Song Chi
Fri, 02/18/2011 - 08:57
Nhiều tờ báo lớn của các nước và của Việt Nam vào ngày 14. 2.2011 vừa qua đã đưa tin và bình luận về sự kiện Trung Quốc chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sau khi Nhật Bản thông báo trị giá tổng sản phẩm nội địa năm 2010 chỉ là 5.474, 2 tỷ đô la trong lúc GDP của Trung Quốc lên 5.878, 6 tỷ. Như vậy, Trung Quốc đã đặt được một cột mốc quan trọng nữa trong công cuộc chinh phục vị thế siêu cường và người ta dự đoán, việc Trung Quốc soán ngôi nền kinh tế số một thế giới của Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, một số tờ báo cũng bình luận Trung Quốc hiện nay chỉ mới vượt qua Nhật Bản về GDP, và điều đó thật ra cũng chẳng nói lên gì nhiều bởi dân chúng Nhật Bản vẫn giàu nhất nhì thế giới và có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn Trung Quốc gấp 10 lần. Nền kinh tế Nhật Bản có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ điện tử và ô tô, là một nền kinh tế dựa trên giá trị chất lượng sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần là số lượng; cuộc sống xã hội ở Nhật Bản có chất lượng cao còn nền giáo dục của nước này thì rất nhiều học sinh, sinh viên của các nước châu Á kể cả Trung Quốc ngưỡng mộ, tìm cách sang du học…Trong khi đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng, khoảng cách giàu nghèo, cách biệt giữa thành thị và nông thôn, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, nạn tham nhũng và một chế độ độc tài toàn trị hà khắc. Ngay bản thân nền kinh tế của Trung Quốc cũng chứa đầy những khiếm khuyết, bất ổn sâu xa do hệ quả từ thể chế chính trị và Trung Quốc chỉ mới là một “xưởng sản xuất” chuyên làm thuê, làm hàng nhái cho thế giới chứ chưa có được những thương hiệu danh tiếng.
Nói đến sản phẩm “made in China”, người ta vẫn bị ấn tượng bởi chất lượng kém đi kèm với giá rẻ. Không chỉ kém mà còn có hàng giả, hàng độc hại. Nếu thử vào google gõ mấy chữ “hàng giả, hàng hóa độc hại từ Trung Quốc” thì sẽ ra hàng triệu kết quả. Từ đồ chơi có chứa hoá chất phthalate có thể khiến trẻ em bị nhiễm độc, các loại kem đánh răng có chứa diethylene glycol (DEG), hóa chất độc hại dùng để chống đông bị chính phủ Mỹ cảnh báo trước đây, thuốc cảm có chứa chất glycerine dỏm làm chết người cho đến các sản phẩm dệt may chứa hàm lượng chất formaldehyde rất cao gây tác hại cho da và hệ thống hô hấp và dẫn đến các bệnh về bạch cầu, ung thư phổi…v.v …
Nhất là trong lĩnh vực thực phẩm. Thực phẩm các loại của Trung Quốc bị mang tiếng rất nhiều vì không an toàn, có hại cho sức khỏe con người. Từ trái cây có phun thuốc tăng trưởng hoặc chất bảo quản gây ung thư, mì sợi làm từ gạo mốc và chứa chất phụ gia cũng có thể gây ung thư, cá và mật ong có dư lượng kháng sinh, thủy ngân được tìm thấy trong cá chình và mì, thịt lợn siêu nạc có chứa chất Clenbuterol là một loại phụ gia nguy hiểm gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và trong một số trường hợp có thể gây chết người…Một trong những vụ tai tiếng lớn nhất làm cả thế giới bàng hoàng là vụ sữa trẻ em bị nhiễm chất melamine năm 2008 khiến 6 trẻ em bị chết và 300.000 em khác bị ốm nặng! Rồi rượu giả, đậu giả, trứng gà giả dai như cao su mà lòng trắng trứng làm bằng parafin (một loại hydrocarbon thơm), nếu sử dụng liên tục và thường xuyên sẽ gây bệnh ung thư…
Và mới đây là gạo giả. Những ngày giáp Tết Tân Mão, người Việt ở trong nước xôn xao sợ hãi trước nguồn tin gạo giả xuất hiện tại Trung Quốc. Xuất phát từ một bài báo ở Hongkong, nhiều tờ báo trong nước, như Tuổi Trẻ ngày 22.1.2011 chẳng hạn, đã cho đăng lại thông tin này: “Báo The Korea Times dẫn nguồn từ tuần báo Hong Kong cho biết gạo giả được làm từ khoai tây hoặc khoai lang xay nhuyễn, tạo hình thành hạt gạo rồi sau đó đem trộn với nhựa cao su tổng hợp để định hình và tạo độ trắng cho hạt gạo. Loại gạo này đang xuất hiện ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Báo trên dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Hội Liên hiệp các nhà hàng ở Trung Quốc cho biết: “Nếu ăn ba chén cơm nấu từ gạo trên sẽ tương đương với ăn một túi nhựa vinyl”. Nhựa vinyl là loại nhựa dùng trong ngành công nghiệp sản xuất áo mưa, đĩa hát và bìa cứng... Thông tin về gạo “nhựa” đã được báo chí Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong đưa những ngày qua, tuy nhiên chưa có phản hồi từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc.” Mặc dù báo Tuổi Trẻ, theo lời các doanh nghiệp kinh doanh ngành gạo VN, cũng cho biết rất khó xảy ra chuyện gạo Trung Quốc xuất sang VN. Nhưng người dân vẫn lo lắng.
Những mặt hàng từ Trung Quốc xuất sang Mỹ và các nước châu Âu còn đỡ vì phải vượt qua hệ thống kiểm tra an toàn gắt gao tại các nước này, còn những nước nghèo, đang phát triển ở châu Phi hoặc hàng nhập lậu qua biên giới các nước vùng Đông Nam Á hầu hết là những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng và cực kỳ độc hại. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia mà người dân hết sức thấm thía về điều này.
Từ nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc đã không che dấu tham vọng lớn nhất của họ là Trung Quốc sẽ vươn lên thành một siêu cường, trước mắt là siêu cường về kinh tế sau đó là chính trị và quân sự, có thể vượt qua Mỹ, trở thành bá chủ toàn cầu. Vì tham vọng đó, họ đã tìm mọi cách để tăng trưởng về kinh tế, trở nên giàu hơn, mạnh hơn, mạnh nữa …trong khi không hề ngần ngại tận dụng dân số đông và trẻ, bóc lột sức lao động của người dân với giá rẻ, hy sinh môi trường thiên nhiên và môi trường sống trong lành của con người…
Nhưng mãi say sưa với sự tăng trưởng về kinh tế và cả về quân sự, có lẽ những nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa thật sự hiểu rằng để trở thành một quốc gia có thể giữ vai trò là đồng minh lớn của các nước, thậm chí lãnh đạo thế giới như Mỹ hiện nay, chính quyền và cả thể chế chính trị ở Trung Quốc còn thiếu những giá trị gì hay nói khác đi, cần phải có những giá trị gì? Đó là giá trị của một nhà nước công bằng, tự do, dân chủ, tôn trọng luật pháp và tôn trọng con người. Nghĩa là một nhà nước văn minh và nhân bản. Nếu một nhà nước mà đối nội chưa tôn trọng những giá trị có tính phổ quát toàn cầu như tự do, dân chủ, công bằng, nhân quyền…, chưa đối xử đúng mực với chính nhân dân của họ, thì làm sao có thể tin rằng cái nhà nước ấy sẽ đối xử đàng hoàng văn minh với các dân tộc khác?
Nói về con người, có một nghịch lý mà ai cũng có thể thấy là sự giàu có nhiều khi không đi đôi với văn hóa, văn minh. Với một quốc gia cũng không khác. Sức mạnh về kinh tế hay quân sự không hẳn đã đi đôi với sự giàu có, dày dặn về văn hóa. Trong lịch sử đế quốc La Mã đã từng chiếm được Ai Cập nhưng lại phải nghiêng mình kính phục và dần dần bị chinh phục, ảnh hưởng bởi nền văn hóa, văn minh của Ai Cập là một trong những ví dụ.
Ngay cả giữa văn hóa, và văn minh nhiều khi cũng không song hành với nhau. Na Uy chẳng hạn, là một quốc gia nhỏ bé và văn hóa của Na Uy phải nói thật là không có gì dày dặn nếu so với nhiều quốc gia khác ngay ở châu Âu. Thế nhưng, nói về xã hội/và con người Na Uy, thế giới phải thừa nhận đó là một xã hội/và con người rất văn minh, nhân bản.
Trung Quốc không chỉ lớn mạnh về kinh tế. Trung Quốc còn có cả một bề dày lịch sử văn hóa đáng ngưỡng mộ, điều đó không cần phải bàn. Nhưng xã hội Trung Quốc hiện nay đã được gọi là một xã hội văn minh, nhân bản chưa, đó lại là chuyện khác. Và dù không hề muốn mang tiếng “bài Hoa”, tôi vẫn phải tự hỏi rằng, một xã hội có những con người vì lợi nhuận dám làm ra những sản phẩm độc hại bất chấp sức khỏe, tính mạng người khác thì như thế là văn minh hay dã man? Một quốc gia có những nhà lãnh đạo dám tạo ra những cuộc cách mạng văn hóa, cách mạng đại nhảy vọt hay chiến dịch diệt chim sẻ…làm chết cả hàng chục triệu người, dám cho xe tăng tiến lên nghiền nát nhân dân mình, thậm chí ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng hy sinh một nửa số dân nếu cần thì như thế là văn minh hay dã man? Và trong cách hành xử của chính quyền Trung Quốc lâu nay với nhân dân các nước châu Phi, Lào, Campuchia hay Việt Nam-chỉ biết thu lợi về cho mình,chỉ biết lấy đi tất cả mà không trả lại/xây dựng/tạo ra cái gì bền vững, có lợi cho nhân dân bản xứ v.v… và v.v… thì còn thua cả cách hành xử của các nước thực dân Pháp, Anh trước kia khi đi xâm chiếm các thuộc địa. Ít nhất các nước thực dân này vào thời kỳ đó còn biết trao đổi/cho đi những giá trị văn hóa, văn minh phương Tây.
Thật ra nước lớn nào cũng vậy. Trên con đường tiến thành một cường quốc, các nước đó đã hy sinh hàng thế hệ nhân dân mình và nhân dân các nước nghèo, nhỏ bé khác. Có lịch sử cường quốc nào mà không xây bằng máu, bạo lực, chiến tranh? Và nước lớn nào thì cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của nước mình là trên hết. Tuy nhiên, nếu một nước lớn mà đồng thời lại có thể chế chính trị độc tài và tham vọng bá quyền thì nhân loại sẽ phải lo lắng nhiều hơn, thế thôi.
Với Trung Quốc, muốn trở thành một siêu cường đóng vai trò quan trọng thậm chí lãnh đạo thế giới trong tương lai, sự tăng trưởng về kinh tế hay sức mạnh của “hầu bao” nặng túi hoàn toàn chưa đủ, thiết nghĩ các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước hết cần phải nghĩ đến những khái niệm phát triển bền vững, chất lượng, sự văn minh và nhân bản trên con đường xây dựng đất nước/xã hội mình.
+Trong bài có sử dụng một số tư liệu search trên google từ những bài báo khác nhau về hàng giả, hàng hóa độc hại từ Trung Quốc.
.
.
.
No comments:
Post a Comment