Wednesday, February 16, 2011

TRUNG QUỐC SẴN SÀNG TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH ĐỂ BẢO VỆ LỢI ÍCH QUỐC GIA

Đảng cộng sản Trung Quốc tuyên bố:
Daily News and Analysis of India  -  Thứ Bảy, ngày 12-2-2011

Người dịch: Đan Thanh
Đăng bởi anhbasam on 13/02/2011

Một bài báo đăng trên một tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gọi những nỗ lực của Mỹ nhằm lấy lòng Ấn Độ và các nước láng giềng khác của Trung Quốc là “không thể chịu nổi”, đồng thời viết rằng Bắc Kinh phải gửi “tín hiệu rõ ràng” tới những nước này, nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng tiến hành chiến tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Bài báo được xuất bản trên tạp chí Qiushi – ấn phẩm chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) – nói rằng Trung Quốc phải tuân thủ một nguyên tắc chiến lược căn bản là không tuyên chiến nhưng sẵn sàng phản công.
“Chúng ta phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới các quốc gia láng giềng, rằng chúng ta không sợ chiến tranh, và chúng ta sẵn sàng tiến hành chiến tranh vào bất kỳ thời điểm nào để bảo vệ lợi ích quốc gia” – bài báo viết, đề xuất một chiến lược hung hăng để chống lại những liên minh của Mỹ đang nổi lên trong khu vực.
“Trong suốt lịch sử của nước Trung Hoa mới (từ năm 1949), hòa bình ở Trung Quốc chưa bao giờ có được bằng cách nhượng bộ, mà chỉ có được thông qua chiến tranh. Việc bảo vệ lợi ích quốc gia chưa bao giờ đạt được thuần túy thông qua đàm phán, mà phải bằng chiến tranh” – theo như bài báo.

Bài báo cũng viết rằng những quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Australia, Philippines, Indonesia và Hàn Quốc đang ra sức tham gia liên minh chống Trung Quốc, vì họ đang có chiến tranh hoặc mâu thuẫn về lợi ích với Trung Quốc.
“Điều đặc biệt không thể chịu nổi là cách Mỹ trắng trợn khuyến khích các nước láng giềng của Trung Quốc chống lại Trung Quốc. Chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Mỹ, vì lẽ ruồi không nhìn chằm chằm vào trứng bao giờ, nếu trứng không hỏng”.
“Họ (tức các nước láng giềng của Trung Quốc – ND) đang nỗ lực trục lợi thông qua việc lợi dụng Mỹ”.

Bài báo đề nghị Trung Quốc sử dụng thương mại và quyền lực kinh tế làm vũ khí kiểm soát các nước láng giềng.
“Những quốc gia láng giềng của Trung Quốc cần có quan hệ thương mại quốc tế với Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần họ; đại đa số thâm hụt thương mại của Trung Quốc là do những quốc gia này gây ra”.
“Do đó, họ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ chịu thiệt hại lớn hơn khi đối kháng với Trung Quốc. Trung Quốc nên tận dụng lợi thế thương mại và quyền lực mang tính chiến lược này. Đây cũng là cách hiệu quả nhất để tránh chiến tranh”.

Bài báo viết rằng Mỹ đã áp dụng một loạt chiến lược để khống chế Trung Quốc, như là thông qua chiến tranh ngoại tệ, thông qua chiến tranh tuyên truyền, bên cạnh việc tiến hành tập trận quân sự và kích động chiến tranh, cũng như triển khai một liên minh chống Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc, theo như bài báo nói, có thể cân nhắc ý định tiến hành chiến tranh kinh tế thông qua các chiến lược nhằm khống chế đồng đôla và sử dụng hiệu quả các diễn đàn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời khởi động chiến tranh không gian bằng cách phát triển vũ khí không gian hạng nặng.

Bài báo cũng đề xướng – như một chiến lược phản công – ý tưởng theo đuổi một chính sách mạnh mẽ chống lại các nước láng giềng tham gia liên minh do Mỹ lập nên, thậm chí xúc tiến cả việc tấn công một kẻ thù nào đó ở gần và hình thành các liên minh chống Mỹ ở châu Mỹ Latin và châu Phi.

Bài báo còn viết rằng Trung Quốc cũng nên tiến hành chiến tranh tuyên truyền bằng việc sử dụng hiệu quả hệ thống báo chí tự do ở Mỹ và các nền dân chủ khác.

Mặc dù đề xuất đường lối cứng rắn với các nước láng giềng, nhưng bài báo đề xuất một giới hạn đối với những nước giàu ngoại tệ như Ấn Độ, nhằm trung lập hóa ảnh hưởng của đồng đôla Mỹ.
“Tất nhiên, để chống lại Mỹ, chúng ta phải tìm ra những vũ khí chủ chốt. Đâu là vũ khí mạnh nhất mà Trung Quốc ngày nay có? Đó là tiềm lực kinh tế của chúng ta, đặc biệt kho dự trữ ngoại tệ (2,8 nghìn tỷ USD). Mấu chốt là phải sử dụng chúng cho tốt. Nếu ta sử dụng tốt thì đó là vũ khí, nếu không thì đó trở thành gánh nặng” – bài báo viết.

Trung Quốc nên đảm bảo rằng ngày một ít quốc gia giữ ngoại hối của mình bằng đồng đôla Mỹ.
“Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ, và Ả-rập Xê-út đều là những quốc gia có dự trữ ngoại tệ nhiều” – bài báo phân tích khả năng của mỗi quốc gia trong việc liên kết với Trung Quốc chống Mỹ.
“Nhật Bản bị kiềm chế bởi Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ và sẽ không bỏ Mỹ… Anh quốc thì luôn luôn theo chân Mỹ, vì thế khả năng họ hợp tác với Trung Quốc rất thấp”.
“Ấn Độ đã là liên minh thân thiết với Mỹ trong nhiều năm qua, và Obama thì đã hứa hẹn ủng hộ Ấn Độ có quy chế thành viên vĩnh viễn trong Hội đồng Bảo an LHQ. Do đó, khả năng Ấn Độ hợp tác với Trung Quốc cũng không cao”.
“Tuy nhiên sức mua của lượng dự trữ ngoại tệ mà Ấn Độ sở hữu rất hạn chế, vì thế họ không thể gây ảnh hưởng nhiều tới tình hình chung”.
Do đó, xét những điều trên, Trung Quốc nên “lấy can đảm” và tiến tới mua thật nhiều các ngoại tệ khác, kể cả đồng rupee của Ấn Độ, từ đó giữ vai trò đi đầu trong việc tác động tới thị trường đôla Mỹ.
Cách tiếp cận này là lối tiếp cận theo thị trường và nhờ đó, sẽ không dễ buộc tội Trung Quốc về bất cứ điều gì.
“Tất nhiên, điều kiện quan trọng nhất vẫn là Trung Quốc phải có đủ can đảm thách thức đồng đôla Mỹ. Trung Quốc có thể hành động theo một trong hai cách. Cách thứ nhất là bán dự trữ đôla Mỹ, cách thứ hai là không mua đôla Mỹ trong một thời gian nào đó”, điều này sẽ làm yếu đồng đôla Mỹ và gây khủng hoảng kinh tế sâu sắc cho Washington.

Với việc Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, hành động của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng thấy rõ lên thị trường.
“Nếu Trung Quốc ngừng mua thì các nước khác sẽ chú ý chặt chẽ đến động thái đó và chắc chắn sẽ làm theo. Một khi lượng đôla in thừa ra không bán được, đồng đôla sẽ tăng tốc độ mất giá và ảnh hưởng của việc này tới tài sản của người Mỹ sẽ cực kỳ lớn.
Mỹ sẽ không thể cưỡng lại sức ép đó và sẽ phải hạn chế việc in tiền”, bài báo viết.

Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: