Sunday, February 13, 2011

THÊM Ý KIẾN về BÀI PHỎNG VẤN NGUYỄN THANH SƠN (Tiền Vệ)

13.02.2011

Vụ thảo luận về bài phỏng vấn của Nguyễn Thanh Sơn trên Tienve.org được/bị Nguyễn Trọng Tạo cọp qua website của ông. Ở đó có vài phản hồi mới. Các phản hồi này, cả các còm trên báo TTVH, theo tôi - dù có chê hay khen bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Thanh Sơn, tất cả biểu lộ rõ sự bất cập, tùy tiện và... tùy hứng.

Cả chuyện chê hay khen của chính Nguyễn Thanh Sơn về văn chương Việt Nam hiện nay cũng vậy. Bởi lâu nay, đại đa số các “nhà” phê bình Việt Nam đều xuất phát từ cảm tính, cảm tình nên các nhận định của họ quá ư vô bổ. Có thể nói trả lời phỏng vấn của NTS là rất tiêu biểu. Tiêu biểu - vì nó nổ to hơn cả, liều lĩnh hơn cả, và nhất là cực kì PHẢN ĐỘNG.[*]

Các trò vô bổ này lẽ ra rất không đáng nêu ra để bàn, nhưng “cái nước mình nó thế”, nên lại cứ phải bàn.

1. NTS phán rằng thế hệ 8X “mất niềm tin, mất giá trị”, “thế hệ không có giá trị”, “không biết giá trị của họ ở đâu”, “không biết giá trị văn chương”, “không xác định được giá trị cho họ”... Là chuyện riêng của ông.
Ông có thể thích hay không thích tác giả hay tác phẩm nào đó, thế hệ văn học nào đó, là quyền của ông. Nhưng khi ông nhận xét nó với tư cách nhà phê bình thì khác.

Nhà phê bình là kẻ phán xét (luận điểm) có chứng minh (luận chứng) và lập luận để thuyết phục được độc giả. Cả ba yếu tố đó, NTS mới đạt có một. Đó là chuyện bất kì ai khi có cơ hội xuất hiện trên diễn đàn đều có thể phán. Một bà nhà quê ở ngoài chợ cũng có thể nói thế về văn chương thế hệ 8X như thế, không phải cần đến nhà phê bình.
- Ở đây có thể dùng đúng một từ: PHÁN BỪA.

2. “Văn chương phải phấn đấu vì một điều gì đó cao quý” - NTS nói tiếp. Nhưng ông không cho độc giả biết cao quý đó là như thế nào, theo chuẩn nào? Mĩ học văn chương thay đổi nhiều và thay đổi liên tục, NTS đứng ở đâu để cả quyết là văn chương Việt Nam hiện nay không phấn đấu cho điều gì đó cao quý?
- Đây là cách nói lấy được: NHẢM!

3. Riêng vấn đề tự do, không cần nói thêm, phát biểu lộ rõ quan điểm rất PHẢN ĐỘNG[*] của ông Nguyễn Thanh Sơn.

_________________________
[*]Từ PHẢN ĐỘNG ở đây được dùng theo nghĩa “chống lại sự tiến hoá; chống lại chủ nghĩa tự do; cực kì bảo thủ”. Tôi không dùng theo nghĩa “chống lại Đảng và Nhà nước” như nhiều người thường hiểu nhầm.
.
.
.
13.02.2011

Văn học hải ngoại là dòng chảy tiếp nối của văn học Miền Nam Việt Nam, kế thừa những thành tựu xuất sắc, đỉnh cao, của văn học Miền Nam, đồng thời phải tiếp nhận những biến động lịch sử gây ảnh hưởng không chỉ đến tâm thức sáng tạo mà còn có phần ảnh hưởng đối với cả nghệ thuật, thi pháp.

Hiện nay, giới văn học sử trong nước và nhất là chính thống chưa có một công trình nghiên cứu nào thoả đáng về văn học Miền Nam, thì tất yếu cũng không đủ năng lực đánh giá về văn học hải ngoại.
Phán rằng văn học hải ngoại có tự do mà không có tác phẩm lớn, là một cách nói lấy được, theo cảm tính, thiếu cơ sở.

Trong nước, việc gửi bài viết, sáng tác cho các trang mạng khắp nơi trên thế giới là điều dễ dàng, không ai phủ nhận. Nhưng cũng không ai phủ nhận rằng, vẫn có một khuynh hướng “chính thống” chi phối mọi sự đánh giá, thẩm định, kể cả ở những lĩnh vực tưởng chừng được xem là “xã hội hoá” ví như một số giải thưởng văn học xã hội hoá. Khuynh hướng thiên kiến, bênh che, cơ cấu, đánh giá thiếu công bình khách quan, tôn xưng giá trị ảo vẫn lấn át khuynh hướng khoa học, thiện chí, lấn át giá trị thực. Với một môi trường như vậy, vẫn không thể nào tạo ra tự do đích thực và điều kiện xứng đáng, ưu đãi tài năng.

Việc khủng hoảng các giá trị là điều có thực, không chỉ ở Việt Nam, mà là khuynh hướng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nếu trên thế giới, vấn đề khủng hoảng giá trị mang tầm triết học, đó là khủng hoảng có tính triết học, khủng hoảng dựa trên sự “thông tuệ” mọi vấn đề tri thức khoa học đã có, thì “khủng hoảng” ở Việt Nam đơn thuần dựa trên sự lười biếng, dễ dãi, ảo tưởng. Hầu hết các “ngôi sao” văn chương và “ngôi sao” phê bình mà truyền thông chính thống Việt Nam dễ dãi lăng xê thực ra là những kẻ biếng lười, ít đọc và thiếu tri thức cũng như trải nghiệm. Điều này ông Nguyễn Thanh Sơn có nói đúng một phần.

Người Hà Nội


------------------
Bài liên quan:
11.02.2011
[CHUYỆN VĂN CHƯƠNG] ... Văn học Việt Nam lại còn có cả những người, dù chẳng có tài năng văn chương (như Nguyễn Thanh Sơn, chẳng hạn), nhưng lại có những thứ “tài năng” khác. Họ có tài làm tiền, tài mua danh, tài ăn nói ba hoa không biết ngượng... (...)

[CHUYỆN VĂN CHƯƠNG] ... Nhưng, thứ tự do cách điệu (đà) của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn thì hơi bị đổi... mới. Nó núp bóng trẻ, mượn danh cách tân, nhứt là nó có thêm món nhăn trán ưu tư chuyện to tát quốc gia đại sự là ưu tư đến chuyện đẻ đái tác phẩm lớn cho văn học nước nhà, nên nó vẫn có thể lừa được kẻ non bóng vía... (...)

09.02.2011
[CHUYỆN VĂN CHƯƠNG] ... Các trào lưu văn chương thế giới đương đại không được dạy trong Đại học, cùng với nó là các sáng tác phản biện [phản động, phản thùng...]. Rồi các thứ bị khép cái tội “phản” này không được báo chí chính thống [cả giấy lẫn mạng] đăng; nếu có lỡ đăng thì bị cào xuống và Ban biên tập bị kiểm điểm ngay tức thì... (...)

[CHUYỆN VĂN CHƯƠNG] ... Đầu năm đang dọn thế để đi ra ngoài lấy hên, ngó lên cao thấy ngay ông Nguyễn Thanh Sơn trên báo Thể thao - Văn hóa, số ra ngày 8-2-2011, trả lời cái phỏng vấn: “Văn học Việt Nam đang phải trả giá”. Trả giá đâu hổng biết, chí thấy phán mấy ý rất to này. Thăn tui xin trích hầu bà con... (...)
.
.
.

No comments: