Friday, February 18, 2011

NHỮNG VẤN ĐỀ TRONG PHÁT TRIỂN VỚI TỐC ĐỘ CAO (Trần Kha)

Trần Kha
Đăng ngày 18/02/2011 lúc 01:23:49 EST

Giữa lúc nhiều nước trên thế giới phải giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế vì còn bị chi phối nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới năm 2008, hai nước đông dân nhất thế giới Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng đều đặn với tốc độ cao.

Theo thống kê mới nhất trong năm 2010, tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã vượt qua Nhật. Giới quan sát quốc tế tin rằng tăng trưởng kinh tế của hai nước Ấn Độ và Trung Quốc sẽ còn duy trì ở mức độ cao trong một vài thập niên nữa. Công ty dịch vụ tài chánh Goldman Sachs tiên đoán rằng vào năm 2050, GDP của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ bằng 0,8 lần hoặc cao gấp 1,3 lần GDP của Mỹ, 4,2 lần và 6,7 lần GDP của Nhật.

Thấy gì qua những con số này? Để tiếp tục phát triển với tốc độ cao, của Ấn Độ lẫn Trung Quốc đang đối phó với rất nhiều khó khăn và phải làm những cải tổ đau đớn mà các quốc gia phát triển phương Tây và Nhật Bản trước đó vài chục năm đã từng làm.

Phải làm gì để duy trì tăng trưởng với tốc độ cao?

Nhắc lại, sinh hoạt kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng cao độ sau những cải cách từ tháng 12/1978: mời gọi tư bản quốc tế vào Trung Quốc đầu tư. Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ cũng chỉ thực sự bắt đầu thấy được sau những cải cách sâu rộng về kinh tế từ sau 1991. Trước khi cải cách, cả hai nước đều gặp những khó khăn như nhau: lạm phát, thất nghiệp gia tăng, đồng tiền bị phá giá nhiều lần... Các yếu tố sản xuất như lao động và tư bản đều bị quản lý chặt chẽ: nền kinh tế của hai nước như đứng trên bờ vực thẳm, chỉ cần lấy một quyết định sai là cả một khối ba tỷ người sẽ rơi vào lầm than và bạo loạn. Nhờ có những cấp lãnh đạo sáng suốt, xứng đáng với tầm vóc những quốc gia lớn và đông dân nhất thế giới, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đã tháo gỡ những ràng buộc về hành chánh và kêu gọi tư bản nước ngoài ào ạt vào hai nước này đầu tư. Bắc Kinh cho thành lập nhiều đặc khu kinh tế dọc bờ biển Nam Hoa để trở thành xưởng sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới để thu về ngoại tệ. New Dehli dành cho tư bản nước ngoài mọi dễ dãi để vào Ấn Độ lập hãng xưởng xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là linh kiện tin học, dược phẩm và điện ảnh.

Trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của hai quốc gia này không hề suy giảm. Những đặc khu kinh tế dọc bờ biển Nam Hoa và Tây Ấn đã trở thành những trung tâm sản xuất hàng hóa tinh vi và cao cấp với giá rẻ. Chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài đã như một viên đạn bắn trúng cùng một lúc hai mục tiêu: thu về một khối ngoại tệ khổng lồ và hấp thụ những kỹ thuật sản xuất tiên tiến nhất thế giới. Lượng ngoại tệ thặng dư đã được sử dụng một cách khôn ngoan: tái đầu tư để thu thêm nhiều ngoại tệ hơn nữa để tái đầu tư thu thêm ngoại tệ... Cái vòng lẩn quẩn này không ngờ đã không những đưa hai quốc gia đông dân này ra khỏi nghèo khổ mà còn được cả thế giới kính trọng.

Đối với hai quốc gia khổng lồ này, dân số đông không còn là yếu tố tiêu cực kềm hãm phát triển mà ngược lại đã là động lực thúc đẩy phát triển ở mức độ cao. Cũng nên biết tại hai quốc gia đông dân nhất thế giới này, số người ở lứa tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi), chiếm hơn 60% dân số, cao hơn hẳn khối dân số nhỏ tuổi từ 0 đến 14 tuổi (25%) và trên 65 tuổi (15%) còn lại. Nhờ khối nhân lực non trẻ và có tay nghề cao và rẻ tiền này, hàng hóa của Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm lĩnh mọi thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia Âu Mỹ.

Nhờ số ngoại tệ thu về, hai quốc gia này khống chế những quốc gia giàu tài nguyên nhưng nghèo khó và chi phối toàn bộ thị trường nguyên nhiên vật liệu trên thế giới. Cũng nhờ khối ngoại tệ khổng lồ thu về, các ban lãnh đạo công ty xí nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ đã tái cấu trúc hệ thống sản xuất để thích nghi với thị hiếu của thị trường, nhờ đó nắm vững những kỹ thuật tiên tiến nhất để sản xuất những loại vũ khí hiện đại để tự trang bị hay đe dọa những quốc gia nhỏ yếu hơn.

Tuy nhiên giữ vững tăng trưởng cao là một vấn đề thuộc về văn hóa chứ không phải kỹ thuật hay ý chí. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia phát triển phương Tây và Nhật Bản tuy có thấp hơn Ấn Độ và Trung Quốc nhưng đó là những chỉ số bền vững. Đằng sau những chỉ số này là cả một hệ thống chính trị đề cao tự do cá nhân và khuyến khích ý kiến và sáng kiến, nhờ đó mới có tiến bộ và tăng trưởng đều đặn. Khi lâm nguy, nhờ ý kiến và sáng kiến các quốc gia dân chủ phương Tây vượt qua dễ dàng và còn tiến xa hơn, trong khi các quốc gia độc tài trở nên độc tài hơn và bị tụt hậu.

Dân số đông lúc đầu có thể là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng nhưng với thời gian trở thành một gánh nặng vì xã hội phải nuôi dưỡng số người già mất khả năng lao động ngày càng đông hơn. Thêm vào đó, đến một lúc nào đó các thị trường tiêu thụ quốc tế đạt đến mức bảo hòa, không thể tiêu thụ thêm nữa buộc các xí nghiệp sản xuất phải sa thải nhân công, số người tìm việc ngày càng đông và có thể sẽ dẫn tới bạo loạn như đang xảy ra tại các quốc gia Bắc Phi và Trung Cận Đông.

Các vấn đề cần phải khắc phục

Muốn giữ vững tăng trưởng cao, cả Ấn Độ và Trung Quốc phải hội nhập mạnh mẽ hơn vào sinh hoạt kinh tế thị trường, nghĩa là phải mở cửa rộng rải hơn thị trường nội địa; cải tổ lại hệ thống luật pháp để thích nghi với trào lưu tiến hóa của thế giới, nghĩa là phải tôn trọng công lý và nhân phẩm con người; cải thiện môi trường, bảo đảm được nguồn năng lượng và thu hút nhân tài, nghĩa là phải đầu tư xây dựng lại hạ tầng cơ sở trong nước.
Trong thực tế, tuy bề ngoài cả hai đều hô hào các khẩu hiệu cải cách, mở cửa nhưng bên trong vẫn bảo vệ một cách cứng nhắc một số ngành sản xuất trụ cột như xe hơi bằng cách đánh thuế cao lượng xe hơi nhập khẩu, nhất là các loại xe trên 1000 phân khối, hạn chế đầu tư nước ngoài không cho nắm giữ quá 49% nguồn vốn. Đối với các ngành kỹ thuật cao cấp và nhạy cảm, nếu không muốn nói là bí mật quốc gia, như xe hơi chạy bằng điện, pin mặt trời, dược phẩm... chính quyền hai nước đã lập một rào cản pháp lý vững chắc. Sai lầm của chính sách phên dậu kinh tế này là ngăn chặn tự do trao đổi ý kiến và sáng kiến, hạn chế lựa chọn của người tiêu thụ. Điều này về lâu về dài chỉ có hại cho đất nước vì thị trường nội địa không có cơ hội để cải cách thích nghi với các luật cung cầu mới và sự sơ cứng về khả năng sản xuất. Phản ứng tự nhiên của những người trong cuộc là cử gián điệp kinh tế đi khắp nơi ăn cắp hay cóp nhặt những phát minh kỹ thuật mới để bắt chước. Như vậy, phần lớn năng lực sản xuất của quốc gia chỉ chạy theo những gì đã copy hay ăn cắp được.

Một chướng ngại lớn đối với những nhà đầu tư nước ngoài là sự không minh bạch về luật pháp nội địa như luật lao động… Doanh nhân quốc tế chỉ cần lãnh đạo hai quốc gia Châu Á này tôn trọng những bộ luật mà họ ban hành, nghĩa là dễ dãi với người trong nước và cứng rắn với người nước ngoài. Điều này cho thấy sự cần thiết của một cơ chế pháp lý có thể tin cậy được cùng với một định chế cung cấp thông tin khách quan và nhanh chóng.

Về năng lượng, vì chưa xây dựng kịp thời những nhà máy sản xuất năng lượng sạch, than đá là nguồn sản xuất năng lượng chính của cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Lượng xe hơi sản xuất trong nước cũng góp phần làm ô nhiễm không khí và nguồn nước và gây tác hại cho sức khỏe con người. Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa tại những tỉnh thành lớn ven sông và ven biển gây mất cân đối trong việc phân bổ nguồn nhân lực trong nước. Phong trào rời bỏ thôn quê ra thành thị lập nghiệp không thể đảo ngược và đang là một vấn nạn của lãnh đạo hai nước. Làm sao nuôi ăn và bảo đảm việc làm cho hàng trăm triệu người từ nông thôn ra thành thị? Để giải quyết nạn nhân mãn, Bắc Kinh thi hành chính sách xuất khẩu người ra nước ngoài bằng mọi cách, hợp pháp và bất hợp pháp. Để tìm năng lượng, Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng bạo lực để chiếm hữu những vùng có tiềm năng cung cấp dầu khí trên Biển Đông và Trung Á; sẵn sàng chi tiền để xây dựng những trục giao thông cung cấp năng lượng từ Đông Nam Á vào sâu trong nội địa. Chính sách ngoại giao năng lượng của Ấn Độ và Trung Quốc đang rất năng động tại Trung Đông, Châu Phi và Trung Á.

Để chinh phục thế giới, cả Ấn Độ và Trung Quốc đang đào tạo một thế hệ trẻ với những kiến thức tiên tiến và sử dụng giỏi tiếng Anh, đủ khả năng cạnh tranh với những thế hệ trẻ tại các quốc gia phương Tây và Nhật Bản. Không ai biết những thành phần trẻ này, sau khi tốt nghiệp và được tung ra nước ngoài có chịu về nước phục vụ hay không? Có một điều chắc chắn là kiến thức của những nhân tài này rất cao, nếu được phục vụ trong những môi trường lành mạnh họ sẽ là những nhân tố tích cực, góp phần làm phồn vinh xã hội. Ngược lại, nếu bị những thế lực mờ ám dụ dỗ vào làm những việc đồi bại như ngăn chặn thông tin, phá hoại hệ thống vi tính của người khác, họ là những đối thủ đáng ngại. Muốn giữ nguồn chất xám này ở lại trong nước, phải dân chủ hóa và tự do hóa xã hội, đây lá một thách đố lớn mà Trung Quốc chưa dám làm, trong khi Ấn Độ đã hoàn tất và đang tiến vào quỹ đạo phát triển với một tốc độ liên lục địa.

Ngoài ra còn những vấn nạn bình thường của những quốc gia vừa ra khỏi nghèo khó là canh tân lại hệ thống hạ tầng cơ sở. Đây là điểm yếu chính của cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc vì những công trường chính nằm ở các địa phương, trong khi kiến thức và trình độ của các cấp lãnh đạo địa phương chưa ngang hàng với tham vọng của trung ương. Ở Ấn Độ, các chính đảng cầm quyền địa phương thường thủ cựu nên không chấp nhận đổi mới, những cải tổ cơ bản rất khó thực hiện. Trung Quốc còn trầm trọng hơn, hố cách biệt giàu nghèo giữa địa phương và trung ương, giữa nông thôn và thành thị rất khó hàn gắn. Ước muốn có cuộc sống ngang bằng người thành thị đang là ám ảnh chính của hàng trăm triệu nông dân, nếu không thỏa mãn được bạo loạn có thể sẽ diễn ra. Điều này cho thấy nhu cầu tái phân phối thu nhập quốc gia quan trọng đến dường nào.

Vai trò của các nước Châu Á khác

Trước sự lớn mạnh của hai đại cường Châu Á, vừa đông dân vừa lớn rộng, các quốc gia Châu Á còn lại phải biết kết hợp cùng nhau để tồn tại. Nhật Bản và Nam Hàn đã quá giàu mạnh nên có thể tự bảo vệ và đứng vững được. Các quốc gia ASEAN và Nam Á phải kết hợp với những quốc gia phát triển hơn để tạo một thế lực phát triển chung. Điển hình là tham gia vào những kết hợp khu vực trao đổi tự do như EAFTA (East Asia Free Trade Agreement) CEPEA (Comprehensive Economic Partnership in East Asia), TPP (TransPacific Partnership) với Nhật, v.v. Theo những thỏa thuận đã được ký kết, từ đây đến năm 2015, tất cả các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á đều mở cửa thị trường nội địa để tự do trao đổi. Nếu không kết hợp lại với nhau, các quốc gia như Việt Nam, Indonesia hay Thái Lan sẽ khó chống đỡ trước sự lấn át về hàng hóa vừa rẻ tiền vừa tinh vi hơn của Trung Quốc và Ấn Độ.

Thêm vào đó, nếu không có sức mạnh chung về tài chánh, các quốc gia Châu Á nhỏ bé hơn sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi vay mượn hay thanh khoản những món nợ quốc gia, vì sẽ trả những lãi suất cao hơn hay đồng bạc quốc gia bị mất giá trước các đồng tiền mạnh. Ngược lại nếu có cùng một đơn vị tiền tệ mạnh như đồng EUR (euro), các quốc gia ASEAN sẽ có một chỗ đứng đáng kể hơn trong những thương lượng với các cường quốc kinh tế và chính trị.

Ngày nay, các quốc gia ASEAN đã có một chỗ đứng quan trọng trong các hội nghị thượng đỉnh G20, APEC, ASEM, ngang hàng với Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và Ấn Độ. Hoa Kỳ và Châu Âu đang nhìn ASEAN là một đối tác kinh tế, chính trị và quân sự đầy tiềm năng và triển vọng. Mọi thảo luận phát triển khu vực không thể thiếu vắng tiếng nói của ASEAN.

Sự huy hoàng của bất cứ triều đại nào cũng có ngày phải tàn lụi để nhường chỗ cho những thế lực khác đang lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ còn kéo dài thêm vài thập niên nữa, nhưng chỉ số sẽ giảm dần với thời gian để cuối cùng trở thành bình thường như các quốc gia phát triển khác, nghĩa là là từ 2 đến 5%/năm. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản đang cùng các nước Châu Á khác củng cố quan hệ hợp tác kinh tế để thay thế hai xưởng sản xuất hàng hóa Ấn Độ và Trung Quốc.

Bài toán của Trung Quốc và Ấn Độ là làm sao vừa duy trì tăng trưởng cao vừa giữ vững xã hội. Tại hai quốc gia đông dân và rộng lớn này, cái gì cũng đồ sộ và khó giải quyết, nhất là bảo vệ môi trường và ổn định xã hội. Cái giá phải trả để duy trì tốc độ tăng trưởng cao tại Trung Quốc và Ấn Độ là môi trường bị hủy hoại, sức khỏe con người bị đe dọa, hố cách biệt giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa địa phương và trung ương khó hàn gắn. Thêm vào đó là nạn thất nghiệp, các công ty, xí nghiệp xuất khẩu hàng hóa sử dụng sức lao động của con người như những hàng hóa vô tri vô giác, bất chấp nhân phẩm và sức khỏe con người. Nếu không canh tân lại hệ thống sản xuất hay làm những cải tổ quan trọng để duy trì ổn định xã hội, những kết quả của tăng trưởng cao sẽ không đủ để bù đắp những thiệt hại do chúng mang lại.

Vấn đề của các quốc gia Châu Á còn lại là chuẩn bị thay thế con cọp Ấn Độ và con rồng Trung Quốc khi về già. Đây sẽ là một cố gắng vĩ đại, đòi hỏi nhiều quyết tâm và sáng suốt chỉ những cấp lãnh đạo thật sự có tài năng mới đảm nhận nổi.

Trần Kha
(Machida)

Thông Luận số 255, tháng 02/2011
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: