Monday, February 7, 2011

CHUYỆN ĐẦU NĂM (Hoàng Hải Thủy)

Hoàng Hải Thủy
Posted on February 5, 2011 by hoanghaithuy

Trong đời tôi  có những hình ảnh tôi chỉ nhìn thấy thoáng qua mà tôi nhớ mãi. Những hình ảnh người lạ, những người lạ sống ở những nơi thật xa nơi tôi sống, những người lạ không có liên can gì đến tôi và đời tôi. Như một buổi chiều xưa trong rạp xi-nê Majestic, Sài Gòn, tôi nhìn thấy trên màn ảnh Ðức Ðạt Lai Lạt Ma. Ðấy là lần thứ nhất tôi nhìn thấy hình ảnh ông. Dường như đó là năm 1960.
Tôi không kể ngày tháng đích xác trong bài này, chuyện qua đã lâu, chuyện nhiều người biết, những chuyện không cần kể thêm ngày tháng khi chúng xẩy ra. Năm xưa ấy  Ðạt Lai Lạt Ma vừa vượt Hy Mã Lạp Sơn đi ra khỏi Tây Tạng. Từ ngày này Ðạt Lai tố cáo với thế giới việc bọn Tầu Cộng cho quân sang chiếm Tây Tạng, làm nước Tây Tạng trở thành một tỉnh của nước Tầu Cộng. Từ ngày này Ðạt Lai mở cuộc tranh đấu chống bọn Tầu Cộng xâm lăng nước Tây Tạng của ông, đòi bọn Tàu Cộng phả trả lại nước Tây Tạng cho dân Tây Tạng.
Những năm trước năm 1960  những rạp xi-nê Sài Gòn có chiếu những phim thời sự quốc tế – Actualités – của Pháp: như phim Pathé Con Gà Trống Gô-loa vỗ cánh gáy cúc cu ly cu, như phim L’Éùclair Journal. Phim thời sự những năm 1950, 1960 là phim đen trắng. Trên màn ảnh tôi không rõ Ðạt Lai bận áo nâu hay vàng, chỉ thấy áo ông mầu sám. Ðạt Lai người tầm thước, hơi gầy, đi lại nhanh nhen. Năm 1960 Ðạt Lai khoảng 30 tuổi. Hình ảnh ông đi qua mắt tôi trong vài sát-na. Rồi biến mất. Trong nhiều năm tôi chẳng để ý gì đến ông và những việc ông làm. Ðể rồi 50 năm sau ngày nhìn thấy Ðạt Lai lần đầu trên màn ảnh Majestic Sài Gòn, trong những ngày sống biệt xứ ở nước Kỳ Hoa tôi thấy hình ảnh ông trên những trang báo Mỹ, những màn ảnh TiVi Mỹ. Năm tháng qua, Ðạt Lai nay là ông già thân hình nặng nề, cử chỉ chậm chạp. Nhìn ông năm nay tôi nhớ hình ảnh ông trẻ trung, linh động tôi thoáng thấy 50 năm xưa.
Tháng Giêng 2011 Chính phủ Mỹ trải thảm đỏ đón Lãnh Tụ Tầu Cộng Hồ Cẩm Ðào đến Hoa Thịnh Ðốn. Cảnh Hồ Cẩm Ðào được người Mỹ chào đón linh đinh làm tôi nhớ hình ảnh ông Ðại Sứ Trung Hoa Dân Quốc — Trung Hoa Quốc Gia, thủ đô ở Ðài Bắc, Ðài Loan — ông Ðại Sứ Trung Hoa Dân Quốc ở Liên Hiệp Quốc cúi đầu đi ra khỏi phòng họp của Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, khi Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc công nhân Bắc Kinh Tàu Cộng là chính phủ nước Trung Hoa. Ðại Sứ Tầu Cộng Bắc Kinh được vào Liên Hiệp Quốc. Ðại Sứ Trung Hoa Quốc Gia Ðài Loan bỏ ghế hội viên của Trung Quốc, cúi mặt đi ra khỏi phòng họp. Chuyện này xẩy ra khoảng năm 1960.
Nhắc lại quá khứ vài dòng, qua thời gian ký ức tôi mờ nhạt nên những sự kiện tôi kể lại đây không bảo đảm đúng năm tháng: Năm 1948 Tầu Cộng chiếm trọn nước Tầu; chính phủ Trung Hoa Dân Quốc – Tổng Thống Tưởng Giới Thạch – chạy sang Ðài Loan. Dường như các chính phủ Anh, Pháp công nhận ngay chính phủ Mao Trạch Ðông là chính phủ nước Trung Hoa, dường như riêng Hoa Kỳ không chịu công nhận Trung Cộng. Hoa Kỳ không cho chính phủ Mao Tầu Cộng là đại diện của Quốc Gia Trung Hoa ở Liên Hiệp Quốc. Viết gọn là Hoa Kỳ không cho Mao Tầu Cộng vào Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ vẫn công nhận chính phủ Quốc Gia Ðài Bắc là chính phủ nước Trung Hoa. Trong nhiều năm Tàu Cộng không được vào Liên Hiệp Quốc vì bị Hoa Kỳ không cho vào.  Trong nhiều năm Ðài Loan vẫn được Liên Hiệp Quốc coi là “Quốc Gia Trung Hoa.”
Năm 1954 Pháp và Bắc Việt Cộng họp Hội Nghị Geneve. Các ngoại trưởng Mỹ, Nga, Tầu Cộng đến dự kiến lễ ký hiệp định. Chuyện bên lề tôi được nghe khi các vị ngoại trưởng găp nhau, Ngoại Trưởng Chu Ân Lai Tầu Cộng đưa tay ra bắt tay Ngoại Trưởng Foster Dulles Mỹ Tư Bổn, nhưng Ngoại Trưởng Dulles không đưa tay ra bắt. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ khinh Ngoại Trưởng Tầu Cộng không cần che dấu.
Ðó là chuyện năm 1954.  Gần 20 năm sau năm 1954, đúng ra là 18 năm – năm 1972, Tổng Thống Tư Bổn Mỹ Richard Nixon phải bay qua biển từ đất Mỹ sang đất Tầu và khi xuống phi cơ trên đất Tầu, ông Tổng Mỹ tất tả đi hai mươi bước đến chỗ Ngoại Trưởng Tầu Cộng Chu Ân Lai đứng để bắt tay.
Theo lễ tục nước Ðại Ba Tầu, Vua Ba Tầu là “thiên tử” – Con Trời – vì là Con Trời nên Vua Tầu không đi ra khỏi kinh đô, Cũng có vua đi chơi trong nước nhưng rất ít. Vua Tầu lại càng không bao giờ đi ra khỏi nước Tầu. Vua quan các nước khác phải đến kinh đô Tầu bệ kiến Vua Tầu. Với vua quan Tầu, nước Tầu là nước ở trung tâm thế giới.
Nhưng rồi Tàu Cộng cũng vào Liên Hiệp Quốc, nhưng rồi ông Ðại Sứ Ðài Bắc cúi đầu lủi thủi đi ra. Hình ảnh này chỉ thoáng qua trước mắt tôi hai, ba giây đồng hồ, nhưng tôi nhớ mãi.
Ôi những vị khưá lão tuổi đời Bẩy Bó trở lên hôm nay liêu lạc xứ người đọc những dòng chữ này, có vị nào thấy trên màn ảnh xi-nê và nhớ hình ảnh ông Ðại Sứ Trung Quốc Ðài Loan năm xưa cúi mặt  đi ra khỏi hội trường Liên Hiệp Quốc????
Năm 1960 tôi thấy một tranh hí hoạ của báo Mỹ, vẽ Kút-Xép cầm buá tạ đập phá Toà Nhà Liên Hiệp Quốc, chú Tầu Mao bé con chắp tay đứng bên.
Kút Nga bảo Tầu Mao:
“Yên trí. Ðể tao phá nó. Ðến lúc chú mày dzô được thì nó nát bét.”
Tôi nhớ hình ảnh Kút Xép đến dự Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc. Khi Ðại diện Hoa Kỳ đọc diễn văn trên diễn đàn, Kút Xép phản đối, lão đập bàn rồi lão tuột giày, lão cầm giầy hung hãn đập lên mặt bàn rầm rầm. Tất nhiên tôi nhìn thấy cảnh Kút Xép cầm giầy đập bàn ở Liên Hiệp Quốc trên màn ảnh xi-nê Sài Gòn, phim thời sự. Nhiều lần tôi mầy mò trên Internet tìm ảnh Kút Xép đập giầy  nhưng không tìm thấy.
Chuyện xưa, chuyện nay chỉ làm cho tim tôi nặng trĩu. Chẳng có gì đáng gọi là vui đến với tôi trong những ngày cuối năm, chẳng có gì hứa sẽ vui đến với tôi trong năm mới. Tôi bị ám ảnh nặng về chuyện sắp đến ngày nước Việt Nam của tôi bị mất, nước Việt Nam của tôi bị trở thành một tỉnh của nước Tầu Cộng. Sớm muộn mà thôi. Với tâm sự rất buồn thảm tôi viết bài  này.
Sau cuộc cuốn cờ bỏ chạy Tháng Tư năm 1975, Tổng Thống Mỹ Clinton là ông Tổng Mỹ thứ nhất – trong lịch sử – đến Hà Nội. Ông đứng duới Tượng Hồ Chí Minh nói lời không phải là “xin lỗi” mà là “mong hai dân tộc Mỹ-Việt quên hận thù, quên quá khứ để cộng tác xây dựng cái gọi là “tương lai”. Tổng Bí Thư Bắc Cộng năm ấy là Lê Khả Phiêu. Trong diễn văn đáp từ, Lê Khả Phiêu kê tủ đứng vào mồm ông Tổng Mỹ:
“Chỉ người Mỹ bị ân hận vì chiến tranh Việt Nam, chỉ người Mỹ cần quên chiến tranh Việt Nam.”
Tình ái Mỹ-Việt Cộng thời TT Clinton chưa có chuyện “um hun thắm thít” vì – chắc là – đôi bên đương sự cùng ngượng khi phải nhìn mặt nhau, cùng xấu hổ với những người Việt và người Mỹ đã chết trên đất nước này vì  công cuộc ngăn chặn cái gọi là “làn sóng đỏ tàn bạo.” Qua thời TT Mỹ Bush cuộc giao tình Mỹ Tư Bổn Lề – Bắc Việt Cộng Tả Tơi có sự đậm đặc dzính dzấp hơn. Tổng Bush đến Hà Nội cụng ly rượu máu với Chủ Triết, Thủ Dũng. Ðôi bên dầy mặt cười toe. Bọn Bắc Cộng Triết Dũng sướng đến teo Bác Hồ khi chúng được cung ly rượu máu với Tổng Thống Mỹ Tư Bổn. Cảnh Tư Bổn Lề – Cộng Lộn Lèo hớn hở  cụng ly rượu làm kẻ viết bài  này ngày ấy có câu thơ:
“Uống đi Triết, uống cho hay
“Rượu này pha máu dân mày, dân tao.
“Uống đi Bush, uống cho hào.
“Rượu này pha máu dân tao, dân mày.”
TT. Nixon là Tổng Thống Hoa Kỳ thứ nhất đến Trung Quốc. Tiếp theo là TT. Gerald Ford, rồi TT. Carter, TT Reagan, TT Bush Bố, TT. Clinton, TT. Bush Con, TT. Obama. Sau Chiến Tranh Việt Nam – 80.000 người Mỹ chết – 8 vị Tổng Thống Hoa Kỳ theo nhau đến Trung Quốc bệ kiến Mao Tầu Thiên Tử và Thiên triều Tầu Cộng, TT. Clinton, TT Bush Con đến Hà Nội. Bọn Cộng Hà Nội, thời Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu – dường như – không đãi tiệc TT. Clinton nên không có chuyện TT Mỹ và Tổng Bí Bắc Cộng cụng ly rượu máu. TT. Clinton vào Sài Gòn, đi ăn phở ở chợ Bến Thành, ông cùng bà vợ và cô con ông đến ăn một bữa Cơm Sài Gòn cá kho-thịt đông-dzưa chua ở Nhà Hàng Phố Xưa. Bà Chủ Phố Xưa là bà Như Loan, người trước năm 1975 là nữ diễn viên điện ảnh, từng diễn vai chính trong phim “Ðời chưa trang điểm,’ phim tình làm theo tiểu thuyết cùng tên của Nhà Văn Văn Quang. Tháng Tư 1975, Nữ diễn viên Như Loan chạy thoát được sang Mỹ; năm 2000 cô trở về Sài Gòn mở hàng ăn.  TT. Bush vào Sài Gòn, đến ăn cơm Việt ở tiệm ăn của cô em nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Năm ấy tôi thấy trên Internet cái ảnh cô chủ nhà hàng ôm ông khách quí TT. Bush Con. Cảnh cô chủ tiệm ăn thân mật ôm ông khách Tổng Thống Mỹ làm tôi nghĩ:
“TT. Bush đi ăn phải có bà Bush. Cô chủ có ôm khách thì ôm bà Bush. Sao lại ôm ông Bush?”
Rất tiếc tôi đã không giữ lại cái hình ấy. Nếu có hôm nay tôi đã post lên đây. Tại sao tôi không giữ cái hình ấy? Tôi không giữ nó vì nó lám tôi xấu hổ, tôi thấy nó tởm quá.
Từ năm 1956 đến năm 1975, dài trong 20 năm , quốc gia Vỉệt Nam Cộng Hòa của tôi có hai vị Tổng Thống: Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cả hai ông Tổng Thống của tôi đều không ông nào được mời đến Nhà Trắng. Tôi không biết rõ lắm – dường như năm 1956, TT. Ngô Ðình Diệm đến New York. TT. Mỹ Eisenhower đón ông ở phi trường New York. TT Ngô Ðình Diệm ngồi xe hơi mui trần đi một vòng trung tâm New York. Dường như ông có đọc diễn văn ở Quốc Hội Mỹ, nhưng tôi vưà tìm lại trên Internet, không thấy có tin hay ảnh ông đến Nhà Trắng. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiêu được TT Mỹ Nixon mời đến Mỹ, nhưng không đến Thủ đô Washington mà đến nhà nghỉ hè của TT Nixon ở San Clement, Texas.
Trong vòng 10 năm ba anh VC Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết là quốc khách của Nhà Trắng. Dù cả ba anh đều vào Nhà Trắng bằng cổng sau, nhưng vào Nhà Trắng bằng hậu môn cũng là vào Nhà Trắng. Dân Việt trong nước chỉ thấy trên TiVi cảnh ba anh VC ngồi với ông Tổng Mỹ trong Nhà Trắng, ba anh cười toe bắt tay ông Tổng Thống Mỹ.
Hai triệu đồng bào tôi chết thảm để rồi bọn Việt Cộng là những quốc khách của chính phủ Mỹ.
Tôi không đau sao được!

***

Tôi thường viết: “ Thời gian qua mau… Dòng thời gian dài một ánh bay.. Những ngày như lá, tháng như mây.. Thấp thoáng dzậy mà đã 50 mùa lá rụng đi qua cuộc đời…”
Trong bài viết này tôi cũng dùng nhiều tiếng “Thời gian qua..”
Một đêm buồn ở xứ người, tôi gặp hai câu thơ của Thi sĩ Henry Austin Dobson:
“Time goes, you say? Ah no!
Alas – Time stays, we go.”
Thời gian qua? Em ơi.. Không phải.
Chúng ta qua – Thời gian ở lại.”
Tôi tìm trên Internet nguyên bài thơ  có hai câu trên, bài “The Paradox of Time”, nhưng tìm không ra. Quí vị nào có bài Thơ này, xin cho tôi. Cám ơn.
Tôi viết đoạn trên ngày 29 January 2011. Hôm nay, ngày 30 cùng tháng, tôi viết tiếp.
Tôi mở Internet tìm lần nữa. Và lần này tôi tìm được bài thơ “The Paradox of Time” của Thi sĩ H. A Dobson.
Té ra năm 1989 ở Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, tôi đã phóng dịch một bài thơ của Thi sĩ H. A. Dobson. Năm 1989, con tôi lên trại thăm tôi, mang cho tôi tâp Thơ của Ðại Học Oxford. Tôi phỏng dịch chừng 50 bài thơ trong tuyển tập Thơ cả ngàn bài ấy. Trong số có bài thơ của Thi sĩ H. A. Dobson
Rose Leaves
I intended an Ode,
And it turned to a Sonnet.
It began à la mode,
I intended an Ode;
But Rose cross’d the road
In her latest new bonnet;
I intended an Ode;
And it turned to a Sonnet.
– Austin Dobson
Thơ phỏng dịch của tôi:
Thơ Tình
Anh làm Trường Ca
Thơ hóa ra
Thơ Tình.
Vì Em đi qua
Mắt Em long lanh
Miệng Em như hoa.
Anh làm Trường Ca
Thơ hóa ra
Thơ Tình.
Ðọc toàn bài « The Paradox of Time » tôi mới biết Thi sĩ H.A. Dobson làm hai câu Thơ về Thời Gian
TIME goes, you say? Ah no!
Alas, Time stays, we go;
Lấy ý từ Thơ của Thi sĩ Ronsard:
“Le temps s’en va, le temps s’en va, ma dame!
Las! le temps non: mais NOUS nous en allons!”
Nhà Thơ Pháp Ronsard sinh năm 1524, mất năm 1585. Ông làm hai câu Thơ trên vào khoảng năm 1575-1580. Ông Nhà Thơ Anh Henry Austin Dobson sinh năm 1890, mất năm 1924, lấy ý từ câu Thơ của Thi sĩ Ronsard làm từ 500 năm trước, làm thành hai câu Thơ về Thời Gian của ông. Và tôi, 550 năm sau ngày Thi sĩ Ronsard làm Thơ :
” Le temps s’en va, le temps s’en va, ma dame!
Las! le temps non: mais NOUS nous en allons!”
Tôi mới biết và tôi cảm khái.
Thời gian qua ?? Em ơi.. Không phải.
Chúng ta qua, thời gian ở lại.
Nhưng dù biết nói « Thời gian qua.. » là không đúng, nhiều người – trong số có tôi – vẫn cứ nói « Thời gian qua.. »
Nửa thế kỷ – 50 năm qua – không biết Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã đi bao nhiêu vòng trên trái đất. Ông đi khắp nơi xin người ta giúp ông và dân tộc ông lấy lại nước Tây Tạng. Người thiên hạ dửng dưng. Lãnh Tụ Tầu Cộng bị gọi là Nhà Ðộc Tài Aùc Ôân  được tiếp đón linh đình ở Dinh Tổng Thống Mỹ, Ðạt Lai Lạt Ma không một lần được mời vào tòa nhà đó. Mới đây tôi nghe nói chính phủ Sarkozy nước Pháp muốn làm hài lòng bọn lãnh tụ Tầu Cộng, đã ra lệnh cấm không cho Ðạt Lai Lạt Ma vào đất Pháp.
Có ông bác sĩ Việt ở Mỹ làm chính trị nói bằng giọng thán phục :
« Phục ông Ðạt Lai quá. Ông ấy đi khắp nơi, chỉ chắp tay vái thôi, »
Tôi nghĩ : « Chỉ chắp tay lậy thôi. Làm sao lấy lại được nước.! 50 năm rồi. 50 năm nữa sẽ vèo qua. Tây Tạng là một tỉnh của Tầu là cái chắc. »
Trông người lại nghĩ đến ta.
Tây Tạng như thế, ta ra thế nào ?
Tôi viết bài này vào hai ngày cuối năm. Bài báo đến dưới mắt các vị vào những ngày đầu năm. Vì vậy, gọi bài này là  « Chuyện Cuối năm », hay « Chuyện Ðầu Năm » cũng được.
Khi viết « Chuyện Ðầu Năm », tôi nhớ năm 1960 tôi đọc trong tạp chí Encounter một truyên ngắn có tên là « A New Year’s Fable.» Chuyện kể cuộc tình của đôi người không còn trẻ lắm ở nước Nga Cộng sản. Chàng là một kỹ sư, nàng có chồng là đảng viên quan chức cao cấp. Cuối chuyện là mấy câu chàng hỏi nàng :
A New Year’s Fable :
Chàng :
« Em có yêu chồng em không ?”
Nàng không trả lời.
Chàng hỏi :
« Em có yêu Ðảng cộng sản không ? »
Chuyện ngưng ngang.
Khi đọc đoạn chuyện trên, tôi nghĩ :
« Tác giả cho nhân vật hỏi vớ vẩn. Tất nhiên là nàng không yêu chồng nàng nên nàng mới ngoại tình. Còn cần gì phải hỏi. »
Vài phút sau tôi nghĩ :
«  Tác giả chỉ đặt câu hỏi đó để ngầm nói với người đọc việc : Người phụ nữ trong chuyện không yêu chồng nàng. Nàng cũng không yêu Ðảng Cộng sản. »
Tác giả « A New Year’s Fable » là Vladimir Dudinsev, nhà văn Nga, người viết tác phẩm «  Not by bread alone. » Ông sinh năm 1918, mất năm 1998. Ðọc truyện ông tôi thắc mắc:
“Tác giả ra đời năm 1918, trưởng thành trong thời Stalin sắt máu, tại sao ông dám viết một chuyện có ẩn ý thù ghét Ðảng Cộng sản như chuyện này?”

***
Năm 2011, dường như Ðức Ðạt Lai Lạt Ma ngừng không đi khắp nơi trên thế giới xin người thiên hạ cứu dân Tây Tạng.
Hôm nay, Ngụy Kinh Sinh, ông Tầu chống Tầu Cộng từng một thời được người Mỹ chào đón linh đình, nay không biết ông ở đâu, ông làm gì??
Người Tây Tạng, người Việt ở Mỹ có đến Hoa Thịnh Ðốn biểu tình chống Hồ Cẩm Ðào. Tôi không thấy trên TiVi Mỹ có hình ảnh nào về cuộc biểu tình này.
Tôi cũng không thấy có nhiều người Mỹ gốc Tầu trong cuộc biểu tình chửi Hồ Cẩm Ðào.
Trong số 8 ông Tổng Thống Mỹ từng đến Bắc Kinh, tôi thấy ông Tổng Thống Ronald Reagan là hay nhất.
 Ông ra lệnh: “Tear down that wall!”
Theo lệnh ông. cái gọi là “Bức Tường Ô Nhục Bá Linh” bị phá bỏ.

***

Thời gian qua? Em ơi.. Không phải.
Chúng ta qua. Thời Gian ở lại.
Chúng ta, nước Việt ta, sắp qua đến nơi rồi. Em ơi
.
.
.

No comments: