Monday, April 11, 2011

TÀI "THÔI XAO" CHỮ NGHĨA "ĐẶC BIỆT" CỦA ÔNG NGÔ BẢO CHÂU (Huỳnh Văn Nhơn)

11.04.2011

Bài “Về sự sợ hãi” của giáo sư Ngô Bảo Châu viết về vụ án Cù Huy Hà Vũ đã tạo ra những dư luận trái chiều nhau trong mấy hôm nay. Có lẽ cảm thấy bất lợi vì những ý kiến phản biện, ông Châu đã khóa blog. Hôm nay tôi muốn viết mấy lời về bài của ông Châu thì phải tìm sang Dân Luận để đọc lại.

Tôi thắc mắc tại sao một trí thức nổi danh như ông Châu mà lại chạy làng, không dám đối mặt với công luận. Lẽ nào ông Châu lại tự trình diễn “sự sợ hãi”? Hết sợ hãi nhà cầm quyền, lại sợ hãi dư luận?

Về bài viết “Ai sợ hãi? «Ông quan tòa» hay giáo sư Ngô Bảo Châu?” của Nguyễn Tường An thì nói chung tôi rất đồng ý, nhưng riêng có một câu tôi không đồng ý. Nguyễn Tường An nhận xét giáo sư Ngô Bảo Châu: một con người xuất chúng về mặt khoa học, nhưng hết sức ngây thơ về mặt chính trị”.
Tôi không thấy Ngô Bảo Châu “ngây thơ về mặt chính trị” chút xíu nào hết. Một người ngây thơ chính trị thì nghĩ sao nói vậy chớ không có cái khéo léo lòng vòng, lấp la lấp lửng như trong bài viết của ông Châu.

Ông Châu đặc biệt có tài “thôi xao” chữ nghĩa. Ông dùng cái tài này phải nói là cực khéo trong bài viết.
Ngay ở đầu bài, ông Châu đã nói hết sức khéo léo: “Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt.”
Nên lưu ý hai chữ “đặc biệt”!
Không “đặc biệt” hâm mộ nghĩa là cũng có hâm mộ chút ít thôi, nhưng ông Châu không nói là hâm mộ chỗ nào. Hâm mộ chút ít cái tài hội họa của ông Vũ, hay cái gu mang càvạt của ông Vũ?
Những lý lẽ không có tính thuyết phục “đặc biệt” nghĩa là cũng thuyết phục chút ít thôi, nhưng Ngô Bảo Châu không nói rõ là “lý lẽ” nào.
Hai chữ “đặc biệt” này khéo đủ để phía ủng hộ ông Vũ có cảm giác hình như ông Châu khen ông Vũ, mà phía Đảng lại cảm thấy hình như ông Châu chê ông Vũ.
Tiếp theo là câu: “Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.”
Chữ “nhưng” phải nói là khéo quá! Một mệnh đề bắt đầu bằng chữ “nhưng” thì bao giờ cũng phủ định ý nghĩa của mệnh đề trước đó.
Ông Châu nói: “Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.”
Câu này có vẻ trục trặc về logique mà một người như ông Châu khó lòng vấp phải. Cái trục trặc này có dụng ý rất kín đáo. Chữ “nhưng” khiến cho cả đoạn đó mang ý nghĩa ngầm một cách logique là: “Tôi vốn không hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.”
Chữ “không tầm thường” (pas médiocre) cũng cực khéo. Một con người “không tầm thường” không có nghĩa là phi thường hay xuất chúng gì cả. “Không tầm thường” chỉ có nghĩa là trên cái “tầm thường” một chút, chớ không có gì đáng kể.
Cái ví von của ông Châu đưa ra lại càng khéo: “Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.”
Ông Châu nói “ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình”! Số phận của Hector là bị Achilles đem ra phơi thây cho chó và kên kên ăn thịt. Turnus thì bị tử trận. Kinh Kha thì bị lính nhà Tần đâm chém nát thây. Số phận của ông Vũ là gì?
Ông Châu mô tả ông Vũ như một người “đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này”, nhưng ông Châu lại không nói sứ mệnh của ông Vũ là gì, thế nên qua ngòi bút của ông Châu thì ông Vũ giống như một kẻ thích liều chết, sẵn sàng làm mọi thứ để lấy tiếng thôi, chớ không có cái “sứ mệnh” gì hay ho. Ngay từ đầu ông Châu đã thấy những lý lẽ của ông Vũ “không có tính thuyết phục đặc biệt”. Một “sứ mệnh” phát sinh từ những lý lẽ “không có tính thuyết phục đặc biệt” thì chắc là chả có hay ho gì!
Đoạn văn thứ nhì của ông Châu thì khỏi phải bàn dông dài. Ông Châu đã dư tài khéo để giúp Đảng và Nhà nước tránh tiếng xấu bằng cách trút hết cái kết quả của vụ án lên cá nhân “ông quan tòa”. Theo ông Châu thì đó chẳng qua là vì cá nhân ông quan toà “muốn làm nhanh cho xong việc”“sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ”, mà những lý lẽ của ông Vũ thì ông Châu thấy không có gì đặc biệt thuyết phục cả! Phải chi ông Châu mà làm quan tòa thì ông Châu đâu có sợ phải đối mặt với ông Vũ, và chắc chắn ông Châu đã vặn cho ông Vũ phải đuối lý chịu thua rồi!
Ngoài những điều trình bày trên đây, tôi không tìm thấy trong bài viết của Ngô Bảo Châu có lời vàng ý ngọc gì khác.


------------------------------

10.04.2011

Độc giả thân mến, trí tưởng tượng của con người là vô tận. Bác Xyz đã thử tưởng tượng giáo sư Ngô Bảo Châu phản hồi lại bác Nguyễn Tường An, nên Abc cũng thử tưởng tượng bác Nguyễn Tường An sau đó phản hồi lại giáo sư Ngô Bảo Châu. Kết quả của cái trí tưởng tượng đúp ấy là bài viết nhỏ sau đây:
___________

Giáo sư Ngô Bảo Châu kính mến,
Tôi cảm thấy rất hân hạnh khi nhận được phản hồi của giáo sư và cũng xin trả lời những thắc mắc của giáo sư trong tinh thần tự do tranh luận, bởi cả hai chúng ta đang ngồi ở Tiền Vệ, một cái chiếu có thể nói một cách không ngượng là dân chủ giữa vô số chiếu bàn của người Việt ta hiện nay. Gặp giáo sư ở đây, mặt đối mặt, lời đối lời, thiết tưởng chuyện nghìn năm có một.
Thứ nhất, thú thật với giáo sư, tôi hoàn toàn bất ngờ trước cách phản biện thiếu logic của giáo sư. Một mặt, giáo sư khẳng định rằng song thân của giáo sư đều “biết Đảng xem trí thức là cục phân”, và “căn hộ ấy thực chất là cái lồng son của Đảng để giữ họ làm con tin”. Mặt khác, giáo sự lại thú nhận: “chỗ ở trước đây đã bị bán rồi”. Xin giáo sư trả lời cho câu hỏi này: Nếu không tự nguyện chui vào cái lồng son đó thì vì lý do gì mà song thân của giáo sư lại tự ý bán đi chỗ ở của họ? Người Hà Nội đồn rằng số tiền bán được đã kịp thời đầu tư vào hai căn hộ cao cấp khác, tất nhiên có cao cấp bằng mức độ Vincom hay không thì chỉ những người Hà Nội đang ở Vincom mới trả lời được.
Tuy vậy, nếu chẳng may vì muốn kiểm tra chất lượng Vincom mà tự biến thành con tin thì song thân của giáo sư vẫn không phải là không có cách để thoát khỏi cái lồng son ấy của đảng. Cuộc sống cũng chưa phải là bất công đến độ có nghìn cách để chui vào lại không có một cách để chui ra. Ví dụ, trong trường hợp hai căn hộ này đang trong thời hạn cho thuê hoặc đã được bán đi để kịp thời đầu tư vào bốn căn hộ cao cấp khác nữa, thì chỉ cần trích một phần nhỏ thu nhập, song thân của giáo sư có thể thuê được một chỗ ở tử tế giữa lòng thủ đô Hà Nội. Làm người ở thuê nhất định dễ chịu hơn làm con tin. Cái này thì không cần người được huy chương Fields mới hiểu, thưa giáo sư.
Đấy là về phần song thân. Còn về phần giáo sư, tôi e rằng giáo sư đang cố tình quên đi cái chi tiết không lấy làm tự hào cho lắm: ngay khi được đảng đề cập việc tặng nhà công vụ, giáo sư đã tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rằng căn hộ đó, giáo sư chỉ sử dụng trong vòng mấy tháng hè làm việc ở Việt Nam, thời gian còn lại sẽ trở thành nhà khách của viện toán cao cấp:
Chà, tuyên bố nào mà hợp nhĩ thế, thiên hạ còn đang vỗ tay rào rào thì lại tẽn tò cả lút: căn hộ đó từ cuối năm 2010 là chỗ ở thường xuyên của song thân giáo sư. Xin giáo sư trả lời cho câu hỏi này: Vì lý do gì mà giáo sư đã không giữ lời hứa để vô tình biến song thân của mình thành con tin của đảng?
Thứ nhì, về việc so sánh ông Cù Huy Hà Vũ với nhân vật Kinh Kha, tôi thấy giáo sư không nên cao đạo khuyên nhủ tôi hay độc giả ở đây về những cái gọi là ẩn ý và biểu tượng. Xin thưa, bất kỳ kẻ có đôi chút chữ nghĩa đều thấy trong sự so sánh lệch lạc này ẩn chứa không ít xúc xiểm. Một đằng là kẻ trí, trong tinh thần đấu tranh bất bạo lực. Một đằng là võ biền, chém giết có từ trong máu, thế nên cái chết là kết quả tất yếu. Thiết nghĩ, đã là anh hùng thì không vừa vặn với bất kỳ khuôn mẫu nào, cho dù đó là những khuôn mẫu thấm đẫm dấu ấn của lịch sử như Kinh Kha, Turnus hay Hector.
Tôi tạm dừng ở đây. Nếu giáo sư còn có ý định tranh luận, xin giáo sư kiên nhẫn đợi đến ngày tự do của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Theo tôi, vào cái ngày có thể còn khá xa đó, tiến sĩ Vũ sẽ có nhiều chuyện để hầu giáo sư, không những về văn chương mà còn về cả pháp luật.
________
Độc giả thân mến, Abc xin nhắc nhở độc giả đây chỉ là một cuộc tranh luận tưởng tượng, dựa trên một tưởng tượng khác. Chuyện đã hết, xin được cám ơn trí tưởng tượng của độc giả.

-------------------------

09.04.2011
Bạn Nguyễn Tường An thân mến, tôi rất thích ý kiến của bạn, và tôi cũng không có lý do gì để bênh vực ông Ngô Bảo Châu (là người vốn không quen biết gì với tôi cả), nên chi “ý kiến” dưới đây chỉ là tưởng tượng ông Châu gửi phản hồi cho mục Đối Thoại này, và người đọc cũng chỉ tò mò muốn xem bạn An sẽ tiếp tục ra đòn ra sao mà thôi. Thân kính, xyz
___________

Thưa ông Nguyễn Tường An, cám ơn ông đã vẽ giùm chân dung cho tôi (http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=12516) tuy nhiên vẫn còn những nét chưa được khách quan lắm:

Thứ nhất, tôi không dám “ngỡ rằng Đảng tặng mình căn hộ trị giá sáu trăm nghìn đô-la và chức giám đốc viện Toán cao cấp kinh phí bảy trăm tỷ đồng là vì Đảng thực sự trọng dụng nhân tài” như lời ông nói: Ai lại chẳng biết Đảng vẫn xem “trí thức chỉ là cục phân”, còn căn hộ ấy chỉ là một cái lồng son mà Đảng dùng để giữ song thân tôi làm con tin trong đó, để tôi từ nay phải biết tự kiểm duyệt trước khi phát biểu điều gì về Đảng CSVN và nhà nước VN?
Từ đầu tôi cũng như gia đình tôi vẫn hiểu rõ là thế, song trong tình huống này một lời từ chối sẽ được xem là một bãi nước bọt nhổ vào mặt người tặng - là Ngài Thủ Tướng, mà chúng ta cũng biết rồi đấy - như lời ông Cù Huy Hà Vũ đã từng thông báo công khai cho thiên hạ tỏ tường – rằng Ngài ấy là một kẻ “rất là tiểu nhân”, đã sai tay chân đến đập phá tường nhà ông Vũ để trả thù việc ông ấy dám khởi kiện Ngài ấy. Như vậy, rất dễ để chúng ta lập tức suy ra một bổ đề, là Ngài ấy cũng sẽ chả ngại gì mà không lệnh cho quần chúng tự phát đến khủng bố gia đình tôi ở trong nước!? Còn bây giờ, một khi song thân tôi đã dọn đến thường trú hẳn trong căn hộ “của tôi”, vạn nhất nếu có xảy ra điều gì, Ngài ấy cũng chỉ việc ra lệnh tống xuất họ ra khỏi căn hộ, thì họ biết đi đâu, trong khi chỗ ở trước đây thì đã bán rồi, và nếu có muốn mua một nơi khác để ở thì ai sẽ dám công chứng cho họ hợp đồng mua bán cũng như phê duyệt cho chuyển hộ khẩu đến nơi mới ấy?

Thứ nhì, tôi đã so sánh ông Cù Huy Hà Vũ với Kinh Kha, là người mà ai cũng rõ đã chọn lựa đối mặt cụ thể với nhân vật nào, và cái nhân vật ấy giờ đã trở thành biểu tượng của điều gì, cùng có ý nghĩa gì, có lẽ không cần phải dùng đến hiển ngôn để người đọc hiểu được điều tôi muốn nói, ông An ạ.
---------------------------

08.04.2011

Bài viết «Về sự sợ hãi» đã góp phần vẽ lên một bức chân dung sống động của giáo sư Ngô Bảo Châu: một con người xuất chúng về mặt khoa học, nhưng hết sức ngây thơ về mặt chính trị: giáo sư ngỡ rằng Đảng tặng mình căn hộ trị giá sáu trăm nghìn đô-la và chức giám đốc viện Toán cao cấp kinh phí bảy trăm tỷ đồng là vì Đảng thực sự trọng dụng nhân tài! Đương nhiên, giáo sư đã tá hỏa trước phản ứng - thất vọng, phẫn nộ, coi thường - của không ít người. Vì thế, nhân vụ Cù Huy Hà Vũ (được dư luận đánh giá là quan trọng nhất trong sinh họat chính trị xã hội Việt Nam trong vòng 5 năm nay), giáo sư cũng muốn làm một hành động gì đó để đánh bóng lại cái tên tuổi của mình đã phần nào bị hoen xỉn. Nhưng viết thế nào để vừa khen Cù Huy Hà Vũ (ra vẻ mình cũng là trí thức am hiểu và chính trực) nhưng cũng không được mất lòng đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (là người vừa tặng nhà tặng chức cho mình)?
Và kết quả là bài viết «Về sự sợ hãi».

Hai câu đầu: «Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt» là viết cho Đảng đọc. Giáo sư muốn khẳng định ngay với nhà cầm quyền Việt Nam rằng mình không «cùng hội cùng thuyền» với Cù Huy Hà Vũ.
Người ta chưng hửng: là một nhà khoa học lớn, nhưng giáo sư viết hoàn toàn cảm tính, không một dòng lập luận. Ơ, giáo sư viết cho các đồng chí Ban văn hóa tư tưởng đọc cơ mà!
Mấy câu tiếp theo: «... ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình...», giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn viết trong nỗi lo kiểm duyệt. Một người bình thường sẽ viết: «ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với nhà cầm quyền Việt Nam». Nhưng bị ám ảnh bởi cái máy soi của Ban văn hóa tư tưởng, nên câu chữ của giáo sư trở nên u u mê mê. «Đối mặt với số phận của mình» là gì vậy, thưa giáo sư?
Đoạn sau cũng theo cùng một logic như thế. Giáo sư đóng kịch «Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải», rồi thình lình đi đến một bổ đề cơ bản: tất cả sai lầm là do «ông quan tòa»! Khán giả ngã bổ chửng. Kẻ ngớ ngẩn nhất Việt Nam cũng phải biết đây là một vụ án ở tầm quốc gia: lần đầu tiên một công dân Việt Nam dám kiện cả bộ máy cầm quyền. «Ông quan tòa» chỉ là đầy tớ của các «đầy tớ nhân dân» thôi, giáo sư ạ.
Thiết nghĩ, cái giọng u u mê mê đó của giáo sư Ngô Bảo Châu là tất nhiên thôi, vì mục tiêu giáo sư đặt ra, có Thánh cũng chẳng làm được. Ai lại có thể vừa khen Cù Huy Hà Vũ lại vừa không làm phật lòng Đảng?
Vậy nên giáo sư Ngô Bảo Châu thông minh, khéo léo đến mấy cũng bị lộ tẩy. Đi hai hàng giỏi mấy cũng khó tránh khỏi tai nạn. Và người «sợ hãi» đầu tiên là chính giáo sư Ngô Bảo Châu! Ngay trên blog riêng của mình ở mãi tận xứ Chicago, giáo sư vẫn run lẩy bẩy!
Đương nhiên, không ai có quyền bắt giáo sư phải hô khẩu hiệu ủng hộ Cù Huy Hà Vũ, nhưng người ta có quyền đòi hỏi giáo sư sự thành thật.
Tôi biết nhiều trí thức chưa đủ dũng cảm để lên tiếng trước vụ Cù Huy Hà Vũ. Nhưng thà im lặng còn hơn bóp méo sự thật. La moitié de la vérité ce n’est pas la vérité - Một nửa sự thât không còn là sự thật.
Ngược lại, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng có quyền nói «những lý lẽ» Cù Huy Hà Vũ đưa ra «không thấy có tính thuyết phục đặc biệt», nhưng ít nhất giáo sư Ngô Bảo Châu cũng nên phân tích cụ thể: «Những lý lẽ» là gì? Vì sao giáo sư không thấy thuyết phục? Điều này rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho người vắng mặt, hơn nữa một người đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ, một người không thể tự bảo vệ mình.
Paris 8 tháng 4 năm 2011.

.
.
.

No comments: