Monday, February 7, 2011

TÌM HIỂU KHÁI NIỆM về MỘT CUỘC CHIẾN CÓ CHÍNH NGHĨA (Monique Canto-Sperber)

Monique Canto-Sperber
Nguồn: Monique Canto-Sperber, «La guerre juste, une notion impertinente? », Esprit, Février, 2005, pp. 204-212.

Đỗ Kim Thêm dịch
Đăng ngày 07/02/2011 lúc 15:10:11 EST 

Tác giả: Monique Canto-Sperber là giáo sư triết học người Pháp, làm việc tại Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học (Centre Nationale de la Recherche Scientifique). Bà là thành viên trong Ủy ban Quốc Gia về Đạo đức (Comité National de l´Éthique) và Giám đốc L’École normale supérieure từ 2005. Các tác phẩm chủ yếu là Le Bien, La Guerre et la Terreur, Paris, Plon 2005; Faut-il sauver le libéralisme?, cùng viết chung với Nicolas Tenzer, Paris, 2006 và Le Libéralisme et la gauche, Hachette Littératures 2008.
Tác phẩm:
Le Bien, La Guerre et la Terreur đưa ra vấn đề là khủng bố ngày càng lan rộng và sẽ còn gây nhiều nguy hiểm cho nhân loại. Các chính quyền cũng như các tổ chức quốc tế và các tôn giáo dường như không đủ khả năng giải quyết vấn đề. Trước hiện tình quốc tế, có quan niệm bi quan cho rằng trong tuơng lai một thế giới đại đồng với một nền hoà bình vĩnh cửu sẽ không bao giờ đạt được và chiến tranh là tai họa cũng không tránh khỏi. Nhưng làm sao chúng ta có thể tìm ra những phương sách chính trị, đạo đức và tri thức để đối phó vấn đề. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần bàn đến tương quan giữa đạo đức quốc tế và cuộc chiến tương lai. Đâu là cơ sở đạo lý cho cuộc chiến, thế nào là một cuộc chiến vì chính nghĩa là một đề tài được thảo luận trong giới trí thức tại Pháp. Trong bối cảnh này, Monique Canto-Sperber đã đề ra một lý thuyết mới về một cuộc chiến vì chính nghĩa trong cuốn sách này.

Bản dịch Việt ngữ sau đây là một đoạn trích trong tác phẩm Le Bien, La Guerre et la Terreur, được tạp chí Esprit đăng lại trong số tháng Hai 2005, trang 204 -212 nhằm giới thiệu hai quan điểm của hai thuyết chủ hoà và chủ chiến trong quá khứ. Phái chủ hoà cho rằng chiến tranh là điều vô đạo đức, không thể chấp nhận được, trong khi phái chủ chiến nghĩ là không có chuyện đạo đức trong chiến tranh, tất cả mọi chuyện đều được phép. Nhưng cả hai thuyết chủ hoà lẫn chủ chiến sẽ không là những quan điểm thuyết phục dùng để suy luận về những giới hạn của bạo lực trong hoàn cảnh hiện nay.
Người dịch

---------------------------------

Vấn đề đạo lý chiến tranh đã được đặt ra từ thời thượng cổ và thường được đặt tên dưới dạng học thuyết chiến tranh có chính nghĩa. Khái niệm này từ lâu đã là nguồn cung cấp những lập luận để sử dụng vũ lực. Khi suy lý về căn gốc của vấn đề người ta tin rằng có thể thảo luận được ý niệm chính nghĩa trong hai khía cạnh: mục tiêu chiến tranh và phương tiện sử dụng. Khái niệm về chiến tranh vì chính nghĩa thường quan hệ chặt chẽ với một nền đạo lý khả chấp cho việc sử dụng bạo lực.

Khái niệm này đưa ra hai vấn đề: một mặt, trong một vài trường hợp nào đó, có những lập luận cho rằng chiến tranh là chính đáng; chiến tranh, do đó, có thể biện minh được về mặt đạo đức (Jus ad bellum, quyền gây chiến); mặt khác, nó đưa ra một phương cách đúng đắn trong chiến tranh (jus in bello, quyền trong chiến tranh).

Ý tưởng liên hệ đến suy tư về đạo lý của chiến tranh không hề coi chiến tranh như là chuyện đương nhiên. Trái lại, đối với những người bảo vệ cho lý tuởng của một cuộc chiến vì chính nghĩa thì chiến tranh là một điều ác, nhưng lại là điều ít ác hơn, thông thường người ta không tránh được và không thể kết án nó một cách dễ dàng. Chiến tranh vì chính nghĩa vừa là một điều ác, nhưng cũng vừa là một phương tiện để chữa trị điều ác. Nhưng tư duy về một cuộc chiến có chính nghĩa có thể giúp chúng ta giải quyết được sự căng thẳng giữa hai nghiã vụ: nghiã vụ thứ nhất có ý tiêu cực, đó là chúng ta không nên làm những điều ác với ý đồ, và nghiã vụ thứ hai có ý tích cực, đó là chúng ta cần phải hành động để tránh điều ác xảy ra hay có thể phát triển xấu hơn. Nó cũng giải quyết sự căng thẳng bằng cách đề ra những giới hạn về lập luận cổ vũ cho chiến tranh trong những mục tiêu kỳ lạ cũng như những phương tiện sử dụng: tại sao lại là lập luận này mà không phải là lập luận kia, thời điểm này mà không phải là thời điểm trước kia, bằng phương cách này mà không phải là một phương cách khác v.v. Trong lối diễn đạt “chiến tranh vì chính nghiã” thì sự đề cập đến từ “chính nghiã” hàm chứa một đòi hỏi trước tiên về một điều phân biệt giữa những cách lập luận và tiến hành chiến tranh.
Chiến tranh có chính nghĩa theo quan điểm phái chủ hoà
Khái niệm về chiến tranh có chính nghĩa đề cập đến tính đạo đức giữa hai phái chủ hoà và chủ chiến. Phái chủ hoà luôn cho rằng chiến tranh là điều vô đạo, không thể chấp nhận được, trong khi phái chủ chiến tuyên bố rằng không có chuyện đạo đức trong chiến tranh, tất cả mọi chuyện đều được phép. Những người theo cả hai phái cùng gặp nhau trong trong một niềm tin chung: khi súng đạn lên tiếng thì không còn chính nghĩa. Nhưng họ đã rút hai hai kết luận đối nghịch nhau. Đối với phe chủ hoà thì tất cả mọi cuộc chiến tranh đều không có chính nghĩa, không bao giờ nên gây chiến, đối với phe chủ chiến thì không có một cuộc chiến nào là vì chính nghĩa hay phi chính nghĩa, chiến tranh là chiến tranh thế thôi. Khái niệm chính nghĩa gây sự đối kháng lẫn nhau.

Những người ủng hộ cho chiến tranh vì chính nghĩa không phải là những người chủ hoà. Người chủ hoà thường xem chiến tranh không bao giờ là điều tốt đẹp, nói khác đi, chiến tranh là một điều ác cần từ bỏ trong tất cả mọi trường hợp. Theo họ, lời cảnh báo đơn thuần xem chiến tranh là gì cũng đủ biện minh cho việc kết án chiến tranh. Chiến tranh đồng nghiã với chết chóc và phá hoại. Người khác lại coi chiến tranh như một kẻ thù, vì bạo lực tràn lan khắp nơi với nhiều vi phạm đủ mọi hình thái [1] . Chiến tranh đưa tới những vi phạm buộc ta phải luôn giấu kín, cho dù ta muốn điều tốt đẹp đi nữa. Phe chủ hoà không chịu thảo luận về những lợi điểm cho chiến tranh mang lại hoặc so sánh những điều tệ hại do cuộc chiến gây ra và những tệ hại có thể tránh được. Do đó, những nhận xét về chính nghĩa hay tiết giảm các phương tiện gây chiến đối với họ có vẻ là vô vọng. Không hề có chính nghĩa cũng không hề có một phương cách đúng đắn nào trong việc gây chiến. Trên nguyên tắc, tất cả mọi cuộc chiến đều là xấu xa và gây tội ác. Chiến tranh có chính nghĩa cũng chỉ là một cuộc chiến tranh mà thôi.

Lập luận thứ hai của phe chủ hoà đưa ra dựa trên một niềm tin cho là chiến tranh không hề cải thiện được tình hình thế giới. Bạo lực không đưa tới điều thiện, bởi vì bạo lực chỉ gây tác hại thêm những gì mà nó tạo ra. Những cuộc nội chiến đã để lại những bạo lực mang sắc thái địa phương qua những mặt nạ mang danh hoà giải như là một loại di sản. Những cuộc chiến nhằm bảo vệ dân chúng, cho dù có những hậu quả có lợi đi nữa, chỉ xây dựng bạo lực một cách lâu dài.

Phe chủ hoà đưa ra một phán đoán về một giá trị (chiến tranh là một điều ác), dựa trên một niềm tin (chiến tranh chỉ gây ra điều ác) và một điều cấm đoán (không nên gây chiến). Họ thể hiện một trạng thái tâm linh đối diện với cuộc đời. Họ xác nhận rằng thế giới này là xấu xa, nhưng từ chối sử dụng bạo lực để cải thiện thế giới hoặc ngăn chận thế giới thành địa ngục. Một thái độ như thế không hẳn đưa tới một sự thụ động một cách tất yếu. Thái độ này có thể kết hợp với những phương thức hành động hữu hiệu như đã minh chứng qua vô số những phong trào động viên dân chúng chủ hoà [2] .

Dù với những dấn thân đầy cao thượng, tuy vậy, phe chủ hoà có quan điểm sai lầm và thiếu mạch lạc. Họ sai lầm khi cho rằng chiến tranh luôn luôn là điều xấu xa nhất. Trong trường hợp bị tấn công hay những đe doạ nghiêm trọng tới sinh mạng của mình hay người khác, thì sự tự bảo vệ mình không phải là một điều xấu hơn là để bị giết chết, và nhất là người khác bị giết chết trước mặt mình. Trên nguyên tắc, lên án mọi hành vi bạo lực về mặt đạo đức, những hành vi có thể tiêu diệt hoặc tàn sát người khác, đó chính là việc thẩm định về giá trị đạo đức của con ngưòi trước một khả năng có nên từ bỏ bạo lực hay không. Nhưng nếu tôi bị giết chết rồi, thì tôi không còn cơ hội hành động về đạo đức nữa. Hậu quả của việc này là tôi không còn khả năng quyết định tự vệ nữa. Có phải chăng cái giá mà tôi phải trả cho một quan điểm đạo đức như thế mà người ta buộc tôi phải tuân thủ, chính là làm mất đi một phương tiện hành động nhằm tự bảo vệ, nó tương phản những điều người ta quy định. Nếu cho rằng thà mất tất cả những khả năng hành động trong tinh thần bất bạo động, vẫn hơn là hành động tự vệ bằng bạo lực, đây là một lập luận không thuyết phục.

Mặt khác, lịch sử đã minh chứng một số trường hợp khác: một nền hoà bình dài lâu đạt được sau khi chiến tranh kết liễu, khi mà việc hoà giải có kết quả, ngay cả khi cần đến những cấu trúc giả tạo về mặt pháp lý và giải quyết được các vấn đề thuộc về hoài niệm quá khứ. Việc công bố đại xá tại Nhã Điển vào năm 403 trước Công nguyên nhằm chấm dứt nội chiến giữa hai phe độc tài và dân chủ là một thí dụ. Từ đó, người ta phải kể đến nhiều thí dụ khác về sự tái lập hoà bình [3] . Nếu chủ trương rằng chiến tranh luôn luôn chỉ gây thêm bạo lực và chết chóc, lập luận này không chính xác lắm.
Sau rốt, phe chủ hoà dường như có một quan điểm miễn cưỡng trong tình hình thế giới hiện nay. Trên nguyên tắc, việc chống đối một cuộc chiến tranh xâm lược là một quan điểm dễ dãi về mặt đạo đức. Khi một cuộc chiến tranh như thế xảy ra, thì sự đồng thuận để kết án và trừng phạt khá phổ biến, như trong trường hợp Iraq tấn công Kuwait. Những cuộc chiến loại này không phải là một đề tài phức tạp về đạo đức, nhưng trong mọi trường hợp thì nó hầu như đã không còn nữa trong thế giới Tây phương. Nhưng bù lại, đã có những cuộc chiến đặt ra những trường hợp đáng nghi ngờ về mặt đạo đức. Đôi khi có những cuộc chiến mà động cơ thúc đẩy là nhằm cứu vãn trươc những thiên tai vì lý do nhân đạo. Đó là những cuộc chiến mà các nước này phải giết một phần dân chúng của mình, hoặc bị xâu xé vì nội chiến hay vì dung chứa các tên khủng bố. Trong các hình thái chiến tranh này, nếu ta không can thiệp hay từ bỏ tiến hành chiến tranh vì lý do chiến tranh là điều ác, thì rõ ràng ta để cái ác phát triển thêm và tình hình sẽ tồi tệ hơn, hoặc là chỉ làm cho thiện và ác lẫn lộn. Điều ác tạo ra một sự can thiệp, sự can thiệp này lại tạo ra tàn sát hay nội chiến, tất cả đều liên hệ nhau, vì luôn luôn có khổ đau và chết chóc. Phe chủ hoà hiện nay dù lập lờ trước mọi hình thái can thiệp có vũ trang, lại mặc thị chấp nhận điều này. Trong khi họ kêu gào: “Không được phép can thiệp, không dùng bạo lực thêm nữa trước bạo lực” họ nghĩ rằng hai loại bạo lực này giống nhau. Với khẩu hiệu này họ giả đò không biết đến việc cầu cứu bạo lực khi cần có thể gây tác dụng làm giảm đi bạo lực lan tràn.

Trong khi phê phán phe chủ hoà về mặt đạo đức, ta không thể tự giới hạn ca ngợi các nghị quyết về việc không vi phạm các bạo hành. Ta cũng cần phải nhận xét về những giá trị đạo đức của việc từ bỏ hành động, bỏ qua sự can thiệp và từ chối giúp đỡ. Khi người ta giết hại lẫn nhau, tôi sẽ không làm gì hết ngoài chuyện kết án điều này là ác. Ta cũng biết một câu nói nổi tiếng của Peguy về những người Công giáo: “Họ có những bàn tay tinh khiết, nhưng họ không có bàn tay”. Có rất nhiều tình huống mà bất bạo động không phải là một sự chọn lựa đạo đức. Đó chính là lý do tại sao mà ngay cả giá trị đạo đức của phái chủ hoà là điều đáng tranh luận [4].

Thực ra, thuyết chủ hoà ở một vị thế không vững trong bối cảnh quốc tế. Thế giới đều đồng ý rằng chiến tranh là một điều ác và chỉ gây ra tai hoạ. Nhưng nếu xác quyết rằng chiến tranh luôn luôn là một điều ác cùng cực thì quả là một điều phi lý. Phần đông những người hiện nay tự cho mình là chủ hoà cũng chỉ là những người còn sót lại trong số những người chủ hoà theo quan điểm cổ truyền. Khi họ thú nhận ngoài môi rằng nếu chiến tranh là một điều không tránh được, thì nó là một điều ác lại có thể chấp nhận được. Họ chỉ uớc đoán rằng trong đa số tình hình thực tế có những điều kiện làm cho chiến tranh có thể chấp nhận được lại không hội đủ. Trong những biện pháp mà họ cân nhắc là không loại trừ trên nguyên tắc những điều kiện như thế xảy ra. Họ không là những người theo phái chủ hoà theo ý nghĩa nghiêm chỉnh nhất, đúng hơn, họ là môn đệ của một khái niệm rất giới hạn về một cuộc chiến tranh vì chính nghĩa [5].

Còn những người tự nhận là chủ hoà vì họ cổ vũ các giải pháp bằng thương thuyết, bằng đường lối ngoại giao hoặc bằng cách cần phải thử nghiệm tất cả mọi phương thức cho phép tránh được chiến tranh, thì họ cũng chẳng phải là những người chủ hoà hơn những ngưòi khác Nhằm tránh chiến tranh, tất cả chúng ta ai cũng mong uớc đạt đến một giải pháp bằng hoà ước. Nhưng điểm khác là ở chỗ đối với một người chủ hoà chân chính thì phương cách ngoại giao nhằm tóm tắt những gì có thể thực thi được, trong khi một người không chủ hoà lại cho rằng giải pháp ngoại giao có hữu hiệu hay không, việc này còn tùy thuộc vào khả năng áp dụng bạo lực hay đe doạ dùng bạo lưc. Một người chủ hoà chân chính phải lo đối đầu toàn diện với một chính sách ngăn ngừa, nhưng thật ra phải hành động bằng cách đe doạ là sẽ gây chiến tranh như thật nhằm tránh chiến tranh. Lịch sử đã cho chúng ta nhiều thí dụ mà sự đe doạ chiến tranh là một phương thức duy nhất không gây ra chiến tranh. Vấn đề duy nhất nhằm phân biệt giữa người chủ hoà và ngưòi không chủ hoà là tìm hiểu xem họ phải làm gì trong khi giải pháp thương thuyết thất bại: tiếp tục thương thuyết khi không còn ai để đàm phán hay chỉ cầu cứu đến vũ lực?

Cũng nên xem phe chủ hoà như biểu hiện lòng khoan dung. Khoan dung là một đức tính khi mà ta chấp nhận không hề kết án những gì mà ta không đồng ý. Nhưng tính khoan dung mất đi ý nghiã đạo đức trong khi khoan dung đưa tới phải chịu đựng những gì xấu xa. Người ta có nên chủ trương cần phải hành động đúng đắn trong khi lại phải chịu những điều thực ra là xấu xa ấy chăng? Thuyết chủ hoà chỉ có một thái độ đạo đức nhất quán cho đến khi nào nó tạo ra một chuyển hướng trong hành động. Trong khi thuyết này đưa ra quan điểm thuộc về nguyên tắc, thì thuyết này lại trở nên thiếu thuần nhất trong thực tế. Thuyết này coi việc không cần tới chiến tranh như luôn luôn là một việc ưu tiên, cho đến chừng nào mà điều này có thể đạt được. Nhưng khi từ chối chiến tranh trong mọi trưòng hợp một cách quyết liệt như vậy, đó chính là việc làm sụp đổ ngay đến những giá trị làm nền tảng cho sự từ chối đó. Có nên chủ trương hành động một cách khôn khéo trong khi người ta để cho bạo lực tự lộng hành chăng? Nguyên tắc của thuyết chủ hoà cho thấy rõ tính cách bất khả thi của những nguyên tắc tuyệt đối trong thế giới ngày nay.
Chiến tranh có chính nghĩa theo quan điểm phái chủ chiến
Khái niệm về chiến tranh có chính nghĩa luôn đối nghịch với tư tưởng thường được mệnh danh là chủ chiến, mà theo quan điểm này trong chiến tranh tất cả đều được phép. Phái chủ chiến dường như bảo vệ một quan điểm khá đơn giản: inter arma silent leges (khi súng đạn lên tiếng nói thì luật pháp phải im). Khi có chiến tranh thì không còn những luật lệ hay những tiêu chuẩn về công lý cho phép người ta xác định những lập luận hợp pháp để cầu viện đến chiến tranh và những phương tiện khả chấp để tiến hành chiến tranh. Tất cả đều có thể bị vi phạm và phải chịu đựng vì chiến tranh. Họ sử dụng bạo lực mà không hề nhìn thấy gì đạo đức, và đúng họ là đạo đức giả khi chủ trương gây một cuộc chiến vì chính nghĩa. Ngay từ thuở sơ khai của lịch sử nhân loại, trong phe chủ chiến có nhiều niềm tin khác nhau đã gợi ý cho họ gây chiến, cần nên phân biệt các luận điểm này.

Quan điểm cực đoan nhất cho rằng chiến tranh tự nó tạo nên một hình thức của chính nghĩa. Chiến tranh là động lực của lịch sử. Nó tuyển lựa ra xem thành phố, dân tộc hay nền văn minh nào đáng được sinh tồn. Chiến tranh cũng tạo cơ hội cho cá nhân đem lại những thành tựu nhằm siêu việt hoá nhân loại. Chiến tranh cũng là những trường hợp chủ yếu nhằm quy tụ dân chúng lại làm thành một dân tộc. Khi đem những động cơ hay phương tiện làm thành những giới hạn nhằm áp đặt cho chiến tranh để ngăn cản những công trình tương tự của lịch sử, thì những cuộc chiến đó không có chính nghĩa. Người ta nhận ra quan điểm này trong lí thuyết của Hegel. Joseph de Maistre đã biện minh quan điểm này rất rõ nét [6] . Tuy thế, điểm yếu của lập luận này là dựa trên định đề về một ý nghiã tổng quất của lịch sử nhân loại. Một định đề như thế là một đề tài cần được tranh luận, bởi vì con người luôn có thể sai lầm, do những đặc tính giới hạn và bất định. Thật ra, đây cũng giống như những lợi điểm của một “lịch sử nhiều ồn ào và cuồng nộ do tên khờ kể lại” hơn là về những thành tựu liên tục trong một ý nghĩa trừu tượng. Khi tách rời định đề này ra, thì ý niệm về chiến tranh như một công trình công lý của lịch sử và một biểu hiện nền đạo đức tối cao như là một yếu tính mất đi vẻ thật của nó.

Một quan điểm khác lại cho rằng chiến tranh là một sự tất yếu tự nhiên nằm sẵn trong đức tính cơ bản của con người và đất nước. Chiến tranh bằt nguồn từ những tham vọng và quyền lợi của con người. Muốn giới hạn chiến tranh điều này giống như xin con rắn đừng chích nọc đọc. Khi bàn đến quy luật xung đột của con ngưòi là chuyện muôn đời, Thucydide đã lập luận như sau:

Người ta không hề có bất kỳ một do dự nào để thay đổi từ chiến tranh sang hoà bình. Đối với kẻ khôn ngoan thì hiển nhiên họ luôn giữ thái độ im lặng, khi mà ngưòi ta không gây thiệt hại gì cho họ. Nhưng đối với những kẻ có lòng, khi quyền lợi của họ bị thiệt hại, họ sẽ không chiụ hoà mà chấp nhận chiến tranh. Nhưng khi điều kiện thuận lợi thì họ từ bỏ chiến để chấp nhận hoà”. [7]

Muốn áp đặt một nền đạo đức theo bản chất tự nhiên là một mơ ước vô nghĩa. Quy luật tự nhiên đặt
Khi mà ta thống trị được kẻ khác theo quy luật tự nhiên của con người thì ta thường tự biểu lộ rằng mình có chính nghĩa hơn là chấp nhận một quyền lực mà ngưòi ta quy định... trong tận cùng thì cách lập luận này không hề có giá trị thuyết phục và đáng được ca ngợi”. [8]

Hai trích dẫn trên rất cần thiết nhằm tránh những hiểu lầm quan điểm này. Không đặt vấn đề đạo đức cốt để sử dụng bạo lực chỉ có nghĩa là tuyệt nhiên không cân nhắc và phân biệt các phương sách trước khi cần cầu viện chiến tranh. Thuyết tự nhiên về chiến tranh thì không hề có chiến tranh nào là chính nghĩa hay không chính nghĩa, mà chỉ có chiến tranh ngu xuẩn và chiến tranh có cân nhắc. Sự cân nhắc hay những tính toán xác đáng về những quyền lợi lâu dài thường đưa tới những hành động hướng dẫn đạo đức. Nói rộng hơn, khi ta cho rằng chiến tranh không thể tránh được, sự thật này không ngăn cản được ta suy nghĩ tìm ra những phương tiện tốt hơn trong hành động, đặc biệt là giới hạn những tổn hại dân sự không cần thiết [9] .

Thuyết tự nhiên cho là chiến tranh là hiển nhiên, mà người ta dùng nó khi cần để làm một luận đề kiểm chứng: chiến tranh là một điều không tránh được và người ta gây chiến khi người ta có thể thắng được. Khi lập luận này trở thành quy luật và cho rằng người ta phải tiến hành chiến tranh bằng mọi phương tiện, thì điều này cần đưọc bàn cãi. Ngay khi chấp nhận có những cuộc chiến không thể biện minh được hay biện minh mà không thuyết phục được, thì người ta cần phải đào sâu vào các phân tích giống như những tư duy về đạo đức, đây là chuyện không thể tránh được

Những âu lo cân nhắc, đặc biệt về kinh tế, buộc người ta phải coi chiến tranh với tất cả mọi hình thái hoạt động là không có giá trị gì hết; chỉ một vài loại hoạt động nào đó là có thể được ưa chuộng hơn và những hình thái khác phải đưọc coi là ngoại lệ. Không, người ta không thể chỉ gây chiến vì những lo âu duy lý. Những cưỡng chế bắt nguồn từ những cân nhắc cẩn trọng không dựa trên những lập luận đạo đức, nhưng nó có những hậu quả tương tự tạo ra lo âu đạo đức của chiến tranh. Nhượng bộ về điểm này có nghĩa là từ bỏ quan điểm chiến tranh của thuyết tự nhiên, đối nghịch với ý tưởng về một cuộc chiến vì chính nghĩa. Trong một cuộc bàn cãi nổi tiếng về thân phận của những cư dân vùng Mytiliène, Thucydide nhắc lại những lập luận của Diodote. Ông biện hộ cho việc đại xá với những lập luận về sự cân nhắc cũng hàm chứa những lập luận khác của Cleon, người theo phái tiêu diệt. Khi Cleon phản đối sự trả thù dân Mytiliene không màng đến luật lệ, thì Diodode cho rằng không cần thiết phải thảo luận bằng lập luận về sự cân nhằc trong những quyết nghị.

Tôi có thể minh chứng rằng những cư dân của Mytiliène là hoàn toàn phạm tội mà không hề khiếu nại gì về cái chết cuả họ, điều này không phải là quan tâm của chúng tôi” [10].

Nỗi lo âu về sự cẩn trọng đưa tới sự phân biệt; điều này cũng giống như cân nhắc trong đạo đức giữa những hành vi có thể và không thể biện minh được.

Trong một cuốn sách nhan đề là Le Nomos de la terre, phát hành năm 1950, Carl Schmitt định nghĩa một hình thức khác lạ về tính cách trung dung về mặt đạo đức của chiến tranh [11] . Theo ông, chiến tranh dựa trên một trật tự thế giới có cội rễ từ châu Âu (Jus Publicum Europeanum). Bắt nguồn từ chủ quyền tối thượng của châu Âu, trật tự này thành hình trong không gian đích thực. Trật tự này do kết quả từ những chiếm đóng đất đai, nói khác đi, là những chia cắt không gian và lãnh thổ, mà nó tạo nên nguồn gốc của tình trạng thực tế Âu châu. Họ tự định nghĩa về chính nghĩa cho chiến tranh khi họ so với tự quyền đi chiếm đất đai của mình, cũng như họ cho rằng trong cuộc chiến tranh của hai phe đối nghịch, khi ai là kẻ chiếm đất đầu tiên thì người đó có chính nghĩa. Theo Schmitt, nếu với nội dung này để định nghĩa chính nghĩa thì chỉ là định danh cho một cuộc chiến nhằm tái lập một trật tư do Âu châu lập ra, cho dù cuộc chiến này nhằm chống lại một kẻ thù có chính danh và giải pháp của nó có ra sao đi nữa. Trong ý nghĩa này, chính nghĩa chiến tranh đặt ra một cưỡng chế thuần về mặt hình thức. Nó không tùy thuộc vào căn cơ của chính nghĩa. Ngay khi kẻ thù có chính danh, thì tất cả mọi lập luận để gây chiến đều tốt và bất cứ ai trong phe họ cũng không thể coi là kẻ thù vi phạm hình sự. Phân tích đạo đức về những cơ sở lập luận để gây chiến, những trường hợp gây chiến và những mục tiêu theo đuổi trong trưòng hợp này đều thiếu ý nghĩa của nó.

Khái niệm chính nghĩa chiến tranh thuần về hình thức tạo nên hậu quả là đạo đức của chiến tranh mang tính trung dung. Cuộc chiến có chính nghĩa về mặt hình thức theo quan điểm cuả Schmitt đối nghịch với ý nghĩa chiến tranh có chính nghiã theo thời trung cổ, được phê phán theo quan điểm đạo đức của giáo hội đặt ra nhằm giải quyết vấn đề chính nghĩa. Nhưng quan điểm này đối nghịch với những cuộc chiến vì chính nghĩa của thế kỷ XX, khi mà luật quốc tế được sử dụng như là một “chủ thuyết thượng tôn luật pháp không biên giới”, tách rời khỏi mọi gốc rễ từ Châu Âu, điều này đem đến hậu quả là phân biệt giữa nguyên nhân chính đáng và sai lầm của cuộc chiến và hình sự hoá hành vi của kẻ thù. Schmitt cũng nhận ra trong các tổ chức quốc tế hình thành từ sau 1945 có một sự phục hồi quan điểm thần học về chiến tranh với những lập luận quanh co bằng những phương cách giả tạo nhân danh luật pháp. Chống lại hai quan điểm này, một của thời trung cổ và một theo chủ thuyết quốc tế về chính nghĩa cho chiến tranh, Schmitt muốn đề ra ý tưởng trung dung trong một cuộc chiến. Ông cho là vấn đề chiến tranh chỉ được biện minh bằng đạo đức, khi nào kết luận được rằng kẻ thù có chính danh hay không. Theo Schmitt, chiến tranh có chính nghĩa theo ý nghĩa cổ truyền có một cấu trúc hình thức hoàn toàn khác biệt [12] .

Ở đây ta không thể phê bình chi tiết tất cả các quan điểm này. Tôi sẽ đề cập đến ba quan điểm mà đối với tôi dường như có thể thảo luận được. Về quan điểm lịch sử, hai ý niệm về chiến tranh có chính nghĩa mà Schmitt đề ra, một dựa trên thần học, một dựa trên thuần hình thức, cả hai liên tục tồn tại cho đến cuối thế kỷ XVIII. Ý tưởng về một học thuyết luật học của chiến tranh xuất hiện từ lúc khởi đầu thời trung cổ, không phải vào thế kỷ XVI. Về ý niệm về chiến tranh có chính nghĩa vào thời trung cổ, ý niệm này kéo dài đến trước thời kỳ Khai Sáng [13] . Chiến tranh cách mạng vào cuối thế kỷ XVIII được tiến hành một phần bắt nguồn từ quan điểm coi đối phương như những kẻ phạm tội hình sự, mà Schmitt coi là chỉ thể hiện vào thế kỷ XX.

Hơn nữa, trên bình diện ý niệm mà xét, một quan niệm về chiến tranh đứng trung dung về mặt đạo đức như thế liên hệ chặt chẽ đến nguyên tắc chủ quyền dựa trên sự chiếm đoạt đất đai. Hoặc là ngưòi ta thấy một quan điểm tương tự về một cuộc chiến trung dung được Thucyidide trình bày khá cặn kẽ, ngoại trừ quan niệm về Jus Publicum Europeanum. Đây là chỗ đáng nghi ngờ về ý tưởng tính trung dung của đạo đức trong cuộc chiến, điều mà Schmitt cố áp đặt là một luận đề liên hệ đến sự nảy sinh một trật tự chung cho Châu Âu và coi đây như là một loại trật tự độc quyền.

Tóm lại, định nghĩa về chiến tranh vì chính nghĩa như thế bắt nguồn từ luật châu Âu. Định nghĩa này quy định tất cả những quốc gia tham chiến đều có một nền văn hoá và luật lệ chung, ngay cả “công pháp châu Âu”. Điều này cho thấy chiến tranh chỉ có thể trung dung về mặt đạo đức trong điều kiện minh thị rằng những quốc gia trước hết có những cam kết chung. Người ta xa rời hẳn quan điểm tính trung dung cực đoan theo Thucydide.

Đặc điểm đáng tranh luận trong luận đề do Schmitt đưa ra là ông ta chỉ chú tâm đến những giới hạn đạo đức tạo nên giá trị cho chiến tranh, những giới hạn này chỉ có thể bắt nguồn từ quan điểm thần học mà giáo hội áp đặt lên trên nhà nước, hoặc là một loại luật quốc tế không còn lảnh thổ và hiển nhiên không bàn đến tính cách chính danh. Những giới hạn hay cưỡng chế này đề ra những quy cách áp dụng trong chiến tranh mà nó thường bắt nguồn từ những ý niệm về chủ quyền. Nó duy trì lý tưởng sống động về một chiến tranh có chính nghĩa trong lòng một hệ thống Châu Âu, một lý tưởng không chỉ tự giới hạn trong sự kiểm chứng về sự chính danh của kẻ thù.
Ý tưởng về chiến tranh có chính nghĩa
Nếu một nền hoà bình vĩnh cửu có thể được tạo lập, những suy lý về chiến tranh có chính nghĩa trở nên vô ích. Các quốc gia thuộc Liên hiệp Châu Âu dường như đang đi vào trong tình trạng quyết định cho hoà bình. Lí thuyết về chiến tranh có chính nghĩa tại châu Âu có vẻ như được đặt ra nhằm quảng bá để trị liệu những điều ác mà nó không còn có nữa. Tuy thế, một mô thức của Châu Âu áp đặt lên những nơi khác trên thế giới là một điều khó có thể quan niệm được. Nhu cầu suy lý về tính đạo đức của chiến tranh vẫn còn đó. Hơn nữa, hy vọng rằng chiến tranh sẽ kết liễu tuyệt nhiên không loại trừ được khả năng chiến tranh không còn là một phương tiện dẫn tới hòa bình. Chiến tranh nuôi dưỡng hy vọng hoà bình và dần dần trở thành cần thiết, cũng như Kant đã xác nhận điều này, nó giải quyết các xung đột. Chính vì lập luận này, những suy lý về đạo đức của chiến tranh có thể đóng góp tạo nên những điều kiện mà chiến tranh sẽ trở thành vô ích.

Sự hiện diện của luật quốc tế nhằm giới hạn đến việc cầu viện bằng chiến tranh và quy định trong trường hợp nào chiến tranh là hợp pháp tuyệt nhiên không hề xoá đi vấn đề chiến tranh vì chính nghĩa. Khi một tòa án quốc tế tuyên bố chiến tranh là hợp pháp hay phi pháp, sư kiện này không thể tránh khỏi việc tự hỏi về tính cách hợp pháp hay bất hợp pháp trong sự sử dụng vũ lực. Trong mối quan hệ với phê phán về mặt pháp lý thì tôi đã nhấn mạnh đến tính cách độc lập cao hơn của những phê phán về mặt đạo đức. Một cuộc chiến không được luật quốc tế cho phép cũng như không hội đủ điều kiện của luật quốc tế, có thể là một cuộc chiến có chính nghĩa, điều này có thể xảy ra, như trong trưòng hợp can thiệp tại Kosovo. Người ta không thể loại trừ được những trường hợp rất ít mà cuộc chiến có khả năng xảy ra, nhưng không có nghĩa là không thể có được nữa, cũng như trường hợp một cuộc chiến được quốc tế đồng tình, thì cũng không được coi nó là một cuộc chiến tranh có chính nghĩa.

Sự hiện hữu của bạo lực trên thế giới không là một đề tài mà ngưòi ta sẽ tự do bảo vệ hay phản bác. Trước hết, nó là đối tượng cần kiểm nghiệm: Bạo lực đã có và sẽ còn mãi. Khi cho rằng cần né tránh chiến tranh, chủ thuyết chủ hoà không hề đưa tới sự xoá bỏ bạo lực, đúng hơn đây là nó chỉ nhắm vào một suy nghĩ bảo thủ. Còn về quan niệm chiến tranh theo phái tự nhiên tất nhiên cần đưa tới suy tưởng về mặt đạo lý. Cả thuyết chủ hoà lẫn chủ chiến không là những quan điểm dùng để suy luận về những giới hạn của bạo lực. Có như vậy sự suy lý về chiến tranh, đặc biệt là cân nhắc phân biệt giữa những lập luận hợp pháp phải làm, là điều không tránh được.

Monique Canto-Sperber

Nguồn: Monique Canto-Sperber, «La guerre juste, une notion impertinente? », Esprit, Février, 2005, pp. 204-212.

Đỗ Kim Thêm dịch.


[1] W. B Galllie, Philosophers of War and Peace. Cambridge: Cambridge University Press, 1978; Jan Narveson, “Pacifism: A Philosophical Analysis” in. James Rachels, Moral Problems. New York: Harper and Row, 1979 pp. 408-425

[2] Nói chung, người ta liên tưởng niềm tin này với những dấn thân theo lý tưởng tôn giáo. Một số người cảm thấy nghịch lý khi có tôn giáo cho rằng chiến tranh đôi khi có thể biện minh đuợc. Quy chế pháp lý cho những người từ chối hành xử vì lý do lương tâm được lập ra tại Pháp vào năm 1963 và được chuẩn nhận vào năm 1983. Quy chế này coi như không còn nữa với việc huỷ bỏ nghĩa vụ quân sự

[3] Đã có nhiều sách vở bàn luận đến đề tài sự tái lập hoà bình và một nền công lý chuyển tiếp, xin xem Neil Fritz, Transitional Justice: How Emerging Democracies Reckon with Former Regimes, 3. Vol. Washington DC: United Startes Institute for Peace Press, 1995.

[4] Hiển nhiên đây không phải là trưòng hợp khi mà ý muốn bất động nhằm kháng cự một cuộc chiến tranh phục hận.

[5] Hai tác giả đưọc coi như là tiêu biểu cho chủ thuyết chủ hoà là Robert Holmes: On War and Morality. Princeton: Princeton University Press 1989; Richard Norman, Ethics, Killing and War. Cambridge: Cambridge University Press, 1995; Martin Ceadel, Thinking about Pearce and War. Oxford: Oxford University Press, 1987

[6] Hegel, Lecon sur la philosophie de l`histoire. Paris: Vrin 1945; Article sur le droit naturel, Ed. Lasson, VII, p. 355-371 ; Phénomenologie de l´esprit. Paris : Aubier Montaigne, t. I 23 ; A. Korvège, Introdruction a la lecture de Hegel. Paris : Gallimard 1979, p. 52 ; André Gluckmann, Le Discours de la guerre. Paris : Grasset 1967, p. 82 et p. 131-132; Joseph de Maistzre, Du Pape, Les Secirets de Saint Péterbourg. Paris : Pauvert, 1964, p. 71-83.

[7] Thucydide, Guerre de Péloponnèse. Livre I, CXX 3. Tác giả là sử gia và Tư lệnh Hạm Đội Hải Quân Hy Lạp, sinh năm 460 trước CN, mất năm 400 sau CN, năm 424 tham dự vào cuộc chiến Peloponnèse, đã trước tác nhiều bộ sử quan trọng (CTCND)

[8] Thucydide, Guerre de Péloponnèse, Livre V, CV 2 ; Livre I XXV 3 ; Michael Walzer, Just and Unjust Wars. New York : Basic Book, 1977; Malham Walkin, War, Morality and Military Profession. Boulder : Westview Book 1979.

[9] Nhiều người chủ chiến không hề chấp nhận bất cứ một cuộc thảo luận đạo đức nào về nguyên nhân gây chiến, họ tự giới hạn vào những giới hạn của quyền trong chiến tranh (jus in bello).

[10] Thucydide, Guerre du Péloponnèse, Livre II,4 ; XLIV 4

[11] Carl Schmitt, Le Nomos de la terre 195, Paris : PUF 201. Tác giả (1888-1985) là giáo sư Luật quốc tế tại Đại học Bonn, Berlin và Münster, đã để lại nhiều danh tác có ảnh hưởng trong học giới (CTCND).

[12] Carl Schmitt, Le Nomos de la terre, op. cit p. 120

[13] P. Haggenmacher, Grotius et la doctrine de la guerre juste. Paris 1983, p. 98-120 et p. 597-612

© Thông Luận 2011.
.
.


No comments: