Lý Thái Hùng
Cập nhật ngày: 2/02/2011
Cách nay hơn 25 năm, để chuẩn bị cho cuộc tổng đình công trên toàn quốc vào ngày 1 tháng 5 năm 1987, ông Lech Walesa và ban lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết đã phải chuẩn bị ráo riết trong vòng 3 tuần lễ. Đặc biệt họ đã phải huy động hàng tấn giấy để in truyền đơn một cách bí mật tại các nhà thờ vào lúc nửa đêm. Sau đó, ban lãnh đạo Công Đoàn đã huy động rất đông những người nữ công nhân, thanh niên sinh viên và các vị nữ tu tiếp tay trong việc tán phát tờ truyền đơn đi các thành phố lớn. Kết quả của 3 tuần lễ chuẩn bị này có 10 thành phố tham gia đình công và tại Thủ đô Warsaw, Công Đoàn Đoàn Kết đã quy tụ được gần 30 ngàn người tham gia biểu tình.
Với khí thế lớn đó, Công Đoàn Đoàn Kết tiếp tục cho in và tung ra hàng triệu tờ truyền đơn khác, lần này có thêm một số hình ảnh đình công ở các nơi nhưng bị lem luốc do mực bị nhòe vì tung ra quá sớm không chờ khô mực. Thế nhưng những tờ truyền đơn in dã chiến này đã thu hút sự tham gia nồng nhiệt của dân chúng Ba Lan sau đó. Năm ngày sau khi phát động cuộc đình công, ngày 5 tháng 5 năm 1987, hơn 70 ngàn người đã tụ tập biểu tình tại Thủ đô Warsaw, khiến cho nội bộ đảng Cộng sản Ba Lan lúng túng đối phó. Cuối cùng phe cải cách đã ép Thủ tướng Jaruzelski, thủ lãnh nhóm bảo thủ phải từ chức, thay thế bởi Thủ tướng Mesnel, chủ trương đối thoại với Công Đoàn Đoàn Kết để tìm cách giải quyết các khủng hoảng. Hai năm sau, đảng Cộng sản Ba Lan tan rã, Công Đoàn Đoàn Kết thắng thế trong cuộc bầu cử tự do vào năm 1989.
Một phần tư thế kỷ sau, nhìn vào hai cuộc nổi dậy của người dân tại Tunisia và Ai Cập hiện nay, người ta thấy là các nhóm chống đối tại đây đã điều hướng những cuộc đấu tranh quần chúng hoàn toàn khác về hình thức lẫn kỹ thuật so với cuộc tranh đấu của ông Lech Walesa và Công Đoàn Đoàn Kết 25 năm về trước.
Tại Tunisia, khi tin của sinh viên Mohammed Bouazizi, 26 tuổi, tự thiêu tại thành phố Sidi Bouzid, cách Thủ đô Tunis 256 cây số vào ngày 17 tháng 12 năm 2010, chỉ có một số sinh viên tại đây, qua Gmail đã thông báo và phóng hình ảnh tự thiêu để vận động bạn bè phải làm một cái gì đó cho sinh viên Bouazizi. Hai ngày sau, ngày 19 tháng 12, sinh viên các nơi đã nhập cuộc, họ đã tung hình ảnh tự thiêu của Bouazizi lên Facebook, Blog và nhất là dùng Twitter, SMS đưa ra các lời kêu gọi tụ họp để tranh đấu bằng những phản đối cụ thể. Họ đã chọn khẩu hiệu: “Ben Ali, chúng tôi không còn sợ ông nữa”, “Ben Ali, chúng tôi cần Bánh Mì, Việc Làm và Nhân Phẩm”.
Ngày 20 tháng 12, hàng ngàn người đã ghi danh trên Facebook tham gia các cuộc tụ họp biểu tình tại Thành phố Sidi Bouzid, sau đó đã nhanh chóng lan sang các thành phố khác như Jendouba, Sousse, Sfax và Thủ đô Tunis. Đến ngày 22 tháng 12, số người tham gia biểu tình đòi Tổng thống Ben Ali từ chức tại Thủ đô Tunis lên đến nửa triệu người, đa số là giới trẻ. Kết quả vận động này phải nói là nhờ các trang mạng xã hội qua Facebook, Twitter đã góp phần rất lớn không chỉ vận động số đông tham gia mà còn hướng dẫn chi tiết về địa điểm, hành động và nhất là chia xẻ với nhau những nội dung phản đối chính quyền để tạo một sự thống hợp chung giữa các thành phố.
Tuy không có ai là lãnh đạo, và không có bộ chỉ huy điều hướng cuộc biểu tình trên trận địa giữa các thành phố, và giữa các nhóm người tham gia biểu tình, nhưng qua những trao đổi trên các trang mạng xã hội mọi người đã tuân phục những “hiệu lệnh” để giữ được sự thống nhất trong việc tránh đối đầu với công an; tìm cách tranh thủ quân đội và cô lập hệ thống truyền thông của chế độ độc tài Ben Ali. Đây là đặc điểm nổi bật thứ nhất của cuộc nổi dậy tại Tunisia.
Đương nhiên, nhà cầm quyền Tunisia đã không ngồi yên. Họ đã tung lực lượng công an mạng (CAM) ngăn chận việc truy cập Internet và kiểm duyệt các trang web tin tức, các trang mạng xã hội như Facebook, Blog, Twitter, đồng thời họ vào xoá những trang mạng nào mà họ cho là ảnh hưởng xấu đến chế độ. Tuy nhiên, chính quyền Tunisia đã ngăn cản trong tuyệt vọng khi mà hàng triệu người tìm mọi cách vượt tường lửa để thông báo tin tức và chia xẻ những cảm nghĩ của họ sau 23 năm sống dưới thể chế độc tài Ben Ali. Chính những mẫu chuyện này cùng với hình ảnh của những người đi biểu tình bị công an bắn chết đã thôi thúc sự căm phẫn của người dân Tunisia.
Đến ngày 13 tháng 1 năm 2011, số người xuống đường biểu tình trên toàn quốc lên đến hơn 1 triệu. Đây cũng là ngày Ben Ali xuất hiện lần đầu tiên trên đài truyền hình quốc gia tuyên bố một số điều nhượng bộ trước sự chống đối của người dân như sẽ không ra tranh cử Tổng thống năm 2014, sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 6 tháng; nhưng đã quá trễ. Ben Ali đã phải dẫn gia đình chạy tỵ nạn tại Á Rập Saudi vào sáng ngày 14 tháng 1 năm 2011 sau đúng 4 tuần lễ biến động.
Tại Ai Cập, khí thế của cuộc cách mạng Hoa Lài tại Tunisia đã tác động mạnh mẽ lên giới trẻ tại hai thành phố lớn của Ai Cập là Cairo và Alexandria. Nhóm trẻ trong Phong trào Trẻ 6 Tháng Tư (April 6 Youth Movement), đa số dưới 30 tuổi đã dùng Facebook vận động một cuộc tụ họp dự tính vào ngày Thứ Ba 25 tháng 1 để chống chính quyền độc tài Mubarak. Đã có hơn 90 ngàn người ký tên qua Facebook sẵn sàng tham gia. Cuối cùng đã có hàng trăm ngàn người, đa số là thanh niên, đã túa ra đường và cùng nhau hướng về tụ họp tại Công Trường Giải Phóng, Thủ đô Cairo vào ngày 25 tháng 1 năm 2011.
Liên tiếp những ngày sau đó, nhiều nhóm trẻ khác đã liên kết với Phong Trào Thanh Niên 6 tháng 4 qua Facebook và Twitter để mở rộng phạm vị vận động lan ra các thành phố khác như Suez, Ismailiya. Chính quyền Mubarak ra lệnh thiết quân luật, đưa quân đội vào trấn đóng một số khu vực trọng yếu, nhưng dân chúng bất chấp lệnh, túa ra đường ngày một nhiều hơn. Quân đội đã án binh bất động. Mặc dù có đến hơn 100 người bị tử thương do những cuộc đụng độ với công an và vài toán quân đội, nhưng đã không làm cho giới trẻ chùn bước vì quân đội không chịu ra tay dẹp biểu tình theo lệnh của Mubarak.
Thứ sáu, ngày 28 tháng 1, các nhóm trẻ đã quyết định tổ chức một buổi lễ cầu nguyện tại nhà thờ lớn ở Thủ đô, trước khi tuần hành trên đường phố. Họ đã dùng Gmail, Facebook, Twitter và SMS để tung hàng loạt lời mời tham dự thánh lễ này. Trong ngày này, Tiến sĩ Mohamed ElBaradei, một lãnh tụ đối lập, nguyên giám đốc Cơ quan thanh tra nguyên tử năng Thế giới (IAEA) và Khôi Nguyên giải Nobel Hòa Bình, đã từ Vienna, Áo, trở về Cairo, và cũng đã đến tham gia lễ cầu nguyện; sau đó, mọi người đã cùng tuần hành hướng về Công Trường Giải Phóng đòi Tổng thống Mubarak từ chức.
Để ngăn chận giới trẻ sử dụng mạng Internet tung các đợt vận động chống chính phủ, Tổng thống Mubarak đã ra lệnh ngưng các dịch vụ Internet, điện thoại di động trên toàn quốc từ sáng thứ Bảy, ngày 29 tháng 1. Nhưng chính quyền Ai Cập đã không thể đóng toàn bộ Internet vì nếu làm như vậy chẳng khác nào biến Ai Cập thành một ốc đảo khác thường, gây nguy hiểm thêm về các mặt kinh tế, thương mại, đối ngoại cho Ai Cập nên đã phải mở cổng Internet nhưng tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Giới trẻ và các nhóm đối kháng tiếp tục khai dụng mạng Internet để liên lạc và tiếp tục nhồi sóng các cuộc tụ họp qua Facebook, Twitter.
Ngày chủ nhật, 30 tháng 1, các nhóm đối kháng cũ và mới đã gặp nhau. Sau những thảo luận về hướng chiến lược tương lai, họ đã đồng ý đề cử Tiến sĩ ElBaradei làm đại diện ủy ban chống chính phủ thương lượng với phía quân đội Ai Cập để hình thành chính phủ chuyển tiếp trong ôn hòa. Đồng thời họ tìm cách liên kết các nhóm chống chính phủ như nhóm Huynh Đệ, nhóm Hiệp Hội Quốc gia vì Thay đổi, Đảng Wafd, Mặt trận Dân chủ, Phong trào Trẻ 6 tháng 4 và nhất là những nhóm trẻ mới thành hình trên trang mạng xã hội Facebook tạo thành một thế liên minh dân tộc mới. Lãnh đạo của liên minh này đa số là những người trẻ trên dưới 30, dùng đường phố làm nơi tụ họp và Facebook làm nơi huy động và trao đổi các sách lược hành động.
Để đánh dấu sự ngồi lại giữa các nhóm đối kháng cũ và mới, đồng thời đánh dấu cuộc đấu tranh bước sang tuần lễ thứ hai, Phong trào Trẻ 6 tháng 4 đã tung ra thông điệp mới của liên minh kêu gọi cùng nhau “Diễn Hành 1 Triệu Người” vào sáng ngày 1 tháng 2 năm 2011. Khi thông điệp này được đưa ra trên mạng Facebook vào chiều 31 tháng 1, đã có non nửa triệu người ghi danh tham gia. Trong khi đó, những du học sinh và kiều bào Ai Cập tại các nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại… cũng đã kêu gọi cùng nhau xuống đường vào ngày 1 tháng 2 để ủng hộ đấu tranh quốc nội. Chính quyền Mubarak đã tìm cách ngăn cản cuộc Diễn Hành này bằng cách ngưng dịch vụ Internet, điện thoại di động, xe buýt, xe điện tại hai thành phố lớn là Thủ đô Cairo và Alexandria; nhưng đã không cản được làn sóng xuống đường của quần chúng.
Trước những áp lực mạnh mẽ của công luận, Tổng thống Mubarak lại xuất hiện một lần nữa trên đài truyền hình quốc gia vào sáng ngày 1 tháng 2, tuyên bố rằng ông sẽ không ra tái tranh cử vào tháng 9 tới đây. Tuy nhiên, không còn ai chú ý đến điều tuyên bố của ông Mubarak và tất cả dư luận đều đòi hỏi ông và gia đình phải ra đi như nhà độc tài Ben Ali của Tunisia.
Qua những diễn biến vận động quần chúng tại Tunisia và Ai Cập, rõ ràng là giới trẻ và Internet đã giữ một vai trò quyết định và then chốt trong việc tung ra những đợt đấu tranh tạo các áp lực lên chính quyền Tunisia và Ai Cập. Tình hình hiện nay cho thấy là sự sụp đổ của chính quyền Mubarak chỉ còn là thời gian vì đa số quân đội đã và đang đứng về phía lực lượng quần chúng.
Tóm lại, sự ra đời của mạng Internet vào cuối thế kỷ 20 đã không chỉ làm bùng nổ cuộc cách mạng thông tin mà còn trở thành vũ khí giúp cho nhân loại, đặc biệt là người dân trong các quốc gia độc tài, xé tan sự bưng bít và huy động sức mạnh quần chúng xuống đường giành lại quyền làm người trên một đất nước tự do, dân chủ.
Lý Thái Hùng
Ngày 1 Tháng 2 Năm 2011
Ngày 1 Tháng 2 Năm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment