Sunday, February 20, 2011

PHẢN ỨNG CỦA CSVN về việc NGOẠI TRƯỞNG MỸ HILLARY CLINTON CHỈ TRÍCH VIỆT NAM KHÔNG CÓ TỰ DO INTERNET

Đảng CSVN phản ứng về việc Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích Việt Nam không có tự do Internet
Cập nhật lúc 03:50, Chủ nhật, 20/02/2011 (GMT+7)

Theo báo chí nước ngoài, ngày 15-2, phát biểu ý kiến tại Trường đại học G.Oa-sinh-tơn, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn đã đề cập vấn đề "tự do in-tơ-nét". Trong đó, bà phê phán một số nước hạn chế không cho công dân tự do sử dụng in-tơ-nét, bắt giữ blogger chỉ trích chính quyền; đồng thời thông báo: Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tung ra trang mạng Twitter bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Ấn Ðộ, sau khi đã cho hoạt động mạng Twitter bằng tiếng A-rập, tiếng Farsi. Bà H.Clin-tơn còn tuyên bố năm 2011, Mỹ "sẽ chi 25 triệu USD để bảo vệ các bloggers đang bị ngăn cấm hoạt động" tại một số quốc gia...

Luận điệu của bà H.Clin-tơn tuy không mới nhưng vẫn gây phản ứng gay gắt trong dư luận, bởi qua đó cho thấy, Mỹ vẫn theo đuổi tham vọng áp đặt quan điểm riêng của mình lên các quốc gia khác; và nhân danh 'tự do in-tơ-nét', Mỹ đã có kế hoạch, ngân sách cụ thể, để phụ họa, thúc đẩy, khuyến khích hoạt động chống đối ở một số quốc gia. Vì thế, không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng, bất chấp các vấn nạn do in-tơ-nét đưa lại, Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng in-tơ-nét làm công cụ để gây bất ổn ở nhiều nước trên thế giới? Trên thực tế, câu hỏi này hoàn toàn hữu lý, nhất là khi liên hệ tới bài Tổng thống Ô-ba-ma bí mật ra lệnh nghiên cứu những nơi có thể nổi dậy đăng trên nguoi-vietonline mới đây. Bài báo cho biết, từ tháng 8-2010, Tổng thống Ô-ba-ma đã 'ra lệnh cho các cố vấn an ninh soạn thảo một bản báo cáo mật về những nơi trong thế giới A-rập có khả năng xảy ra biến động... Lệnh của ông Ô-ba-ma, tên chính thức là Chỉ thị nghiên cứu của Tổng thống (Presidential Study Directive), đưa ra những nơi có khả năng biến động, đặc biệt là Ai Cập, và yêu cầu đề nghị cách thức mà chính phủ có thể thi hành để thúc đẩy có sự thay đổi chính trị'!

Như cách nói của bà H.Clin-tơn, thì ngày nay in-tơ-nét đang trở thành 'không gian công cộng của thế kỷ 21'. Ðúng vậy, in-tơ-nét thật sự đã mở ra một không gian tri thức, hỗ trợ đắc lực cho việc tăng cường các mối quan hệ trong cuộc sống của loài người. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, in-tơ-nét cũng nhanh chóng bị biến thành một 'thế giới ảo' để một số người truyền bá các 'phản giá trị' và các sản phẩm 'phi văn hóa', tuyên truyền ý kiến cá nhân nằm ngoài chuẩn mực chính trị - đạo đức - văn hóa chung của cộng đồng; rồi nữa là lừa đảo thương mại, ăn cắp tài khoản cá nhân, tung tin bịa đặt để bôi nhọ và làm mất uy tín của một số cá nhân, tổ chức, chính phủ... Hẳn là bà H.Clin-tơn khó có thể bác bỏ tình trạng cùng tồn tại giữa 'vàng' và 'rác' trên in-tơ-nét đang đòi hỏi mỗi người khi tiếp xúc - sử dụng in-tơ-nét phải tăng cường khả năng chọn lọc, không đẩy mình vào tình thế 'lây nhiễm', đồng thời cũng đòi hỏi chính phủ các nước phải quan tâm quản lý để 'tự do trên in-tơ-nét' không tác động tiêu cực tới định hướng phát triển, tới an sinh xã hội, tới sự hoàn thiện của nhân cách. Từ quan niệm và từ góc nhìn nhân văn, liệu bà H.Clin-tơn có thể đồng tình với việc trên in-tơ-nét người ta trình bày cả kỹ thuật chế tạo bom mìn để phục vụ việc khủng bố, hướng dẫn kỹ năng giết người, quảng bá lối sống chạy theo bạo lực và trụy lạc? Bà H.Clin-tơn sẽ suy nghĩ, hành động ra sao nếu có kẻ sử dụng in-tơ-nét để kích động và gây rối xã hội Mỹ, thậm chí còn hung hăng kêu gọi phải lật đổ Chính phủ Mỹ? Thêm nữa, lẽ nào bà Bộ trưởng sớm quên sự kiện website Wikileaks đã làm cho Chính phủ Mỹ phải loay hoay đối phó, vì công bố hàng vạn trang tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ? Phải chăng, hàng loạt biện pháp đã được thực hiện để cô lập, vô hiệu hóa Wikileaks là phù hợp với quan niệm của Mỹ về 'tự do in-tơ-nét'?

Năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối với mạng in-tơ-nét toàn cầu. Từ đó đến nay, sau 14 năm, in-tơ-nét trở thành 'người bạn thân thiết hằng ngày' của hàng triệu người Việt Nam. Các con số như: 27 triệu người sử dụng in-tơ-nét, hàng trăm báo điện tử, hàng nghìn trang điện tử của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức xã hội và cơ quan báo chí, cùng hàng triệu blog,... đã đặt Việt Nam vào vị trí của một quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng in-tơ-nét hàng đầu trong khu vực, vào hàng cao trên thế giới. Các con số đó cũng đã trực tiếp khẳng định nếu không có quan niệm đúng đắn và nghiêm túc thì làm sao in-tơ-nét lại được Nhà nước Việt Nam quan tâm phát triển? Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia có chủ quyền, có sự lựa chọn con đường phát triển phù hợp các điều kiện chính trị - kinh tế - văn hóa riêng của mình, phát triển in-tơ-nét ở Việt Nam không phải là tạo ra cơ hội cho việc truyền bá các quan niệm ngược chiều với định hướng phát triển xã hội, cản trở, phá rối và gây bất ổn xã hội, xâm phạm lợi ích chung của cộng đồng, cổ vũ các hành vi bạo lực và trụy lạc... Bởi dù thế nào thì 'tự do in-tơ-nét' cũng không thể nằm ngoài khuôn khổ pháp luật và các giá trị nhân văn. Phát triển in-tơ-nét nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của mọi thành viên xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần, đó là nguyên tắc không chỉ Việt Nam, mà mọi quốc gia lấy sự hoàn thiện của xã hội - con người làm mục đích phấn đấu đều luôn luôn cố gắng tuân thủ. Liệu Mỹ có tự đặt mình ra ngoài nguyên tắc này?

Trong khi phê phán Nhà nước Việt Nam về vấn đề 'tự do phát biểu quan điểm', một số nhân vật trong chính giới Mỹ, các thế lực thù địch với Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường viện dẫn từ Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc. Nếu một mặt họ coi đó như là văn bản 'luật pháp chung và bắt buộc cho toàn thế giới', thì một mặt, họ lại có các hành xử rất đáng ngờ. Chẳng hạn khi viện dẫn khoản 2 Ðiều 19 Công ước về các quyền dân sự và chính trị có nội dung 'Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm' làm chiêu bài, thì họ tảng lờ khoản 3 cũng Ðiều 19 bảo lưu cụ thể: 'Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của Ðiều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a - Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b - Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng'. Tại sao họ tảng lờ khoản 3 này? Ðơn giản vì, đó là một bảo lưu rất chính đáng và cần thiết, nó đặt 'quyền tự do phát biểu quan điểm' trong khuôn khổ của luật pháp của mỗi quốc gia, trong khuôn khổ quan hệ giữa nghĩa vụ và trách nhiệm, trong quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội... Cũng có nghĩa là Công ước về các quyền dân sự và chính trị không thừa nhận tự do phát biểu quan điểm theo lối 'vô chính phủ', không thừa nhận việc lạm dụng 'quyền tự do phát biểu' làm phương hại tới an ninh quốc gia, tới xã hội và con người. Vì vậy, chắc chắn 'tự do in-tơ-nét' không phải là trường hợp loại biệt, nằm ngoài quan niệm này.

Khác với các giai đoạn trước, ngày nay thế giới đã và đang vận động trong các điều kiện riêng, đi cùng với các điều kiện đó là sự ra đời của các chuẩn mực mới trong quan hệ giữa các quốc gia. Trong đó, việc tôn trọng sự lựa chọn và con đường phát triển của mỗi quốc gia đã trở thành một tiêu chí quan trọng để xác định thái độ văn hóa và văn minh trong ứng xử quốc tế. Ðặc biệt, khi sự lựa chọn và con đường phát triển mang lại hiệu quả tích cực, có ý nghĩa 'ích nước, lợi dân' thì cộng đồng quốc tế cần khích lệ, ủng hộ, giúp đỡ. Quan hệ song phương giữa Việt Nam với Mỹ cũng vậy. Sau 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước ngày càng được tăng cường và mở rộng. Không ai khác, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2010, bà H.Clin-tơn từng phát biểu: 'Chúng ta đã quên đi quá khứ và đi xa hơn nữa. Chúng ta phải làm sao để có tương lai chung... Ðăn mừng ngày hôm nay cho hai chúng ta, chúng mình hãy hứa với nhau cùng nhau làm việc với nhau đđưa mối quan hệ lên tầm cao mới, tiếp tục đối thoại, tiếp tục hợp tác chứ không chia rẽ hay rời xa nhau'. Thiết nghĩ, đó là ý kiến cầu thị và tích cực. Cho nên, có thể coi ý kiến của bà H.Clin-tơn về 'tự do in-tơ-nét' ở Việt Nam, hôm 15-2 vừa qua, là hết sức đáng tiếc. Bởi phát biểu sai trái của bà vừa can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam, vừa là một ý kiến không góp phần nâng quan hệ giữa hai nước 'lên tầm cao mới'.

Trần Quang Hà
-------------------------

RFA
16.02.2011

Việt Nam nằm trong danh sách các nước có chế độ cầm quyền độc đoán ngăn cấm các nhà dân chủ và bất đồng chính kiến trên mạng sử dụng internet.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố như vậy tại Washington hôm thứ Ba 15-2, để bày tỏ những cố gắng và nỗ lực từ phía hành pháp Hoa Kỳ để ủng hộ các nhà dân chủ và bất đồng chính kiến trên mạng internet.

Trong bài diễn văn nói về tự do internet đọc tại Đại học George Washington , Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ cho người dân ở các nước cách thoát khỏi sự kiểm soát trên internet, khỏi các vụ tấn công internet mà các chính phủ một số nước áp dụng đối với công dân của mình.

Bà nhìn nhận thực tế internet đang bị ngăn chặn và kiểm duyệt tại khắp nơi trên thế giới, từ châu Á sang châu Mỹ:“Internet vẫn bị hạn chế bằng nhiều cách. Ở Trung Quốc, chính phủ kiểm duyệt nội dung và chuyển hướng các lệnh tìm kiếm sang các trang khác. Tại Miến Điện, các trang web đối lập bị tấn công bởi lệnh từ chối dịch vụ, còn tại Cuba, chính phủ cố gắng thiết lập một mạng trong nước thay vì cho phép người dân được truy cập internet toàn cầu. Còn tại Việt Nam, những blogger nào chỉ trích chính phủ bị bắt bớ.”
Và thực trạng này theo bà sẽ càng trở nên khó khăn hơn trong các năm sắp tới khi có hàng tỷ người tham gia vào mạng internet và các quyền cơ bản của họ không được chính phủ các nước tôn trọng.

Và do đó sự lựa chọn mà Hoa Kỳ có lúc này là đứng về phía người dân các nước, đảm bảo cho họ một mạng internet toàn cầu mở để đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp bất chấp những thách thức đi kèm với một mạng internet mở.
Bà Hillary nói:“Đối với Hoa kỳ, sự lựa chọn là rõ ràng, chúng ta đứng về phía của sự cởi mở, chúng ta hiểu một mạng internet cởi mở sẽ mang đến những thách thức và cần những luật lệ để bảo vệ chúng ta khỏi những tác động xấu, và tự do internet cũng có những căng thẳng như bất cứ quyền tự do nào khác, nhưng cái lợi lớn hơn cái giá phải trả.”
Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết Hoa Kỳ sẽ gia tăng thêm ngân sách để đầu tư vào các công nghệ, và khóa đào tạo giúp phá vỡ các rào cản mà chính phủ các nước độc tài đã dựng lên trên internet.
Bà Clinton cho biết Hoa Kỳ sẽ chi 25 triệu đô la năm nay để bảo vệ các bloggers đang bị ngăn cấm hoạt động tại Trung Quốc, Iran, Cuba, Syria, Vietnam, Miến Điện và Ai Cập.
Bà nói, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thành lập Twitter bằng tiếng Ả Rập và Farsi để liên kết với người dân tại tất cả các quốc gia Ả Rập và Iran, cung cấp cho họ phương tiện thông tin về dân chủ và quyền làm người.

Bà thách thức các nhà lãnh đạo cùng các chế độ độc tài hãy cho phép dân chúng nước họ được tự do sử dụng mạng Internet hoặc sẽ phải gánh chịu hậu quả như đã từng xảy ra đối với hai nguyên thủ quốc gia cầm quyền lâu năm như tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali.

Vẫn theo bà Clinton thì, lịch sử đã chứng minh mọi sự áp bức sẽ dẫn tới cuộc cách mạng, vì độc tài, quân phiệt chỉ thống trị người dân trong một giai đoạn nào đó, chứ không thể khóa miệng, xiềng xích họ mãi mãi.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng khẳng định là Hoa Kỳ mạnh mẽ ủng hộ quyền tự do internet trên toàn cầu, và cảnh cáo các quốc gia ngăn chặn Internet rằng họ không thể kềm hãm mãi mãi những bất mãn của công chúng, và sẽ có nguy cơ mất đi những lợi ích có được từ việc mở rộng kết nối internet.

Video : Hoa Kỳ cổ võ tự do Internet  

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: