Thursday, February 3, 2011

TRÊN ĐỈNH KIM TỰ THÁP (Sơn Dương)

Sơn Dương
Đăng ngày 03/02/2011 lúc 12:54:30 EST

Những biến động chính trị ngoạn mục tại Bắc Phi năm nay đã mở đầu cho một phong trào đấu tranh đòi dân chủ tự do tại các quốc gia Hồi giáo trong vùng, và người dân chủ Việt Nam có quyền hy vọng một phản ứng dây chuyền tại lục địa Á châu. Chiến thắng bằng sức mạnh của người dân Tunisia và Ai Cập sẽ gây hứng khởi cho những tổ chức đối lập Việt Nam trong quyết tâm kết hợp đứng lên đòi lại các quyền sống tự nhiên của con người đã bị chế độ độc tài cộng sản Việt Nam tước đoạt và khinh miệt quá lâu.

Nhưng những bài học lịch sử chính trị cũng cho ta thấy sự giành lại được chính quyền là bước đầu của một ước mơ, giữ lại được chính quyền ấy đôi khi là cơn ác mộng. Ẩn hiện sau trùng trùng niềm vui chiến thắng của người dân Tunisia và Ai Cập đã xuất hiện bóng dáng đáng nghi ngại của những cá nhân và những tổ chức dân chủ giả hình mà nếu không sớm cảnh giác, sẽ tạo ra thêm bất ổn chính trị, thay vì đáp ứng được nguyện vọng sống trong tự do, dân chủ, hoà bình, tiến bộ chính đáng của người dân.

Thật vậy, nhìn qua biến động Tunisia và Ai Cập, ta thấy các chế độ độc tài, độc đảng và cộng sản đều giống nhau ở một chính sách cai tri. Họ tiêu diệt các đảng đối lập, và cấm đoán các quyền tự do ngôn luận, báo chí… Khi biến động xảy ra, khoảng trống lãnh đạo không được các tổ chức chính trị, hoặc còn non yếu hoặc chưa sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ, thay thế kịp thời; hệ luỵ tiếp diễn sau thành quả cách mạng là những khủng hoảng chính trị ngắn hạn có thể làm tê liệt quốc gia hoặc đôi khi mất luôn quốc gia vào tay các tổ chức chính trị lưu manh có chuẩn bị từ trước. Sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, trong lúc khoảng trống lãnh đạo đất nước đã không được một đảng phái chính trị Việt Nam có tầm vóc, có bản lãnh, trám vào, cộng sản Việt Nam đã nhanh tay cướp lấy cơ hội nắm quyền. Hồ Chí Minh phô trương sức mạnh vũ trang của đảng cộng sản qua các cuộc diễn binh trong đó bộ đội thật và bộ đội giả, đeo ít khẩu súng thật và rất nhiều khẩu súng giả bằng gỗ đẽo từ hang Pắc Bó.

Sau khi Tổng thống Tunisia Zane ElBadine Ben Ali bỏ chạy sang Saudi Arabia, một chính quyền lâm thời được gấp rút chỉ định. Người thay thế Ben Ali là Thủ tướng Mohammed Ghannouchi vốn là người cộng sự tín cẩn của Ben Ali trước đây. Mèo vẫn hoàn mèo! Người dân tiếp tục xuống đường đòi hỏi một bộ mặt chính quyền mới không có những gương mặt cũ. Nhưng không có gương mặt mới vì trước đó Ben Ali đã bóp chết các sinh hoạt đảng phái, các tổ chức dân sự hay các nhân vật đối lập sáng giá dưới bàn tay sắt. Một giải pháp tạm thời có thể chấp nhận một tướng lãnh quân đội khác cầm đầu chính phủ trong thời gian ngắn để ổn định tình hình và tổ chức bầu cử tự do. Ben Ali là một tướng quân đội lên cầm quyền năm 1987 sau khi Tổng thống tiền nhiệm Bourguiba từ nhiệm vì thiếu năng lực. Nay đến lượt Ben Ali ra đi, người thay thế được chỉ định cũng là một tướng lãnh khác của quân đội. Bình mới nhưng rượu cũ. Sự trấn áp các đảng phái chính trị đối lập trong một chế độ toàn trị không chỉ thiển cận vì lầm tưởng sẽ bảo đảm được sinh mệnh của chế độ, nó còn triệt tiêu cả sinh lộ của một quốc gia sau khi chế độ bị đào thải. Mặt khác, người ta cũng không có bằng cớ gì để vững tin sau cuộc bầu cử tự do, một chính phủ mới Tunisia có thể ổn định tình hình khi tiến trình hoà giải quốc gia đã không được thực hiện. Thiếu vắng một tiến trình hòa giải hòa hợp quốc gia, mọi thành phần dân tộc không thể đồng lòng xây dựng và chia sẻ một tương lai chung với nhau. Không có sự hoà giải hoà hợp dân tộc, các mâu thuẫn chính trị vẫn tồn tại sẽ là nguyên nhân gây bất ổn trong tương lai như đã là nguyên nhân gây bất ổn trong quá khứ.


Về phía Ai Cập, các diễn biến chính trị đã xảy ra phức tạp hơn và vì thế có thể có những hậu quả đáng quan ngại hơn.
Trong lúc Tunisia đã thành công sau một tuần lễ xuống đường đấu tranh, Ai Cập có vẻ đang đi vào khúc quanh quyết định trong ngày thứ 9 với khoảng 1 triệu người xuống đường ở Cairo. Mặc dù các mâu thuẫn xã hội, kinh tế, chính trị của các quốc gia hồi giáo tương tự nhau, nhưng mức độ nghiêm trọng đã có khác nhau. Uy thế chính trị của Ai Cập quan trọng không kém gì Saudi Arabia tại Trung Đông, nếu không nói có phần vượt trội. Sự ổn định chính trị trong vùng, ổn định trong ý nghĩa các quốc gia Hồi giáo thù địch Do Thái chỉ đánh phá lặt vặt mà không nổ bùng chiến tranh tràn lan với Do Thái có phần đóng góp hiệu quả của Ai Cập. Nếu không có Hiệp ước Hoà bình Đa phương giữa Ai Cập, Jordan và Do Thái mà Tổng thống Mubarack là đồng tác giả, sự xung đột truyền kiếp giữa khối Á Rập và Do Thái có khả năng phá vỡ nền hòa bình thế giới.

Từ một thời gian lâu dài, để bảo đảm ổn định hoà bình thế giới, và nhất là hoà bình ở Trung Đông, Hoa Kỳ đã làm ngơ trước tệ nạn tham nhũng, đàn áp chính trị, tích lũy bất công và phủ nhận các quyền dân chủ con người của lãnh tụ Mubarack. Nay tình thế đã bất ngờ thay đổi, Hoa Kỳ đang cân nhắc lợi hại của việc để Mubarack ra đi. Tin mới nhất nhận được trong ngày thứ Năm 03/02/2011 đã cho biết người dân Ai Cập đã đạt được thắng lợi cuối cùng. Mubarack đã đồng ý ra đi và ra đi tức khắc sau khi Hoa Kỳ đã tỏ rõ thái độ ủng hộ một chính phủ dân chủ hậu Mubarack. Những áp lực dồn dập và gay gắt từ những cuộc xuống đường vĩ đại tại nhiều thành phố lớn ở Ai Cập đã thúc đẩy thái độ dứt khoát của Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đã nói chuyện 30 phút với tổng thống Ai Cập và cho biết Hoa kỳ muốn có một sự chuyển tiếp chính quyền trong hòa bình và phải được làm ngay tức khắc. Mubarack sau đó đã tuyên bố rút lui chính trị vĩnh viễn.

Trong khi đó, các lực lượng, tổ chức giấu mặt sau lưng các cuộc biểu tình đuổi Mubarack ra khỏi Cairo đã dần dần lộ diện. Người ta đang nói đến ông Mohamed ElBaradei như một nhân vật thay thế Mubarack có thể chấp nhận được. Ông này đã tuyên bố được sự uỷ nhiệm của các tổ chức chính trị Ai cập để kêu gọi Mubarack phải ra đi và để bắt đầu một cuộc bầu cử tự do trong đó có sự tham gia của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood – MB). Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo này đã bị Mubarack trù dập trong lúc còn tại chức và các thành viên MB luôn phải lẩn trốn. Sự mừng rỡ thoát khỏi gông cùm độc tài làm người ta quên ông ElBaradei chưa từng được ai biết đến như một nhân vật đối lập, hay bất đồng chính kiến với Mubarack. Ông là một nhà khoa học và tạo nên thân thế sự nghiệp vẻ vang từ một vai trò do Liên Hiệp Quốc chỉ định. Ông không có một dự án chính trị cho tương lai Ai Cập, ông không có một đảng chính trị làm hậu thuẫn để lãnh đạo. Tệ hơn thế, ông không dám tin tưởng vào sự sụp đổ tất yếu của Mubarack để chuẩn bị tham gia chính sự. Ông lấy vé máy bay từ Áo quốc về Cairo để ủng hộ người xuống đường sau khi các biến động chính trị đã diễn ra. Ông nắm bắt lấy cơ hội, cỡi trên ngọn sóng phẫn nộ của người dân Ai Cập để làm thuyền trưởng mà không phải xuất thân từ trường hàng hải nào. Trong lúc say sưa chiến thắng vì đã lật đổ được chế độ độc tài, tâm lý người dân thường dễ chấp nhận bất cứ một khuôn mặt mới sáng giá nào miễn không có liên hệ với quá khứ người ra đi. Tuy nhiên, việc ông ElBaradei được sự hỗ trợ của tổ chức MB đã đưa đến nhiều quan ngại cho hòa bình ở Ai Cập và ở Trung Đông trong tương lai.

Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo có lịch sử lâu đời nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong khối Á Rập. MB là cha đẻ các tổ chức bạo lực khủng bố như Hezbollah (Lebanon) và Hamas (Palestine) và đã liên can đến nhiều vụ ám sát chính trị như Thủ tướng Ai cập Nuqrashi (1949); Gamal Abdul Nasser (1954); Anwar Sadat (1981). Được ông thầy giáo làng Hassan al Banna thành lập khởi đầu như một tổ chức xã hội vào năm 1928, MB dần dần tăng thanh thế và trở thành tổ chức chính trị có tham vọng lật đổ sự cai trị của Đế quốc Anh đang kiểm soát Ai Cập thời điểm này. Nhưng Hassan al Banna cũng cương quyết thay đổi chế độ thế quyền tương lai của Ai Cập bằng luật Sharia, sử dụng luật của Allah làm nền tảng cho luật pháp quốc gia, như Iran hiện nay. Sự phát triển nhanh chóng của MB đến độ họ có khả năng đảm nhiệm được chức năng của một quốc gia trong một quốc gia khi họ cung cấp được nhiều dịch vụ an sinh cho người Hồi Giáo nghèo khổ mà chính quyền Ai Cập đã thiếu sót. MB thiếp lập những trường học, bệnh viện, nhà thuốc tây, trường TAFE và trường đại học để giáo dục học sinh và chăm lo an sinh cho người Hồi giáo Ai cập. Được thế thôi, thì tổ chức này đã làm rạng danh người Hồi Giáo, không may MB cũng thành lập lực lượng vũ trang Hồi Giáo để tiến hành thực hiện ý đồ Hồi giáo hóa thế giới.

Người ta ước lượng ở Ai Cập, MB kiểm soát được đến 30% dân số, như thế trong kỳ bầu cử vào tháng 9 này, chắc chắn MB sẽ chiếm ưu thế trong chính quyền Ai Cập hậu Mubarack.

Bài học nào cho Việt Nam

Ba nguyên nhân chính yếu đưa đến sự sụp đổ các chế độ độc tài tại các quốc gia Hồi giáo trong vùng có cùng mẫu số xuyên suốt liên khối Á-Rập: nạn tham nhũng của chính quyền, sự đàn áp phe phái đối lập và các chính sách kinh tế xã hội đưa đến mâu thuẫn gay gắt giữa người giàu và nghèo. Các xã hội Hồi giáo Á-Rập trên lục địa Châu Phi và cả ở vùng Trung Đông đều thể hiện đầy đủ cả ba mâu thuẫn trên, vì thế các quốc gia Hồi giáo độc tài lân cận Tunisie, Ai Cập như Libya, Algeria, Jordan, Yemen, Morocco… ít nhiều đều đang trải qua những cơn bão chính trị chưa từng có. Tổng thống Yemen, ông Ali Abdullah Saleh, đã cai trị nước này 32 năm, trước những cuộc xuống đường dữ dội tại các lân quốc và đang cháy lan đến các thành phố lớn của xứ này đã vội vã xoa dịu tình hình bằng cách tự nguyện không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa cũng như huỷ bỏ ý định trao quyền cai trị Yemen lại cho con trai của ông ta.

Nhưng nếu xét trên các mặt này, các mâu thuẫn chính trị, xã hội và nạn thất nghiệp ở Việt Nam còn kinh hoàng hơn Tunisia và Ai Cập, thế nhưng đảng cộng sản Việt Nam vẫn bình chân như vại. Vì người dân Việt Nam hèn nhát hay vì đảng cộng sản quỷ quyệt hơn?

Tại cả hai nước Tunisia và Ai Cập, sự thành công của Sức Mạnh Nhân Dân (People Power) đã dựa trên sự bất can thiệp của quân đội. Các chính quyền độc tài luôn dựa trên quân đội để bảo đảm quyền lực. Nhưng khi một quân đội chuyên nghiệp ý thức được trách nhiệm quốc phòng của mình, họ sẽ không can dự vào việc bảo vệ một chế độ phản dân chủ. Ở Tunisia và Ai Cập, cả hai nhà độc tài này phải ra đi vì đã không khiển dụng được quân đội phục vụ cho chế độ nữa. Trước đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội Tunisia đã cho Tổng thống Ben Ali biết, quân đội sẽ không bắn vào dân biểu tình bất chấp lệnh của Tổng thống. Mất sự yểm trợ của quân đội Ben Ali chấp nhận đội nón ra đi là thượng sách. Mạnh tay sử dụng công an cảnh sát để tái lập trật tự, dẹp tan biểu tình, là điều Ben Ali có thể làm được. Nhưng với những mâu thuẫn xã hội đã tích luỹ, chống lại dân chúng chỉ là giai đoạn, rồi chuyện gì đến phải đến. Chi bằng ra đi để đất nước Tunisia được phục hồi, như một lời tạ tội với đất nước.

Tương tự ở Ai Cập: Quân đội đã đóng vai trò quyết định cho sự sống còn của chính quyền Mubarack. Quân đội Ai Cập đã kéo xe tăng đại pháo ra đường kiểm soát an ninh thành phố, nhưng quân đội không giải tán người biểu tình, thậm chí nhiều sĩ quan chỉ huy còn gia nhập đoàn biểu tình. Sự đồng tình của quân đội đã khuyến khích thêm khí thế cuộc biểu tình và đã đưa đến chiến thắng của dân chủ.

Về yếu tố quyết định thành bại của một cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam, là quân đội, nếu xảy ra biến động, quân đội Việt Nam có thể phản ứng khác với quân đội của Tunisia và Ai Cập. Trong khi các quân đội chuyên nghiệp nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, quân đội Việt Nam chỉ phục vụ đảng cộng sản như những tên thảo khấu phục vụ tên chủ tướng. Vì thế, bộ đội CSVN không ngần ngại chôn sống người dân miền Nam Tết Mậu Thân 1968 và pháo kích vào người dân miền Nam chạy nạn trên Đại lộ Kinh hoàng nhân danh đảng cộng sản Việt Nam năm 1972. Quân đội này có thể sẽ không ngần ngại nổ súng vào người dân tay không vũ khí xuống đường đòi hỏi dân chủ, nhân quyền. Lực lượng tinh nhuệ này đã bị Hồ Chí Minh xiết chặt vòng kim cô “Trung với Đảng”, tức không được trung thành với Tổ Quốc Việt Nam. Lực lượng này sẽ thi hành các quyết nghị của đảng cộng sản thay vì lắng nghe tiếng gọi của Tổ Quốc Việt Nam. Nếu không phải thế, quân đội này đã nhân danh Tổ Quốc Việt Nam phản ứng tương xứng các hành vi xấc láo của Trung Cộng khi chúng chiếm đất, chiếm đảo, chiếm sông, chiếm biển Việt Nam. Quân đội này đã bảo vệ ngư dân nghèo khổ Việt Nam bị quân Trung Cộng bắn giết, chiếm đoạt kế sinh nhai và còn ngạo mạn đòi người Việt Nam phải trả tiền đóng phạt. Một quân đội tự coi thấp giá trị của mình như thế sẽ bắn vào chính người dân của mình, vào chính anh, chị, em, cha, mẹ mình khi họ xuống đường đòi hỏi những quyền căn bản của con người. Một cuộc xuống đường ở Việt Nam sẽ thành công khi quân đội Việt Nam ý thức được trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc thay vì phục vụ một đảng cầm quyền.

Điều kiện kế tiếp không có ở Việt Nam là một ngòi nổ cho thùng thuốc súng chính trị đã khô rốc ráo vì những mâu thuẫn xã hội. Ở Tunisia, ngòi nổ tự nhiên là cái chết thảm thương của một thanh niên có bằng đại học, nhưng vì nạn thất nghiệp quá cao, phải đi bán trái cây độ nhật mà vẫn bị cảnh sát quấy nhiểu vì không có giấy phép hành nghề. Hành động anh tự thiêu để nói lên lòng phẫn uất vì sự đàn áp của cảnh sát đã châm ngọn đuốc bất mãn của hàng triệu người dân Tunisia trong gần 30 năm bất hạnh dưới tay Ben Ali. Có thể Việt Nam cũng cần một ngòi thuốc nổ tương tự để bắt đầu cho một cuộc xuống đường tương tự ở Tunisia và Ai Cập. Việc cộng sản Việt Nam đã xử nhà đấu tranh dân chủ Vi Đức Hồi 8 năm tù chỉ vì những cáo buộc vu vơ không bằng cớ cộng với “tội” nặng nhất là biên tập viên của tờ báo Tổ Quốc nếu được các tổ chức đối lập phối hợp trong và ngoài nước phát động như một chiến dịch phản đối mạnh mẽ khắp nước và với sự hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền trên thế giới có thể làm được nhiệm vụ một phát súng lệnh mở màn một trận xuống đường đấu tranh sống mái với chế độ cộng sản đã quá hạn sinh tồn.

Ngọn lửa Tunisia cháy lan qua Ai Cập qua các ngã thông tin liên lạc hiện đại của giới trẻ như Facebook, Twitter, internet@i-phone… Từ những phương tiện liên lạc này sinh viên học sinh Ai Cập đã đổ ra đường biểu đồng tình với người dân Tunisia, và biểu đồng tình trong đòi hỏi nhà độc tài Mubarack phải từ chức, phải ra đi ra như tổng thống Ben Ali bên Tunisia. Người biểu tình đã tập trung vào những thánh đường Hồi giáo để cầu nguyện, và sau đó đồng loạt đổ ra đường từ các thánh đường để tạo sức mạnh tổng hợp và hỗ trợ nhau chống lại cảnh sát và lựu đạn cay. Ngọn lửa biểu tình đã cháy liên tục ngày đêm ở mọi thành phố lớn như Cairo, Alexandria, Suez… Khi bị cảnh sát tấn công giải tán, người biểu tình rút lui vào cứ địa an toàn là các thánh đường để cầu nguyện và để tái bố trí lực lượng. Rồi ngày mai khi mặt trời mọc trên những ngôi kim tự tháp, là hàng hàng lớp lớp con người dũng cảm Á Rập lại tràn ra đường tiếp tục một cuộc đấu tranh làm rúng động mọi chế độ độc tài trên thế giới.

Chắc chắn các nhân vật lãnh đạo ĐCSVN đứng đầu cội nguồn tội ác của lịch sử Việt Nam đã theo dõi các biến động chính trị ở Bắc Phi rất cẩn thận để rút kinh nghiệm đối phó. Họ sẽ chuẩn bị để trấn áp, như mới đây đã trấn áp nhà dân chủ Vi Đức Hồi bằng bản án 8 năm tù tàn nhẫn vô nhân đạo. Họ chuẩn bị tiếp tục tích luỹ tội ác và mâu thuẩn để thách thức quân đội Việt Nam và người dân Việt Nam triền miên trong bất hạnh. Những cũng biết đâu họ cũng có thể đã chuẩn bị một cuộc tháo chạy lịch sử, khi người dân Việt Nam dưới sự che chở an toàn của một quân đội biết lấy chữ Trung với Tổ Quốc Việt Nam làm đầu. Vấn đề là người dân Việt Nam cần tỏ một thái độ, một dấu hiệu cho thấy, ngày lễ hội xuống đường chống cộng sản tham nhũng độc tài sẽ bắt nguồn từ những ngọn lửa trên đỉnh đầu các khối Kim Tự Tháp Ai Cập.

Sơn Dương
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: