Tuesday, February 1, 2011

TÌM THẾ QUÂN BÌNH ỨNG PHÓ VỚI TRUNG QUỐC (Richard Weitz)

Richard Weitz

Nguyễn Văn Hiệp dịch
Đăng ngày 31/01/2011 lúc 15:35:47 EST

Qua sự việc chiến đấu cơ tàng hình Trung Quốc J-20 được công bố, rồi sản phẩm tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được dự đoán là sẽ xuất xưởng trong một tương lai gần, và rồi chuyến viếng thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Ngoại giao Gates với nhiều dấu chỉ quan ngại đã một lần nữa đã xác nhận tầm quan trọng của nỗ lực thắt chặt quan hệ an ninh của Hoa Kỳ đối với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Với Hàn Quốc, mối ràng buộc quốc phòng hiện vẫn được duy trì mạnh mẽ, còn với Nhật Bản thì hợp tác quốc phòng đã được cải thiện kể từ những trục trặc năm ngoái, một phần cũng do chính sách hiếu chiến của Trung Quốc trong vụ tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh và Đông Kinh. Nhưng đối với Việt Nam thì quan hệ an ninh giữa hai nước lại đi chậm chạp, do di sản của những đối đầu trong quá khứ và cả nhiều yếu tố khác nữa. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở nên khá mạnh hơn trong những năm gần đây mặc dù vẫn còn tiếp tục tồn đọng những bất đồng trên vấn đề nhân quyền và cả những vấn đề khác. Sự hợp tác hiện thời đã vượt khỏi địa hạt kinh tế và nỗ lực tìm kiếm hài cốt của lính Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, nó còn bao gồm cả những tiếp xúc ngoại giao được khởi xướng giữa hai bên nhằm ngăn chặn chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Vị thế của Trung Quốc như một hòn đảo

Năm 2009, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng cho phép xuất cảng những quân cụ "không thiệt mạng" cho Việt Nam. Đầu tháng Tám năm 2010, Bộ ngoại giao Việt Nam đã xác nhận sự đồng thuận ban đầu trên những vòng đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cho lĩnh vực hợp tác hạt nhân dân sự. Trong cùng tháng, Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những đàm thoại quốc phòng chính thức đầu tiên và hải quân hai bên đã cùng phối hợp những thao dượt chung lần đầu tiên kể từ Cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Tàu khu trục USS John McCain cũng đã phối hợp tập dượt cùng các tàu thủy của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Tàu sân bay nguyên tử USS George Washington trong cùng thời gian đã mời các đại diện quân-dân sự của Việt Nam lên tàu tham quan khi chiến hạm này đi ngang qua vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Những mối đe dọa

Việt Nam chẳng may có đường biên giới chung với Trung Quốc, trong nhiều thế kỷ đã phải chịu những cuộc xâm lăng và xung đột vũ trang, mà gần đây nhất là cuộc chiến tranh biên giới vào cuối thập niên 1970. Hiện nay thì những căng thẳng chính trong quan hệ Hoa-Việt nằm ở mối tranh chấp trên vùng Biển Đông. Vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông này bao gồm những quần đảo, chứa khoáng sản (trữ lượng dầu và khí đốt nằm sâu dưới lòng biển), và lưu thông hàng hải trên vùng Biển Đông đang bị nhiều quốc gia ven vùng biển tuyên bố quyền kiểm soát. Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên tất cả các hòn đảo ở Biển Đông, trong lúc đó Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên một số hòn đảo. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những quần đảo nổi trội nhất, được cho là có nhiều trữ lượng dầu và khí đốt tiềm chứa quanh vùng biển.

Hải quân Việt Nam đã giao tranh với hải quân Trung Quốc vào giữa thập niên 1970 và cuối thập niên 1980 để bảo vệ những quần đảo này. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 trong thời điểm Việt Nam đang còn chìm sâu trong cuộc nội chiến, và từ đó thiết lập những đồn trú quân sự trên quần đảo. Chính quyền Trung Quốc cũng đã ban lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông và còn giam giữ thuyền đánh cá, chỉ chịu thả sau khi bắt các ngư dân này phải nộp số tiền chuộc rất nặng. Họ còn cảnh cáo những công ty năng lượng phương Tây không nên thương thảo những hợp đồng khoang dầu trên Biển Đông với chính quyền Việt Nam.

Hầu hết các trữ lượng dầu của Việt Nam nằm ngoài khơi của Châu thổ sông Cửu Long. Thêm vào đó Việt Nam có nhu cầu theo đuổi chính sách tuyên bố chủ quyền trên vùng biển Trường Sa đang tiềm chứa nhiều nguồn năng lượng lớn, bởi vì sản xuất năng lượng nội địa ngày càng giảm trong lúc sức tiêu thụ ngày càng tăng có thể khiến Việt Nam trở thành quốc gia đi nhập khẩu dầu thô. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng nằm ở những tuyến giao thương hàng hải xuất phát từ những hải cảng Việt Nam và cũng nằm trong diện tích đánh cá và vùng đặc quyền của Việt Nam. Tinh thần quốc gia cũng đóng một vai trò quan trọng. Những cuộc biểu tình đã nổ ra khắp nơi ở Việt Nam khi Trung Quốc tuyên bố đưa những cụm đảo ở Hoàng Sa vào phạm vi quản lý hành chính của tỉnh Hải Nam vào năm 2008. Một sự mâu thuẫn tiềm tàng khác với Trung Quốc là sông Cửu Long. Chỉ một phần nhỏ của con sông Cửu Long chảy qua Việt Nam nhưng nó là nguồn nước tưới mát vùng Châu thổ sông Cửu Long của miền Nam Việt Nam. Vùng Châu thổ sông Cửu Long là nơi sản xuất tới phần nửa sản lượng lúa gạo của Việt Nam, biến Việt Nam trở thành nước xuất cảng gạo lớn thứ nhì thế giới, đó cũng là một nguồn trao đổi ngoại thương cho Hà Nội. Vùng Châu thổ sông Cửu Long đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao và những đập ngăn nước trên thượng nguồn sông Cửu Long ở Trung Quốc, mà hậu quả là những tỉnh thuộc vùng Châu thổ sông Cửu Long bị thiệt hại nặng do phù sa bị nhiễm mặn và đất đai bị xói mòn.

Phản ứng của Việt Nam

Việt Nam tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần độc lập quốc gia, một hình thái chiến đấu cao khiến Việt Nam trở thành một "con tôm độc" mà Trung Quốc không thể nuốt. Kể từ sau khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh và khi những nguồn viện trợ quân sự và kinh tế rộng rãi của khối Xô Viết chấm dứt, Việt Nam đã phải tái điều chỉnh cán cân quân sự bằng cách rút quân khỏi Cam-pu-chia và ký các hiệp ước biên giới với Trung Quốc.

Tuy vậy với khoảng nửa triệu quân nhân tại ngũ, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang là một trong những mười nước có quân đội lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, chính quyền vẫn đang tiếp tục mua sắm vũ khí ngoại quốc nhằm hỗ trợ việc huấn luyện tổng quát cho quân nhân về chiến tranh du kích và cả trong kỹ thuật của chiến tranh quy ước.

Năm 2009, Tổng sản lượng Nội địa của Việt Nam là 92,4 tỷ đô la và ngân sách quốc phòng năm 2009 chi tới 4 tỷ độ la, hoặc là vào khoảng hai phần trăm của tổng số GPD. Dự phóng lạc quan nhất cho ngân sách quốc phòng của Quân Đội Nhân Dân vào năm 2018, cứ tạm cho là khoảng 5% GPD quốc gia chi cho quốc phòng, có thể là vào khoảng 10 tỷ đô la, một con số ngang ngửa với phí tổn quốc phòng năm 2009 của Đài Loan.

Nhưng việc chi tiêu năm phần trăm GPD cho quốc phòng là chỉ đặc thù cho các nước thịnh vượng và đã phát triển. Hầu hết các nước thành viên của ASEAN chi tiêu ba phần trăm GPD cho quốc phòng. Nếu tính theo con số ba phần trăm của GPD để chi tiêu cho quốc phòng, ước tính Việt Nam sẽ chi khoảng 5,5 tỷ đô la vào năm 2018. Dù là như vậy, những hợp đồng mua vũ khí nước ngoài có thể tăng lên nếu Quân Đội Nhân Dân giảm thêm số quân.

Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Nga là nước cung cấp các loại vũ khí tân thời cho Việt Nam, mặc dù mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Hà Nội bây giờ chỉ dựa trên những cân nhắc kinh tế và chiến lược hơn là trên căn bản cùng chung ý thức hệ. Những công ty Canada và châu Âu cũng đã và đang bán một số vũ khí cho Trung Quốc.

Mặc dù Hoa Kỳ chưa cung cấp các hệ thống vũ khí chính yếu cho Việt Nam, Hoa Kỳ đã nới lỏng những quy chế nghiêm ngặt của thời Chiến tranh lạnh. Thêm vào đó, những nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã chứng tỏ nhu cầu làm việc với đối tác Việt Nam nhằm phản công những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Vào thời điểm hiện tại, chính quyền Obama đã có chỉ dấu sẵn sàng bán những nhu phẩm quân sự không làm thiệt mạng cho Việt Nam. Dĩ nhiên, định nghĩa chính xác của từ "không làm thiệt mạng" có thể có nhiều diễn dịch khác nhau.

Hải quân Việt Nam

Hải quân của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam hầu như dùng cả tiềm lực có được để nghe ngóng những động tĩnh của hải quân và những đội tàu đánh cá nước ngoài, và để chống lại những xâm phạm lãnh hải và cả cướp biển. Chiến lược của hải quân Việt Nam có thể tóm lược trong nỗ lực tuần tra lãnh hải, ngăn chận các tàu bè thù địch xâm phạm chủ quyền trên biển, hơn là tìm cách chủ động phô trương sức mạnh. Nga là nước cung cấp chính yếu đội tàu chiến cho Việt Nam.
Nga đã giao hai tàu khu trục nhỏ loại Gepard cho Hải quân Nhân Dân Việt Nam vào năm 2009 và 2010, mỗi chiếc được trang bị với tám tên lửa KH-35U loại công tàu và có trọng lượng 1.500 tấn. Đây là hai tàu tác chiến trên mặt biển lớn nhất của Việt Nam.
Nga và Việt Nam đang thương thảo để Nga chuyển giao thêm hai tàu khu trục Gepard, có thể được đóng ở xưởng đóng tàu Việt Nam. Nhiệm vụ chính của những tàu khu trục này của Hải quân Nhân Dân Việt Nam là ngăn chặn những xâm phạm lãnh hải lén lút của các tàu nước ngoài đồng thời có thể giao chiến tấn công chớp nhoáng các đối thủ đang tranh giành các quần đảo trên Biển Đông. Trước đây, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã nhận những hoả tiễn công tàu hạng siêu âm của Nga loại P-270 Moskit và P-800 Oniks.

Năm 2009, Việt Nam ký hợp đồng 1,8 tỷ đô la mua sáu tàu ngầm loại tiêm kích quy ước thuộc hạng Ki-lô. Giao kèo này bao gồm việc Nga hỗ trợ phần kỹ thuật và xây cất căn cứ cho các tàu ngầm này. Những tàu ngầm Ki-lô dù có tốc độ hơi chậm và thời khoảng hoạt động bị giới hạn do nguồn điện ắc-quy không dồi dào, nhưng bù lại chúng rất êm và lại được trang bị đầy đủ với ngư lôi và hỏa tiển tấn công tàu.

Các tàu Ki-lô này có thể khai thác những yếu điểm cố hữu trong lãnh vực chống tàu ngầm của Hải quân Giải phóng Nhân dân (Trung Quốc), để có thể quan sát hải quân Trung Quốc và hải quân của các nước khác tập trận. Chúng cũng có thể giúp Việt Nam phá vỡ bất cứ những phong tỏa nào của hải quân nước ngoài. Những tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam có được là đến từ Bắc Hàn, họ đã bán cho Hà Nội hai tàu ngầm nhỏ loại Yugo vào năm 1997, được dùng cho các mục đích điệp báo và xâm nhập.

Trong những năm tới, Hải quân Nhân dân Việt Nam dường như nhắm mua những chiến hạm nhỏ, loại đánh trên mặt biển, cỡ tàu hộ tống và khu trục nhỏ (trọng tải khoảng từ 1.000 đến 4.000 tấn) để yểm trợ những hoạt động ven bờ và cũng để qua đó tích lũy kinh nghiệm điều khiển các tàu hiện đại. Việt Nam dường như cũng định mua thêm những tàu vận chuyển để có thể tái phân bổ các đơn vị đồn trú trên các quần đảo.

Không quân Việt Nam

Canada đã trở thành một nước cung cấp máy bay quân sự chủ yếu cho Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam mua sáu chiếc máy bay thủy lục loại DHC-6 400 Twin Otter của Canada trị giá 500 triệu đô la. Máy bay loại DHC-6 400 là máy bay không dùng cho việc tác chiến mà chủ yếu để tìm kiếm và cứu trợ, tuần tra duyên hải, và thực hiện những nhiệm vụ cung cấp quân nhu. Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam (có chức năng tương tự như Coast Guard của Mỹ) đã mua ba chiếc máy bay trinh thám và hệ thống rađa MSS 6000 của các công ty châu Âu. Trong những năm của thập niên 1990, Việt Nam mua một tá chiến đấu cơ hạng nặng loại Su-27 Flankers. Việt Nam mua tám phi cơ tiêm kích loại Su-30MMK trong năm 2009, và đặt thêm mười hai chiếc nữa cho năm sau có trị giá 1 tỷ đô la.

Chiến đấu cơ mạnh nhất trong kho vũ khí của Không quân Nhân dân Việt Nam là Sukhoi Flander, những chiếc duy nhất thuộc thế hệ thứ tư (của Liên Xô trước đây). Những chiến đấu cơ này có thể tạo nhiều thao tác trên không và có thể bay rất xa. Chúng được trang bị các hỏa tiễn không đối không tầm xa R-77 và hỏa tiễn tầm ngắn R-27, và trên lý thuyết có thể đương cự với tất cả các loại mà Trung Quốc có thể đem ra trình làng. Trong năm 2005, Việt Nam cũng đã mua 40 chiến đấu cơ ném bom loại Su-22M đã sử dụng qua.
Những chiếc Su-22 có thể được sử dụng để yểm trợ những chiếc Su-30MKK trong vai trò không kích trên biển và trong các tình huống cận chiến trên không. Hai nước Cộng hòa Czech và Ukraine cũng đã thông báo với Uỷ ban Đăng ký Vũ khí Quy ước của Liên Hiệp Quốc là đã bán tổng cộng 8 chiếc Su-22M3s cho Việt Nam.

Trước mắt, Không quân Nhân dân Việt Nam sẽ cần loại chiến đấu cơ một máy hiện đại để thay thế 20 chiếc MiG-21 đã không còn sử dụng được. Sự thay thế MiG-21 rất có thể cần đến những chiến đấu cơ đa năng với hỏa tiễn không đối không tầm xa và cả trang bị hỏa lực tấn công bộ binh một cách chính xác. Các ứng cử viên với giá cả phải chăng có thể là loại LCA của Ấn Độ, MiG 29, Saab Gripen của Thụy Điển, Mirage 2000, và MLU F-16. Và thật mỉa mai, buổi họp tháng Giêng 2008 giữa Thứ trường Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu với Ủy ban Khoa học, Kỹ thuật và Công nghiệp của Bộ quốc phòng Trung Quốc đã đề xuất khả năng cho Không quân Việt Nam tìm mua loại chiến đấu cơ giá rẻ PRC JF-17, được đồng sản xuất giữa Trung Quốc với Pakistan. Không quân Việt Nam cũng có thể có dự định tìm mua các máy bay tiếp nhiên liệu trên không cho các chiến đấu cơ Flanker nhằm gia tăng tầm hoạt động và thời gian bay trên không.

Bộ Binh

Hệ thống phòng không hiện đại của Việt Nam hiện nay là do Nga đã thiết kế và xây dựng. Hai khẩu đội cho tổng cộng 12 dàn phóng tên lửa đất-đối-không tầm xa nặng ký S-300PMU1 đã được mua của Nga năm 2003. Phi đạn có thể bay xa tới 125 ki lô mét. Một khẩu đội gồm 6 dàn phóng tên lửa được triển khai tại thành phố thủ đô Hà Nội và ở trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam cũng có một số lượng lớn súng phòng không được bố trí rải rác khắp nước.

Quân đội Nhân dân Việt Nam không có pháo binh tự động hiện đại hay xe tăng cho chiến trường lớn, đó là một sự bất lợi cho các trận chiến bộ binh so với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Nước Israel đã và đang tân trang loại xe tăng T-55 của Việt Nam với các loại bọc sắt được cải tiến ở cả dạng tĩnh và động, với một loại pháo lớn hơn cỡ 125 ly và những hệ thống kiểm soát hỏa lực có xuất xứ từ Ba Lan, nhưng những cải tiến này không giải quyết được vấn đề vì lẽ Việt Nam sẽ cần ngay những xe tăng đời mới trong thời điểm hiện tại, do xe tăng cỡ nhỏ T55 hiện thời có những giới hạn ở khả năng phòng vệ, tầm đạn dược và ở cả kích cỡ của máy xe tăng.

Cũng do địa thế của hầu hết các đường biên giới của Việt Nam là đầm lầy hoặc núi đồi, Quân đội Nhân dân chắc không tìm mua những loại xe tăng hạng nặng có trọng lượng trên 60 tấn như các loại xe tăng Leopard II và M1 Abrams của phương Tây. Quân đội Nhân dân chắc sẽ mua loại xe tăng như T-90, có trọng lượng từ 45 đến 50 tấn. Loại xe tăng T-90 tuy có ít chức năng vận hành hơn hầu hết các xe tăng của NATO, nhưng chúng vẫn có lượng hỏa lực dồi dào.

Việt Nam đã cố tự nâng cấp mấy chục chiếc xe bọc thép M113, chiến lợi phẩm từ quân đội Hoa Kỳ và Nam Việt Nam, nhưng để hiện đại hóa những chiến xa này không phải là điều dễ bởi vì Hoa Kỳ vẫn còn áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Quân đội Nhân dân rất muốn nâng cấp những chiến xa này và cả những xe chuyển quân bọc thép với những khẩu pháo hiện đại hơn, lắp thêm những bệ vũ khí có thể điều khiển từ xa, có trang thiết bị quan sát bằng hình ảnh và dùng máy tuabin xăng hoặc máy động cơ điêzen. Những dàn súng phóng tên lửa BM-21 Grad của Quân đội Nhân dân, được lắp đặt vào năm 1963, sẽ có thể được thay bằng loại vũ khí áp đảo của đời mới.

Khả năng bán vũ khí của Hoa Kỳ

Trong quá khứ, những quan ngại của chính trường Hoa Kỳ đã cản trở việc bán vũ khí cho Việt Nam. Nó liên quan tới quá khứ đau thương của cuộc chiến, những hành động ngược đãi đối với các sắc dân Hmong và Degar cùng chính sách đàn áp những nhà bất đồng chính kiến, và vấp phải tinh thần phản đối mạnh mẽ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt Nam đối với Đảng Cộng Sản đương quyền.

Những cân nhắc trong chính sách ngoại giao đã còn tạo thêm những trở lực. Đã có những quan ngại là nó có thể sẽ làm ảnh hưởng tới những đồng minh Đông Nam Á lâu đời của Mỹ, đặc biệt là Singapore và Thái Lan. Cả hai nước này đã từ lâu được coi là những đồng minh thân cận nằm ngoài khối quân sự NATO, và Thái Lan cũng đã có nhiều cuộc giao tranh nhỏ dọc biên giới Cam-pu-chia với bộ đội Việt Nam vào những năm của thập niên 1980. Giới quân sự Trung Quốc hẳn cũng sẽ phản đối Hoa Kỳ chuyển giao các hệ thống vũ khí giết người cho Việt Nam, và có thể trả đũa bằng cách chuyển giao thêm vũ khí cho những chế độ thù địch với Hoa Kỳ.

Việt Nam hiện đang sở hữu một số lượng lớn vũ khí của Mỹ thu được sau cuộc chiến. Đó là những chiến đấu cơ F-5 Tiger, máy bay tiêm kích OV-10 Broco, máy bay vận tải C-130 Hercules, trực thăng UH-1 Huey, các loại xe tăng M113 APC và M-48. Hầu hết các chiến cụ này đã lỗi thời, thiếu bảo trì và thiếu cơ phận sửa chữa, nhưng những máy bay vận tải của Mỹ, trực thăng và xe tăng chuyển quân bọc sắt vẫn còn được Quân đội Nhân dân sử dụng và người Mỹ có thể giúp nâng cấp để gia tăng độ an toàn, tầm tác xạ, trọng tải, hệ thống điện tử máy bay, và máy móc nhằm tiết kiệm nhiên liệu.

Quân đội Nhân dân đã có kế hoạch ưu tiên tái tiếp vận các đơn vị đồn trú trên các đảo, điều này có nghĩa Việt Nam có thể để mắt mua những tàu chiến thủy lục không còn nguyên trạng của Mỹ sau khi đã được tháo đi những bộ phận tác chiến. Hoa Kỳ đã từng bán những Tàu vận tải xe tăng loại Newport cho Úc, Chi Lê, Mễ Tây Cơ, Ma Rốc, Tây Ban Nha, và Đài Loan. Những loại tàu thủy này có những cầu nối thuận tiện cho việc chuyển nhu phẩm quân sự ở những vùng nước nông, như ở những đảo Trường Sa. Hoa Kỳ cũng đã bán cầu tàu loại USN Anchorage Landing Ship Dock đời trước cho Đài Loan và những cầu tàu loại Austin Landing Platform Docks cho Ấn Độ. So với những Tàu vận tải xe tăng, những loại cầu tàu này có thể đóng vai trò của mặt bằng sân bay để đón những hoạt động của máy bay trực thăng và hỗ trợ những nỗ lực thăm dò và cứu hộ trên biển của Việt Nam.

Việt Nam cũng có thể muốn mua những loại trực thăng vận tải của Mỹ. Những loại trực thăng thích hợp này là S-70 Seahawks và UH-60 Blackhawks, ngoài sức vận chuyển trọng tải trên bốn tấn, chúng hoạt động rất tốt ở vùng biển, ở một độ cao lý tưởng, và cả hoạt động tốt vào ban đêm. Những loại khác cần ngắm tới là loại trực thăng hạng nặng CH-47 Chinook, có thể dùng cho những hoạt động linh hoạt trên không và để tái tiếp vận ở các chốt quân sự trên các dãy núi gần biên giới Trung Quốc. Các máy bay vận tải C-130J Super Hercules và C-27A Spartan là những loại lý tưởng để Việt Nam có thể dùng vận chuyển các nhu phẩm quân sự bằng đường hàng không. Hai loại máy bay này, mỗi chiếc có thể chuyên chở thêm 20 tấn (C-130J Super Hercules) và 11 tấn (C-27A Spartan) trên trọng tải ấn định, chúng còn có khả năng cất cánh trên các phi đạo dã chiến, vì vậy rất hữu hiệu trong công tác cứu trợ nhân đạo sau các vụ sóng thần và thiên tai.

Trước đây Việt Nam với sự trợ giúp của Do Thái cũng đã cố gắng sản xuất các loại máy bay không người lái nhưng không thành công. Các loại máy bay trinh sát không người lái như MQ-1 Predator và RQ-7 Shadow - khó bị phát hiện lại có giá phải chăng - có thể thực hiện tốt chức năng tuần tra ở các đường biên giới rất dài của Việt Nam, trên đất liền cũng như dọc bờ biển.

Các loại máy bay trinh thám không người lái này cũng có thể giúp điều phối các công tác chuyển quân trên đất liền và trên biển. Ngoài ra nếu mua được loại máy bay AEW&C đời E-2T Hawkeye Việt Nam sẽ có thể cải tiến các nhiệm vụ phân tích thông tin chiến trường, phủ sóng rađa, và truyền tin. Mua đ ược loại máy bay có chức năng AEW&C này sẽ nâng Việt Nam lên vị thế ngang tầm với loại máy bay KJ-2000 và KJ-200 của Trung Quốc, loại Phalcon Gulfstream của Singapore, và loại Erieye Saab 340 của Thái Lan.

Hiện đại hóa Quân đội Nhân Dân cũng đòi hỏi phải nâng cấp những hệ thống truyền tin và kiểm soát của quân đội. Nếu mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có những cải tiến tốt hơn nữa, Việt Nam sẽ có những cơ hội để mua những hệ thống đài rađiô đời Link 11 và một dạng của đời mới 16 và cả những đường dẫn truyền thông và dữ kiện như MIDS/LVT-1 nhằm có thể tăng cường mạch thông tin và an ninh ở cả cấp độ chiến lược và chiến thuật. Những bộ phận mã số hiện đại này tăng cường khả năng dự báo và ra hiệu lệnh đúng kịp thời sẽ cho phép Việt Nam phối hợp các hoạt động quân sự của không quân, bộ binh và hải quân một cách đồng bộ hơn.
Cuối cùng, đó là cuộc Chiến tranh Việt Nam đã xả ra hàng chục ngàn tấn mìn chưa nổ, vỏ đạn pháo, bom, bẫy mìn và những loại chất nổ khác trên khắp nước Việt Nam, từ những vùng thành thị cư dân đông đúc đến tận các vùng nông thôn. Có những loại cơ giới gỡ mìn do Mỹ chế tạo như MRAP và loại máy bay nhỏ không người lái M60 Panther có thể hoạt động hiệu quả, nhanh và bảo đảm an toàn cho các công tác gỡ mìn, mà hầu như cho đến nay đều được làm bằng chân tay.

Richard Weitz
Nguyễn Văn Hiệp dịch
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: