Wednesday, February 9, 2011

HOA ĐÀO NĂM CŨ THÔI CƯỜI GIÓ ĐÔNG

Tạ Phong Tần
07/02/2011

Tết Tân Mão năm nay, ngoài những phố hoa tự phát ven các con đường nội ô Sài Gòn, thì Sài Gòn có các chợ hoa tết lớn ở công viên 23-9 (quận 1, đối diện khách sạn New World), công viên Lê Văn Tám (quận 3, gần chợ Tân Định) và công viên Gia Định (đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp).

Những loại hoa quen thuộc năm nào cũng có như: Cúc đồng tiền diễm lệ, cúc đại đóa sang trọng, kim cúc nhỏ nhắn e ấp, bạch cúc trắng sáng tinh khôi… Hoa hồng bây giờ không phải đơn sắc như ngày trước mà ngày càng xuất hiện nhiều loại hoa màu sắc mới được nhập khẩu và trồng ở Đà Lạt: hoa hồng xanh, hoa hồng hai màu, hoa hồng cánh có gân màu khác… Năm nay, mai vàng miền Tây miệt Đồng Tháp (Sa Đéc), Tiền Giang (Mỹ Tho) trúng mùa.

Chợ hoa công viên Gia Định chủ yếu là mai vàng, tắc và cúc các loại. Toàn bộ mặt tiền khu công viên Gia định đều bày đồng loạt mai vàng nguyên cây lớn nhỏ đủ loại trong chậu gốm đỏ. Phía bên công viên đối diện thì trưng bày hàng hàng lớp lớp chậu tắc (quất) xanh mướt trĩu dày những quả tắc nổi bật màu vàng tươi trên nền lá xanh tươi.
Chợ hoa công viên Lê Văn Tám chủng loại hoa cũng tương tự như ở công viên Gia Định.

Công viên Hoàng Văn Thụ (gần Lăng Cha Cả cũ, nay là bùng binh Cộng Hòa, quận Tân Bình) lại bán chuyên về hoa đào miền Bắc. Cả khu đất công viên có đến hơn 1.000 gốc đào lớn nhỏ đủ cỡ. Một chủ nhà vườn giới thiệu hoa đào của anh là giống đào Nhật Tân (Hà Nội) nhưng năm nay anh thuê đất trồng đào ở Hải Dương vì đất vườn đào nhà anh bị giải tỏa hết rồi. Giá cây đào to nhất anh bán đến 12 triệu đồng, cây nhỏ nhất (1 nhánh) 1 triệu đồng. Anh than: “Năm nay phải thuê đất trồng đào, công chăm sóc, phân bón đổ vào nhiều, gặp khi trời rét quá đào không đơm nụ được. Cầu mong bán được hết lời lãi được chút đỉnh là mừng rồi, không ham phát tài nhờ đào nữa”.

Tại công viên 23-9, nơi được người Sài Gòn coi là chợ hoa “sang trọng” nhất miền Nam vì nơi đây tập trung rất nhiều chủng loại hoa lạ, phong phú thuộc hàng cao cấp nên giá tiền cũng cao ngất trên trời. Từ các chậu lan giá hàng chục triệu đồng đến các bức tranh ghép bằng hoa ép khô giá đến 25 triệu đồng/bức diện tích (2m x 1,2m).
Hoa đào vẫn được bày bán rất nhiều, nhưng giống như ở công viên Hoàng Văn Thụ, đều được người bán dùng bọc ni-lông trắng bọc kín và cột chặt lại, khách muốn xem cây thế nào, nụ hoa ra sao không dễ lựa. Những gian hàng này đều là đào trồng ở tỉnh Thái Bình, Hải Dương.

Duy nhất một gian hàng của nhà vườn Tuấn Sơn tôi đếm được có hơn 50 gốc đào đặt trong chậu gốm đỏ không bị cột ép trong bọc ni-lông, khách mua tha hồ ngắm nghía, sờ mó. Ông chủ hàng tự hào chỉ cho tôi xem tấm băng-rôn căng ngang trên gian hàng: “Đào quất cổ truyền – Phú Thượng (Tây Hồ) Hà Nội”, rồi nói: “Đào của tôi mới chính hiệu là đào trồng tại Hà Nội”. Tôi hỏi: “Đào Hà Nội và đào trồng ở nơi khác thì khác nhau chổ nào?”. Ông chủ vườn nói: “Khác nhiều lắm chớ, do khí hậu, thổ nhưỡng. Đào của tôi màu sắc hoa tươi hơn, bông nở lớn hơn, chắc chắn hơn, nụ hoa nhiều hơn, hoa nở lay không rụng nên tôi không thèm bó lại. Ai muốn xem tôi cho xem tự nhiên, còn đào kia họ bó lại vì đào của họ hoa kém hơn của tôi. Giống đào Nhật Tân mà mang trồng ở nơi khác thì hoa sẽ kém đi”. Vừa nói, ông vừa lấy tay lay mấy nhánh đào, làm cho những bông hoa trên cành rung rinh chấp chới trong ánh đèn điện sáng choang. Tôi nói: “Phú Thượng cũng là Hà Nội, không phải Nhật Tân. Tôi nghe nói ở miền Bắc đào Nhật Tân là hạng nhất”. Ông chủ vườn nói: “Năm nay ngoài đó chỉ còn vài trăm gốc đào Nhật Tân thôi, đất trồng đào ở Nhật Tân bị giải tỏa hết rồi, rét nhiều nên đào cũng bị thất thu, làm gì có nhiều đào Nhật Tân mà chở vô Sài Gòn bán”.

Như lời ông chủ nhà vườn Tuấn Sơn, nghĩa là người Sài Gòn năm nay không có hoa đào Nhật Tân đón tết.
“Tương truyền nghề trồng đào có ở Nhật Tân từ xuân Kỷ Dậu, năm 1789. Lúc đó, vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh đã sai người đến Nhật Chiêu (thuộc quận Tây Hồ ngày nay) lấy một cành đào đưa hỏa tốc đến Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa, báo tin thắng trận. Làng đào từ đó phát triển dần và định hình ở bốn xã Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La, Xuân Đỉnh – nay đều đã lên phường” (VnExpress 29/12/2003).

Khoảng năm 1993, diện tích trồng đào ở Nhật Tân vẫn còn tới hàng trăm hécta. “Mỗi độ xuân về, đào nở hồng thắm cả một vùng ngút tầm mắt. Tết đến, người Hà Nội lại về đây để vãn cảnh, hòa vào thiên nhiên và được tự tay mình chọn gốc đào ưng ý về bày”.

Cơn lốc đô thị hóa đã khiến diện tích trồng đào thu hẹp. Khu đô thị mới Ciputra (Nam Thăng Long) thành hình, cầu Nhật Tân mới (được coi là cầu dây văng lớn nhất Việt Nam) và tuyến đường Lạc Long Quân mới mở rộng thênh thang đã biến vùng đất nổi tiếng hoa đào trở thành khu dân cư sầm uất. Ðất đai lên giá ào ào, không ít người trồng đào bán đất đổi nghề. Người không bán đất cũng phá vườn đào xây biệt thự cho thuê.

“Đô thị hóa đã khiến 100% diện tích đất trồng đào của người Nhật Tân. Những lão nông gắn bó với gốc đào hơn nửa đời người ở Nhật Tân phải tiến ra bãi sông Hồng, đắp bờ, tôn bãi để tiếp tục trồng đào. Gần 2,5 ha đất bãi đã được cải tạo thành nơi trồng đào, giữ lại nét tinh túy cuối cùng của thương hiệu đào Nhật Tân một thời. Đào Phú Thượng như một sự tiếp nối cho đào Nhật Tân. Song, đến nay, gần 100% diện tích đất trồng đào ở đây cũng đã nhường cho công nghiệp, đô thị.

Hà Nội chỉ còn duy nhất làng đào La Cả (Dương Nội, Hà Đông). Dù không nổi tiếng, tinh tế như đào Nhật Tân, song, đào La Cả lại hơn hẳn về số lượng. Cả phường Dương Nội có gần 400ha đất canh tác thì chiếm đến 80% diện tích được trồng đào.

Nhưng hiện tại, 16 dự án đang được đầu tư vào Dương Nội đã chiếm gọn hơn 300ha đất nông nghiệp, diện tích đất còn sót lại cũng nằm vào diện đất xen kẹt, đất nằm dưới hành lang điện cao thế, khó đầu tư, song cũng khó canh tác. Trong năm 2010, những dự án này sẽ bắt tay vào triển khai. Bởi vậy, diện tích đất trồng đào làng La Cả chỉ qua Tết Canh Dần cũng sẽ biến mất trong bản đồ làng hoa Hà Nội” (An ninh thủ đô 07/1/2010).

Hà Nội nổi tiếng ngàn năm văn hiến nhờ vào những nét văn hóa riêng, đậm chất dân dã, đặc sắc và thật đẹp với hoa Ngọc Hà, đào Nhật Tân, quất Quảng Bá… Hiện nay, hoa Ngọc Hà không còn, Nhật Tân cũng hết đất trồng đào và Tết Canh Dần 2010, làng đào duy nhất còn sót lại của Hà Nội sẽ biến mất.

Hà Nội chỉ có mỗi một con sông Hồng, so với sông Tiền, sông Hậu ở miền Nam thì sông Hồng không rộng, không sâu bằng. Sông Hồng đã có nhiều cây cầu lớn bắt ngang như: Chương Dương, Long Biên, Thăng Long còn cầu nhỏ thì có: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Yên Lệnh…Nay lại thêm cầu Nhật Tân nằm giữa cầu Thăng Long và Chương Dương không biết để làm gì?

Trong ánh nắng vàng ấm áp Sài Gòn những ngày cận tết, muôn hoa đua sắc thắm rực rỡ đủ màu, nhưng có một loại hoa đã không còn e ấp nở giữa Sài Gòn: hoa đào Nhật Tân Hà Nội. Làng nghề trồng hoa ở Nhật Tân vốn nổi tiếng từ xưa và đi vào văn chương, thi phú từ phong trào Tự Lực Văn Đoàn của các cụ Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Thế Lữ. May nhờ các cụ mà giờ đây người Việt, dù ở nơi đâu trên thế giới, dù thời gian trôi qua gần 1 thế kỷ, dù biển cạn hóa nương dâu, thì hoa đào Nhật Tân vẫn còn sống trong tâm thức, đặc biệt là người Việt trẻ sau này có lẽ chỉ biết đào Nhật Tân qua những nòi bút lãng mạn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Một người dân cả đời trồng đào Nhật Tân trầm ngâm: “Vài năm nữa, người ta chỉ còn nhớ đến Nhật Tân với thương hiệu thịt chó”.

Ngắm nhìn chợ hoa khoe sắc, bất chợt tôi nhớ đến 2 câu thơ của Thôi Hộ tiên sinh đời nhà Đường: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nao/ (Chỉ thấy) hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông). Thôi tiên sinh vẫn còn may mắn hơn là được trông thấy hoa đào năm cũ cười với gió đông, người Sài Gòn năm nay ngay đến hoa đào Nhật Tân năm cũ cũng không có duyên tái ngộ.
.
.
.

No comments: