Tuesday, February 22, 2011

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM SƯỚNG NHẤT THẾ GIỚI (Tạ Phong Tần)

Tạ Phong Tần
22/02/2011

Bài đã đăng báo Người Việt

Bên Tây, để được dân chúng bầu làm các ông nghị, bà nghị, ứng cử viên nào cũng phải tham gia chiến dịch tranh cử trước ngày chính thức bỏ phiếu khoảng 3 tháng. Ứng viên phải tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, trình bày cho cử tri thấy các chương trình “quốc kế dân sinh” của họ sẽ làm cho cộng đồng nếu họ đắc cử. Tất nhiên, chi phí cho hoạt động tranh cử là tiền cá nhân của ứng viên và các loại quỹ họ tự vận động được, ngân sách quốc gia không bao giờ “gồng gánh” những việc này bao giờ.

Vừa rồi, ông Arnold Schwarzenegger- cựu ngôi sao màn bạc phim hành động, vừa mãn nhiệm 2 nhiệm kỳ làm thống đốc bang California (Mỹ) cho Reuters biết việc “hành nghề thống đốc” đã khiến ông “mất ít nhất 200 triệu USD thu nhập từ nghề diễn viên”, tức là ông Arnold Schwarzenegger bị “lỗ vốn” khi làm thống đốc. Với ông Arnold Schwarzenegger, điều đó không quan trọng vì ông rất giàu có nhờ thu nhập diễn viên, ông cho rằng những kinh nghiệm thu được khi làm thống đốc “còn đáng giá hơn tiền bạc”.

Cách đây vài tháng, người Việt ở Mỹ cũng chưa quên “cuộc chiến” tranh cử tái nhiệm kỳ nghị sĩ giữa bà Loretta Sanchez (người Mỹ chính gốc) và ông Trần Thái Văn (người Mỹ gốc Việt). Cuối cùng, tuy không phải là người gốc Việt, bà Loretta Sanchez lại thắng cử vì bà chiếm được một số khá lớn lá phiếu của cử tri người Việt. Tại sao cộng đồng người Việt lại ủng hộ bà Loretta Sanchez? Có thể gọi đó là nghệ thuật, chương trình, hay kế hoạch tranh cử của bà Loretta Sanchez làm hài lòng cử tri Việt hơn ông Trần Thái Văn?

Cách đây 2 năm, bạn tôi – một cư dân Mỹ gốc Việt, gởi thư cho bà Loretta Sanchez trình bày về những chuyện riêng của gia đình anh ta có “gút mắc” với chính quyền Mỹ. Trong vài ngày, bạn tôi nhanh chóng được văn phòng Dân Biểu Loretta Sanchez trả lời thư bằng văn bản, thư có chữ ký của bà Loretta Sanchez. Ở đây, tôi không nói về nội dung thư và cách giải quyết của bà Loretta Sanchez khi cử tri cần đến bà là đúng hay sai, tôi muốn nhấn mạnh về tính minh bạch, công khai cũng như phương pháp làm việc nhanh nhẹn, tôn trọng con người của dân biểu Mỹ đối cử tri Mỹ.

Nghị Việt Nam :

Ở nước ta thì ngược lại với bên Tây. Trước khi bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp dưới (nói nôm na giông giống như Hạ Viện ở các nước tư bổn cho dễ hiểu) và đại biểu Quốc Hội (giông giống như Thượng Viện), cận kề đến ngày bầu cử chừng chục ngày, người dân được xem danh sách kèm hình, tóm tắt tiểu sử vài dòng của các vị “nghị” mà mình phải bầu dán ở các nơi cộng là hết chuyện. Không bao giờ có hoạt động tranh cử, không ai biết năng lực làm việc của các vị ra sao, thậm chí đến lúc bỏ phiếu cũng không nhớ nổi mặt các vị ấy như thế nào. Thế nên mới có chuyện cử tri đi bầu chỉ là “gạch tên cho đủ số quy định” bằng cách: Người thì gạch từ trên xuống, người gạch từ dưới lên, người lại cứ cách 1 dòng thì gạch tên 1 người… hên xui ráng chịu.

Năm 2007, Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc Hội nhiệm kỳ X (1997-2002). Buổi chiều trước bầu cử 1 ngày, sếp tôi kêu cả đơn vị lại “họp khẩn cấp” (nguyên văn từ của sếp) rồi sếp nói: “Cái này thông báo nội bộ, nói nhỏ chớ không có nói lớn. Ở trên (chẳng biết là trên cỡ nào) mới thông báo ngày mai bầu đại biểu Quốc Hội thì bầu cho con R, gạch tên bà S. đi”. Cả đơn vị trố mắt nhìn sếp ngạc nhiên, hổng hiểu bữa nay sếp có “bị gì hong” mà sếp ăn nói trái luật dữ vậy cà. Sếp nói tiếp: “Ở trển nói con R. là nữ, người dân tộc, hạt giống đỏ đủ tiêu chuẩn cơ cấu. Bà S. là để cho có mà gạch thôi. Lịnh ở trên, mình là cấp dưới thì mình phải chấp hành. Vậy thôi hén!” Nói xong, sếp giải tán “cuộc họp khẩn cấp”. Tôi ra ngoài coi kỹ lại danh sách thì thấy “con R.” trình độ mới có phổ thông trung học (tức học hết lớp 12, tốt nghiệp hay không chưa biết), nghề nghiệp dưới trình độ, không biết ngoại ngữ, so với bà S. thì kém xa. Hôm sau đi bầu cử, tôi không gạch tên bà S. như “chỉ đạo” mà gạch tên cô R., tôi để ý thấy những người khác thì “thi hành ý kiến cấp trên” răm rắp.

Mấy ngày sau, một ông cán bộ cơ quan khác (lãnh đạo thường thường bậc trung, tôi đánh giá ông này cũng có năng lực) sang cơ quan tôi làm việc, tôi bèn hỏi dò ông bầu cử gạch tên ai. Ông bèn xổ ra một tràng: “Tao gạch tên con R., để tên bà S. Vô duyên! Bầu ai là quyền của tao, ai có năng lực thì bao bầu. Tự dưng kêu phải gạch người này, để người kia, thiệt lãng nhách”. Tôi hỏi thêm: “Theo ý anh thì ai đậu?” Ổng nói: “Con R. sẽ đậu, làm cái kiểu đó thì nó đậu là cái chắc. Ðể rồi coi, tao nói sai cho mày đánh lên đầu tao nè”. Kết quả y chang như ổng nói. Nhiệm kỳ sau, rồi sau nữa tôi không đi bầu cử. Ðến nay, “con R.” (giờ đã thành bà R.) đã “đắc cử” liên tiếp 3 nhiệm kỳ X, XI, XII của Quốc Hội. Còn tôi thì chưa bao giờ có “hân hạnh” được biết địa chỉ, số điện thoại liên lạc của quý vị “đại diện cho tôi”, khi cần tìm tôi không biết phải tìm họ ở đâu. Ngược lại với nghị sĩ nước tư bổn, nghị sĩ Việt Nam không hề có trang web riêng, văn phòng làm việc riêng, và cử tri cũng không hề thấy công bố số điện thoại riêng để trực tiếp liên hệ.

Còn không đầy 100 ngày nữa, cử tri cả nước Việt Nam sẽ bỏ phiếu bầu đại biểu “Hạ Viện” và “Thượng Viện”, nhưng đến thời điểm này, chưa cử tri nào được biết ai là ứng viên, còn các ứng viên vẫn giữ vững truyền thống “ngọa hổ tàng long” “không bao giờ tranh cử”, những việc sắp xếp “quân xanh quân đỏ” nhiêu khê ấy đã có “cánh tay nối dài” của đảng CSVN là Mặt Trận Tổ Quốc (hoạt động bằng tiền ngân sách nhà nước) bao biện hết từ A tới Z bằng cái lá nho “hiệp thương”. Mấy chục năm nay, nó đã thành một cái công thức không đổi là “một tỉnh được bầu bốn đại biểu thì hai trong số đó mặc nhiên sẽ là các lãnh đạo địa phương, còn lại hai người phải đảm bảo cơ cấu đồng thời là nữ, trẻ, người dân tộc, người ngoài đảng…”

Theo ông Nguyễn Văn Pha – phó chủ tịch ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, bầu đại biểu Quốc Hội nhiệm kỳ XIII này, ngoài những tiêu chuẩn cũ còn có thêm tiêu chuẩn “không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng”. Nghe thì rất hay, rất tiến bộ nhưng nghĩ kỹ lại thấy tiêu chuẩn mới ghi thêm để coi chơi chớ không thực tế. Người Việt Nam ai mà không biết phát hiện tham nhũng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, phát hiện những vụ án tham nhũng… đều là quần chúng và báo chí, chớ hổng phải cán bộ trong cơ quan có tham nhũng lẫn cơ quan có trách nhiệm chống tham nhũng tự mình phát hiện. Tài sản ứng viên không kê khai minh bạch cho quần chúng biết, năng lực ứng viên cỡ nào quần chúng có tiếp xúc được đâu mà biết. Trường hợp có ai đó phát hiện ứng viên tham nhũng hay có khuất tất cái gì đó thì cũng không còn thời gian đâu mà vác đơn đi khiếu nại tư cách đại biểu.

Nhiệm kỳ XIII tới đây, nếu luật chưa có quy định cấm làm “nghị” liên tục 4-5 nhiệm kỳ, hổng chừng bà R. tiếp tục “đắc cử” theo kiểu tôi đã kể ở trên, khỏi cần tranh cử gì hết ráo. So với ông Arnold Schwarzenegger thì bà R. “lời lớn” (miền Bắc gọi là “lãi to”) chớ không “lỗ” đồng nào. Trong ngôn ngữ xã hội Việt Nam hiện nay không có cụm từ “tranh cử bình đẳng”, cho nên làm “nghị viên” ở Việt Nam là sướng nhất thế giới.

Tạ Phong Tần
.
.
.

No comments: