Wednesday, February 23, 2011

QUÂN ĐỘI và Ý THỨC HỆ tại LIBYA (BBC)

BBC
Cập nhật: 13:15 GMT - thứ ba, 22 tháng 2, 2011

Sau hơn 40 năm cầm quyền, nhà lãnh đạo Libya, Đại tá Muammar Gaddafi đã lập ra một ý thức hệ lập dị và xây dựng được một quân đội kém tác chiến nhưng biết bắn dân.
Hiện nay, trong làn sóng dân chúng biểu tình phản đối, cả hai yếu tố tạo nên sức mạnh của chế độ có nguy cơ cùng tan rã.

Quân đội và Vệ binh
Tin về hai phi công của Không quân Libya trốn sang Malta vì không muốn bắn vào người biểu tình cho thấy có rạn nứt trong hàng ngũ quân đội.
Cũng có tin ở một số nơi xảy ra hành quyết trong quân ngũ, nhắm vào những người không chịu bắn dân.
Trong một bộ máy chuyên chế như tại Libya, vai trò của công an và quân đội là hết sức quan trọng cho sự tồn vong của chế độ.
Bản thân gia tộc Gaddafi luôn nắm chắc trong tay các chức vụ về an ninh, tình báo, quân sự và cả ngoại giao.
Nhưng như ví dụ của Ai Cập cho thấy, vai trò ngả về bên nào của quân đội vào phút chót là tối cần thiết cho chuyển biến chính trị.

Dù các số liệu về quân đội của Libya, dưới quyền Đại tá Gaddafi, luôn được giữ bí mật, giới quan sát ước tính nước này có chừng gần 80 nghìn quân, trong tổng số dân 6,4 triệu.
Ngoài con số quân chính quy tương đương Canada, Libya còn có khoảng 45 nghìn quân trong lực lượng Dân quân Tự vệ.
Các lực lượng quân sự của Libya không có năng lực tác chiến cao.
Trong thập niên 1980, đã hai lần phi cơ chiến đấu của Libya xung trận khi hàng không mẫu hạm của Mỹ vào Vịnh Sidra.
Cả hai lần phi cơ của Libya đều bị bắn hạ, trước cả khi họ biết rằng các chiến đấu cơ của Mỹ đã xung kích.

Tuy thế, quân đội Libya cũng chinh chiến ở Chad, nước láng giềng phía Nam trong một chiến dịch đích thân do ông Gaddafi và các con trai chỉ đạo.
Lúc đó, quân Libya dùng vũ khí chủ yếu là xe tăng Liên Xô và một số xe bọc thép loại nhỏ.
Trong trận chiến được bộ máy tuyên truyền Libya ca ngợi là thắng lợi, họ đã mất nhiều xe tăng, khiến Moscow bực bội.
Sau Chiến tranh Lạnh, Tripoli không còn được Moscow bán cho vũ khí và phụ tùng thay thế, khiến hàng trăm chiếc xe tăng 'Made in USSR' và một số máy bay của Libya không còn khả năng chiến đấu.

Được biết Hải quân Libya cũng chỉ có một tàu ngầm và hai tàu tuần tiễu không tác chiến được vì thiếu phụ tùng.
Nhưng các đơn vị, gồm cả nam lẫn nữ, được biết đến nhiều nhất chính là đội cận vệ của Tổng thống Gaddafi.
Lữ đoàn này gồm chừng 3000 quân, được huấn luyện tốt nhất và tuyệt đối trung thành với ông Gaddafi.

Trong Thế giới Ả Rập, nơi nhiều nước không cho phụ nữ phục vụ trong quân đội thì sự hiện diện đông đảo của các nữ vệ binh mà ông Gaddafi đem theo cả khi dự họp là điều khác lạ.
Các nữ vệ binh này được gọi là "Nữ Thanh Binh", mang quân phục màu xanh lá cây, màu của ý thức hệ do ông Gaddafi đặt ra trong cuốn Sách Xanh.
Sau khi hết nguồn viện trợ và hợp tác quân sự từ khối Đông Âu, ông Gaddafi tìm đến các nước như Iran, Bắc Hàn và cả Pakistan để tìm kiếm hỗ trợ.
Kế hoạch phát triển vũ khí nguyên tử của Tripoli chỉ ngưng lại sau khi được Phương Tây tác động, nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran trong vùng.
Dù nhanh chóng xoay chuyển sang làm thân với Anh Quốc sau vụ đánh bom Lockerbie, và đồng ý bỏ chương trình nguyên tử, nay chế độ của ông Gaddafi lại gặp nguy cơ nội bộ, từ các cuộc nổi dậy của dân.

Xã hội chủ nghĩa kiểu Libya

Về mặt chính thức, Libya là nhà nước Xã hội chủ nghĩa Nhân dân và không một đảng phái nào được lãnh đạo.
Bảy con trai của ông Gaddafi chia nhau nắm các chức vụ trong chính quyền, từ Chủ tịch Ủy ban Olympics đến Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Libya, Bộ Hàng hải, hoặc làm chủ đầu tư các doanh nghiệp và trong ngành an ninh.
Nếu như gia đình Kim ở Bắc Hàn nghĩ ra thuyết Chủ Thể (juche) thì ông Gaddafi cũng có học thuyết riêng, mang tên là "Quy Luật Tổng Quát Thứ Ba", ghi trong cuốn Sách Xanh nói về con đường 'xã hội chủ nghĩa Ả Rập' mang màu sắc Libya.
Ý thức hệ này thực chất củng cố cho nhà nước công an trị, kết hợp với truyền thống bộ lạc châu Phi, bác bỏ cả chủ nghĩa tư bản kiểu Phương Tây và cộng sản Phương Đông.
Mục tiêu của nó là cổ vũ cho con đường "duy nhất đúng" của Libya, dưới sự lãnh đạo "thiên tài" của ông Gaddafi, người bị dư luận Phương Tây cho là hết sức lập dị trong cách ăn mặc diêm dúa.
Nhưng đây cũng là dấu hiệu ông Gaddafi có tham vọng muốn quốc tế hóa ý tưởng chính trị của mình.
Hình cuốn sách này được tôn thờ ở nhiều nơi và đã bị người biểu tình đập phá đợt vừa qua.

Ở trong nước là như vậy nhưng nay, một số lãnh đạo nước ngoài gặp khó khăn trong việc có giữ hay không 'Giải thưởng Nhân quyền Gaddafi".
Đây là giải thưởng chính quyền Libya tặng cho những ai họ nói là "đóng góp không mệt mỏi cho công cuộc phụng sự nhân quyền và tự do trên thế giới".
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hiện đang chịu sức ép từ dư luận là có giữ hay không giải nhân quyền quốc tế mang tên Gaddafi, kèm khoản tiền 50 nghìn đôla, vừa được trao hồi tháng 11/2010.
Một số giới tại Thổ Nhĩ Kỳ nói ông Erdogan nên trả lại giải sau khi có tin chính quyền Libya ra lệnh cho quân đội bắn vào người dân của chính nước họ.
Ngoài ông còn có cựu lãnh đạo Nam Phi, Nelson Mandela và tổng thống Venezuela, Hugo Chávez được trao giải này.

Dân chúng đập tượng các tấm Sách Xanh, kỷ yếu về ý thức hệ do ông Gaddafi lập ra
.
.
.
Martin Plaut
Chủ biên châu Phi đài BBC
Cập nhật: 14:42 GMT - thứ tư, 23 tháng 2, 2011

Trong lúc đại tá Gaddafi cố giữ quyền lực đang tan rã, có nhiều cáo buộc liên tục được nhắc lại rằng ông ta giữ quyền nhờ vào quân lính tuyển mộ từ các nước châu Phi.

Nhưng những người lính này là ai và đến từ đâu?

Câu trả lời, theo George Joffe, một chuyên gia về Libya làm ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Đại học Caimbridge, thì lực lượng này có thể hình thành từ thập niên 1980.
Lúc đó đại tá Gaddafi lập luận rằng trong vai trò một phần của thế giới Ả rập và Hồi giáo, Libya mở cửa cho bất kỳ ai là người Hồi giáo.
Kết quả là ông bắt đầu tuyển một một lực lượng mới, gọi là Lê dương Hồi giáo.
Thiết kế ban đầu nhằm bảo vệ thế giới Hồi giáo trước nguy cơ từ bên ngoài.

Lực lượng này thuộc Ủy ban Cách mạng Libya và hoạt động trong các chiến dịch quân sự của Libya ở châu Phi.
George Joffe nói đây là xuất phát điểm của các binh sĩ hôm nay.
"Lực lượng mà hôm nay gọi là lính đánh thuê nước ngoài trên thực tế là những người được đưa vào Libya trong chiến dịch tư tưởng của chính quyền về thế giới Hồi giáo, và nay họ được dùng để chống lại chính người dân Libya," ông giải thích.

Đa số binh sĩ này đến từ các nước mà Libya có quan hệ, gồm cả Mali và Niger, Chad và Sudan, là thành viên của liên minh vùng Sahara (Đại Sahel) mà Libya là lãnh đạo.
Nhưng cũng có thể, theo ông Joffe, rằng lực lượng này cũng gồm cả những người Hồi giáo Bosnia vốn từng có quyền được đăng tuyển.
Các binh sĩ chịu sự chỉ đạo của Đại tá Gaddafi và hoàn toàn trung thành với chế độ mà họ phụ thuộc.

Quốc tế thêm quan ngại về việc chính phủ Libya dùng binh sĩ nước ngoài, mà theo cáo buộc là đã thực hiện một số vụ thảm sát tệ hại nhất.
Liên đoàn Ảrập ra thông cáo mạnh mẽ lên án điều mà họ gọi là tội ác nhắm vào thường dân và tuyển mộ lính đánh thuê nước ngoài.
.
.
.

No comments: