Friday, February 11, 2011

TIẾP THEO về ĐỒNG CHÍ PARK (Phan Thế Hải)

Phan Thế Hải
Đăng ngày: 17:25 11-02-2011

Khi phần đầu bài viết này được đưa lên, thằng Nguyễn bảo: Park là Tổng thống của Đại Hàn, cớ sao Chủ tịch lại gọi là đồng chí? Quan điểm lập trường đâu? lại nữa, cách dùng từ sao cho hợp lý chơ! Hay Chủ tịch lại chệch hướng mẹ nó rồi?

Những điều hắn hỏi cũng là băn khoăn của nhiều người. Rằng, Chủ tịch hơi lạm dụng từ đồng chí. Xin thưa, những điều Chủ tịch nói là đều có cơ sở. Về đồng chí Park, cũng như Chủ tịch, đồng chí từng là tín đồ của Mạc văn Cạc và Lê văn Nin

Năm 1945, Nhật bại trận, Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền. Liên bang Xô viết chiếm đóng miền bắc cho đến vĩ tuyến 38 và Hoa Kỳ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về nam. Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết không thể đồng thuận về việc áp dụng Đồng uỷ trị ở Triều Tiên. Tháng 11/1947, Hội đồng Liên hợp quốc đã đề ra một giải pháp tiến hành tổng bầu cử tại Hàn Quốc dưới sự hỗ trợ của một Ủy ban Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Liên bang Xô viết đã khước từ việc tuân theo giải pháp này và từ chối những ảnh hưởng của Ủy ban liên hợp quốc đối với nửa phía Nam của bán đảo.
Liên hợp quốc sau đó đã đưa ra một giải pháp khác kêu gọi bầu cử tại các địa phương với sự giúp đỡ của Ủy ban Liên hợp quốc. Những cuộc bầu cử đầu tiên được tiến hành vào mùng 10 tháng 5 năm 1948, tại những tỉnh nằm ở phía Nam vĩ tuyến 38. Vĩ tuyến này đã trở thành đường chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền nam và bắc Triều Tiên.

Bầu cử dân chủ không phải là sở trường của Cộng sản, nên trong năm 1948, lực lượng này đã phát động một cuộc nổi dậy ở vùng cực nam của đất nước mà qua đó những người lính nổi dậy đã thành lập một “nước cộng hòa nhân dân” tồn tại trong một thời gian ngắn. Ở độ tuổi 30, đồng chí Park của chúng ta cũng chưa đủ thông minh nên cho rằng học thuyết Mạc- Lê là ưu việt nên đã cổ suý cho những cuộc nổi dậy này.

Park bị bắt với vai trò là người cầm đầu chi bộ CS trong học viện và bị kết án tử hình. Rất may cho Park, James Hausman, một sỹ quan cao cấp người Mỹ, đồng thời là cố vấn quân sự cho Hàn đã phát hiện ra tài năng của Park. Y đã nài nỉ  Tổng thống Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn, đồng chí này là hậu duệ đời thứ 25 của Hoàng tử Lý Long Tường, một thuyền nhân người Việt nổi tiếng từ thế kỷ thứ XIII; (The Board People Yi Yong Sang) sẽ đề cập đến trong bài sau ) giảm án cho Park.

Cảm kích trước sự khoan dung của Rhee, Park đã nghĩ lại, rồi thay đổi quan điểm. Không ai khác chính Park là người trở thành kẻ chống cộng chân thành, hết mình. Park tham gia vào nhóm tình báo quân sự với nhiệm vụ nhổ tận gốc những người theo chủ nghĩa cộng sản trong các lực lượng vũ trang. Khi Park mới lên nắm quyền vào năm 1961, tình tiết này đã khiến cho các quan chức Mỹ lo ngại ông là một cộng sản mật. Park đã cử Hausman tới Washington để bảo chứng cho tấm lòng chống cộng thật thà của mình.

Trở lại thân phận của Park, theo Michael Chuman (1968) nhà báo nổi tiếng người Mỹ hiện đang làm cho tạp chí Time thì đồng chí Park sinh ra tại thị trấn Kumi ở miền nam Hàn Quốc vào năm 1917. Cha của Park đã vượt qua được một cuộc thi cam go bắt buộc nếu muốn bước vào bộ máy công quyền nhưng ông không thể tìm được một vị trí thích hợp.

Kết cuộc ông trở thành một nông dân. Cha Park không thạo chuyện đồng áng còn gia đình thì luôn cơ cực. Park là con út trong số bảy anh chị em. Mẹ Park lo sợ người con thứ bảy này sẽ trở thành một cái gánh quá nặng lên nguồn lực còm cõi của gia đình đến nỗi bà đã uống sữa đậu nành sống và nước sắc cây liễu để phá thai.

May mắn thay cho Hàn Quốc, việc đó không thành và Park đã lớn lên trong túp lều tranh vách đất có hai gian của gia đình. Là một học sinh xuất sắc, ông được nhận vào trường chuẩn danh tiếng Taegu, giành được một trong số rất ít suất học dành cho người Hàn Quốc dưới chế độ cai trị thực dân của Nhật. Sau khi tốt nghiệp trường Taegu, ông trở thành giáo viên của một trường tiểu học ở một làng miền núi hẻo lánh.

Chính tại đó Park đã có một trải nghiệm làm thay đổi cả cuộc đời. Một viên thanh tra trường học người Nhật của tỉnh đến thăm trường đã đối xử với các giáo viên bằng một thái độ hết sức khinh bỉ đến nỗi Park ngộ ra một điều: Đừng hòng có một tia hi vọng về sự tiến bộ thật sự cho người Triều Tiên dưới ách thống trị của người Nhật Bản. Hi vọng duy nhất của đất nước là phải quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi.

Để đạt được mục tiêu này, Park đã có một quyết định rất mỉa mai: xin gia nhập quân đội Nhật Bản. Park thật đúng là một con người thực dụng hạng nhất. Ông suy tính rằng mình cần phải được huấn luyện quân sự và có kinh nghiệm trận mạc để đánh lại người Nhật. Ông nhận thấy quân đội Nhật Bản là nơi duy nhất để đạt được mục đích của mình. Đối với Park, mục đích luôn biện minh cho phương tiện.

Trong thời gian phục vụ quân đội Nhật Bản, Park tham gia nhiều cuộc giao tranh nhỏ với những du kích Trung Quốc ở Mãn Châu, vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của Nhật trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ II. Chiến tranh kết thúc, sau khi Triều Tiên được giải phóng, ông lại ghi danh vào học viện quân sự mới của Hàn Quốc. Chính tại nơi này, một trong những sự kiện kỳ lạ nhất trong cuộc đời Park đã xảy ra.

Sau khi được tha tội chết vì trót dại theo Cộng, Park chiến đấu anh dũng trong cuộc chiến tranh liên Triều và vào thời điểm hai miền Triều Tiên ký kết thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953, Park đã được phong tới hàm thiếu tướng. Tuy nhiên, khi thập niên 50 dần trôi qua, Park ngày càng trở nên bất bình với tình hình yếu ớt, suy kiệt về kinh tế của đất nước và sự bất tài của chính quyền Rhee khi họ không làm được gì nhiều để cải thiện tình trạng đó.
Ông lôi những chính trị gia của đất nước ra đả kích vì tội “độc tài, tham nhũng, kém cỏi và lười biếng”, vì tội “đã hoang phí cơ hội hiếm có để thành lập một quốc gia mới và tồn tại được vững vàng lần đầu tiên trong lịch sử 5.000 năm của chúng ta”. Park chỉ trích: “Kể từ khi Hàn Quốc giành được độc lập, chúng ta đã mất nhiều hơn rất nhiều so với những gì chúng ta được!”.
Park tin nếu sự yếu kém của Hàn Quốc không được sửa chữa thì quốc gia này sẽ rất dễ gặp nguy hiểm trước “người anh em” hiếu chiến. Trong khi Hàn Quốc ngày càng rệu rã thì chế độ của Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) ở Bình Nhưỡng lại phát triển rất nhanh nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô. “Nếu tình hình xấu đi, đất nước này rốt cuộc cũng sẽ mất chủ quyền” và hậu quả là “lịch sử và truyền thống của đất nước rồi sẽ đi đến hồi kết thúc,” Park cảnh báo.
Các cuộc biểu tình của sinh viên đã dẫn đến kết cục chấm hết chế độ của Rhee. Vị tổng thống lớn tuổi từ chức vào tháng 4/1960. Chính phủ lên thay Rhee được bầu ra một cách dân chủ nhưng vẫn yếu kém và hỗn loạn. Đối với Park, tình hình đã trở nên không thể chịu đựng nổi. Ý định phải thân chinh hành động nung nấu trong ông ngày càng mạnh.

Park viết: “Khi nghĩ tới điều đó, lòng tôi tràn ngập một nỗi buồn vì sao mình lại sinh ra tại đất nước này vào một thời kỳ như thế. Tôi thức trắng nhiều đêm, vạch ra kế hoạch làm cách nào có thể cứu đất nước khỏi cuộc khủng hoảng, bằng bất kỳ phương tiện gì mà tôi có sẵn”. Ông khẳng định mình cảm thấy không thoải mái với ý nghĩ chính mình nắm giữ quyền lực. “Tuy nhiên, có một điều cấp bách mà người ta không thể đơn giản nhắm mắt bàng quan,” Park viết. “Khi quốc gia đang ở bên bờ vực sụp đổ…, lương tâm tôi không cho phép mình chỉ quan tâm duy nhất tới nghĩa vụ phòng thủ quốc gia.”

Mưu đồ đảo chính đã bắt đầu từ lâu trước khi nó thực sự xảy ra. Park viết, ông đã chuẩn bị phát động cuộc cách mạng chớp nhoáng vào đầu năm 1960 nhưng phải hoãn lại vì sự kiện sinh viên nổi dậy và Rhee bị đạp đổ. Park có thể không phải là người cầm đầu lên kế hoạch đảo chính (các nhà lịch sử thường quy việc này cho viên sĩ quan cấp cao Kim Jong Pil) và sau khi quân đội lên nắm quyền, Park chỉ là một trong những thành viên của hội đồng tướng lĩnh điều hành chính phủ.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng, rõ ràng là Park đã nắm giữ vai trò lãnh đạo, ban đầu là chủ tịch của ủy ban hội đồng tướng lĩnh và sau đó là quyền tổng thống. Công cuộc đổi mới Hàn Quốc ấn tượng của ông ngay lập tức bắt đầu.

(Theo Michael Schuman)
---------------------------

.
.
.

No comments: