Tuesday, February 22, 2011

SEAPA CẢNH BÁO VỀ TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM (RFA/BBC)

Khánh An, phóng viên RFA
2011-02-21

Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA) vừa đưa ra báo cáo thường niên 2011, trong đó cảnh báo tình trạng các nhà báo bị tấn công, truyền thông bị đe dọa khiến cho thông tin không được tự do tại khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời báo cáo của Liên minh Báo chí Đông Nam Á cũng nêu ra những thách thức có thể gặp phải trong năm mới.

Đe dọa tính mạng nhà báo

Khánh An có cuộc phỏng vấn với ông George Amurao – Điều phối thông cáo của tổ chức SEAPA và được ông cho biết sơ lược về bản báo cáo:

George Amurao: Đây là báo cáo thường niên của tổ chức SEAPA tổng kết tình hình về quyền tự do diễn đạt và xu hướng sắp tới trong khu vực. Chúng tôi thực hiện trên 10 quốc gia Đông Nam Á, chẳng hạn như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam… Chúng tôi đã thực hiện việc này 5, 6 năm nay và được trợ giúp bởi các tổ chức thành viên trong khu vực như Trung tâm Truyền thông Tự do và Trách Nhiệm của Philippines, Liên minh Ký giả Độc lập của Indonesia, Hiệp hội Ký giả của Thái Lan, Trung tâm Ký giả Độc lập của Malaysia, Hiệp hội bảo vệ các ký giả của Campuchia và các tổ chức truyền thông, cũng như những cá nhân quan tâm đến quyền tự do ngôn luận của Việt Nam và Singapore.

Khánh An: Như vậy theo Báo cáo thường niên năm 2011 thì tình hình tự do báo chí của năm ngoái ra sao, thưa ông?
George Amurao: Tình hình của năm ngoái, theo tôi, cũng giống như 3 năm qua, tồn tại một số vấn đề chính như sau. Thứ nhất là quyền không bị trừng phạt khi các ký giả tác nghiệp. Đây vẫn là một mối quan ngại chưa được giải quyết, đặc biệt là tại Philippines khi sự kiện giết hại các nhà báo của thị trưởng Apatuan xảy ra vào năm ngoái.
Trong năm qua, chúng tôi ghi nhận tình trạng các ký giả bị trả thù còn xảy ra ở Indonesia và Campuchia. Thứ hai, các nhà báo còn bị đe dọa, thậm chí bị nguy hiểm đến tính mạng như trường hợp hai ký giả quốc tế bị thiệt mạng khi tường thuật về tình hình bất ổn chính trị ở Thái hồi năm ngoái. Thứ ba là một số chính phủ đưa ra các công cụ luật pháp mới gây bất lợi cho quyền tự do diễn đạt. Có thể lấy ví dụ như trường hợp của Campuchia, chính phủ đưa ra Bộ luật hình sự điều chỉnh với các quy định về tội phỉ báng, vu khống, miệt thị, đồng thời đưa ra quy định mới trong việc quản lý các tổ chức phi chính phủ, dấy lên mối quan ngại là liệu đây có phải là công cụ để chính quyền đàn áp các nhóm chủ chốt.

Việt Nam vẫn kiểm soát báo chí

Khánh An: Vâng, như vậy với tình hình không mấy khả quan của năm ngoái, bản báo cáo có đưa ra dự báo về những thách thức có thể xảy ra trong năm nay không và đó là những vấn đề gì?
George Amurao: Cơ bản là chúng tôi thấy chiều hướng tiếp diễn của tình trạng trên. Năm ngoái có một số cuộc bầu cử diễn ra và quyền tự do diễn đạt bị đe dọa trong thời gian đó. Chẳng hạn như tại Việt Nam khi kỳ Đại hội Đảng Cộng Sản diễn ra vào tháng trước hay trong cuộc bầu cử tại Miến Điện. Sắp tới đây sẽ có cuộc bầu cử ở Singapore và Thái Lan. Mỗi sự kiện xảy ra trên đây đều có ảnh hưởng rất lớn đến quyền tự do diễn đạt. Đây là lúc mà các chính phủ có thể đưa ra một số luật hay quy định mới gây bất lợi cho quyền tự do thông tin. Tuy nhiên, nó cũng là dịp mà chúng tôi hy vọng các chính phủ có thể thông qua một số luật, chẳng hạn như Luật bảo vệ quyền tự do thông tin tại Philippines đã không được thông qua vào năm ngoái, nhưng các nhà hoạt động sẽ tiếp tục đòi hỏi luật này phải được thông qua trong năm nay.
Tương tự tại Campuchia và Việt Nam, các nhóm hoạt động cũng đang đòi hỏi các quyền này. Tại Indonesia thì luật này đã có một vài năm nhưng việc áp dụng nó ra sao trong thực tế lại là một vấn đề. Một mối quan ngại khác nữa là tình trạng trừng trị các ký giả tiếp tục xảy ra ở Philippines và Việt Nam.

Khánh An: Dựa theo bản báo cáo thì tình trạng tự do thông tin, tự do báo chí tại Việt Nam trong năm qua cụ thể ra sao?
George Amurao: Tại Việt Nam, Đại hội Đảng Cộng Sản vừa diễn ra vào tháng trước và tôi xem đây là một trường hợp mà cần phải có Luật bảo vệ thông tin. Truyền thông tại đây vẫn bị tình trạng kiểm soát của chính phủ. Theo tôi biết, tất cả các nhà báo trước khi lên làm lãnh đạo của một cơ quan truyền thông thì đều phải là đảng viên. Như vậy, tất cả lãnh đạo của ngành truyền thông đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng. Vì thế, chúng ta không thể kỳ vọng là họ sẽ tự do thông tin hay điều tra về những sự việc đang xảy ra vì họ cũng có những giới hạn nhất định. Chỉ có duy nhất trên mạng là thông tin còn chút tự do, chẳng hạn như giới blogger Việt Nam, họ đưa những thông tin về vấn đề khai thác bauxite ở tây nguyên.
Ngoài ra, kết quả của cuộc bầu cử vừa rồi với quyền thủ tướng thuộc về ông Nguyễn Tấn Dũng. Nguồn tin riêng của chúng tôi cho rằng chúng ta không nên trông đợi nhiều về những tiến bộ tích cực từ ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông ta có thể là người cởi mở trong lĩnh vực kinh tế, nhưng lại rất bảo thủ về vấn đề chính trị. Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi nghĩ là vấn đề thông tin trên mạng sẽ trở nên khó khăn hơn đối với các bloggers. Vì vậy, những gì có thể làm để giúp cải thiện tình trạng này, ngay bây giờ, tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi sẽ hợp tác với các tổ chức khác để tìm cách giúp đỡ cho các bloggers.

Khánh An: Vâng, cảm ơn ông về cuộc nói chuyện ngày hôm nay.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

---------------------------------------

BBC
Cập nhật: 08:21 GMT - thứ ba, 22 tháng 2, 2011

Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Seapa) trong phúc trình thường niên nhận định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tự do báo chí trong năm 2011.

Tổ chức theo dõi báo chí khu vực này vừa công bố phúc trình 2011 hồi đầu tháng.
Trong đó, Seapa đưa ra dự báo: "Dựa vào hành động của chính phủ Việt Nam trong năm qua, có thể sẽ có thêm việc trấn áp báo chí, nhất là trấn áp các bloggers, dù chỉ để nhằm hạn chế thách thức mà các thành phần dân chủ có thể sẽ đặt ra đối với nỗ lực giải quyết khó khăn kinh tế của chính quyền".

Tổ chức này nhấn mạnh khía cạnh kinh tế của các quyết pháp nhà nước, với lý do Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về kinh tế, nhất là tình trạng lạm phát.
Seapa cũng nói tới vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong điều hành chính sách đối với báo chí. Theo đó, tuy được mô tả là nhân vật cải cách, ông Dũng đã có nhiều hoạt động chống lại giới bloggers khi họ phổ biến các thông tin về các dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Việc ông được trông đợi sẽ tiếp tục một nhiệm kỳ thủ tướng nữa được cho là sẽ tiếp tục xu hướng này.

Một năm nhiều sự kiện

Seapa nhìn lại một năm 2010, khi Việt Nam nắm chức chủ tịch luân lưu của Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
Phúc trình của tổ chức này nhận xét rằng các chỉ trích gia và các blogger, mà nhiều người bị bắt và bị xử tù trong năm qua, có thể sẽ không đồng ý với nhận định của chính phủ rằng 2010 là một năm "thành công" của Việt Nam.
Theo phúc trình, sự phát triển của các blog ở Việt Nam đã lấp đầy khoảng trống của các chủ đề mà báo chí nhà nước vì lý do chính trị đã không đăng tải.
Cũng chính vì vậy mà bàn tay kiểm duyệt muốn vươn tới các blog cá nhân và các trang tin điện tử.
Chủ đề "nóng" nhất trên các trang mạng thời gian gần đây, theo nhận xét của Seapa, là tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và các nhượng bộ mà chính phủ Việt Nam dành cho các công ty Trung Quốc làm ăn ở trong nước, nhất là trong lĩnh vực khai thác bauxite.

Chính phủ Việt Nam đã dùng Điều 88 và Điều 79 trong Luật Hình sự để trấn áp những người bất đồng chính kiến.
"Với chiếc ghế chủ tịch Asean và hội nghị Đảng Cộng sản vào đầu năm 2011, nhà chức trách đã không chần chừ trong việc siết chặt kiểm soát internet, từ các quán càphê internet tới trang mạng Facebook."
"Ngoài ra, họ cũng bắt giữ các blogger tiếp tục viết về chủ đề quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, bauxite, các nhà báo ủng hộ dân chủ, luật sư và nhà hoạt động."

Seapa đưa ra dẫn chứng nhiều tên tuổi những người bị bắt và bỏ tù trong một năm qua, trong đó có nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, luật sư Lê Công Định, blogge Điếu Cày, luật sư Lê Thị Công Nhân, các nhà báo tự do Uyên Vũ và Trăng Đêm, blogger Tạ Phong Tần, blogger Anh Ba Sài Gòn, giảng viên Phạm Minh Hoàng và một số người khác.
Không chỉ bắt giữ và bỏ tù những người nói trên, nhà nước Việt Nam còn có các hành động chặn các trang blog mà họ cho là có ý kiến bất đồng, và hạn chế truy cập các trang mạng "có vấn đề".

Tự do internet

Hôm 15/02, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong bài phát biểu quan trọng về tự do internet cũng nêu tên Việt Nam trong số các quốc gia "hạn chế ngôn luận trên internet".
Bà Clinton nói Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy tự do internet trên toàn cầu và cảnh báo các nước độc tài không nên tìm cách hạn chế internet vì sẽ "không thể thành công".
Đáp lại nhận xét của ngoại trưởng Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga tuần trước tuyên bố: "Ở Việt Nam các quyền tự do, dân chủ của mọi người dân, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật và được đảm bảo thực hiện trên thực tế".
"Ở Việt Nam, mọi công dân đều được pháp luật bảo vệ, đồng thời phải tôn trọng pháp luật. Người vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật."
Bà Nga nói thêm: "Chúng tôi cho rằng trong quan hệ giữa các quốc gia, mọi khác biệt cần được trao đổi trên tinh thần xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.”

--------------------------

Đọc thêm :

Nguyễn Văn Tuấn  -  Thứ sáu, 18 Tháng 2 2011 22:43
.
.
.

No comments: