Tuesday, February 1, 2011

THẾ GIỚI CÓ THẬT SỰ HÒA BÌNH ? (Huỳnh Thục Vy)


Hòa bình là khao khát muôn đời của nhân loại bởi lẽ con người luôn mong ước được sống trong một không gian đảm bảo cho sự sinh tồn và phát triển của họ. Thế nhưng lịch sử nhân loại lại được viết nên bởi vô vàn những cuộc chiến tranh và bạo loạn đẫm máu. Nói về nguyên nhân cụ thể thì thực sự khó nhưng nôm na là bởi sự khác biệt về quyền lợi và giá trị của những cộng đồng người khác nhau.

Từ sau cuộc đại chiến thế giới lần hai, tuy nhân loại chưa phải kinh qua một cuộc cuộc chiến nào có tầm vóc tương đương nhưng cũng chưa bao giờ ngưng những chết chóc vì bạo loạn. Nếu không phải là chiến tranh lạnh Mỹ – Xô thì cũng là cuộc chiến vùng Vịnh; nếu không phải là cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 chấn động thế giới thì cũng là bạo loạn vùng Tân Cương làm tổn thương lương tâm nhân loại. Thật vậy, chúng ta cổ vũ cho nền hòa bình thế giới như là sự nhân danh và bênh vực cho lẽ phải và đạo đức. Thế nhưng nền hòa bình ấy có thể đạt được không chỉ với niềm tin của chúng ta?! Hỏi như thế cũng chính là đã trả lời. Một minh chứng gần đây nhất cho những mối bất ổn, sự sục sôi của lòng người, sự mất cân bằng của xã hội tồn tại tiềm tàng trên khắp các vùng đất khác nhau trên thế giới, đó là hai cuộc bạo động của người dân chống chính quyền độc tài ở Tunisia và Ai Cập. Thế giới này chưa hề thực sự hòa bình, ổn định.

Hầu như tất cả các chế độ độc tài trên thế giới từ chế độ Cộng sản Trung Quốc, chính quyền quân phiệt Miến Điện, các chế độ độc tài ở thế giới Ả Rập cho đến chính quyền cộng sản Việt Nam… đều thích hô to khẩu hiệu “hòa bình và ổn định”. Bởi lẽ nếu thế giới còn ổn định, người dân sống ở những nơi này còn cam chịu, an phận thì họ – những phe nhóm lãnh đạo độc tài sẽ tiếp tục hưởng vinh hoa phú quý trên đầu trên cổ người dân, vẫn tiếp tục hết thế hệ này đến thế hệ khác nắm quyền và tác oai tác quái. Họ tuyệt nhiên không muốn có sự xáo trộn chính trị nào. Còn người dân thì lại sợ hãi khi nghĩ đến “sự lật đổ chính quyền”. Thế nhưng như người Trung hoa cổ đã nói: “Vật cùng tất phản, sự cùng tất biến”. Mọi thứ luôn có một cái mốc, cái đỉnh điểm của nó. Và khi mọi đàn áp của chính quyền và sự sục sôi, bất bình của người dân đã lên đến đỉnh điểm thì…

Hòa bình ổn định chẳng thể giữ được nếu chỉ một mặt đàn áp bằng sức mạnh của quyền lực Nhà nước với lực lượng quân đội và công an, một mặt tuyên truyền về sự “bình ổn”. Sự ổn định của một Nhà nước và xã hội không phải được xây dựng dựa trên nền tảng độc quyền chính trị và sự sợ hãi không dám đối kháng của người dân. Kẻ nào nghĩ như thế nhất định sẽ gánh lấy hậu quả của chính sự ngu dốt của mình. Vì sự khao khát mang tính bản năng của con người chính là hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cá nhân mình. Nó là luật tự nhiên, mọi ràng buộc có chủ ý của con người trái với luật tự nhiên sẽ dẫn đến thất bại. Lịch sử nhân loại đẫm máu nhưng cũng chính là những trang sử hào hùng ghi lại những cuộc đấu tranh không ngừng cho tự do. Con người muốn có các quyền tự do, bởi tự do sẽ chu cấp cho họ mọi phương tiện để sống một cuộc đời xứng đáng với phẩm giá của họ. Mọi sự tước đoạt quyền tự do sẽ là lời tuyên chiến với lương tri nhân loại và quy luật của Tạo Hóa.

Các chế độ độc tài luôn sợ hãi một cuộc khủng hoảng chế độ – đó là điều không bao giờ có trong tâm thức những nhà lãnh đạo ở các nước tự do dân chủ. Ở các nước dân chủ tiến bộ chỉ có thể có những cuộc khủng hoảng chính phủ chứ điều này không liên quan gì đến cả một chế độ, nó không làm suy suyển bất cứ giềng mối nào của xã hội. Bản thân chế độ dân chủ vốn có những đặc tính tạo ra sự ổn định và hài hòa một cách tự nhiên nhất. Còn ở các chế độ độc tài, nếu không giữ được ổn định nữa thì mọi thứ sẽ đổ ụp xuống trong phút chốc. Và hậu quả của việc này không chỉ có các chế độ độc tài phải gánh chịu mà nó còn ảnh hưởng nặng nề lên toàn xã hội trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là điều chúng ta không bao giờ mong muốn. Tại sao chúng ta không thể làm khác đi? Tại sao chúng ta không tạo dựng một xã hội mà ở đó mọi sự đổi thay diễn ra trong hòa bình?

Chúng ta ngợi ca hòa bình, chúng ta “chống lại việc dân tộc này sử dụng vũ lực chống lại dân tộc khác chứ không chống lại việc chính phủ của một nước sử dụng vũ lực nhằm chống lại các công dân của chính nó”. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói nổi tiếng này của Ayn Rand trong “Nguồn gốc của chiến tranh”. Bà nói điều này trong thời kỳ Chiến tranh lạnh nhưng đến hôm nay tác phẩm của bà vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Thế giới ngày hôm nay vẫn tiếp tục cổ vũ cho hòa bình theo cái cách thiếu suy nghĩ như thế. Thế giới sẽ mãi mãi không bao giờ ngưng tiếng súng nếu ở đó vẫn còn có những phe nhóm muốn đi ngược chiều lịch sử,  muốn chống lại luật tự nhiên, muốn ngăn cản sự tiến bộ của nhân loại.

Như một ý rất hay trong một bài viết của ông Hà Sĩ Phu rằng: ngoài kia một chiếc lá ngô đồng  lìa cành, khắp nhân gian biết rằng mùa thu đã về (Ngô đồng nhất diệp lạc – Thiên hạ cộng tri thu). Hôm nay khắp thế giới chứng kiến thêm hai cuộc nổi dậy chống độc tài, lòng người hân hoan và hi vọng.
Những người cộng sản Việt Nam nghĩ gì, hay họ vẫn muốn níu kéo mùa hạ đã qua không gì giữ nổi?!

© Huỳnh Thục Vy
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: