Thursday, February 17, 2011

VATICAN và HÀ NỘI (Trần Giao Thủy)

Vatican và Hà Nội
Trần Giao Thủy
17-02-2011

Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho”, Giuse Ngô Quang Kiệt, 20/09/2008.

Ngày Thứ hai 10 tháng 1, 2011 Giáo hoàng Benedict XVI đọc một diễn văn (trên 3000 chữ, bản Anh Ngữ) gởi đến tất cả thành viên Ngoại giao đoàn tại Vatican (Address of His Holiness Pope Benedict xvi to the members of the diplomatic Corps) (1).

Thứ Năm 13 tháng 1, 2011, GH Benedict XVI cử TGM Leopoldo Girelli – đương nhiệm Sứ thần Vatican (Apostolic Nuncio) tại Indonesia và East Timor, làm Sứ thần (Nuncio) tại Singapore, kiêm Khâm Sứ (Apostolic Delegate) tại Brunei và Malaysia cùng là “Đại diện không thường trú của Giáo hoàng” tại Việt Nam.

Cùng ngày, TGM Leopoldo Girelli gởi thư báo và chào mừng đến Hồng y Phạm Minh Mẫn, ký tên và ghi chức danh “Apostolic Nuncio”. Bản dịch sang Việt ngữ đăng trên trang Tổng Giáo Phận TP. Hồ Chí Minh dịch
“Apostolic Nuncio” là Khâm sứ Toà Thánh (2).
Cũng như nhiều nguồn tin Thiên Chúa giáo khác cùng ngày, bài viết bằng tiếng Anh, The Pope appoints his “representative” for Vietnam trên AsiaNews.it cũng đề cập và nhận định sự kiện “Đại diện không thường trú” của Vatican tại Việt Nam (3).

Thứ Sáu 14/01/2011, Tin của TTXVN và một số trang báo trong nước (vnexpress.net, tin247.com) đưa tin “Vatican bổ nhiệm đại diện ở Việt Nam”. Người Lao Động Online chạy hàng tin nhanh “Giáo hoàng Benedict XVI vừa bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện không thường trú đầu tiên của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam.” (http://nld.com.vn, 14/01/2011).

Cùng ngày 14/01/2011, trang BBC Tiếng Việt đưa tin cùng tựa đề với TTXVN, “Vatican bổ nhiệm đại diện ở Việt Nam”(4)

Hơn 20 ngày sau diễn văn ở Regia Hall, 03/02/2011, trên Asia Times Online, Roberto Tofani Viết bài God and state draw closer in Vietnam (“Chúa và chính quyền Việt Nam đang đến gần nhau hơn”, bản tiếng Việt tựa đề “GH Benedict XVI: Việt Nam tiến bộ về tự do tôn giáo” đã đăng trên DCVOnline ngày 04/02/2011).

Từ đó đến 13/02/2011 dường như không có thêm bài viết nào khác, đưa tin hay nhận định sự kiện, cả trong và ngoài nước từ cá nhân cho đến tập thể.

Một sự im lặng (ngột ngạt) có chủ ý?

Tin Vatican có thể bổ nhiệm Đại sứ không thường trú tại Việt Nam thực ra đã được đề cập đến và nhận định chi tiết trong một bài viết từ đầu tháng 7, 2010. Đăng ở nhiều trang khác nhau, trong bài Tái lập Toà Khâm Sứ?” tác giả Lữ Giang viết theo tin của Zenit.org

Hôm 26/06/2010 Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ra thông báo cho biết “Hai bên cũng đã có những cuộc thảo luận đào sâu và toàn diện về các quan hệ ngoại giao song phương. Để đào sâu quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cũng như các mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương, đã có sự đồng ý rằng trong bước đầu, một Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh cho Việt Nam sẽ được Đức Thánh Cha chỉ định.” (Zenit.org ngày 27/06/2010)

The two sides also had in-depth and comprehensive discussions on bilateral diplomatic relations. In order to deepen the relations between the Holy See and Vietnam, as well as the bonds between the Holy See and the local Catholic Church, it was agreed that, as a first step, a non-resident representative of the Holy See for Vietnam will be appointed by the Pope.
(Trích Thông cáo báo chí, bản Anh ngữ, của Secretariat of State, SS/ VIS 20100628 (490) (5)

Trong bài viết vừa nêu, tác giả Lữ Giang tự đặt 3 câu hỏi về trách nhiệm [1], chức danh sứ thần hay khâm sứ [2] và tại sao lại cử đại diện không thường trú [3] và sau đó đi vào biện luận.

Thực ra hai câu hỏi 1 và 2 chỉ là một khi người viết hiểu rõ trách nhiệm của một sứ thần (nuncio) với trách nhiệm của một khâm sứ (delegate) khác nhau ra sao. Vatican không thể nào bổ nhiệm sứ thần tại Hà Nội khi chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với nước CHXHCN Việt Nam. Trong lịch sử Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam từ khi có đại diện của Vatican, giai đoạn đầu từ 1925 cho đến năm 1936 bắt đầu với TGM Constantin Ajutti (Aiutti), và 5 TGM sau đó đều là Khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương. Hai TGM sau cùng, Angelo Palmas (1964-1969) và Henri Lemaître (1969-1975) mới là Khâm sứ Toà Thánh tại Việt Nam. Chưa khi nào GH cử Sứ thần đại diện tại Việt Nam (6).

Thực tế đầu năm 2011 có thể đã đưa câu hỏi 1 và 2 của Lữ Giang vào hụt hẫng vì GH Benedict bổ nhiệm đại diện của mình tại Việt nam với danh xưng “non-residential Pontifical Representative”, một chức danh rất tổng quát, không nằm trong những vai trò đại diện GH đã được định nghĩa rõ rệt trong Motu Proprio “Sollicitudo omnium Ecclesiarum” (Sự quản nhiệm tất cả mọi giáo đường) do GH Paul VI ban hành ngày 24 tháng 6, 1969.

“Sollicitudo omnium Ecclesiarum” phân định đại diện GH bằng 5 chức danh: apostolic nuncio (sứ thần), đại diện GH với giáo hội địa phương và với chính quyền bản xứ và là nhân vật đứng đầu ngoại giao đoàn của Vatican tại xứ đó; apostolic pro-nuncio, trách nhiệm và cấp bậc như sứ thần nhưng không phải là thủ lãnh ngoại giao đoàn; apostolic delegate (khâm sứ) là một TGM đại diện Vatican với giáo hội bản xứ vì quốc gia đó và Vatican không có quan hệ ngoại giao; thứ tư là Tuỳ viên ngoại giao (charge d'affaires) đứng đầu ngoại giao đoàn Vatican khi không có sứ thần hay khâm sứ. Chức danh thứ 5, đã không còn sử dụng, là inter-nuncio. Ngày nay chỉ còn chức danh nuncio dùng trong lễ bổ nhiệm, tiếp đầu ngữ “pro” theo Bộ Giáo luật hiện hành cũng không còn dùng nữa (7).

Đọc thư của TGM Leopoldo Girelli gởi Hồng y Phạm Minh Mẫn ngày 13/01/2011 mọi người, kể cả tác giả Lữ Giang, đều hiểu được trách nhiệm của “Đại diện không thường trú” của GH là gì. TGM Lirelli viết:
… Nhân cơ hội này, tôi muốn nói lên ý muốn và niềm ước mong chân thành được hỗ trợ ngài và Giáo Hội nơi ngài thi hành thừa tác vụ Giám mục.
(…)
…tôi rất hy vọng củng cố mối dây hiểu biết huynh đệ và trợ giúp lẫn nhau giữa Đại diện Toà Thánh và Tổng Giáo phận của Ngài.
(…)
Với tư cách Đại diện của Đức Giáo Hoàng, Đấng là trung tâm hiệp nhất trong Giáo Hội, tôi sẽ hết sức vui mừng góp phần vun trồng ý thức hiệp thông giữa Đấng kế vị Thánh Phêrô và Đức Hồng Y, là mục tử mà Chúa Thánh Thần đã chỉ định để hướng dẫn Giáo Hội địa phương ở đây. Đồng thời, tôi hy vọng là khí cụ hiệp thông giữa các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Hội Thánh, cũng như giữa đồng bào Việt Nam.(8)
Một cách đơn giản, trách nhiệm của TGM Leopoldo Girelli tại Việt Nam thuần tính tín lý và phụng tự. TGM Girelli không có tránh nhiệm ngoại giao với nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Trong câu tự hỏi thứ 3 của tác giả Lữ Giang, ông cho rằng:
Cái khó khăn mà Giáo Hội đang gặp phải ở Việt Nam hiện nay cũng là cái khó khăn mà Giáo Hội thường gặp ở các nước chậm tiến, nơi dân trí không cao và tình trạng chính trị thường bất ổn. Tại những nơi này, một số tín hữu thường muốn “chính trị hóa Giáo Hội”, biến Giáo Hội thành công cụ phục vụ cho những mục tiêu chính trị phiêu lưu của họ, (…)
Có lẽ vì đã nắm rất vững tình hình ở Việt Nam, nhất là tại Hà Nội, Giáo Hội đã nhận thấy rằng trong bước đầu đặt tại đây một đại diện không thường trú là thích hợp nhất.
(Tái lập Toà Khâm Sứ? Lữ Giang, 06/07/2010).
Lập luận này không đúng với trường hợp “Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam” lần đầu tiên này.

Ngoài trách nhiệm “Đại diện không thường trú” tại Việt Nam TGM Leopoldo Girelli đương là Sứ thần Toà Thánh tại Indonesia, East Timor và vừa kiêm thêm trách nhiệm Sứ thần tại Singapore và Khâm sứ Toà Thánh cho hai quốc gia khác là Malaysia và Brunei Darussalam. Hiển nhiên TGM Girelli không thể cùng lúc “thường trú” tại 5 quốc gia; và cũng khó có thể nói Indonesia, East Timor, Singapore, Malaysia, và Brunei Darussalam là những “nước chậm tiến, nơi dân trí không cao và tình trạng chính trị thường bất ổn. Tại những nơi này, một số tín hữu thường muốn ‘chính trị hóa Giáo Hội’, biến Giáo Hội thành công cụ phục vụ cho những mục tiêu chính trị phiêu lưu của họ.”

Sự quan tâm tác giả Lữ Giang (từ năm ngoái) đến chức danh của “Đại diện không thường trú của Toà Thánh” tại Việt Nam ở hàng sứ thần hay khâm sứ và lý giải tại sao lại là “không thường trú” đã có trả lời.

Với bài viết của Roberto Tofani, “Chúa và chính quyền Việt Nam đang đến gần nhau hơn”- bản tiếng Việt trên DCVOnline chỉ có một số rất ít ý kiến của bạn đọc, trong hai khuynh hướng. Một là ngạc nhiên và thất vọng về quyết định của Vatican bằng những tán thán từ “Lạ thiệt?”, “Really?”, “ảo vọng là ...Chúa đang đến gần Ác qủy!” Hai là tìm cách biện hộ như “Cải thiện có nghĩa là tốt hơn cái trước đó chút đỉnh . Từ quá tệ đến tệ cũng là cải thiện” và nghi ngờ sự khả tín của tờ Asia Times (“trang web của China. Trụ sở đặt tại Hồng Kông.”)

Nếu nghi ngờ Asia Times người ta cũng có thể đọc bản tin khác ở AsiaNews.it, “GH bổ nhiệm người ‘đại diện’ mình tại Việt Nam” (The Pope appoints his “representative” for Vietnam). Trong bài này AsiaNews viết,
“GH mô tả việc bổ nhiệm (TGM Girelli) hôm nay là kết quả ‘thoả mãn’ sau một loạt chuyến thăm của các phái đoàn của cả hai bên, quan trọng nhất là chuyến thăm Vatican của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007 và chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2009.”
“Today’s appointment today, which the Pope described in his speech to diplomats as ‘satisfying’ was reached after a series of visits of delegations from both parties, the most important being the visit of Prime Minister Nguyen Tan Dung to the Vatican in 2007 and that of President Nguyen Minh Triet on 11 December 2009.
AsiaNews là trang báo có trụ sở tại Italy để truyền bá phúc âm và đưa tin về đạo kitô ở châu Á, chú trọng đến giáo hội ở China.

Có thực Giáo Hoàng Benedict “hài lòng” hay cho rằng “tự do tôn giáo” ở Việt Nam đã “hoàn thiện” hay “cải tiến”? Hãy thử tìm xem GH Benedict XVI thực sự nói gì về việc bổ nhiệm TGM Girelli.

Trong diễn văn Address of His Holiness Pope Benedict xvi to the members of the diplomatic Corps (9) ngày 10 tháng 1, ở Regia Hall, bằng tiếng Pháp Pope Benedict XVI nói:

L’année dernière, a été conclu et est entré en vigueur un Accord pour l’assistance religieuse des fidèles catholiques des forces armées en Bosnie-Herzégovine, et des négociations sont actuellement en cours dans divers pays. Nous en espérons une issue positive, assurant des solutions respectueuses de la nature et de la liberté de l’Eglise pour le bien de toute la société.
L’activité des Représentants Pontificaux auprès des Etats et des Organisations internationales est également au service de la liberté religieuse. Je voudrais relever avec satisfaction que les Autorités vietnamiennes ont accepté que je désigne un Représentant, qui exprimera par ses visites à la chère communauté catholique de ce pays ... (French)
Last year witnessed the signing and implementation of an Agreement for the religious assistance of the Catholic faithful in the armed forces in Bosnia and Herzegovina, and negotiations are presently under way with different countries. We trust that they will have a positive outcome, ensuring solutions respectful of the nature and freedom of the Church for the good of society as a whole.
The activity of the Papal Representatives accredited to states and international organizations is likewise at the service of religious freedom. I would like to point out with satisfaction that the Vietnamese authorities have accepted my appointment of a Representative who will express the solicitude of the Successor of Peter by visiting the beloved Catholic community of that country... (English)

Năm ngoái đánh dấu việc ký kết và thực hiện một Hiệp định để hỗ trợ hoạt động tôn giáo cho các tín hữu Thiên Chúa giáo trong quân đội tại Bosnia và Herzegovina, và hiện nay đang có những cuộc đàm phán với các nước khác đang diễn ra. Chúng tôi tin tưởng rằng những đàm phán đó sẽ có một kết quả tích cực, bảo đảm cho những giải pháp tôn trọng bản chất và tự do của Giáo Hội vì lợi ích của toàn xã hội.
Tương tự, hoạt động của các Đại diện Toà Thánh tại các quốc gia và với các tổ chức quốc tế là dịch vụ cho tự do tôn giáo. Với sự hài lòng, tôi xin lưu ý rằng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận việc tôi bổ nhiệm một đại diện (tại Việt Nam); người đó sẽ viếng thăm các cộng đồng Thiên Chúa giáo yêu quý tại quốc gia đó...

Vắn tắt, GH Benedict XVI cho rằng những thoả hiệp giữa giáo hội và chính quyền khắp nơi sẽ đưa đến kết quả tốt cho cả tự do của Giáo hội và cả xã hội địa phương đó. Trong bài diễn văn (đọc bằng tiếng Pháp) GH Benedict XVI không nói tự do tôn giáo ở Việt Nam đã hoàn thiện, cải tiến hay tiến bộ mà chỉ nói rằng hoạt động của đại diện Toà Thánh là phục vụ cho tự do tôn giáo. Và GH rất hài lòng khi được nhà nước CHXHCN Việt Nam chấp nhận sự bổ nhiệm TGM Leopoldo Girelli làm Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam.

Bài diễn văn thường niên với ngoại giao đoàn ở Vatican, là một văn bản ngoại giao, với ngôn ngữ chính trị của một quốc gia với đại sứ của các nước có quan hệ ngoại giao với chính quyền Vatican.

Ngoài vai trò của một thực thể chính trị, Vatican còn là chủ chăn của giáo hữu kitô trên toàn thế giới. Vì thế, trong cùng bài diễn văn đề cao giá trị của tự do tôn giáo, tín ngưỡng là quyền của mỗi con người, GH lên án Pakistan, Egypt, Iraq, và Trung Quốc. Sự kiện trong cùng diễn văn đó GH hài lòng được chính quyền Hà Nội chấp thuận sự bổ nhiệm TGM Girelli ngay đỉnh điểm Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI sau những sôi động trong cộng đồng Thiên Chúa giáo suốt 3 năm qua là một thái độ chính trị khiến người ta tự hỏi, “có phải người Thiên Chúa giáo Việt Nam là kitô hữu hạng hai, hạng ba trên thế giới?”

Cũng vào đầu năm, vào dịp kỷ niệm 350 năm có Đại biện Toà Thánh ở Đàng Trong và Đàng Ngoài và 50 năm có hàng Giáo phẩm tại Việt Nam, ngày 06/01/2011 tại La Vang, Hồng y Ivan Dias – Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, Đặc sứ của GH Benedict XVI, nói với khoảng ½ triệu kitô hữu từ 26 xứ đạo của Việt Nam, “Tôi tin rằng tự do tôn giáo sẽ được đảm bảo và các tổ chức tôn giáo địa phương và dân chúng, không phân biệt tôn giáo, sẽ có điều kiện thuận lợi để công khai bày tỏ và thực hành tín ngưỡng của họ.”

Hồng y Dias còn nói sự hợp tác giữa Nhà nước và Giáo hội “như cha và mẹ trong một gia đình. Khi cha mẹ thuận hòa, thì con cái hạnh phúc hơn. Và tôi mong Chúa sẽ giúp Giáo hội và Nhà nước ở đây được như thế.” (10)
Có phải đây là chính sách và ước vọng ngàn đời của Vatican?
Mặt khác, đó là một phát biểu rất có vấn đề. Vấn đề không ở chỗ Đặc sứ Vatican ngụ ý nhà nước và giáo hội địa phương vẫn hục hặc với nhau mà nghiêm trọng hơn là việc Hồng y Đặc sứ của GH Benedict XVI đã trộn lẫn giáo quyền và chính quyền (Church power vs. State power).

Là chủ chăn, Vatican (hay Giáo hội) muốn nhận là cha hay mẹ của của cộng đồng dân Chúa là việc thuộc sinh hoạt nội bộ Thiên Chúa giáo; tuy nhiên đặt chính quyền Hà Nội làm cha mẹ của dân, Hồng y Ivan Dias không những đã xúc phạm đến 85 triệu công dân nước Việt Nam mà còn đi ngược hẳn với xu thế dân chủ trên toàn thế giới. Đó là một quan điểm rất phong kiến đến ngay cả nhà nước độc tài địa phương chưa dám công khai tuyên bố. Ngoài việc vẫn tôn sùng một “cha già dân tộc” để làm lá chắn cho chế độ độc tài chuyên chính, ở Hà Nội, tập đoàn Cộng sản hiện nay vẫn chỉ dám nói họ là “đầy tớ của nhân dân”.

Hơn nữa, ai lại xin Chúa để mục tử đi vào hang của quỷ dữ.

“At the service of religious freedom, au service de la liberté religieuse”, vì tự do tôn giáo, hy vọng giới lãnh đạo ở Vatican không quên tại sao có những cuộc tụ họp đông đảo giáo dân ở Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa và Loan Lý.

Người ta có muốn cũng khó xoá khỏi ký ức biến cố Đồng Chiêm và cũng khó mà bịt tai nhắm mắt trước sự việc đang xẩy ra ở Cồn Dầu, Đà Nẵng. Có ai, trong cộng đồng giáo dân Việt Nam, đã quên được hay bằng lòng việc TGM Ngô Quang Kiệt bỗng dưng chuyển sang từ chức (“vì sức khoẻ”), rồi phải xuất ngoại (“đi chữa bịnh”) xong lại hồi hương? Hay, nghĩ như con chiên thuần thành thì “mọi việc xẩy ra đều đúng như ý Chúa định”?

Chúa hay “cha và mẹ” đã định TGM Kiệt phải từ chức khi mới 58 tuổi để dọn đường cho TGM Girelli, sắp 58 tuổi?

Trở lại vấn đề giữa Vatican và Hà Nội. Tất cả mọi tính toán, xếp đặt, hỗ trợ của Toà Thánh - trong phạm trù tín lý và phụng tự - để giáo dân Việt Nam có đời sống tâm linh trong tự do và hạnh phúc đều đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên mục đích rao giảng phúc âm, tự do tôn giáo, chưa thể là hiện thực khi chưa có đối xử công bằng với kitô hữu toàn thế giới, khi Toà Thánh hay giáo hội địa phương chưa được quyền tự do bổ nhiệm mục tử, hay khi Pope còn phải đợi Hà Nội chấp thuận người đại diện cho Toà Thánh. Và cũng không kém quan trọng, Vatican hay những sứ thần của Toà Thánh nên ứng xử sao cho giáo quyền và chính quyền đừng ngủ với nhau.

Không phải thoả hiệp chính trị nào giữa giáo hội và chính quyền đều đưa đến quả tốt cho Giáo hội và xã hội. GH Benedict XVI và cả nội các Vatican hẳn không ai quên bài học concordat giữa GH Pius XII và Hitler, 21/07/1933; kết qủa của thoả hiệp chính trị đó đã là lịch sử.

Sự im lặng của những người có thể làm nên chuyện (TGT viết nghiêng) đã làm hằn dấu trên cuộc đời của chúng tôi và con cháu chúng tôi, những người phải chia sẻ nỗi đau thương từ suốt bao năm qua…
Những người sống sót từ hoả lò (11)

Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, TGM Leopoldo Girelli, có làm cho sinh hoạt tôn giáo của kitô hữu Việt Nam tốt hơn, người Thiên Chúa giáo Việt Nam được tự do sống đời sống tâm linh hơn và tự do tôn giáo ở Việt Nam? Đó vẫn còn là chuyện của tương lai.

Hiện tại, tất cả người Việt Nam, những ai có thể làm nên chuyện, xin đừng im lặng.

© DCVOnline




(1) http://snipurl.com/224ckk [www_vatican_va]
(2) http://snipurl.com/224f3z [tgpsaigon_net]
(3) http://snipurl.com/224fe0 [www_asianews_it]
(4) Bản tin của BBC Tiếng Việt (thứ sáu, 14 tháng 1, 2011) ghi “Chức danh của Ngài trong quan hệ với Việt Nam là “đại diện không lưu trú của Toà thánh La Mã” và hiển nhiên là thấp hơn chức danh Khâm sứ, tức Đại sứ của Vatican ở Singapore. Ở đây, BBC Tiếng Việt cũng dùng “Khâm sứ” (Apostolic Delegate) để chỉ chức danh Sứ thần (Apostolic Nuncio) tức Đại sứ của TGM Girelli. http://snipurl.com/224fp6 [www_bbc_co_uk]
(5) http://snipurl.com/224i3u [www_vaticandiplomacy_org]
(6) Delegation to Viêt Nam, http://snipurl.com/224iqy [www_catholic-hierarchy_org]
(7) Vatican Diplomacy, http://snipurl.com/224j9m [www_catholic-pages_com]
(8) http://snipurl.com/21tiwg [www_vatican_va]
(9) Bản tiếng Việt của lá thư TGM Girelli gởi Hồng y Mẫn trên tại trang nhà của Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110202/8773) dịch “Apostolic Nunciature in Indonesia” thành Khâm sứ Toà Thánh ở Inđônêsia và “Apostolic Nucio” thành Khâm sứ là không chinh xác.
(10) Xem “Vatican official confident of religious freedom”, http://snipurl.com/224lke [www_ucanews_com]; Envoy: Church, State Teamwork Makes for Happy Citizens, http://snipurl.com/224lwn [www_zenit_org] và Đoàn Xuân Lộc, Nhà nước và Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, http://snipurl.com/224m3p [www_bbc_co_uk].
(11) Lược dịch lại từ bản tiếng Anh của John L Allen Jr lá thư gởi GH Benedict XVI nhân dịp GH thăm viếng Đại giáo đường Do Thái ở Rome, Holocaust survivors: ‘Silence has marked our lives’, NCR, 18 January 2010 “Quei silenzi hanno segnato le nostre vite”: La lettera che i sopravvissuti ai campi di sterminio hanno consegnato a Benedetto XVI in Sinagoga, Corriere della Sera, 18 January 2010.
Video GH Benedict XVI đọc diễn văn trước Ngoại giao đoàn tại Vatican (Tiếng Pháp) http://vod.vatican.va/auguri11012010.mov
.
.
.

No comments: