Thursday, February 17, 2011

SAU TRUNG ĐÔNG, NGA và TRUNG QUỐC CÓ LO LẮNG KHÔNG? (Guy Faulconbridge)

By Guy Faulconbridge, Chris Buckley and Ben Blanchard
MOSCOW/BEIJING | Thu Feb 10, 2011 8:08pm EST

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 15 tháng 2 năm 2011

Moskva/Bắc Kinh – trong những ngày cuối tháng 1, mặc dù giá rét, vẫn có một đám đông chừng 600 người tụ tập trên quảng trường Triumph ở Moskva, họ liên tục gào lên: “Tự do! Tự do!” và đòi nhà lãnh đạo Putin phải từ chức thủ tướng.

“Ông ta khác có gì Mubarak? Không khác gì. Hoàn toàn không khác gì hết. Từ chức. Tất cả đều phải từ chức. Các người đã làm chúng tôi chán ngấy rồi”. Ông Nemtsov, một người lãnh đạo phe đối lập nói với đám đông như thế, và những người tụ tập ở đấy cùng hô lớn: “Putin từ chức đi”, “Nước Nga không có Putin!”.

Làn sóng cách mạng đang sôi sục trong thế giới Arab đã tràn đến nước Nga rồi sao? Liệu đây có phải là sự khởi đầu của cuộc cách mạng nhân dân tương tự như cuộc cách mạng đã lật đổ tổng thống Tunisia và đang đe dọa nhà lãnh đạo Ai Cập hay không?

Không hoàn toàn như thế. Chính quyền Nga cho phép các nhà hoạt động chính trị và những người chống đối Điện Cẩm Kinh tổ chức mít tinh tại quảng trường này trong ngày 31 cuối tháng, coi như một sự nhắc nhở về quyền tự do hội họp được qui định trong điều 31 của Hiến pháp.

Nhưng những buổi tụ họp như thế khó có thể làm cho Điện Cẩm Linh lo lắng. Những người muốn tham gia vào cuộc mít tinh phản đối đều phải có đủ dũng khí thì mới dám đi ngang qua hàng rào cảnh sát chống bạo động đội mũ sắt và máy dò kim loại thì mới đến được một khu vực nhỏ bé, xung quanh có hàng rào, bên chân tượng nhà thơ cách mạng Vladimir Mayakovsky, xung quanh bức tượng là dãy hàng rào bằng kim loại dán đầy các tờ rơi kêu gọi cha mẹ phải quan tâm tới con cái.

Cảnh sát quay phim từ trên những chiếc xe tải đứng xung quanh quảng trường, còn sĩ quan an ninh thì đi lẫn với người bộ hành và các nhà báo để xác định những kẻ khả nghi, những người này sẽ bị cảnh sát chống bạo động đội mũ sắt đen - một số còn có mặt nạ – bắt. Lần gần đây nhất, hơn một chục người đã không đến được vì bị cảnh sát chống bạo động bắt ngay ở ga tàu điện ngầm và tống lên xe bus.

“Đấy là nền dân chủ của chúng ta. Ở Nga đang xảy ra chuyện gì thế này!”, một thanh niên gào lên khi anh ta bị cảnh sát đội mũ sắt màu đen bắt.

Trong khi, trong suốt mấy tuần qua người dân từ Tunis tới Sana đứng lên chống lại những kẻ độc tài thì đã đến lúc cần phải hỏi: các nơi khác trên thế giới đã sẵn sàng làm cách mạng hay chưa? Như các vụ phản đối ở Moskva cho thấy câu trả lời của Nga có thể là chưa – ít nhất là trong khi giá dầu còn cao. Ở một nước độc tài lớn khác là Trung Quốc, tình hình cũng tương tự như thế. Dĩ nhiên là ở cả hai nước người ta đều biết cách mạng là gì. Nhưng trong năm 2011 đa số dân chúng Trung Quốc và Nga đều không cảm thấy thất vọng và giẫn dữ tương tự như những tình cảm đã nổ tung trên đường phố và quảng trường trong thế giới Arab trong mấy tháng gần đây. Nhiều phần là do sự phát triển kinh tế ở cả hai nước trong những thập kỉ gần qua. Công dân Trung Quốc và Nga có thể không có những quyền tự do căn bản như quyền thay đổi các nhà lãnh đạo của mình, nhưng khác với người dân trung bình ở Ai Cập hay Tunisia, đa số cảm thấy rằng cuộc sống của họ đã được cải thiện so với 10 năm trước đây.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh và Moskva không cần theo dõi một cách sát sao những sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông. Dân chúng ở cả hai nước đều có lí do để bất bình. Internet có mặt trên khắp nước Nga, nhưng vấn đề là nó có được sử dụng nhằm lột trần khoảng cách khủng khiếp giữa người giàu và người nghèo hay không? Ở Trung Quốc giai cấp trung lưu đang gia tăng, nhưng liệu dân chúng có bắt đầu đòi hỏi nhiều quyền hơn hay không?

Ở cả hai thủ đô người ta đều nhận thức được một cách sâu sắc rằng tính chính danh của họ phụ thuộc phần lớn vào khả năng giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển. Hiện nay có thể họ không sợ xảy ra một cuộc bạo loạn ngay lập tức, nhưng các quan chức ở Điện Cẩm Li cũng như những nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc biết rõ rằng muốn tiếp tục nắm quyền thì họ phải thường xuyên kiểm soát được mức độ tự tung tự tác của mình cũng như tìm mọi cách đào tận gốc trốc tận rễ phe đối lập. Các nhà lãnh đạo Arab đã nhận thấy sự mất cân bằng này, nhưng họ chỉ hiểu ra khi đã quá muộn.

Sức mạnh của dầu hỏa

Trong năm khủng hoảng đầu tiên hoặc sau đó một chút, khi giá dầu tụt dốc và xuất khẩu giảm, Moskva đã phải đối mặt với khả năng xảy ra những cuộc phản đối trên khắp cả nước.

Trong cuộc tuần hành nghiêm trọng nhất vào ngày 30 tháng 1 năm 2010, có gần 10 ngàn người ở thành phố Kalinigrad đã xuống đường. Đấy là vấn đề nghiêm trọng: các đảng đối lập chủ chốt đi bên cạnh những nhóm người phản đối nạn thất nghiệp gia tăng, giá cả leo thang và giảm thiểu các dịch vụ công cộng.

Nhận trách nhiệm thực hiện những biện pháp chống khủng hỏang, thủ tướng (cựu tổng thống) Putin công khai nhiếc móc các quan chức lãnh đạo đầu sỏ và làm dịu bớt sự tức giận của những người công nhân lúc đó đang phong tỏa một con đường quốc lộ ở Pikalyovo, miền Bắc Nga, vì họ không được trả lương. Cuối cùng, những lời tiên đóan về các cuộc biểu tình mang tính quần chúng đã không trở thành hiện thực.

Bây giờ, khi giá dầu lại tăng – đạt mức 100 dollar một thùng trong tuần đầu tiên khi xảy ra những cuộc phản đối ở Ai Cập – phần lớn các nhà quan sát đều tin rằng nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới này sẽ có đủ tiền do dầu hỏa mang lại để có thể dập tắt mọi căng thẳng xã hội trong giai đọan trước khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2011 và bầu cử tổng thống vào năm 2012. Nước Nga đang nhanh chóng vượt qua khủng hỏang kinh tế và có hi vọng rằng nền kinh tế trị giá 1,5 ngàn tỉ dollar của nó sẽ phát triển hơn 4% trong năm nay sau khi đã phát triển 4% vàonăm 2010.

“Giá 100 dollar một thùng dầu giúp giữ được ổn định vì nó tăng thêm thu nhập cho ngân sách và tạo điều kiện cho chính phủ chi tiền cho những nhóm người có thể thể hiện sự bất bình. Nói cách khác, chế độ của Putin có một vùng đệm an tòan”. Vladimir Ryzhkov, một trong những người lãnh đạo đối lập có uy tín nhất hiện nay nói với phóng viên Reuters như thế.

Ryzhkov tin rằng ngòai tiền ra thì tình hình dân số - dân cư già đi và không tăng thêm – và sự khát khao ổn định sau sự tan rã đầy xáo trộn của Liên Xô làm cho cách mạng khó mà xảy ra được.

“Kết quả của những cuộc thăm dó ý kiến cho thấy Nga không nằm trong tình trạng cách mạng: đa số người dân mong muốn ổn định chính trị, họ nói rằng hiện có thể sống được”, ông nói. “Putin và chế độ của ông ta có đủ nguồn lực để phát lương hưu, tiền lương và giữ được ổn định bằng cách đó”.

Cảm giác ổn định là chìa khóa cho sự thành công của Putin kể từ khi cựu quan chức KGB này bất ngờ được bổ nhiệm làm tổng thống vào năm 1999. Đối với dân Nga, những người đã chán ngấy sự bất ổn về kinh tế và những nỗi đau khổ trong những năm 1990 thì Putin, 58 tuổi, là biểu tượng của quá trình trở về với sự an tòan trong quá khứ: dường như nhiều người cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ từ bỏ một số quyền tự do để đổi lấy công việc ổn định và đồng rub vững chắc.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 8% người Nga cho rằng họ không có đủ tiền mua lương thực thực phẩm, cách đây 10 năm con số này là 25%, mặc dù khỏang cách giàu nghèo vẫn rất lớn. Hàng triệu người lâm vào tình trạng nghèo khổ trong giai đọan hỗn lọan xảy ra cùng với sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô, trong khi một nhóm nhỏ doanh nhân lại kiếm được rất nhiều của cải.

Tuy nhiên, theo những cuộc thăm dò dư luận gần đây, đa số dân Nga vẫn còn lo lắng về những vấn đề kinh tế. Giá cả gia tăng, nạn thất nghiệp và khủng hỏang kinh tế là những nỗi lo lớn nhất, tiếp sau đó là tội ác và lạm dụng quyền lực.

Một trong những điểm son đối với Điện Cẩm Linh là dân chúng bao giờ cũng coi ổn định quan trọng hơn dân chủ, mặc dù trong tháng 12 năm ngóai số người sẵn sàng chấp nhận ổn định cho dù có phải vi phạm một số quyền con người đã giảm xuống chỉ còn 56%, con số thấp nhất trong tháng 12 trong suốt mười năm qua, đấy là theo số liệu của cơ quan điều tra dư luận có uy tín là trung tâm Lavada (Levada-Centre).

Alexander Ignatenko, một trong những chuyên gia hàng đầu về thế giới Arab và chủ tịch Viện nghiên cứu tôn giáo và chính trị Moskva gạt bỏ những cuộc bàn thảo về một cuộc bạo lọan rộng khắp: “Đấy đơn giản chỉ là trí tưởng tượng quá mức của phe đối lập mà thôi”, ông nói. “Đấy đơn giản là sản phẩm của những người giàu có và tôi xin nói rằng đấy chính là trí tưởng tượng nhuốm màu bệnh họan của phe đối lập Nga”.

Lo sợ rằng những cuộc phản đối sẽ phát triển và lan rộng, Moskva đã gửi một nhóm quan chức đặc biệt đến các khu vực nhằm lên giây cót tinh thần cho các quan chức địa phương. Không rõ là các đoàn đại biểu đã sử dụng phương pháp thuyết phục nào, nhưng Putin đã phê phán một cách nhẹ nhàng đảng cầm quyền của ông là đã không nắm được nhu cầu của nhân dân. Trong quá khứ, Moskva thường kết hợp quả đấm thô bạo với khoản tiến mặt được rót ra một cách ồ ạt. Trong năm 2009, khi nền kinh tế giảm đến 7,8% - sự suy giảm tồi tệ nhất trong vòng 15 năm – Moskva đã phải rót hàng chục tỉ dollar Mĩ cho các thành phố và nhà máy, nơi công nhân bắt đầu chuẩn bị các cuộc phản đối. Hơn 2,5 tỉ dollar (£1,55 tỉ) được chi cho nhà máy sản xuất ô tô AvtoVaz – một nhà máy sản xuất ô tô thời Liên Xô và là nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất của Nga – để cứu cho nó khỏi bị phá sản.

Đổi tự do lấy xúc xích

Nhưng đấy đúng là điều mà giới lãnh đạo Tunisia và Ai Cập có thể đã nói cách đây chỉ có mấy tháng. Khi số người có thể tiếp cận với internet ở Nga gia tăng – hiện có 50 triệu trong số 141 triệu dân có thể tiếp xúc với internet, cách đây 10 năm chỉ có 3 triệu người mà thôi – Moskva sẽ khó mà có thể kiểm soát được tin tức và cách li được các nhóm phản kháng. Một vụ khởi nghĩa ở đại phương có thể lan ra toàn quốc được không?

Rất nhiều thứ phụ thuộc vào giá dầu – nó sẽ quyết định Nga có thể ném bao nhiêu tiền vào những điểm rắc rối. “Nếu giá dầu giảm một cách từ từ thì nó cũng làm cho tình hình trong nước bất ổn một cách từ từ”, Vladimir Ryzhkov nói. “Tôi tin rằng họ theo dõi một cách cẩn thận các sự kiện ở Ai Cập và các nơi khác nữa. Những sự kiện này làm họ rất lo lắng… Putin đã tích cực làm việc nhằm cải thiện hình ảnh của mình”.

Kseniya Sobchak, người có quan hệ rộng rãi ở Moskva và là con gái của ông Anatoly Sobchak, thị trưởng đã quá cố của thành phố St Petersburg (sếp của của Putin), thậm chí đã dám nói trên đài phát thanh rằng có khả năng xảy ra bạo loạn.

“Mặc dù dân cư trong đất nước chúng tôi không đồng nhất, giống như cái đít con voi, nhưng lúc nào họ cũng có thể liên kết với nhau và lao vào cuộc xung đột, mặc dù chúng ta không bao giờ biết khi nào sẽ diễn ra chuyện đó”, cô Sobchak, một cô gái 29 tuổi nói như thế trong cuộc thảo luận trên đài phát thanh có tên là Mưa Bạc, một trong những đài phát thanh lớn nhất nước Nga. “Chính quyền ở Nga đã kí với nhân dân hợp đồng: đổi tự do lấy xúc xích, cho nên mọi người hiện nay vẫn hài lòng. Nhưng ngay khi hết xúc xích… nghĩa là khi giá dầu giảm thì bạo loạn có thể xảy ra”.

Một quan chức Nga, xin được dấu tên vì tình hình khá nhạy cảm, đã nói: “Dĩ nhiên là nhân dân đang theo dõi những sự kiện ở Ai Cập. Đấy là mối quan tâm của họ và họ theo dõi. Nhưng tôi không nói rằng đấy là mối lo của riêng nước Nga – đấy là mối lo của tất cả các nước trên thế giới”.

Làm cho giới trung lưu luôn cảm thấy hạnh phúc

Cuối năm 2010 Trung Quốc cảm thấy những vụ xô xát nhỏ có thể nhanh chóng biến thành cơn đau đầu lớn nhanh đến mức nào: vụ việc anh nông dân tên là Qian Yunhui, một người sốt sắng trong các họat động chống tiêu cực, bị xe tải đè nát đầu, đã dấy lên làm sóng phản đối mang tính và những lời bình luận đầy giận dữ trên mạng internet, họ nói rằng Qian bị giết vì anh đã đứng lên phản đối chính quyền địa phương trong một vụ thu hồi đất của nông dân.

Chính quyền và cảnh sát ở Wenzhou, khu vực bờ biển nơi Qian chết, khẳng định rằng đấy chỉ là một vụ tai nạn. Nhưng ảnh chụp đầu và thân anh bị bánh sau xe tải cán nát, cũng như quang cảnh đối đầu giữa người dân địa phương và cảnh sát chống bạo động đã được người ta đưa lên mạng. Những người sử dụng internet khẳng định rằng Qian bị một người đeo găng tay trắng đẩy vào bánh xe – nhưng cảnh sát dứt khóat bác bỏ.

Mặc dù Đảng cộng sản Trung Quốc tìm mọi cách ngăn cản các họat động chính trị độc lập, nhưng ở Trung Quốc đã xảy ra nhiều vụ bạo lọan, phản đối và đình công mang tính địa phương – các quan chức thường gọi là “các vụ lộn xộn có đông người tham gia” – đấy là do người ta tức giận trước tình trạng tham nhũng, tranh chấp đất đai và không có việc làm, đặc biệt là tại các nhà máy quốc doanh. Có những cụ phản đối với hàng chục, thậm chí hàng ngàn người và biến thành bạo lực.

Thí dụ như tháng 6 năm 2008 ở Weng'an, một thị trấn nằm ở Tây-Bắc tỉnh Guizhou đã xảy ra bạo lọan sau khi có tin đồn rằng một nữ học sinh đã bị hai thanh niên có họ hàng với cảnh sát hiếp rồi dìm xuống nước cho đến chết. Đến cuối ngày hôm đó trụ sở của chính quyền địa phương đã bị hàng trăm thanh niên phá tan và đốt cháy trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân, dân chúng cho rằng chính quyền tìm cách che dấu tội ác.

Năm 2007 ở Trung Quốc xảy ra 80.000 “vụ lộn xộn có đông người tham gia”, trong khi năm 2006 chỉ có 60.000 ngàn vụ mà thôi, đấy là theo số liệu của các nhà xã hội học thuộc Viện hàn lâm xã hội Trung Quốc. Không có các đánh giá mới hơn.

Năm ngóai làn sóng bãi công lan tràn khắp các nhà máy ở miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là trong các nhà máy do người Nhật làm chủ. Điều đó chứng tỏ rằng đã xuất hiện tiếng nói của thế hệ mới, thế hệ những người lao động nhập cư kiên quyết đòi phải được trả lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn.

Mặc dù sự bất mãn đang ngày càng nhức nhối, nhưng ít có khả năng là chính phủ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự thách thức nghiêm trọng của xã hội trong thời gian trước mắt. Tình trạng bất an mà Trung Quốc đang gặp không phải là cơn cuồng phong có thể dễ dàng lật đổ được chính phủ, mà chỉ là những cơn gió bụi làm rối trí các quan chức, cản trở việc ra quyết định và làm xói mòn uy tín của Đảng cộng sản Trung Quốc mà thôi.

Lí do rất đơn giản: đối với nhiều người Trung Quốc cuộc sống hiện nay được cải thiện hơn là bất cứ giai đọan nào trong quá khứ, trong suốt mất trăm năm qua. Ba mươi năm phát triển kinh tế đã đưa hàng trăm triệu người thóat khỏi cảnh đói nghèo, và chính Đảng cộng sản là người đã hồi sinh niềm tự hào dân tộc sau hàng trăm năm rối lọan và nhục nhã dưới bàn tay cai trị của ngọai bang.

Trung Quốc đã đưa người lên vũ trụ, đã xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc làm nhiều nước phát triển phải ghen tị, đã vượt qua Nhật và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Mặc dù sự phát triển đi kèm với những vụ lạm dụng – bỏ tù người bất đồng chính kiến, đàn áp các sắc dân thiểu số, môi trường suy thóai nghiêm trọng – nhưng nhiều người Trung Quốc hiện đang được hưởng thành quả của sự thịnh vượng mà cha ông họ nằm mơ cũng không thấy được.

“Người dân không muốn làm cho con thuyền chòng chành. Tại sao? Vì trong hai thế hỉ vừa qua xã hội Trung Quốc đã phải trả giá quá đắt, đây là giai đoạn đầu tiên trong lịch sử mà đa phần người dân Trung Quốc cảm thấy dễ thở”, ông Nicholas Bequelin, một chuyên gia về Trung Quốc trong tổ chức Human Rights Watch ở New York nói như thế. “Tôi không thấy sự khao khát những rối loạn chính trị có thể đi kèm với những cố gắng nhằm làm cho hệ thống bị rối loạn một cách bất ngờ”.

Đảng cộng sản đã chứng tỏ rằng họ có khả năng tạo ra một cuộc đối thoại về cải cách phù hợp với nhu cầu của họ, càng ngày họ càng tạo nhiều điều kiện hơn cho nhân dân trong việc thách thức hệ thống, đồng thời buộc chính phủ phải quan tâm hơn và có trách nhiệm hơn trước những vấn đề nóng bỏng.

“Khi còn có thể cải tiến hệ thống mà không đi ra ngoài giới hạn của nó thì người ta vẫn có cơ hội thể hiện năng lực chính trị. Ngay cả những người bất đồng chính kiến và các luật sư cũng có nhiều không gian hơn là trước kia, và nhiều người thích hành động một cách từ từ hơn là trước đây”, Bequelin nói.

Phản ứng của xã hội Trung Quốc trước các cuộc biểu tình phản đối ở Ai Cập cho thấy cả sự khinh khi, thờ ơ lẫn ghen tị. Nhưng không ai nghĩ rằng trong thời gian trước mắt Trung Quốc sẽ đi theo con đường đó.

Bị chính quyền kiểm soát một cách ngặt nghèo, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc chỉ nói một cách hạn chế về các cuộc biểu tình phản đối, họ tập trung nói về những cố gắng của chính phủ trong việc sơ tán người bị mắc kẹt ở đó, và chẳng có mấy hình ảnh quân đội và người biểu tình. Trong khi đó bộ máy kiềm soát internet ngăn chặn các cuộc thảo luận về Ai Cập, họ làm gián đoạn các cuộc tìm kiếm và rỡ bỏ những bài viết về tình trạng rối loạn ở đó.

Một số bình luận vẫn tìm cách thoát được kiểm duyệt. Nhưng trong khi chỉ có một ít người nhận thấy có sự tương đồng giữa Ai Cập và Trung Quốc thì đa số lại có quan niệm khác. “Chúng tôi thường được cảnh báo rằng ‘dân chủ sẽ tạo ra hỗn loạn’, những sự kiện ở Ai Cập và Tunisia cho thấy rõ điều đó”, một blogger trên trang sina.com có khá đông người truy cập viết như thế.

“Trung Quốc muôn năm! Nhân dân rất hài lòng với hệ thống hiện hành. Xéo đi với hệ thống dân chủ kiểu Mĩ ngu dốt của các người”, một người khác bồi thêm.

Bài học Thiên An Môn

Rana Mitter, giáo sư bộ môn lịch sử và chính trị của Trung Quốc ở Trường đại học Oxford tin rằng Bắc Kinh đã đối mặt với thời khắc Cairo của họ và họ đã giải quyết được.

“Thời khắc tương đồng không phải là bây giờ mà là vào năm 1989, khi Đảng cộng sản đã cảm thấy hấp hối”, ông Mitter nói với phóng viên Reuters như thế. “Trong hơn hai mươi năm qua Đảng đã làm mọi việc có thể nhằm thích nghi, cố gắng và cải tiến cách thức hoạt động, tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề và giải quyết nhằm tránh không để những sự kiện như năm 1989 xảy ra một lần nữa”.

Mitter nói rằng trung tâm chiến lược của Bắc Kinh là “chú ý một cách tương đối cao vào cái mà ta có thể gọi là làm cho xã hội thịnh vượng … dĩ nhiên là trong các giới chính trị người ta tuyên bố công khai về những vấn đề như hưu bổng, chăm sóc sức khỏe, những lĩnh vực mà một phần khá lớn đã bị tư nhân hóa và buông lỏng ngay từ thời Giang Trạch Dân cầm quyền.... Về cơ bản đấy là cách ngăn chặn khả năng bạo lọan”.

Trong khi đó Bắc Kinh có những phương tiện kiểm soát mạnh hơn Ai Cập và họ ít chịu áp lực quốc tế hơn.

Xie Yue, một nhà chính trị học tại trường đại học Tongji ở Thượng Hải, người đang nghiên cứu các cuộc phản đối và thay đổi chính trị, nói rằng trong khi cả Trung Quốc và Ai Cập đều là các nước độc tài thì “Trung Quốc đã nằm dưới sự cai trị của chế độ cộng sản trong một thời gian dài, mức độ kiểm sóat xã hội của nó còn cao hơn cả Ai Cập. Không gian cho sự phản đối ở Trung Quốc không rộng bằng Ai Cập”.

Một khác biệt nữa: mặc dù hệ thống chính trị của Trung Quốc có thể không phải là dân chủ, nhưng cứ mười năm một lần ban lãnh đạo tối cao của nó lại thay đổi, chủ tịch nước và thủ tướng chỉ được giữ chức tối đa là hai nhiệm kì mà thôi.

“Ở Ai Cập và Tunisia người dân có thể phê phán chính phủ là tham nhũng và bảo kê”, Bo Zhiyue, chuyên gia về chính trị Trung Quốc ở trường đại học tổng hợp quốc gia Singapore, nói như thế. “Nhưng Trung Quốc không có hệ thống triều đại với một gia đình nắm quyền đến 20 hoặc 30 năm. Ở đây có sự chuyển giao thế hệ”.

Cơ hội cho sự thay đổi?

Chính phủ sợ nhất là suy giảm kinh tế có thể làm bùng phát sự bất bình trong giới trung lưu có học ở các thành phố, những người vốn không dám công khai thách thức quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc vì sợ sẽ gây nguy hại cho lợi ích kinh tế của mình.

Ngằm ngăn chặn những cuộc phản đối và biểu tình khu vực, không cho chúng biến thành sự đối đầu, thách thức quyền lãnh đạo của Đảng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm mọi cách nhằm kiểm soát chặt chẽ thông tin và họat động chính trị. Đấy là lí do vì sao trong khi có hơn 457 triệu người sử dụng internet mà Trung Quốc lại có đội ngũ công an mạng, mà theo một số người thì lên đến hàng mấy chục ngàn người, mặc dù không ai biết con số chính xác là bao nhiêu.

Đấy cũng là lí do vì sao những người điều hành internet và phương tiện truyền thông phải tự kiểm duyệt, họ cắt bỏ những bản tin và lời bình luận mà không cần chỉ thị trực tiếp của chính quyền – đơn giản là họ sợ rằng có thể bước qua gianh giới được chấp nhận và như thế là đe dọa công việc kinh doanh đang phát đạt của họ.

Và đấy cũng là lí do vì sao những biện pháp an ninh có tính quần chúng được áp dụng cho Thế vận hội 2008 lại biến thành mô hình kiểm sóat được áp dụng một cách rộng rãi. Hiện nay Trung Quốc đã đưa cảnh sát và bảo vệ đến những cuộc mít tinh, các sự kiện và những ngày kỉ niệm nhạy cảm nhằm xua đuổi những người có thể gây rắc rối, dập tắt những vụ phản đối và biểu dương lực lượng. Trong những giai đọan nhạy cảm, những người bất đồng, những người bất mãn và ngay cả những người bị bệnh tâm thần cũng bị canh phòng nghiêm ngắt.

Kìm nén sự bất bình như thế, liệu chính phủ Trung Quốc có tạo ra áp suất làm nổ tung cái nồi hay không?

Yu Jianrong, một nhà nghiên cứu hiện tượng bất bình xã hội có tiếng đã cảnh báo trong tác phẩm mới ra gần đây như sau:

“Không nghi ngờ gì rằng hệ thống ngăn chặn này tạo nguy cơ bùng nổ xã hội và sụp đổ chế độ chính trị”, Yu, một nhà nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm xã hội Trung Quốc viết như thế trong tác phẩm bằng tiếng Hoa có tên là “Nền chính trị gây bất mãn”, xuất bản năm 2010. “Nhằm phản ứng lại với những nguy cơ như thế, các nhà cầm quyền thường áp dụng một lọat các biện pháp mà cuối cùng sẽ hình thành cơ cấu ổn định không lay chuyển được … Các nhà cầm quyền bao giờ cũng rất cảnh giác, họ tìm cách sử dụng tất cả các nguồn lực nhằm bảo vệ địa vị cầm quyền của họ. Nhưng cuối cùng thì giá mà xã hội phải trả quá cao đó có thể dẫn tới sự sụp đổ bộ máy kiểm soát chính trị và trật tự xã hội”.

Chi phí về mặt tài chính nhằm giữ vững sự ổn định không gì có thể lung lay được đó cũng có thể là cao, cuối cùng sẽ làm chính phủ tê liệt và rút hết các nguồn lực của các chương trình xã hội và các nhu cầu khác, các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói như thế.

Trong báo cáo xuất bản đầu năm nay, một nhóm cách nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho rằng chi phí cho an ninh nội địa của Trung Quốc trong năm 2009 lên đến 514 tỉ nhân dân tệ (78 tỉ dollar), chỉ kém ngân sách quốc phòng là 532 tỉ dollar một chút.

Báo cáo viết: “Những nguy cơ đe dọa sự ổn định xã hội luôn bị đặt sang một bên và bị trì hõan, nhưng điều đó chỉ làm cho sự sụp đổ xã hội gia tăng nghiêm trọng hơn mà thôi. Mô hình ổn định hiện nay đã đạt đến ngõ cụt, không thể tiếp tục như thế được nữa”.

Rana Mitter chỉ ra rằng môi trường cũng có thể trở thành điểm xung đột. “Đấy là một trong những vấn đề có thể liên kết giai cấp trung lưu lại với nhau. Thứ nhất, khi đã đạt đến một mức độ thịnh vượng nhất định thì lo lắng về môi trường sẽ gia tăng. Thứ hai, khi đã có tài sản, giai cấp trung lưu sẽ càng ngày càng lo lắng đến giá trị tài sản mà họ có. Đấy là lí do vì sao từ một vấn đề phụ như thế có thể này sinh rắc rối”, ông nói.

Nước Nga năm 2012

Ở Nga, một số người cho rằng cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau có thể là điểm tập hợp lực lượng. Người ta cho rằng Putin sẽ quay trở lại Điện Cẩm Linh, đấy là cơ hội để ông ta nắm quyến thêm 12 năm nữa. Những người chỉ trích nói rằng ông ta sẽ đưa nước Nga vào giai đọan trì trệ tương tự như giai đọan khi mà Leonid Brezhnev cai trị Liên Xô.

Mikhail Kasyanov, thủ tướng trong nhiệm kì đầu tiên của Putin và nay là một nhà họat động đối lập có tiếng, nói với quốc hội châu Âu rằng “cuộc bấu cử này là cơ hội cuối cùng cho sự thay đổi tình hình một cách hòa bình. Chúng tôi đã nhận thấy những chuyển động mang tính cách mạng ở nước Nga”.

“Nếu có những vụ gian lận lớn trong cuộc bầu cử thì chúng ta sẽ thấy một cái gì đó khác với Ai Cập – không phải là roi và lạc đà – mà sẽ là súng lục và dao găm”, Kasyanov nói.

Hiện nay có vẻ như chuyện đó không xảy ra. Nhưng nếu giá dầu tụt xuống và đứng ở mức thấp thì rắc rối sẽ ập tới. “Khi được hỏi là có ủng hộ Putin không thì dân chúng nói có, nhưng khi được hỏi là họ có hài lòng với trường học, với lương hưu, với cảnh sát không thì tuyệt đại đa số nói rằng không, không hài lòng”, Ryzhkov, một lãnh tụ đối lập nói. “Cho nên nếu kinh tế vĩ mô mất ổn định thì nó có thể nhanh chóng dẫn tới những cuộc phản đối mang tính quần chúng”, ông nói.
.
.
.

No comments: