Wednesday, February 9, 2011

VĂN CHƯƠNG VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI, TRÊN NGÓ XUỐNG (Lâm Quang Thăn)

09.02.2011

Đầu năm đang dọn thế để đi ra ngoài lấy hên, ngó lên cao thấy ngay ông Nguyễn Thanh Sơn trên báo Thể thao - Văn hóa, số ra ngày 8-2-2011, trả lời cái phỏng vấn: “Văn học Việt Nam đang phải trả giá”.

Trả giá đâu hổng biết, chí thấy phán mấy ý rất to này. Thăn tui xin trích hầu bà con.

“... Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi... Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn. Hãy nhìn thử xem, văn học hải ngoại, sau bao nhiêu năm, được xem là hoàn toàn tự do, tại sao họ không có tác phẩm lớn?”

“... Nói thì có vẻ hơi sáo, nhưng nói thật, văn chương phải phấn đấu vì một điều gì đó cao quý”.

“... thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị. Chúng ta muốn viết hay, muốn phấn đấu cho điều gì thì phải tin vào những giá trị, còn thế hệ 8X là thế hệ không có giá trị. Họ không biết giá trị của họ ở đâu, không biết giá trị của văn chương, của nghệ thuật ở chỗ nào. Họ không xác định được giá trị cho họ”.

Bà con anh chị em cô bác nào có ý gì mới, xin bàn vào cho tui học hỏi nhờ.
Kính.
Thăn Sài Gòn.


09.02.2011

Trong bài trước, Thăn tui đã trích hầu bà con mấy ý rất to của ông Nguyễn Thanh Sơn từ cái phỏng vấn: “Văn học Việt Nam đang phải trả giá.trên báo Thể thao - Văn hóa, số ra ngày 8-2-2011.

Trong bài này, Thăn tui xin đưa ra vài lời bình con con. Bà con nào có hứng xin góp vui vào vài tiết mục.

1.

Nguyễn Thanh Sơn: “... Nói thì có vẻ hơi sáo, nhưng nói thật, văn chương phải phấn đấu vì một điều gì đó cao quý”.

Thăn: - À, cao quý, đúng lắm. Nhưng cao quý là gì nhỉ? Và cao quý là đồng chí cao quý nào đây?
“Với tình cảm đẹp người ta chỉ đẻ ra thứ văn chương rẻ tiền”, A. Gide nói đại ý thế. Ông nhà văn Pháp này đã viết về điều không đẹp, hay ông xuất phát từ tình cảm không đẹp, không cao quý. Cái không đẹp kia đã làm nên sự nghiệp khổng lồ.
Còn Nguyễn Thanh Sơn, “điều gì đó cao quý” của ông có lẽ khác Gide chăng? Không sao! Nhưng xin ông Sơn làm ơn chỉ rõ ra cho nhà văn xứ An Nam này thấy cái món cao quý kia đi.

2.

Nguyễn Thanh Sơn: “... thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị. Chúng ta muốn viết hay, muốn phấn đấu cho điều gì thì phải tin vào những giá trị, còn thế hệ 8X là thế hệ không có giá trị. Họ không biết giá trị của họ ở đâu, không biết giá trị của văn chương, của nghệ thuật ở chỗ nào. Họ không xác định được giá trị cho họ”.

Thăn: - Thế hệ 8X “mất niềm tin, mất giá trị”, “thế hệ không có giá trị”, “không biết giá trị của họ ở đâu”, “không biết giá trị văn chương”,“không xác định được giá trị cho họ”. Ghê quá xá quà xa!!!!
Hỏi nhà phê bình văn học đã chuyển nghề để làm phê bình điện ảnh kêu ca mấy nỗi giá trị, giá trị, giá giá trị, vậy giá trị nào đây? Giá trị văn chương Tiền chiến hay hiện thực xã hội chủ nghĩa, của Thơ Mới hay thơ miền Nam?

Tạm nêu tên Nietzsche ra bảo chứng. Ông triết gia Đức này tuyên bố lật đổ mọi giá trị. Và dĩ nhiên cạnh đó, ổng nói rõ giá trị nào cần lật đổ, để sáng tạo

Hay nói như nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc:
“Là người Việt Nam, không thể làm một nhà văn đúng nghĩa nếu trước hết không phải là một kẻ phản bội có ý thức: phản bội quá khứ, phản bội truyền thống, phản bội tất cả những di sản tinh thần đã góp phần hình thành nhân cách và văn cách của mình”
(Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, trang 284).

Rất ư rõ ràng rành mạch. Còn ông Nguyễn Thanh Sơn? Đâu là giá trị mà ông muốn nhà văn nhà thơ Việt Nam thế hệ 8X có???
Và cuối cùng...

3.

Nguyễn Thanh Sơn: “... Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi... Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn. Hãy nhìn thử xem, văn học hải ngoại, sau bao nhiêu năm, được xem là hoàn toàn tự do, tại sao họ không có tác phẩm lớn?”

Thăn: - Ừa, tự do ghê gớm lắm. Tự do như rứa như rứa đó...
Thăn tui lấy một ví dụ cỏn con này.
Các trào lưu văn chương thế giới đương đại không được dạy trong Đại học, cùng với nó là các sáng tác phản biện [phản động, phản thùng...]. Rồi các thứ bị khép cái tội “phản” này không được báo chí chính thống [cả giấy lẫn mạng] đăng; nếu có lỡ đăng thì bị cào xuống và Ban biên tập bị kiểm điểm ngay tức thì. Các độc giả chuyên nghiệp tục gọi là nhà phê bình [à, xin trừ Nguyễn Thanh Sơn ra] cũng tránh nói, tránh bàn đến nó, dĩ nhiên ngoại trừ miệt thị. Từ đó độc giả phổ thông cứ muôn năm đọc theo, nghe theo. Nghĩa là nguy cơ nhà văn có được tác phẩm đầy phẩm chất sáng tạo bị cơ chế cho ra rìa. Tất!
“Người viết hoàn toàn tự do” vi vu như thế như thế... đấy!!!

Ôi trời đất quỷ thần nhà ma ơi!

Thăn Sài Gòn.

.
.
.

No comments: