Thursday, April 14, 2011

MỘT NHÀ KHOA HỌC XUẤT SẮC VẪN CÓ THỂ LÀ MỘT KẺ LÀM ĐĨ CHÍNH TRỊ (Nguyễn Gia Thức)

14.04.2011

Trong bài Những cái mùi quen thuộc, tác giả Phạm Quang Tuấn nói: “Một nhà khoa học xuất sắc không bao giờ suy nghĩ giống người khác.” Câu nói này nếu áp dụng vào trường hợp của Ngô Bảo Châu thì không thuyết phục, vì rủi thay, Ngô giáo sư chỉ suy nghĩ và phát ngôn “khác” với những người thẳng thắn đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền (những người này bao giờ cũng là thiểu số), ngược lại, Ngô giáo sư suy nghĩ và phát ngôn khá giống với những kẻ cơ hội chủ nghĩa (bao giờ những kẻ này cũng chiếm đa số).

Khi Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, tôi cảm thấy hy vọng nhiều nơi anh. Anh còn trẻ, đang sống và làm việc ở nước ngoài. Tiếng nói của anh có thể gây ảnh hưởng và tác động to lớn để hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Anh hoàn toàn có tự do để suy nghĩ và phát ngôn mà không phải lãnh chịu những khó khăn và nguy hiểm như các nhà khoa học có lương tâm đã phải lãnh chịu dưới chế độ Cộng sản.

Nếu anh không muốn góp sức đấu tranh, anh có thể im lặng làm công việc thuần tuý chuyên môn của một nhà toán học. Điều ấy cũng đáng quý. Nhưng một khi anh đã nói về những điều liên quan đến chính trị, hay nghiêm trọng hơn, liên quan đến sinh mệnh của một nhà đấu tranh dân chủ đang bị giam cầm, thì nhất thiết anh phải chịu trách nhiệm về những ảnh hưởng và hậu quả của lời nói mình. Anh lại càng phải cẩn trọng khi phát ngôn, vì anh đang ở vị trí được hưởng những đặc quyền đặc lợi cao nhất do chế độ ban phát riêng cho anh, trong khi nhà đấu tranh dân chủ lại bị chế độ đối xử bằng những cách tàn tệ nhất, kể cả việc bị chụp mũ làm nhục bằng hai cái condom đã qua sử dụng!

Trong bài viết của Ngô Bảo Châu về vụ án Cù Huy Hà Vũ, anh hoàn toàn không biểu lộ một sự quan ngại nào về tình trạng bị giam cầm của nhà đấu tranh dân chủ, ngược lại, anh loay hoay chê trách ông quan tòa là cẩu thả và sợ hãi, làm “mất thể diện quốc gia” và làm sai “phương pháp bảo vệ chế độ”. Quả là anh khéo lo “bò trắng răng”! Suy nghĩ của anh rất giống với suy nghĩ của một công bộc trung thành quá trớn, vì chính Nhà nước CHXHCNVN lại thấy phiên tòa ấy là hoàn hảo. Ngày 5/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã thay mặt Nhà nước CHXHCNVN tuyên bố là phiên tòa “xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.” Tức là ông quan toà Nguyễn Hữu Chỉnh đã làm việc hoàn toàn chính xác theo đường lối của Nhà nước CHXHCNVN, đã bảo vệ chế độ một cách hoàn hảo và không hề làm mất “thể diện quốc gia” chút nào cả!

“Một nhà khoa học xuất sắc không bao giờ suy nghĩ giống người khác”, câu này rất thích hợp để mô tả một nhà khoa học như Andrei Sakharov.

Tuy không nổi bật như Andrei Sakharov, nhưng dưới chế độ Cộng sản ở Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc, trước nay còn có những nhà khoa học dũng cảm khác sẵn sàng chấp nhận tù đày và mọi cực hình để nói lên tiếng nói lẻ loi nhưng trung thực của lương tâm mình, như Vladimir Bukovsky, Alexander Esenin-Volpin, Zhores Medvedev, Igor Tamm, Pyotr Kapitsa, Marina Trutko, Leonid Plyushch, Jakub Karpinski, Fang Lizhi, Yan Jiaqi, István Bibó... Họ là những người dám suy nghĩ và phát ngôn khác với đường lối của chế độ toàn trị. Họ khinh thường những cơ hội và danh lợi mà chế độ sẵn sàng cung cấp cho họ để mua chuộc họ. Họ không bao giờ bao che hay bào chữa cho những sai lầm và tội ác của chế độ.

Ở Tiệp, quê hương thứ hai của tôi, trước khi chế độ Cộng sản sụp đổ, cũng có rất nhiều nhà khoa học xuất sắc nhưng chỉ có một số rất ít là có dũng cảm “suy nghĩ khác người”, còn đại đa số thì vẫn luôn luôn suy nghĩ, phát ngôn và hành xử theo ý muốn của nhà cầm quyền. Nhờ đó họ đã lãnh đủ thứ huân chương, bằng khen, được tăng lương, thăng chức, cấp nhà, cấp đất, đặc quyền đặc lợi... Nhưng sau khi chế độ Cộng sản Tiệp sụp đổ thì họ phải cảm thấy xấu hổ vì bị nhân dân khinh thường, thậm chí bị dư luận xem là “politické prostitutky” (những kẻ làm đĩ chính trị).

Tiếng nói của một nhà khoa học xuất sắc bao giờ cũng gây ảnh hưởng cho nên anh ta phải hết sức cẩn trọng khi phát ngôn. Nếu anh ta cảm thấy sợ hãi thì tốt nhất anh ta nên giữ im lặng, thay vì anh ta nói mơ hồ, tròng tréo, nước đôi. Còn khi một nhà khoa học xuất sắc mà lại sẵn sàng nói theo ý muốn của chế độ để mưu cầu đặc quyền đặc lợi thì anh ta đã trở thành một kẻ làm đĩ chính trị mất rồi.

Tệ hại hơn làm đĩ chính trị, một nhà khoa học xuất sắc còn có thể là một kẻ sát nhân nếu anh ta chấp nhận làm tay sai đắc lực cho một chế độ phi nhân. Dưới chế độ Quốc xã của Hitler, các nhà khoa học như Eduard Wirths, Aribert Heim, Carl Vaernet, Josef Mengele, Wichtmann, Sigmund Rascher, Hans Eppinger, Carl Clauberg,... chính là những con quỷ sát nhân ghê tởm nhất.

-------------------------

.
.
.

1 comment:

forexgoldmaster said...

Với cái kiểu đấu tranh cho dân chủ bằng cách chửi rủa người khác ý kiến một chút với mình thế này thì bảo sao đến giờ phong trào dân chủ trong nước không tiến bộ được. Trước tôi hay vào đây đọc tin nhưng giờ thấy cái kiểu đả kích người khác thế này chẳng khác gì cái lũ báo của bọn cộng sản đả kích các ông dân chủ cả. Chán toàn tập