Friday, February 11, 2011

SÁCH BIẾU : "ĐÓNG CỬA SÁU NẺO LUÂN HỒI" (Ni Sư Thanh Tịnh Liên)

Nguyên Huy/Người Việt
Thursday, February 10, 2011

“Ðóng Cửa Sáu Nẻo Luân Hồi” là một biên khảo về Phật pháp của Ni Sư Thanh Tịnh Liên tức Thích Nữ Chân Thiền, viện chủ thiền viện Sùng Nghiêm trên đường Magnolia thuộc thành phố Garden Grove.

“Ðóng Cửa Sáu Nẻo Luân Hồi,” tác giả đã dựa vào 11 cuốn kinh sách của nhà Phật để lý giải mọi “Mê, Chấp” của con người sống trong Trời Ðất ngõ hầu tỉnh ngộ mà thoát ra khỏi được những “Mê, Chấp” để nhận biết được cái “Phật tính” sẵn có trong ta mà giải thoát được cho mình cho người khỏi vòng u mê ám chướng của luân hồi.
Mười một cuốn kinh sách mà tác giả căn cứ vào để lý giải sự vật theo nhà Phật là Bát Nhã Tâm Kinh, Kim Cang Kinh, Pháp Hoa Kinh, Lăng Nghiêm Kinh, Pháp Bảo Ðàn Kinh, Duy Ma Cật Kinh, Bửu Tạng Luận, Thiền Thất Khai Thị Lục, The Three Pillars of Zen, Duy Lực Ngữ Lục và sách của các Luận Sư như Thế Hữu, Thiết Ma Ðạt Sư, Pháp Cửu.
Tuy thế, tác giả cũng cho rằng “trong khả năng còn hạn hẹp và non nớt nên rất cần sự chỉ giáo của các bậc tiền bối, thiện tri thức và độc giả.”

Sách dầy gần 300 trang do Thiền Viện Sùng Nghiêm ấn hành và biếu không cho độc giả cần nghiên cứu hay tu học. Quý độc giả muốn có sách có thể đến tại Tu Viện Sùng Nghiêm số 11561 Magnolia St, Garden Grove, CA 92841 hoặc thỉnh ý Ni Sư qua điện thoại (714) 636-0118.

Nội dung cuốn biên khảo này đề cập đến nhiều vấn đề trong sinh hoạt Phật Giáo và được tác giả lý giải qua cái nhìn của con mắt nhà Phật. Nhiều điều rất thú vị mà khi đọc tới, ta mới choàng tỉnh ngộ mà thoát ra khỏi cái thông tục mà từ trước đến nay ta theo mà cứ bán tín bán nghi. Cái nhìn của nhà Phật, qua những kinh sách, Phật pháp mà tác giả vận dụng để lý giải sự việc cho khỏi cái “chấp” của chúng ta đã dẫn người đọc đi từ cái quen thuộc nhất đến những vấn đề cao siêu hơn khiến người đọc như được dẫn dắt bởi một người đưa đường chỉ lối đầy kinh nghiệm.
Tiết đầu của nội dung cuốn sách, tác giả nói đến lá cờ Phật Giáo mà người Phật tử thường hiểu là tượng trưng cho mọi sắc dân trong nhân loại. Theo tác giả, lá cờ Phật Giáo với những mầu sắc của nó thì đã “bao trùm vũ trụ, hoàn cầu, thế giới. Nó siêu việt biên cương, siêu việt thời gian và siêu việt cả hình tướng lẫn vô hình tướng. Nó đã vi diệu nhiệm mầu đến như thế thì hỏi làm gì còn sự phân biệt chủng tộc hay tôn giáo nào?”

Tiếp đó là Ngày Phật Ðản Sanh. Người con Phật ai cũng coi ngày Phật Ðản Sinh là ngày lễ quan trọng, nhưng mấy ai đã hiểu đến cái vi diệu trong ý nghĩa Ðản sanh chưa? Bởi, theo tác giả thì “Phật pháp thì không có sinh, không có diệt, không có cái bắt đầu nên cũng không có cái cuối cùng. Bởi vậy mới không có thời gian và không có không gian.” Và tất nhiên hiểu như thế thì không thể có Ngày Ðức Phật Ðản Sanh được. Nhưng chúng ta, cả giới Tăng Ni tu hành và Phật tử vẫn làm lễ Ðản Sanh của Ðức Phật bởi vì, theo tác giả “để đúng với tinh thần Ðạo Pháp, chúng ta chỉ có thể tạm gọi là Mừng Phật Thị Hiện Ðản Sanh.”

Với chúng sanh thì cần phải làm lễ mừng để kỷ niệm, tán dương, noi gương và để ghi ơn công đức của Ðấng Ðại Giác Thích Ca Mâu Ni đã thị hiện Ðản Sanh để thức tỉnh toàn thể chúng sinh ra khỏi cơn Trường Mộng Vô Minh mà chúng ta đã đắm chìm, trôi lăn, sinh tử mãi mãi mà vẫn không hay biết gì cả.
Hiểu như thế thì ngày lễ “Mừng Phật Ðản Sanh” rất là cần thiết để chúng ta nhắc nhở nhau, noi gương Ðức Phật mà suy tư.

Cũng như một tiết mục trong Ngày Phật Ðản Sanh là lễ Mộc Dục thường gọi là lễ Tắm Phật, ai nấy đều mong muốn được múc một gáo nước nhỏ dội lên Tượng Hài Nhi để cầu Phước. Ðó là cái “Mê Chấp” hình tướng, bởi vì, theo tác giả thì “Phật đây là Phật tính, mà đã là Phật tính thì tự nó thanh tịnh, trong sạch tuyệt đối rồi, mà chúng ta là những kẻ phàm phu đầy ô nhiễm, làm sao lại có thể tắm cho Phật được.”
Cho nên Tắm Phật chỉ là mượn một hình tướng để chúng ta đang tự thanh tịnh thân tâm của mình. Nên phải hiểu “lễ Mộc Dục là để noi gương, tán dương và tri ân Ðức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni mà thôi.”

Trong chiều hướng đó, tác giả đã vận dụng được những kinh kệ nhà Phật để lý giải về Ngày Phật Thành Ðạo, về Phật Nhập Diệt, về Ngày Vu Lan, Lễ Cha, lễ Mẹ... để tác giả đi đến “Ðóng Cửa Sáu Nẻo Luân Hồi” là Sáu Căn gồm Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý mà Phật pháp gọi là Lục Thông Vi Diệu vì nó biến hóa vô lường. Sáu căn ấy đều vô tội. Chỉ tại cái Ý Thức phân biệt mới tạo nên mọi phiền não khổ đau. Người Vô Minh, tập khí nhiều thì Sáu Căn này dẫn họ vào sáu nẻo Luân hồi và cứ luẩn quẩn mãi ở trong ấy, không sao thoát ra được. Chỉ vì Vô Minh nên cứ gieo “Nhân,” tạo “Nghiệp” mãi để phải nhận lãnh cái nghiệp “Quả” mãi là thế.

Nhưng là con người Tỉnh Thức thì Sáu Căn cũng là vô cùng hữu dụng. Sáu Căn cũng dẫn ta đến Chân Lý Giải thoát nếu ta biết Chuyển Hóa chúng.

Cuốn biên khảo “Ðóng Cửa Sáu Nẻo Luân Hồi” của Ni sư Thanh Tịnh Liên còn đề cập tới nhiều sinh hoạt bình thường qua cái Chấp, cái Mê để được tác giả rọi sáng bằng những lời lẽ Phật pháp trích trong 11 kinh, kệ mà tác giả đã dầy công nghiên cứu. Sách có thể rất có ích cho người Phật tử còn nhiều vọng tưởng, ngã chấp và sách cũng là tài liệu phong phú cho những người đang nghiên cứu Phật pháp hay tu tập, thiền định để đối chứng những điều ta niệm được.

Ðược biết Ni Sư Thanh Tịnh Liên tức Thích Nữ Chân Thiền là tác giả của nhiều bộ sách khác nữa như Thiền thơ không tên, Cùng Vầng Trăng Soi, Như Lai Tạng, Những Liên Hệ đến cái Chết cần biết rõ, Tại Sao không mở mắt Vãng Sinh khi đang Hiện Sống và kinh Tiếng Chuông Ngân. Ngoài ra tác giả còn đang soạn cuốn kỷ yếu Cùng Nén Tâm Hương và Nghe Chăng Ai.

.
.
.

No comments: