Friday, February 11, 2011

ĐIỂM SÁCH "THUYỀN NHÂN - BOAT PEOPLE" của CARINA HOANG (Giao Chỉ, San Jose)

Giao chỉ, San Jose
Điểm sách của Carina Hoang
Friday, 11 February 2011 00:31

Sau cùng, một tác phẩm đã ra đời. Tác giả là cô bé thuyền nhân 16 tuổi, ra đi vào năm 1979. Ngày nay người phụ nữ 48 tuổi đã hoàn tất tác phẩm Boat People cuối năm 2010 và sẽ ra mắt tại San Jose vào đầu năm 2011. Đây là bản Anh ngữ. Có thể cuối năm 2011 sẽ có bản Việt ngữ. Tuy nhiên, xin hãy đọc bản Anh Ngữ trước. Nội dung Anh ngữ hết sức giản dị và tràn đầy hình ảnh. Mỗi trang là một cuộc đời, mỗi trang là một tác phẩm nghệ thuật viết bằng máu và nước mắt. Hơn 40 nhân vật, mỗi nhân vật là một câu chuyện. Đau thương tuyệt vọng và cũng có cả hạnh phúc. Chính tác giả cũng là nhân chứng trong một câu chuyện.
Xin đọc qua vài tựa đề của một số câu chuyện. -Phải sống để kể lại. -Đặt tên con là Lyma, -Tình thương mỏi mệt, -Con gái, trốn đi con, -Biết bao giờ con lại gặp mẹ, -Hãy để chúng đi đi,- Nhà tù nổi      và còn rất nhiều.....

Tác phẩm chờ đợi. Tác giả là Carina Hoang. Nhưng cô không phải là người làm lấy tất cả. Đã có một nhóm chuyên viên giúp sức và có hơn 40 cuộc đời đại diện cho một triệu thuyền nhân kể lại chính câu chuyện của họ xẩy ra trong 20 năm từ 1975 đến 1996.
Trên chuyến bay từ M ỹ về Việt Nam, cô Việt kiều tìm thấy báo chí Anh ngữ toàn chuyện thương mại, kinh tế, phát triển, du lịch, đầu tư và mở cửa. Không ai quan tâm đến những chuyến đi hơn 30 năm trước. Dân Việt ngày xưa ra đi là thuyền nhân đau thương, thảm khốc, hãm hiếp, giết chóc, đói khát, sóng gió, chia ly, tan tác. Hơn 30 năm sau chuyến về quần là áo lượt, mang nhãn hiệu Việt kiều Mỹ, Việt kiều Pháp, Việt kiều Úc. Khi đi thì trốn tránh tù đầy. Khi về thì quê hương đã mở rộng vòng tay ôm ấp. Phải chăng mọi người đã thực sự quên cả rồi. Những kỷ niệm đau thương sâu thẳm làm sao phai nhạt. Những ngôi mộ chôn trên các hoang đảo Đông Nam Á. Những xác người dưới đáy biển Đông, những đứa bé gái mất tích tại Thái Lan trong các khu nhà chứa, Những vết hằn khôn nguôi trên thân thể em gái và thiếu phụ bị hãm hiếp mang đến miền đất mới.  Có ai còn nhớ không?  Thế giới Tây Phương biết gì về chuyện thuyền nhân Việt Nam suốt 20 năm sau chiến tranh. Với những suy tư đó Carina, cô gái Việt Nam tỵ nạn 16 tuổi sống trên hoang đảo Kuku đã nghĩ rằng cần phải có một tác phẩm về thuyền nhân.
Cô ghi danh học lại về nghề viết, nghề sáng tác. Cô đi tìm lại hoang đảo, tìm tòi hình ảnh, sưu tầm câu chuyện trên khắp thế giới, cô đi tảo mộ thuyền nhân và cô hoàn tất tác phẩm.

Boat People. Đây là các câu chuyện về Vietnamese Exodus 1975-1996.
Chuyện mở đầu kể về đứa bé trai 5 tuổi và  đứa em gái 3 tuổi bị bắt cùng mẹ và các chị gái qua thuyền hải tặc. Tất cả đám đàn bà con gái từ 14 tuổi đến 50 tuổi đều bị hãm hiếp qua nhiều ngày. Những tiếng kêu gào khởi đầu rồi đến lúc tắt lịm.
Thằng bé 5 tuổi và con em gái 3 tuổi chứng kiến thảm kịch qua nhiều ngày. Chúng nó đứng , ngồi và nằm ngay bên cạnh đám hải tặc và những người đàn bà bất hạnh. Họ cũng là mẹ và chị gái của chúng nó. Giữa biển rộng mênh mông, tương lai bất định. Qua cơn cuồng nộ của bọn hải tặc, mẹ lại ôm con. Chị lại cùng khóc với các em, rồi thú vật lại tiếp tục. Bây giờ những đứa bé còn sống, những đứa trẻ thuyền nhân Việt Nam. Chúng vẫn phải sống để thành người. Những người tỵ nạn thuyền nhân, xứng đáng nhất để được gọi là tỵ nạn chính trị. Cả những phụ nữ vượt biên đường bộ kể lại chuyến đi. Có hình ảnh và tên tuổi. Bà đã kể lại bị hãm hiếp lúc còn là cô bé trốn qua Cam bốt nhưng không thành công. Chỉ còn laị dấu vết của tủi nhục. Họ là người đã xứng đáng để sống như một thuyền nhân trong tác phẩm vĩ đại.
Cuốn sách với hình ảnh trình bày hết sức tây phương nhưng lại mang ánh sáng, màu sắc của văn hóa đông phương. Manh chiếu, màn tre, cành trúc và nón lá. Những con tàu, những sinh vật tả tơi và rất nhiều con thuyền vượt biển. Thuyền mang dấu vết quê hương. VT là Vũng tàu. ĐN là Đà nẵng. KG là Kiên Giang…

Vài con số thống kê. Suốt 20 năm lịch sử thuyền nhân Việt Nam, có 7 quốc gia sau đây được liệt kê là điểm dừng chân tạm. Ghi theo thứ tự số người tạm trú (ghi lại số chẵn) Macau 7 ng àn,  Singapore 32 ngàn, Philipines 51 ngàn, Thái Lan 117 ngàn, Indonesia 121 ngàn, Hồng kông 195 ngàn và  Mã Lai 254 ngàn. Cũng có một số thuyền nhân tạm trú tại Úc Châu, Nhật bản, Đài Loan, Đại Hàn v.v... nhưng con số không đáng kể.

Ngoài ra thống kê ghi nhận có 7 nước tiếp nhận thuyền nhân định cư nhiều nhất liệt kê như sau : Netherlands 8 ngàn, Đức 17 ngàn, Anh 20 ngàn, Pháp 27 ngàn, Canada 103 ngàn, Úc Châu 111 ngàn và Hoa Kỳ 425 ngàn. Nhiều quốc gia khác cũng tiếp nhận thuyền nhân với con số từ vài trăm đến 5 ngàn đưa tổng cộng các quốc gia khác lên khoảng 50 ngàn. Trong số các quốc gia nhận thuyền nhân tính theo tỷ lệ dân số thì Úc Châu là quốc gia tiếp nhận với tỷ lệ cao nhất. Lộ trình thuyền nhân đi từ Việt Nam đến Úc Châu được coi là con đường xa kỷ lục.
Hiện nay một con thuyền vượt biên đến Úc Châu được trưng bày như là một di sản của bảo tàng tại đây.

Câu chuyện sau cùng. Những câu chuyện về thuyền nhân sẽ không bao giờ kể hết. Con số thống kê thuyền nhân hiện diện trên thế giới cũng sẽ không bao giờ chính xác. Tuy nhiên thực tế là người Việt gốc thuyền nhân đã có mặt trên khắp thế giới hàng triệu người và ngày nay đã trở thành con số lên đến 2 triệu người vì đoàn tụ hay lập gia đình để thế hệ thứ hai ra đời.
Nhưng riêng trong tác phẩm Boat People, câu chuyện cuối cùng là những hình ảnh thể hiện của định mệnh con người.Tác giả của cuốn sách này có tấm hình chụp 3 ngày trước khi vượt biên. Cô gái 16 tuổi cầm hình bà nội trong đám tang đi ra từ con hẻm Saigon. Ba ngày sau em xuống thuyền vượt biển. Chuyến đi 300 người trải qua bao sóng gió, thuyền vào đất tự do bị Mã Lai kéo ra khơi, trôi giạt từ đảo này qua đảo khác. Trong thời gian sống một năm ở hoang đảo Kuku em đã có dịp làm chứng nhân của các đám ma. Từ thủy táng b à gi à đến chôn cất em bé. Em đã làm phụ tá cho bác sĩ cũng l à thuyền nhân đỡ đẻ cho đứa trẻ sơ sinh ra đời. Và em cũng đã chôn cất bạn thuyền tại hoang đảo.

Cô bé 16 tuổi trong một năm đã sống nhiều hơn cả một đời người. Rồi cô tìm đường trở lại sau 30 năm. Khi trở lại hoang đảo, đi tìm các khu nghĩa trang, tảo mộ các thuyền nhân xấu số.
Tìm thấy mộ cô gái 15 tuổi. Phái đoàn sửa sang các ngôi mộ và đưa tin tức hình ảnh lên thế giới ảo của người Việt Hải ngoại. Gia đình cô bé định cư tại Pháp đã nhìn ra con gái được chôn cất và tảo mộ tại Kuku. Vừa đau khổ, vừa vui mừng. Người cha già yếu đã viết cho con gái xấu số một lá thư. Nhờ cô Carina Hoang trở lại biển Đông đọc trước nấm mồ và đốt lá thư gửi con gái yêu quý.
Cũng trong dịp này cô tác giả Carina mới biết đây chính là cô gái đi cùng thuyền, cùng lứa tuổi, cùng quá khứ học sinh Saigon, cùng chịu đau thương trong chuyến đi, cùng đến bến tự do dù là hoang đảo. Nhưng đoạn cuối định mệnh đã chia đôi ngả.
Cô gái tên là Nhan Thị Mộng Hà sinh ngày 16/3/1964 đi thuyền VT 075 đã chết tại đảo KuLu vì đói khát, bệnh tật và không có thuốc để cứu chữa.

Carina Hoang đã nói với bác Giao Chỉ rằng, nếu Mộng Hà còn sống, có thể ngày nay tương lai cô còn tươi sáng hơn Carina rất nhiều. Đó là lý do tác giả Carina đã bỏ ra 2 năm để hoàn tất Boat People.
 Cô muốn Nhan Thị Mộng Hà được sống lại trong lòng thế giới, cả người Việt lẫn tất cả mọi người. Vì vậy Boat People bằng Anh ngữ phải ra đời.

Giao chỉ, San Jose, Điểm sách của Carina Hoang

-------------------------------------------------------


Hà Giang/Người Việt
Monday, January 24, 2011

WESTMINSTER - Trước khi đọc được tựa của cuốn sách, người ta đã bị ám ảnh bởi nét hãi hùng, đắm trong đôi mắt sâu hoắm của một thiếu nữ trẻ nhìn qua kẽ hở một khoang thuyền trong tấm hình bìa.

Hình bìa tác phẩm “Boat People.” (Hình: Người Việt)

Lật một trang, một tấm hình khác cũng gây ấn tượng mãnh liệt: Trong lòng thuyền, người, và người, nằm chồng chất lên nhau không khác hình ảnh của một hộp cá. Hoàn cảnh của họ, không chỉ được đọc thấy qua ánh mắt, mà còn qua khuôn mặt thất thần; những chiếc đầu gối co quắp, dáng ngồi mệt lả.
Họ đang dựa vào nhau? Vào khoang thuyền? Hay nép vào lòng người thân mà chẳng biết? Mỗi người tự co rút lại, để đối phó với nỗi hoảng sợ tột cùng, của riêng mình, và của chung.
Tên của cuốn sách là “Boat People: Personal Stories from the Vietnamese Exodus 1975-1996” (“Thuyền Nhân: Những câu chuyện cá nhân trong hành trình tỵ nạn 1975 đến 1996”).
Nhưng đây sẽ không phải là cuốn sách về thuyền nhân như bao cuốn sách về thuyền nhân khác, trước nó, và có lẽ cả sau nó nữa.
Phải có rất nhiều lý do!
Hơn 250 trang, viết bằng Anh ngữ, “Thuyền Nhân” không chỉ là một cuốn sách ghi nhận sự kiện, mà còn là một tài liệu lịch sử, ở một khía cạnh khác, lại là một tác phẩm nghệ thuật. “Thuyền Nhân” chứa đựng hơn 200 hình ảnh, đa số hình màu, chưa bao giờ được phổ biến. “Thuyền Nhân” còn là một pho tài liệu, thủ bút, nhật ký, thư từ, điện tín và chuyện kể của 38 người trực tiếp tham dự vào cuộc di tản khổng lồ diễn ra cách đây gần 30 năm.
Như chuyện kể của ông Mai Lộc, về chuyến vượt biên của ông cách đây hơn 25 năm, lúc ông mới 16 tuổi.
“Trong 5 ngày dài, họ [cướp biển] liên tục hãm hiếp những cô gái và phụ nữ đáng thương đó. Sự việc này xảy ra ngay trước đôi mắt kinh hoàng của bé trai 5 tuổi, và người em gái 3 tuổi của cậu, bị bọn hải tặc kéo lên tàu theo mẹ.”
Hai chị gái của ông nằm trong số người bị hãm hiếp này.
Bà Carina Hoàng, người chủ biên, chịu trách nhiệm biên soạn cuốn sách, cho biết, ông Mai Lộc đã “cúi gầm mặt xuống, và khóc lên nức nở” khi kể chuyện, đến nỗi “làm ướt đẫm tấm thảm của phòng khách” nhà bà.
Hay bài viết của ông Shern Nguyễn, vượt biên cùng hai con trai, tám và mười tuổi: “Ðiều mà chúng tôi lo lắng lớn nhất đã xảy ra: Hết nước! Tôi lén để dành nước tiểu của mình vào một cái lon nhỏ, lúc hai đứa con không để ý, và bắt chúng uống cho khỏi khát. Ðứa con trai nhỏ của tôi nổi đóa lên. Tại sao ba bắt con đi lên chuyến thuyền này làm gì, sao không để con ở nhà với má? Tôi không thể trả lời. Tôi chỉ lặng lẽ nghĩ, nếu tôi không bảo vệ được con, tôi sẽ chết cùng với chúng nó.”
Và lời của bà Thu Minh Nguyễn kể lại thời điểm tiễn hai đứa con trai, tuổi quân dịch, đi vượt biên, một mình: “Tôi cho mỗi đứa con một nắm cơm nếp, và lặng lẽ từ giã chúng. Rồi chúng đi theo chân một người đàn ông lạ, còn tôi đứng đó trông theo. Nhìn chúng nhỏ bé và mong manh quá. Tôi cố gắng nghĩ là mình đã quyết định đúng, nhưng đầu gối tôi run rẩy. Tôi muốn quỵ xuống. Bụng tôi đau nhói, như có ai cầm dao đâm vào. Người bạn phải kéo tôi đi. Tối hôm đó, chúng tôi ra chợ mua hai con rùa và một chục cua. Thả rùa và cua xuống nước, nhìn chúng tung tăng bơi đi, tôi thầm cầu nguyện cho hai con tìm được tự do, như những con vật này.”
Nói về cuốn sách do mình chủ biên, bà Carina Hoàng, cũng là một thuyền nhân, vượt biên và trốn thoát khỏi Việt Nam năm 1979, lúc 16 tuổi, cho biết, bà “dự định thực hiện cuốn sách này lâu rồi,” vì một ngày nào đó, những nhân chứng sống của lịch sử, trong đó có bà, “sẽ chết đi,” và có thể những thế hệ sau “sẽ không biết, không hiểu rõ” những gì cả triệu người Việt Nam đã phải “trải qua để đến bến tự do.”
“Cuốn sách sẽ đặc biệt có giá trị với những thế hệ người Việt mai sau. Họ cần biết về lịch sự rất quan trọng này của di sản mình, và cần đánh giá cao sự hy sinh của thế hệ cha ông.” Bà Carina Hoàng nói.
Ngoài chuyện kể của chính những thuyền nhân, tác phẩm “Thuyền Nhân” còn có sự góp mặt của 10 người ngoại quốc, từng làm việc với thuyền nhân Việt Nam trong những trại tị nạn, như ông Talbot Bashall, từng làm việc 3 năm tại “Trung Tâm Kiểm Soát Người Tị Nạn” tại Hồng Kông.
Trong nhật ký của mình, ông Talbot Bashall kể lại nhiều chuyện thương tâm, khủng khiếp, trong đó có câu chuyện của một cậu bé thuyền nhân 15 tuổi, ốm yếu, chỉ còn da bọc xương, bị những người đi cùng cột vào thuyền để chuẩn bị “ăn thịt.”
Hay phóng viên Norman Aisbett và nhiếp ảnh David Tanner của tờ “The West Australia,” vào năm 1982, đã lên chuyến tàu Cap Anamur của Tây Ðức, để làm phóng sự về hành trình truy tầm và cứu giúp những người tị nạn của chiếc tàu này.

Xem phóng viên Hà Giang phỏng vấn Chủ Biên Carina Oanh Hoàng

Nhiếp ảnh gia David Tanner chia sẻ với Carina Hoàng, rằng trong thời gian hơn 5 tuần lễ ở trên tàu, ông “gặp gỡ hơn 600 con người hốt hoảng, tuyệt vọng và sợ hãi,” và sau chuyến đi này, với ông, trong đời “có ba dữ kiện quan trọng nhất:” Cuộc thảm sát tại World Trade Center tại New York, phi hành gia người Mỹ đặt chân lên mặt trăng vào ngày 21 tháng 7, 1969, và cuộc tị nạn trốn chạy Cộng Sản, tìm tự do của người dân Việt Nam khởi đầu từ năm 1975.
Dù “Thuyền Nhân” chỉ mới vừa được in xong, mực còn chưa ráo, dường như bà Carina Hoàng đã đạt được một trong những hoài bão của mình trong việc viết sách.
Theo lời kể của bà, một độc giả, vừa đọc xong một cuốn sách in thử, đã viết thư cho bà, tâm sự: “Ðọc xong cuốn sách, tôi mới nhận thức được là cha mẹ mình đã phải trải qua những gì, và hy sinh như thế nào để tôi có được ngày hôm nay.
Kể từ hôm nay tôi sẽ thay đổi cách cư xử với cha mẹ.”
Cũng theo lời kể của Carina, một phụ nữ ngoại quốc, dù chỉ mới đọc qua giới thiệu của cuốn sách trên website của Carina, cho biết “rất nóng lòng được đọc cuốn sách,” vì chồng bà là một thuyền nhân, nhưng anh ít kể lại quá khứ đó của mình.
Bà cho biết “chắc chắn những gì anh ấy vượt qua đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của anh, và vì anh không tâm sự, đôi khi tôi không hiểu cách suy nghĩ của chồng,” và mong đọc sách để hiểu thêm về quá khứ của chồng, một người gốc Việt.
“Thuyền Nhân” là cuốn sách cần đọc để hiểu hoàn cảnh của những người vượt biên, để khép lại quá khứ, để hãnh diện tự hào về dân tộc Việt Nam, những người đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành thành viên có ích, đóng góp lại cho xã hội đã cưu mang mình.


Những Bài Liên Quan:
Tìm thân nhân '30 năm yên giấc quê người' (Monday, October 12, 2009 6:38:17 PM)
Ðối với đa số thuyền nhân được đón nhận vào quốc gia thứ ba từ các trại tị nạn ở Indonesia cách đây hơn ba mươi năm, danh xưng như Kuku, Terampa và Telung, có lẽ giờ đây đã dần dà lui vào quên lãng.
Tìm được thân nhân từ bài báo '30 năm yên giấc quê người': Em về, bằng tên trên bia mộ (Wednesday, October 14, 2009 12:28:42 PM)
Ông Lê Giang Trần, một cư dân Quận Cam, California, kể lại chuyện gia đình ông đã bất ngờ khi tìm thấy tên của người em gái út, một trong 17 ngôi mộ chưa có người nhận ở Ðảo Kuku và Telung, Indonesia, sau khi đọc được bài báo “30 năm yên giấc quê người” trên Người Việt
Carina Oanh Hoàng, người đi tìm mộ ở Indonesia: ‘Có sự ràng buộc bởi những tâm linh’ (Wednesday, October 14, 2009 7:37:55 PM)
Cảm xúc bi thương đó cùng với niềm tin có một sự “màu nhiệm linh thiêng” khi chị “bàng hoàng” đào đúng ngôi mộ người anh họ “nằm san sát và rất giống nhau giữa bao nhiêu ngôi mộ khác” sau gần 20 năm.
Ba về khi má vừa ra đi! (Friday, October 16, 2009 6:34:20 PM)
Tôi đã bật khóc ngay khi tôi nhìn thấy tên ba, cũng như tôi đang khóc khi ngồi viết những dòng này. Vào thời điểm má tôi mất thì tôi lại được tìm thấy ba, hai thứ cảm xúc hòa quyện, tôi cảm thấy thật hạnh phúc và cũng thấy lòng thật buồn.
‘Tìm thân nhân 30 năm yên giấc quê người’: Ðã có thêm những cuộc đoàn tụ (Wednesday, October 21, 2009 5:49:18 PM)
Ðã hơn một tuần kể từ ngày nhật báo Người Việt và Người Việt Online (www.nguoi-viet.com) đăng bài viết “Trở lại Indonesia tìm thân nhân '30 năm yên giấc quê người,'cho đến nay, đã có năm ngôi mộ được người thân nhận diện.
Oanh Hoàng về đảo xưa, tìm mộ cũ (Tuesday, April 06, 2010 4:29:20 PM)
Bà Carina Oanh Hoàng, cùng 12 người gốc Việt đã thực hiện một chuyến trở lại Ðông Nam Châu Á, thăm các trại tị nạn của thuyền nhân.
Carina Oanh Hoàng gặp gỡ độc giả Người Việt Online (Wednesday, October 06, 2010 2:03:57 PM)
Carina Oanh Hoàng, người nổi tiếng với việc tìm hàng trăm ngôi mộ thuyền nhân ở Indonesia, có mặt tại tòa soạn Người Việt Online vào trưa 6 tháng 10 chuyện trò cùng độc giả.
.
.
.

No comments: