sai được cả thằng nắm ấn triện. Không phải địa chủ nào cũng ác, bằng cớ là từng có rất nhiều địa chủ cách mạng, địa chủ kháng chiến; nhiều địa chủ chỉ sở hữu vài ba mẫu ruộng mà chết oan ức trong cải cách ruộng đất; nhưng nhìn chung, theo sự tuyên truyền của nhà nước, địa chủ ác lắm, cần phải đánh đổ.
Cuộc cách mạng mà nông dân là quân chủ lực diễn ra đầy gian khổ hy sinh, đầy máu và nước mắt cuối cùng cũng đạt được mục đích xóa bỏ bộ máy cai trị thực dân phong kiến ở nông thôn, chôn vùi lũ cường hào ác bá. Người nông dân phấn khởi, ngẩng mặt ngắm trời tự do, ngẫm nghĩ từ nay được sống cần cù lương thiện trên mảnh ruộng, đất đai quê hương mình. Không sợ bị mất ruộng mất vườn. Không còn kẻ đè nén, áp bức, chỉ còn cán bộ đày tớ của nhân dân. Ơn đảng ơn chính phủ biết chừng nào.
Nhưng họ đã lầm.
Mặc dù cụ Hồ luôn dạy cán bộ phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “hết lòng hết sức phục vụ nhân dân” nhưng trên thực tế tôi chứng kiến suốt bao năm, dạng cán bộ như vậy ít lắm, trong khi sự thoái hóa, hư hỏng, biến chất ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt, vì vậy ở nông thôn ngày nay không gì sẵn bằng cường hào ác bá. Không tin cứ làm cuộc điều tra xã hội học, hỏi trực tiếp nông dân mà xem.
Trên đất nước nông dân từng chiếm đến 80-90% thì mọi vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) đều tạo sự rung động xã hội ghê gớm. Phải nói rằng cuộc cải cách ruộng đất 1953-1957 chính là cuộc cách mạng ruộng đất ở nông thôn, với mục đích đem ruộng đất trao về tay nông dân, nhưng hỡi ôi, nó thấm đầy máu và nước mắt. Một bi kịch thời đại, để lại nhiều hệ lụy về sau. Và công cuộc hợp tác hóa (ở miền Bắc trước 1975, miền Nam sau 1975) thì ngược lại, chính là cuộc cách mạng tước đoạt ruộng đất của nông dân, biến nông dân từ làm chủ thành kẻ làm thuê, bị bần cùng hóa ngay chính trên quê hương mình. Lại thêm tấn bi kịch nữa. Cả hai bi kịch ấy nông dân đều phải gánh chịu.
Chả cần lấy dẫn chứng đâu xa, chỉ cần lôi ra từ chuyện nhà cũng quá rõ. Khi miền Bắc rầm rộ ép nông dân vào hợp tác xã thì gia đình tôi có khoảng 8 sào ruộng và 2 sào ao (mỗi sào 360m2). Tất cả đều là đất hương hỏa, tài sản truyền đời do ông bà để lại, không phải do cách mạng cấp. Tận mắt chứng kiến lối làm ăn phờ phạc của hợp tác xã, thầy tôi nhất định không chịu vào. Nhưng họ ép, họ không từ biện pháp nào, kể cả dọa con cái hộ cá thể không được kết nạp đoàn, không được đi học đại học… nên đến năm 1963 thầy tôi đầu hàng. Hợp tác thu gần hết ruộng đất, chỉ chừa lại cho miếng thổ cư 2 sào, phần còn lại bị biến thành sở hữu tập thể. Từ đó gia đình tôi mất số ruộng đất đó vĩnh viễn, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, công sức của ông bà tổ tiên tạo dựng cho con cháu bị xóa sạch. Và không chỉ gia đình tôi, hàng vạn gia đình khác ở hai miền Nam, Bắc đều lâm vào tấn bi kịch tước đoạt ấy.
Một lòng đi theo cách mạng, cứ tưởng thoát nạn cường hào ác bá, nông dân đâu ngờ trong chế độ mới nó sinh sôi nhanh nhiều như vậy. Trước kia, loại ác gian đó chỉ trong phạm vi làng xã là cùng, nay thì nó lây lan như dịch, leo lên cả huyện, tỉnh, thậm chí trung ương. Vụ cưỡng chế đầm Vươn (Tiên Lãng) đã lộ ra cả hệ thống cường hào, nào quan xã Vinh Quang, nào quan huyện Tiên Lãng, nào quan thành phố Hải Phòng. Và cái ông Nguyễn Văn Thành ấy, hàm trung ương ủy viên, do trung ương quản lý, chả cường hào cỡ trung ương là gì. Đâu chỉ Hải Phòng, cường hào siêu hạng trên dải đất này đầy nhản nhản, có thể điểm mặt những đồng chí bị lộ như Võ Thanh Bình (bí thư Tỉnh ủy Cà Mau), Nguyễn Trường Tô (chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang), Đinh Văn Hùng (bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình)… Ngày trước dân thấp cổ bé họng, thua cường hào đã đi một nhẽ, nay xã hội dân chủ, dân làm chủ nhưng chỉ chủ trên giấy tờ, còn vận mệnh vẫn do cường hào đủ loại nắm giữ. Trước chỉ có nông dân, nông thôn khổ bởi cường hào, nay thì tuốt tuột chả trừ anh nào chỗ nào, chạy trời không khỏi nắng.
Có người thầm (nói nhỏ) với tôi rằng khi một chế độ với bộ máy cầm quyền tha hóa, lụn bại thì mới phát sinh nạn cường hào ác bá. Chính nó lấy cường hào để bảo vệ nó, dễ gì mà dẹp được. Tôi chả tin hẳn vậy. Lòng vẫn mơ hồ hy vọng thời nay chắc còn có những người tốt, trong sạch trong bộ máy cầm quyền, biết thực hiện lời giáo huấn của cụ Hồ, tỏ tường điều giản dị: có dân thì có tất, mất dân thì mất tất.
Việc làm có ý nghĩa đầu tiên trong công cuộc chỉnh đốn đảng cầm quyền lần này, theo tôi, là ngay lập tức trị bọn cường hào, từ làng xã đến trung ương. Không chậm trễ. Dân đang chờ đợi đảng có thực tâm chỉnh đốn hay không. Nói thì ai mà chả nói được, nói hay là đằng khác.
3.3.2012
Nguyễn Thông
.
.
.
No comments:
Post a Comment